Cuộc đời và sự nghiệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của người cộng sản kiên trung, trọn đời sống cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, lý luận gắn liền với thực tiễn; một tấm gương tuyệt vời về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
13h38 phút, ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - một trái tim lớn của đất nước đã ngừng đập, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với cả dân tộc, Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Để góp tiếng nói làm rõ hơn những công lao to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với đồng chí PGS.TS Đào Duy Quát, nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.
PV: Thưa PGS.TS Đào Duy Quát, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, từng đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Xin đồng chí khái quát những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước?
PGS.TS Đào Duy Quát: Là người đồng hương cùng trang lứa, tôi kém anh Trọng 1 tuổi. Tôi làm công tác chính trị tư tưởng trong quân đội từ năm 1967. Anh Trọng làm công tác tư tưởng lý luận cũng từ năm 1967. Từ năm 1983 đến khi nghỉ hưu năm 2016, tôi từng công tác Viện Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Lý luận Văn học Nghệ thuật Trung ương nên tôi có điều kiện được trực tiếp làm việc, trao đổi, tâm sự trong nhiều dịp với anh Trọng nên tôi xin được nói những cảm nhận, những ấn tượng sâu sắc của tôi về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được sinh ra trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, người thanh niên Nguyễn Phú Trọng được trưởng thành dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, đã từng bước hun đúc cho mình lẽ sống và nhân cách cao đẹp. Từ 2/1967 - 8/1996, anh được rèn luyện, tu dưỡng, trưởng thành từ cán bộ biên tập qua các cương vị Phó Trưởng ban, Trưởng Ban xây dựng Đảng, Ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng Biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Có thể nói gần 30 năm sau tốt nghiệp Đại học, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được đắm mình trong môi trường của một cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Hoạt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thời kỳ cả nước đi vào kỷ nguyên mới, độc lập thống nhất và chủ nghĩa xã hội. Đặc biệt, 10 năm đầu của sự nghiệp đổi mới là những năm mà đồng chí công tác tại Tạp chí Cộng sản, đã phát huy vai trò là ngọn cờ lý luận chính trị tư tưởng của Đảng ta.
Đúng là 30 năm đầu của sự nghiệp, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thật sự đã được sống, học tập, tu dưỡng, rèn luyện để trở thành một nhà tư tưởng lý luận xuất sắc của Đảng. Đặc biệt là sau 5 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đồng chí Nguyễn Phú Trọng được thay mặt Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản nhận bức trướng của Ban Chấp hành Trung ương trao tặng nhằm ghi nhận Tạp chí Cộng sản đã kế thừa và phát huy truyền thống 60 năm vẻ vang, luôn giữ vững và phát huy trọng trách là ngọn cờ tư tưởng lý luận của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới.
Từ tháng 8/1996 đến tháng 6/2006, trong 10 năm này, hơn 1 năm, đồng chí giữ trọng trách trong Thường trực Bộ Chính trị, còn hơn 8 năm là Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội. Dấu ấn sâu đậm thời kỳ này của đồng chí Nguyễn Phú Trọng cùng tập thể Thành ủy khơi dậy khát vọng, phát huy Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi lắng hồn núi sông, xây dựng Hà Nội thanh lịch, thanh minh, hiện đại! Trên cơ sở phát huy tinh thần đại đoàn kết, xây dựng Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt quan tâm coi trọng phát huy có hiệu quả vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô.
Đến thời kỳ đồng chí làm Chủ tịch Quốc hội, đồng chí đã cùng với tập thể lãnh đạo của Thường vụ Quốc hội và Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, bài bản các hoạt động của Quốc hội để tiến một bước vững chắc trong thực hiện cả ba chức năng: Là cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước để quyết định những vấn đề trọng đại của dân tộc, những vấn đề quốc tế dân sinh rất quan trọng. Thứ hai là cơ quan lập pháp, thì bắt đầu đẩy mạnh luật pháp hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng tiến thêm một bước nữa. Thứ ba là cơ quan giám sát cao nhất đất nước, giám sát của Quốc hội cũng đã tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh, nâng lên tầm cao mới.
Đóng góp lớn nhất và quan trọng nhất của đồng chí Nguyễn Phú Trọng với cương vị là Tổng Bí thư từ khóa XI đến khóa XIII. Trong đó, khóa XI, thời kỳ này Đảng ta tuy đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn, khuyết điểm. Và khó khăn nhất lúc đó chính là nguy cơ suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Nguy cơ suy thoái này trong văn kiện đã đánh giá, nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ. Với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí dành sự quan tâm, lãnh đạo toàn diện để đẩy lùi nguy cơ suy thoái. Tuy khóa XI chỉ thực hiện được một bước nhưng chính từ hoạt động thực tiễn của khóa này đã giúp Đảng ta tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm.
Cũng trong khóa XI, trên lĩnh vực tư tưởng lí luận, với tư cách là Tổng Tư lệnh, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo tổng kết thực tiễn 20 năm của sự nghiệp đổi mới. Với tài năng, được đào tạo về lý luận rất cơ bản, có năng lực tổng kết và khái quát thực tiễn, đồng chí đã góp phần xứng đáng, bổ sung và phát triển Cương lĩnh năm 1991, tức là cương lĩnh 2011 (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội). Cương lĩnh bổ sung và phát triển được Đại hội Đảng lần thứ X thông qua. Đây là đóng góp rất quan trọng, vì Cương lĩnh là văn bản rất căn bản, kim chỉ nam cho toàn bộ tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn dân ta trong cả một chặng đường rất lớn của cách mạng.
Có thể nói thông qua tài năng, phẩm chất, năng lực tổng kết thực tiễn, khái quát lí luận, đồng chí với vai trò hạt nhân cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nhà khoa học và các nhà quản lý hình thành Cương lĩnh bổ sung đổi mới và phát triển năm 2011. Ở đây gồm cả bổ sung và phát triển các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà Nhân dân ta xây dựng, bổ sung và phát triển cả phương hướng và đặc biệt là các mối quan hệ lớn trong quá trình phát triển...
Sang khóa XII, chúng tôi thấy đóng góp tiêu biểu, nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương chuẩn bị thành công các luận cứ khoa học thực tiễn để Đảng ta tại Đại hội XII hình thành đường lối đổi mới toàn diện đất nước cả về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó xác định nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế, then chốt là xây dựng Đảng.
Đồng chí đã dốc tâm sức của mình để cùng với tập thể Ban Chấp hành hành Trung ương ra Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây là văn kiện thể hiện một bước phát triển rất quan trọng của Đảng ta trong triển khai chiến lược để chặn đứng, đẩy lùi nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nghị quyết này Trung ương đã nhận diện được 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa và đề ra được 4 hệ thống giải pháp vừa đồng bộ, vừa khả thi. Đó là giải pháp về tư tưởng chính trị, giải pháp về cơ chế chính sách, giải pháp về kiểm tra giám sát, giải pháp về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Nhân dân để xây dựng chỉnh đốn Đảng. Cả hệ thống 4 giải pháp này được chỉ đạo một cách đồng bộ và quyết liệt.
Đặc biệt, về mặt tổ chức có một thay đổi rất lớn, đó là Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, trước đây, Thủ tướng là Trưởng ban thì lần này Đảng quyết định Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng bản, cho nên sức mạnh lãnh đạo của Đảng được thống nhất thông qua Ban chỉ đạo Trung ương gồm tất cả các thành phần từ Quốc hội, Chính phủ, các ban, các cơ quan của Đảng và các cơ quan Nhà nước. Ban chỉ đạo này đã thực sự chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực một cách rất quyết liệt, bài bản. Thông qua cả hệ thống thực hiện 4 giải pháp đồng bộ nên khóa XII chúng ta đã tiến một bước rất quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng tiêu cực, lấy lại được lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng ta.
Sang khóa XIII, đồng chí Nguyễn Phú Trọng rất coi trọng sự đổi mới toàn diện cả kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại, quốc học, an ninh..., nhưng trọng tâm là kinh tế, then chốt là xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Vì thế, nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII, chúng ta đã đạt được thành tựu toàn diện được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tự hào. Tiềm lực, uy tín, vị thế của đất nước được nâng lên một bước rất đáng tự hào, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Và quan trọng là chúng ta đã chặn đứng được một bước nguy cơ, đã đấu tranh đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên hư hỏng không chỉ ở cấp dưới, cấp trung mà cả cấp cao, thực hiện được quyết tâm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Như vậy, một bước tiến cực kỳ quan trọng là chống tham nhũng nhưng vẫn phát triển được kinh tế, cho nên chúng ta đã vượt qua thách thức của đại dịch COVID-19, phục hồi kinh tế một cách ngoạn mục, được thế giới đánh giá cao. Chúng ta vừa phát triển được kinh tế, vừa chống được tham nhũng cho nên lòng tin của Nhân dân càng được nâng cao. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng thật dự là hạt nhân của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, là biểu tượng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.
PV: Như đồng chí vừa chia sẻ, trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng, tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị. Vậy, PGS.TS Đào Duy Quát có đánh giá như thế nào về những cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên vai trò của người đứng đầu Đảng ta?
PGS.TS Đào Duy Quát: Người đứng đầu có nghĩa là người phải chủ trì, định hướng để cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra Trung ương hình thành các nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng vừa đúng, vừa trúng. Ở đây với vai trò là nhà tư tưởng lí luận có tài và nắm chắc được thực tiễn, có phong cách lãnh đạo khoa học và dân chủ, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tổ chức đoàn kết được tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, chỉ đạo các cơ quan lí luận, tư tưởng tổng kết thực tiễn để hình thành các luận cứ khoa học giúp cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và chuẩn bị cho Trung ương và toàn Đảng ra được các nghị quyết trúng, đúng. Các Nghị quyết được ra đời từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, chúng ta thấy đây là sự đóng góp trực tiếp với vai trò là người chủ trì, định hướng. Và quan trọng nữa là tự đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi truyền đạt, kết luận các hội nghị đã có sức thuyết phục, lan tỏa.
Tôi có một ấn tượng rất sâu đậm là trên lĩnh vực văn hóa, đây là mặt trận mà chúng ta nói rất nhiều. Đảng cũng đã ra Nghị quyết từ khóa VIII để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng suốt gần 20 năm qua, những thành tựu về văn hóa không tương xứng với tiềm năng, đặc biệt là không tương xứng với phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... Chính đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương quyết định triệu tập Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chính tại Hội nghị này, đồng chí đã có bài phát biểu rất quan trọng, để vừa hệ thống lại toàn bộ nhận thức, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, bác Hồ, Đảng ta về vai trò, vị trí của văn hóa và đặc biệt là vai trò, vị trí văn hóa trong sự nghiệp thực hiện khát vọng phát triển nước ta trở thành nước phát triển phồn vinh. Đồng chí đã đưa ra một chủ chương rất lớn, đó là chấn hưng nền văn hóa Việt Nam. Bài phát biểu này không chỉ thuyết phục mà thật sự đi vào lòng người, khơi dậy cho tất cả hệ thống chính trị đều phải hành động.
PV: Với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều tư tưởng, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nguyên tắc hành động trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Tổng Bí thư khởi xướng và chỉ đạo đã phát huy hiệu quả, được khẳng định qua thực tiễn. Ý kiến của đồng chí về vấn đề này như thế nào?
PGS.TS Đào Duy Quát: Tôi nghĩ là cái lớn nhất nằm trong Nghị quyết Trung 4 khóa XII và kết luận của Trung ương khóa XIII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kết luận quan trọng này đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư cụ thể hóa bằng một loạt các quyết định, các quy định và quy trình… Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, kết luận khóa XIII cùng hệ thống các quyết định, quy định, quy trình trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là trong công tác cán bộ nên nửa nhiệm kỳ đầu của khóa XIII chúng ta đã thu được những kết quả rất tích cực, thực sự lấy lại được niềm tin của của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.
Chưa bao giờ như nửa nhiệm kỳ khóa XIII, chúng ta đã loại ra khỏi Trung ương hơn 20 ủy viên Trung ương, trong đó có tới 6 các đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị. Đây là những con số dù rất đau lòng nhưng thấy rõ ràng là kỷ luật của Đảng đã được giữ nghiêm, không có vùng cấm. Thế nhưng mặt thứ hai cũng thấy rằng, càng ngày chúng ta xử lý càng có lý, có tình hơn, nhân văn hơn.
Tôi lấy ví dụ, ta lo sợ cán bộ vì lợi ích chung mà vi phạm thì chúng ta lại có Nghị định bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nghị định này kịp thời khắc phục những hạn chế trong cơ chế, chính sách của chúng ta. Đặc biệt chỉ đạo các cơ quan từ kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đảng, điều tra của các cơ quan pháp luật để không trồng chéo, không gây hoang mang và tạo điều kiện cho tất cả các các cấp, các bộ, các ngành, các doanh nghiệp hoạt động...
PV: Có ý kiến đánh giá như sau: Ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chúng ta thấy rõ hiện thân của sự gương mẫu, nhất quán giữa nói và làm, sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ của một người cộng sản tiêu biểu, một tấm gương đảng viên mẫu mực trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. PGS.TS Đào Duy Quát đánh giá như thế nào về ý kiên này?
PGS.TS Đào Duy Quát: Tôi hoàn toàn nhất trí với đánh giá này. Tôi trực tiếp tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhiều lần, từ trong sinh hoạt đời thường đến khi chỉ đạo công tác, tấm gương lớn nhất của đồng chí là tấm gương đạo đức, sống liêm khiết. Đồng chí nói thuyết phục và luôn nói đi đôi với làm. Đồng chí không chỉ nói trong nghị quyết, truyền đạt nghị quyết trong toàn Đảng mà bản thân con người đồng chí và gia đình đã thể hiện tấm gương sống rất liêm chính, giản dị từ cách sống, ăn mặc, đi lại, sinh hoạt....
Tôi có một kỉ niệm nhỏ: Trước dịp Tết Nguyên đán gần đây, gia đình chúng tôi đến thăm gia đình đồng chí và chúng tôi lì xì mừng tuổi đồng chí. Đồng chí khéo léo kiểm tra xem lì xì có đúng như phong tục tốt đẹp của dân tộc, theo đúng nghĩa mỹ tục tốt đẹp chứ không mang ý nghĩa khác đi... Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương tuyệt vời trong thế kỷ này về việc học và làm theo tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn PGS.TS Đào Duy Quát đã dành cho chúng tôi buổi trao đổi đầy ý nghĩa này./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét