TUYÊN TRUYỀN LÀ ĐEM MỘT VIỆC GÌ NÓI CHO DÂN HIỂU
“Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại. muốn thành công, phải biết cách tuyên truyền”[1]
Lời dạy trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trích trong bài: “Người tuyên truyền và cách tuyên truyền”, đăng trên Báo Sự thật, số 79, từ ngày 26 tháng 6 đến ngày 09 tháng 7 năm 1947. Đây là giai đoạn đầu thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, đòi hỏi Đảng ta phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ, nâng cao nhận thức của toàn dân về mục đích, tính chất, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng ý chí quyết tâm, củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào sự tất thắng của công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Đây cũng chính là phương châm, phương hướng phấn đấu, rèn luyện đối với mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ chuyên trách làm công tác tuyên truyền, công tác dân vận; là một phong cách mới trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng của Đảng ta nói chung, của mỗi cán bộ, đảng viên và người làm công tác tuyên truyền nói riêng. Trên cơ sở đó, công tác tuyên truyền của Đảng đã luôn bám sát mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, giai đoạn cách mạng; đặc điểm, tình hình của địa phương và nhân dân để lựa chọn đúng, trúng nội dung, phương pháp tuyên truyền, tạo nên sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân và sự thống nhất ý chí, hành động của toàn dân trong thực hiện mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp trong toàn quân luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân có lý tưởng chiến đấu cao đẹp, yêu nước, yêu chế độ, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với Nhân dân; đề cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, gan dạ, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và công tác; có tinh thần đoàn kết nội bộ tốt, tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn; tính kỷ luật tự giác, nghiêm minh, tinh thần quốc tế cao cả; gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân hết lòng giúp đỡ, tin yêu, ghi nhận và trao tặng danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Hằng năm, toàn quân có hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia làm công tác dân vận, các đoàn kinh tế – quốc phòng, cán bộ Bộ đội Biên phòng tăng cường xã… đã trực tiếp tham gia làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng – an ninh, phát triển kinh tế – xã hội; giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn; thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, mối quan hệ máu thịt quân – dân và “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011 , tập 5, tr.191
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét