Thứ Năm, 18 tháng 7, 2024

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: HIỆP ĐỊNH GENEVA - ĐỈNH CAO THẮNG LỢI CỦA NỀN NGOẠI GIAO VIỆT NAM!

     Ngày 19/7, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam”!

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, đại diện gia đình các thành viên Đoàn đàm phán, ký kết và thi hành Hiệp định Geneva.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, trải qua 75 ngày thương lượng với 31 phiên họp, cùng với nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị, rạng sáng 21/7/1954, ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia lần lượt được ký kết. Hội nghị đã họp phiên bế mạc và thông qua “Tuyên bố cuối cùng” về Hiệp định lập lại hòa bình ở Đông Dương; từ đây đã mở ra một cục diện mới, buộc Pháp phải rút quân về nước, chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương, mở ra giai đoạn sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, phát huy sức mạnh và ảnh hưởng to lớn của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khẳng định tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và truyền thống hoà hiếu, tinh thần yêu chuộng hoà bình của Nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên trong lịch sử, các nước lớn tham gia Hội nghị Geneva đã công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là: chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và việc ký kết Hiệp định Geneva còn là thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc và yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Đây là sự mở đầu cho làn sóng sụp đổ của chủ nghĩa thực dân kiểu cũ, truyền cảm hứng và niềm tin cho các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Á, châu Phi và khu vực Mỹ Latin, đưa đến sự ra đời của nhiều nhà nước dân chủ nhân dân; tiếp tục trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn cho cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam vì độc lập, thống nhất của đất nước, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên giá trị; với những bài học kinh nghiệm hết sức quý báu, phản ánh sinh động nguyên tắc, phương châm, nghệ thuật đối ngoại, sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của nền ngoại giao Việt Nam cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; toả sáng ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Đó là các bài học về: giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các mặt trận chính trị, quân sự và ngoại giao; giữ vững độc lập, tự chủ, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc trên hết và trước hết; quán triệt sâu sắc phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”; phát huy sức mạnh của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giương cao ngọn cờ chính nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ, cùng với Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền bắc, tạo tiền đề xây dựng miền bắc trở thành hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền nam, đi tới thực hiện trọn vẹn mục tiêu độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

Về đối ngoại, Hội nghị Geneva 1954 là diễn đàn đa phương có sự tham dự, đàm phán trực tiếp của các nước lớn mà lần đầu tiên Việt Nam tham gia. Trong lần tham dự đầu tiên này, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có bề dày hàng nghìn năm văn hiến; có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập; thấm đượm tinh hoa văn hoá dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng nhiều bài học quý giá về đối ngoại, thể hiện bản sắc độc đáo của trường phái đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, đã được kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Paris 1973 sau này, cũng như trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Việc đúc kết các bài học lịch sử từ quá trình đàm phán, ký kết, thực thi Hiệp định Geneva 1954 có ý nghĩa rất thiết thực, góp phần phục vụ nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ sở lý luận, phương pháp luận cho đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh cũng như xây dựng, hoàn thiện và triển khai đường lối đối ngoại của Đảng trong các giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Nhìn lại 70 năm ngày ký Hiệp định Geneva cũng là dịp thế hệ ngày nay hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn và tri ân sự hy sinh và công lao to lớn của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ cách mạng tiền bối đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ vĩ đại./.


Yêu nước ST.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét