Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay luôn trân trọng hiền tài, coi hiền tài là báu vật của đất nước, “là nguyên khí của quốc gia”, quyết định đến sự trường tồn và phát triển của dân tộc.
1. Trọng dụng nhân tài đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy, Đảng ta đã có nhiều chủ trương đúng đắn để tập hợp lực lượng nhân tài, góp phần quan trọng đem lại thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong từng giai đoạn lịch sử.
Ngay sau khi đất nước giành được độc lập, trên Báo Cứu quốc ngày 14-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”. Người luôn kiên định, nhất quán quan điểm “tìm người tài đức” và “trọng dụng những kẻ hiền năng”; với quyết sách rộng lớn, tầm nhìn xa trông rộng, Người đã tập hợp, quy tụ được nhân tài thời kỳ đó rất đa dạng, thuộc nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, gồm các trí thức Hán học như: Huỳnh Thúc Kháng, Phan Kế Toại, Bùi Bằng Đoàn, Phạm Khắc Hòe... cũng như các trí thức Tây học như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Nguyễn Khánh Toàn, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Ở họ đều có một điểm chung đó là ý chí cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, anh dũng trong đấu tranh, sáng tạo trong lao động để góp phần giành lại độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã tập hợp được đông đảo nhân tài kiệt xuất, tuy khác nhau về xuất thân, địa vị xã hội nhưng họ đều là những trí thức yêu nước, nhiệt thành, tâm huyết trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, kiến thiết nước nhà
2. Sau khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nhận thức rõ vị trí, vai trò của nhân tài và việc trọng dụng nhân tài đối với sự phát triển của đất nước, Đảng ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo đúng đắn, huy động đông đảo nhân tài cả trong và ngoài nước, đóng góp lớn công sức cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Ngay từ những năm đầu đổi mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã chỉ rõ: “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài hình thành đội ngũ trí thức, có năng lực thực hành năng động sáng tạo”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 (khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng cũng nhấn mạnh: “Đặc biệt chú trọng phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài đóng góp cho sự phát triển của đất nước”. Công cuộc đổi mới của Đảng đặt ra ngày càng cấp thiết, đòi hỏi nhận thức của Đảng cũng như mong muốn của đội ngũ trí thức được đóng góp công sức cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân. Ngày 24-11-2023, Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”, trong đó xác định: “Kịp thời phát hiện nhân tài trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài”.
Nhằm hiện thực hóa những đường lối, chính sách của Đảng về thu hút, trọng dụng nhân tài, ngày 31-7-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quyết định nhằm góp phần đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thông qua những chủ trương đúng đắn, quyết sách chiến lược trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, nguồn nhân lực chất lượng cao, các chuyên gia, các nhà khoa học, trí thức của Việt Nam không ngừng phát triển cả về chất lượng và số lượng; thực sự là những người tiên phong trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... đóng góp vô cùng cần thiết cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, đánh giá việc thu hút, trọng dụng nhân tài trong thời gian qua, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận: “Các nguồn lực, tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chưa được phát huy tốt”; “chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển”; “thiếu cơ chế, chính sách đột phá trong đầu tư, huy động nguồn lực, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, tôn vinh trí thức, nhất là bộ phận trí thức tinh hoa, các nhà khoa học, nhà văn hóa lớn”.
3. Để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, quyết sách trong thu hút, trọng dụng nhân tài của Đảng, trước hết cần tăng cường nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhân tài đối với sự phát triển của đất nước. Việc đổi mới nội dung, phương pháp và tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động cũng như thúc đẩy sự đồng lòng, quyết tâm của các nhân tài trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước là rất cần thiết.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, bồi dưỡng gắn với bố trí, sử dụng đội ngũ nhân tài hợp lý. Vận dụng sáng tạo cách làm, quy trình công tác cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh để trọng dụng nhân tài thực sự; không dừng lại ở trong nghị quyết, quy trình lựa chọn mang tính hình thức, thiếu khoa học, trái với đường lối, chủ trương của Đảng, dẫn đến để lọt những cán bộ có phẩm chất kém, cơ hội, có biểu hiện chủ nghĩa cá nhân vào bộ máy nhà nước như thời gian qua. Yêu cầu đối với nhân tài được đào tạo phải trung thực, có tầm, có tâm; khi được trọng dụng phải phát huy hết tài năng cống hiến cho đất nước, dân tộc. Trách nhiệm của lãnh đạo các cấp trong việc thu hút, sử dụng nhân tài phải công tâm, khách quan, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp chung.
Cần tạo điều kiện thuận lợi, môi trường làm việc phù hợp cho nhân tài phát huy mọi khả năng sáng tạo. Các cấp lãnh đạo phải tin tưởng, mạnh dạn trao cho nhân tài những nhiệm vụ, công việc tương xứng với tài năng, đức độ để họ phát huy, cống hiến. Trong tình hình hiện nay, chú trọng xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, đãi ngộ nhân tài, đặc biệt thu hút các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu, trí thức có uy tín nhằm ngăn chặn tình trạng lãng phí nhân tài và “chảy máu chất xám”.
4. Được sống, làm việc trong thời đại văn minh trí tuệ hiện nay, Quân đội ta không thể phát triển hùng mạnh nếu không được xây dựng trên cơ sở lực lượng tinh binh, tinh cán. Với ý nghĩa đó, từ đầu năm 2014, Quân ủy Trung ương chính thức phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong Quân đội. Đây không chỉ là một cuộc vận động lớn nhằm biến sức mạnh truyền thống thành hành động cách mạng của cán bộ, chiến sĩ toàn quân ta mà còn là một thời cơ lớn, một môi trường rất thuận lợi để mọi quân nhân thực hiện những mục tiêu, lý tưởng khát khao, được thỏa sức mình trong học tập, rèn luyện, cống hiến, phát huy mọi khả năng, tài năng cống hiến cho Quân đội và Tổ quốc.
Trong những năm gần đây, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã triển khai một cách sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng về việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Hiện nay, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đang tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng và trình Chính phủ để ban hành Đề án "Chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài đối với Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Việc thu hút, đào tạo và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực quân sự hiện nay là một yếu tố không thể thiếu, mang tính chiến lược và cấp thiết để đáp ứng yêu cầu của việc xây dựng Quân đội trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây là nền tảng quan trọng, vững chắc để xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét