Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng là người tham gia quá trình soạn thảo “Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam” đã may mắn được nhiều lần gặp gỡ, làm việc, báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư - Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng. Nay, Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải xúc động, bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với Tổng Bí thư.
Xuất phát từ tính chất, đặc thù công việc, là người
được giao nhiệm vụ chắp bút trong ban soạn thảo “Chiến lược Quốc phòng và Chiến
lược Quân sự Việt Nam”, do đồng chí Đại tướng Phan Văn Giang (Tổng Tham mưu
Trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng), nay là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đồng chí
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) phụ trách, dưới
sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng và Quân ủy Trung ương. Quá trình làm việc, tôi được may mắn cùng
đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhiều lần vào gặp gỡ, làm việc, báo cáo
và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư - Bí thư Quân ủy Trung ương
Nguyễn Phú Trọng.
Nhớ buổi đầu tiên gặp Tổng Bí thư trong căn phòng
ông làm việc, tôi vô cùng ngỡ ngàng, bởi sự giản dị, chân chất đến khó tả. Từ
bộ bàn ghế rất mộc mạc, các chồng sách, tài liệu mà ông nghiên cứu được đặt
ngay ngắn. Tổng Bí thư ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống; với phong cách nhẹ
nhàng, thân mật ông hỏi thăm tình hình gia đình, cuộc sống, công việc. Trong
tôi như vơi đi sự hồi hộp lo lắng khi tiếp xúc với người lãnh đạo cao nhất của
Đảng. Mặc dù hơn sáu năm trước, tôi đã là Tư lệnh Quân đoàn 3, từng đón khi ông
vừa là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước vào thăm, làm việc với Quân đoàn 3 tại Tây
Nguyên. Được sự ủy quyền của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, tôi báo cáo đề cương
“Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam” với Tổng Bí thư. Ông
chăm chú lắng nghe, sau phần báo cáo, chúng tôi xin ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí
thư về bản đề cương. Ông trầm ngâm, suy nghĩ rồi chuyển lại cho chúng tôi bản
thảo mà trước đó Văn phòng Trung ương đã chuyển tới Tổng Bí thư. Ông không nhận
xét mà gợi mở cho chúng tôi: “Để xây dựng đề cương bản thảo, các chú nghiên cứu
trả lời 10 vấn đề”, mà sau đó là 13 câu hỏi mà Tổng Bí thư đặt ra. Đây chính là
13 vấn đề định hướng chiến lược bao trùm những nội dung cơ bản, đặt nền tảng
cho nghiên cứu chiến lược Quốc phòng - Quân sự sau này.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện
Chiến lược phối hợp với các cơ quan nghiên cứu. Càng nghiên cứu chúng tôi càng
thấm thía những nội dung, yêu cầu mà Tổng Bí thư yêu cầu giải đáp mang ý nghĩa
chiến lược thấu đáo, sắc sảo. Điều mà chúng tôi lo lắng đó là hai chiến lược đã
được triển khai từ nhiều nhiệm kỳ Đại hội của Đảng nhưng quá trình soạn thảo
không theo kịp với tình hình nên chưa thành công. Hiểu được điều đó, Tổng Bí
thư nhẹ nhàng căn dặn: “Làm chiến lược phải có tư duy chiến lược. Nhìn nhận xu
hướng trong quá trình vận động và phát triển. Không nên đòi hỏi sự cầu toàn.
Quá trình làm là quá trình tiếp thu, hoàn thiện”. Đây chính là chìa khóa mở
đường để chúng tôi can đảm và mạnh dạn tập trung trí tuệ, lao vào nhiệm vụ, bất
chấp thời gian, chắt lọc, tổng hợp, phản biện các vấn đề cốt lõi của chiến
lược.
Tôi nhớ lần sau khi báo cáo bản thảo, Tổng Bí thư
chỉ dẫn cho chúng tôi những nội dung cần tập trung luận giải thật khách quan,
phân tích sâu sắc, các luận cứ khoa học và thực tiễn về đối tượng quốc phòng,
quân sự. Ngoài yếu tố bên ngoài, vậy đối tượng “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”
có phải là giặc nội xâm không? Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn
với bảo vệ hòa bình, phải thế không? Quan điểm, phương châm, phương thức tiến
hành, tư tưởng chỉ đạo thế nào? Những vấn đề cơ bản như xây dựng nền quốc phòng
toàn dân gắn với an ninh nhân dân, nghệ thuật chiến tranh nhân dân, kết hợp
chặt chẽ hiệu quả giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng
cường quốc phòng an ninh, đối ngoại, chủ động bảo vệ tổ quốc “từ sớm, từ xa”,
có kế sách ngăn ngừa, loại bỏ nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ và giữ vững
môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.
Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, tập
trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Trong đó,
chú trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững, tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng đối với quân đội và sự nghiệp quốc phòng trong mọi tình
huống. Sẵn sàng đối phó mọi tình huống để giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết. Tập trung xây dựng công
nghiệp quốc phòng mang tính lưỡng dụng làm nòng cốt cho nền công nghiệp quốc gia.
Xây dựng, phát triển tập đoàn công nghiệp Viettel, tăng cường đối ngoại quốc
phòng trong thời kỳ hội nhập. Cùng đối ngoại Đảng nhà nước, ngoại giao nhân dân
tạo nên sức mạnh tổng hợp. Tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi
tiềm lực quốc gia. Tổng Bí thư chỉ rõ: Sức mạnh quốc phòng là sức mạnh của cả
hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương cần phải được
huy động vào cuộc, quyết liệt đồng bộ, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ.
Tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư, dưới sự lãnh đạo
của Quân ủy Trung ương, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bộ trưởng, Đại tướng Ngô
Xuân Lịch và Thủ trưởng Bộ quốc phòng, sau nhiều lần tổ chức hội thảo khoa học
với các đồng chí tướng lĩnh nhiều thế hệ, các nhà khoa học, các cơ quan, đơn
vị, học viện, nhà trường trong và ngoài quân đội, Bộ Chính trị khóa XII đã ban
hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/4/2018 về “Chiến lược quốc phòng Việt Nam”,
kết luận số 31-KL/TW ngày 16/4/2018 về “Chiến lược quân sự Việt Nam” tiếp tục
khẳng định nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với lực
lượng vũ trang, sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, là
bước phát triển mới về tư duy, nhận thức của Đảng đối với công cuộc bảo vệ Tổ
quốc “từ sớm, từ xa”, cụ thể hóa “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình
mới”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung
ương, một người có tư duy biện chứng và tầm nhìn chiến lược trong chỉ đạo xây
dựng “chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự” bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa, nhà chiến lược kiến tạo nên những định hướng cơ bản và then chốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không phải là một nhà quân sự chuyên nghiệp, nhưng
ông là một người uyên bác, với sự hiểu biết sâu rộng, tư duy tầm chiến lược về
lĩnh vực quốc phòng - quân sự. Điểm đột phá, cốt lõi trong tư duy của đồng chí
Tổng Bí thư chính là tư tưởng “Bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn
với bảo vệ hòa bình”, bởi hòa bình được coi là giá trị thiêng liêng “Bảo vệ môi
trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển”.
Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại sự
tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhân dân và với các lực lượng vũ trang, bạn bè
quốc tế. Một nhân cách liêm, chính, chí công, vô tư; một tấm gương sáng ngời về
đạo đức cách mạng, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì hạnh
phúc của Nhân dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại./.
Tác giả: Trung tướng, PGS. TS Nguyễn Đức Hải
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng - Bộ Quốc phòng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét