Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

SUY NGHĨ VỀ LÒNG BIẾT ƠN, SỰ TRI ÂN VÀ TÔN VINH NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI TỔ QUỐC!

         Trong một lần đến với quần đảo Trường Sa, tưởng nhớ những chiến sĩ hy sinh ở đảo đá Gạc Ma, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết bài thơ “Tổ quốc ở Trường Sa”, trong đó có đoạn “Có nơi nào như Đất nước chúng ta/Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ/Khi giặc đến vạn người con quyết tử/Cho một lần Tổ quốc được sinh ra…”. Đất nước Việt Nam yêu dấu của chúng ta có nền độc lập, hoà bình, tự do thực sự để mọi người dân Việt Nam có điều kiện phát triển toàn diện ngày hôm nay đã được tạo dựng nên bởi biết bao máu xương của lớp lớp người Việt Nam yêu nước. Tác giả bài thơ không chỉ khắc hoạ sự hy sinh anh dũng, kiên cường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” mà còn bày tỏ lòng biết ơn, sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với lớp lớp cha anh của mình, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.

Chiến tranh đã lùi xa, hoà bình đã trở lại trên đất nước hình chữ S ngót nửa thế kỷ, nhưng hậu quả và di chứng của chiến tranh để lại vẫn hằn sâu trong tâm trí những người đã đi qua thời “Hoa - Lửa” của dân tộc và cả ở thế hệ sinh ra sau chiến tranh. Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam đã viết: “Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”[1]. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”. Người còn căn dặn: “Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp các mạng mà mà các liệt sỹ đã để lại cho chúng ta”[2].

Kế thừa, phát huy truyền thống của dân tộc và khắc sâu lời Bác Hồ dạy, 75 năm qua, ngày 27/7 trở thành ngày mà mỗi người Việt Nam mãi mãi không được phép quên, không thể quên, luôn thể hiện lòng biết ơn, sự tri ân bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, coi sự tri ân, tôn vinh với thân nhân liệt sỹ, thương binh, gia đình có công,… là làm thay việc của những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam, chia sẻ sự mất mát và nỗi đau của cá nhân và gia đình họ. Vì vậy, gần 80 năm qua, bên cạnh việc làm của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng, cụ thể hoá bằng những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình người có công. Hiện nay, hơn 9,2 triệu người có công (chiếm khoảng 10% dân số) được hưởng chính sách ưu đãi. Hàng ngàn Bà mẹ Việt Nam anh hùng đang được phụng dưỡng. Mức sống của gia đình người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú. Số người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên gần 1,2 triệu… Ngoài chế độ trợ cấp, Nhà nước đã triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chế độ ưu đãi như: Chế độ hỗ trợ người có công về nhà ở, đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với người có công và con của họ; chế độ chăm sóc sức khỏe; đẩy mạnh công tác vận động xã hội, tham gia thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện... Thì, hàng năm, mỗi độ tháng Bảy về, người dân Việt Nam trên mọi miền Tổ quốc đều thể hiện sự tri ân, tôn vinh người và gia đình có công bằng cách đến dọn dẹp nghĩa trang liệt sỹ, dâng hương, dâng hoa; tặng quà, khám chữa bệnh,… Các cựu chiến binh không quản ngại khó, khổ, tiên phong đi tìm đồng đội, nhận nuôi, đỡ đầu thân nhân người có công với Tổ quốc, thăm viếng đồng đội, người thân, những người đã hy sinh ở các nghĩa trang liệt sĩ,… Đặc biệt, ngày 27 tháng 7 còn là dịp để muôn triệu trái tim người Việt chung một nhịp đập, hướng về những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã không tiếc tuổi thanh xuân, dâng hiến máu xương mình đổi lấy cuộc sống bình yên, hạnh phúc, độc lập, tự do cho đất nước hôm nay. Đứng trước anh linh của họ, thắp nén nhang thơm, mỗi người dân Việt Nam đều bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn, sự tri ân và tôn vinh những con người đã hy sinh vì Tổ Quốc, vì độc lập tự do và vì tất những gì tốt đẹp nhất của đất nước ngày hôm nay!
-------------------
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Nxb CTQG -ST, tr.401
[2] Hồ Chí Minh toàn tập, t.12, Sđd, tr.401.
Môi trường ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét