Bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm đẻ ra trăm thứ tác hại trong đời sống cán bộ, đảng viên hiện nay, song hệ lụy trước tiên đó là làm băng hoại đạo đức, biến con người thành cá nhân chủ nghĩa, gây mất đoàn kết nội bộ. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều lần người đứng đầu Đảng ta đã nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải giữ gìn phẩm chất trong sáng.
Sự hoài nghi, đố kỵ, ghen ghét, sợ người khác, tổ chức khác hơn mình nên lúc nào cũng tìm mọi cách để “đứng trên đầu, trên cổ” người ta, bằng các thủ đoạn chạy chọt, vơ vét thành tích, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác... Nhưng tiếc thay, thành tích mà họ có được là thành tích ảo, sức mạnh giả tạo. Đây chính là căn nguyên làm mất sự dân chủ, đoàn kết nội bộ, gây mất niềm tin trong cán bộ đảng viên, quần chúng nhân dân.
Ở góc độ kinh tế - xã hội, bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm cũng chính là hành vi tham nhũng, gây thiệt hại về vật chất cho Đảng, Nhà nước, kìm hãm sự phát triển nói chung. Bởi thông thường những cán bộ, đảng viên mắc phải căn bệnh này thì lòng tham không đáy. Một khi họ đã tranh được công, đổ được tội, thu lợi bất chính thì sẽ tiếp tục có những hành động tham ô khác, không từ một thứ gì miễn là vun vén lợi lộc cho mình. Các chuyên gia cũng nhận định, căn bệnh vơ thành tích, đùn đẩy trách nhiệm này cũng sẽ gián tiếp tác động đến việc ban hành chính sách. Hay nói cách khác để có lợi cho bản thân, họ sẽ “chạy” các chính sách theo hướng mang lợi cho họ, không nghĩ đến tập thể.
Trong bối cảnh hiện nay, tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm diễn ra khá phổ biến, có tác động trực tiếp tới sự phát triển của các lĩnh vực, ngành và sự vững mạnh của các tổ chức. Căn bệnh lo sợ trách nhiệm khiến cán bộ, đảng viên không dám làm, triệt tiêu sự sáng tạo, đổi mới; làm cho nhiều công việc trở nên trì trệ, ách tắc, không khai thông được nguồn lực, kìm hãm sự phát triển.
Tại Kỳ họp Quốc hội lần thứ bảy, khóa XV mới đây, lý giải nguyên nhân vì sao đầu tư công sau 4 tháng đầu năm 2024 chỉ đạt 17,46% kế hoạch, trong đó hơn 310 dự án có tỷ lệ giải ngân 0%; 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước? Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng một phần là do tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm còn khá nặng nề. Hệ quả là làm chậm quá trình phát triển của tổ chức, sự tiến bộ của cá nhân, nghiêm trọng hơn làm giảm sút niềm tin trong quần chúng với Đảng, Nhà nước, chế độ.
Đấu tranh ngăn chặn căn bệnh “nhận vơ” thành tích, đùn đẩy, lo sợ trách nhiệm là nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta hiện nay. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Một trong những điểm mới nổi bật ở Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đó là đã đề ra mục tiêu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"...
Theo số liệu của Ban Nội chính Trung ương, trong năm 2023, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; thi hành kỷ luật 105 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 22 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến tháng 2-2024. Trong số đó, không ít cán bộ, đảng viên từng là những tấm gương với nhiều thành tích.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét