Đó là “mệnh lệnh không lời” đối với mỗi người lính trong thời chiến cũng như thời bình. Điển hình như trong đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 9 đến ngày 12-10-2017 diễn ra trên toàn tỉnh Hòa Bình, lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hòa Bình đã vượt qua hiểm nguy, sẵn sàng ứng cứu, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Làm chủ trong mọi tình huống
Hòa Bình là địa bàn thường xuyên xảy ra mưa lũ, sạt lở đất, 10 năm qua, thiên tai, thảm họa đã gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng. Để đối phó, khắc phục tình trạng trên, các cấp ủy, chính quyền địa phương và LLVT tỉnh Hòa Bình luôn quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).
Cùng với đó, chú trọng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo thuận lợi trong việc cơ động lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện nhiệm vụ; công tác phối hợp, hiệp đồng giữa địa phương và các cơ quan, đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn được thực hiện thống nhất; đội ngũ cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, sáng tạo, không ngại nguy hiểm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ khó khăn, đột xuất...
Minh chứng việc làm trên, Đại tá Đinh Đình Trường, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình cho hay, những năm qua, đơn vị đã luôn chủ động xây dựng, bổ sung kế hoạch phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống cháy nổ, cháy rừng...
Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị đã phát huy tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, huy động, trưng dụng phương tiện, trang bị, vật tư của các doanh nghiệp, cá nhân, cơ quan, đơn vị ngoài Quân đội tham gia, bảo đảm được nguồn lực của các cấp, ngành, đáp ứng kịp thời xử trí các tình huống xảy ra.
Đơn vị luôn xác định, việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ-cứu nạn là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chiến đấu của LLVT tỉnh trong thời bình; bám sát phương châm “chủ động phòng chống, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó, lấy phòng là chính”; “3 trước” (nhận diện, chủ động phòng, chống trước; chuẩn bị phương án, phương tiện vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước), “4 tại chỗ”; thường xuyên phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, để góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Kể từ năm 2014 đến nay, LLVT tỉnh Hòa Bình đã tiếp nhận, đưa vào sử dụng 9 chiếc tàu, xuồng, 23 ô tô các loại; hơn 10.000 trang bị, phương tiện các loại phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm-cứu hộ. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đầu tư ngân sách địa phương hơn 500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự...
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra một số vụ thiên tai gây thiệt hại lớn như: Năm 2015 sập hầm khai thác than tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc với hơn 3.000m3 đất đá đổ vào hầm mỏ khiến 3 người chết. Đợt mưa lũ lịch sử từ ngày 9 đến ngày 12-10-2017, gây ra thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn toàn tỉnh Hòa Bình.
Cụ thể: Vào lúc 1 giờ 20 phút ngày 12-10-2017 tại thác Khanh (xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc) đã sạt lở hàng chục nghìn mét khối đất, đá khiến 18 người bị vùi lấp, thiệt mạng, phá hủy hoàn toàn 5 ngôi nhà, nhiều phương tiện, vật nuôi. Cùng thời điểm đó, tại địa bàn huyện Đà Bắc, mưa bão gây ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá làm 7 người chết, 5 người mất tích, 9 người bị thương. Sập hoàn toàn và bị lũ cuốn trôi 53 nhà, cháy một nhà; tốc mái 202 nhà; sạt lở đất vào 363 nhà; 559 hộ dân phải di dời khẩn cấp.
Ngày 30-7-2018, tại tổ 15, phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình mưa lớn dài ngày làm sạt lở bờ sông trên diện rộng làm 28 căn nhà bị sập, đổ xuống lòng sông Đà.
Ngày 4-11-2018, tại hầm khai thác vàng trái phép tại hang Cột Cờ (thôn Lộng, thị trấn Ba Hàng Đồi, huyện Lạc Thủy), do vỡ bể chứa nước, hàng nghìn mét khối bùn đất chảy vào hang làm 2 người trong hang bị vùi lấp dẫn đến tử vong...
Sẵn sàng có mặt nơi hiểm nguy
Khi chúng tôi nhắc đến vụ sạt lở đất ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình xảy ra tháng 10-2017, Đại tá Vũ Hải Ninh, trú tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, nguyên Phó chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình, người trực tiếp chỉ huy bộ đội tham gia dựng nhà bạt giúp nhân dân vùng lũ nhớ lại: “Đợt mưa lũ tháng 10-2017 gây thiệt hại trên diện rộng toàn tỉnh Hòa Bình, tôi được cấp trên phân công trực tiếp chỉ huy bộ đội ở huyện Đà Bắc. Ngày 11-10, trên hướng Đà Bắc, Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương do Thượng tá Lê Hoa Vương, Phó tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh chỉ huy các lực lượng thường trực của Ban CHQS huyện Đà Bắc cùng nhân dân thu gom tài sản, tìm kiếm người mất tích.
Từ ngày 12-10, tôi trực tiếp chỉ huy 21 cán bộ, chiến sĩ LLVT của Bộ CHQS tỉnh Hòa Bình và Ban CHQS huyện Đà Bắc phối hợp với lực lượng dân quân 2 xã khẩn trương dựng 44 nhà bạt cho người dân ở xóm Nhạp, xã Đồng Ruộng; xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa bị lũ cuốn trôi mất nhà để có nơi tránh trú an toàn cho hơn 200 hộ dân ở Đà Bắc bị mất hết nhà. Song song với việc dựng nhà bạt, tôi chỉ đạo các lực lượng kịp thời cung cấp đầy đủ thuốc, lương thực, thực phẩm, quần áo và các nhu yếu phẩm khác theo đúng tinh thần chỉ đạo “đảm bảo người dân có chỗ ở, không bị đói, rét, không để xảy ra dịch bệnh”.
Tiếp nối câu chuyện, Đại tá Vũ Hải Ninh kể: “Hằng ngày, chúng tôi hành quân bằng tàu ST 1200 của đơn vị vừa vận chuyển hàng hóa nhu yếu phẩm, đưa lực lượng đi giúp dân, vừa đưa đón cán bộ cấp trên đi kiểm tra, thăm hỏi nhân dân, vượt gần 40km lòng hồ sông Đà (mỗi chuyến đi về mất từ 6-8 giờ, tùy thuộc thời tiết, ngày hay đêm).
Sau đó, tiếp tục hành quân đường bộ trong điều kiện mưa bão, nhiều quãng đường lên vị trí dựng nhà bạt dốc trơn, lầy lội mới đến các điểm tập kết. Để dựng được nhà bạt ở đây, bộ đội phải phát quang, san nền, đào rãnh thoát nước, làm nhà vệ sinh... tất cả diễn ra khẩn trương trong mưa, gió, lạnh và muỗi vắt bám cắn. Mệt là thế, nhưng không ai kêu ca phàn nàn, anh em thay nhau nghỉ chớp nhoáng ăn tạm chiếc bánh mì, uống ngụm nước lọc rồi lại bắt tay vào việc. Dựng xong nhà bạt, chúng tôi lại tiếp tục giúp nhân dân vận chuyển đồ đạc, người già, trẻ nhỏ từ các bè, thuyền trên lòng hồ vào các nhà bạt và hướng dẫn họ sử dụng.
Tại khu di dời dân xóm Nhạp, một nhà bạt cấp đại đội được chúng tôi dựng lên và trở thành lớp học liên cấp xã Đồng Ruộng ở giữa rừng. Để huy động dựng được 44 căn nhà bạt, chúng tôi phải huy động sức mạnh tổng hợp mọi lực lượng, ai nấy đều làm việc không quản ngày đêm, dầm mình trong mưa bão với phương châm “tất cả vì tính mạng, tài sản của nhân dân...”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét