Tư duy kinh tế mang dấu ấn thời đại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam".
Trong cuốn sách trên, thông điệp nổi bật xuyên suốt và cũng là tuyên ngôn về mục tiêu kinh tế của sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp".
Đồng thời, Tổng Bí thư cũng khẳng định công cụ để đạt mục tiêu đó là phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN): “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”.
Kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, là mô hình phát triển phổ quát trong thời đại hiện nay, có những đặc điểm, giá trị, nguyên tắc, chuẩn mực chung và vận động theo những quy luật chung; song thực tiễn thế giới đã, đang và sẽ tiếp tục cho thấy không có mô hình kinh tế thị trường duy nhất, đồng nhất được thiết kế chung theo kiểu sản xuất hàng loạt và áp đặt khiên cưỡng cho mọi chế độ xã hội khác nhau, mà có sắc thái riêng, có dấu ấn riêng ở mỗi quốc gia, tùy thuộc vào trình độ phát triển lực lượng sản xuất, bản chất chế độ xã hội và lịch sử, văn hóa, tập quán của từng quốc gia, dân tộc.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là sự vận dụng chọn lọc sáng tạo phù hợp xu hướng và kinh nghiệm phát triển kinh tế thế giới vào thực tiễn Việt Nam: “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả 3 mặt: Sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường XHCN đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)”.
Trong đó, các thành phần kinh tế hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành hữu cơ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng tồn tại, phát triển lâu dài. Các thành phần kinh tế được bình đẳng trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực phát triển và trách nhiệm, nghĩa vụ đối với đất nước, đối với xã hội. Phân phối các nguồn lực đầu vào cho sản xuất và phân phối sản phẩm làm ra bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và tạo động lực cho phát triển, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước...
Đặc biệt, Tổng Bí thư còn chỉ rõ kinh tế thị trường và tính định hướng XHCN không mâu thuẫn, mà có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; phát triển kinh tế thị trường để thực hiện mục tiêu XHCN; còn định hướng XHCN là đích hướng tới cho nền kinh tế thị trường. Điểm đến chung lớn nhất và mục tiêu cao nhất sẽ thành xu hướng tất yếu hợp lực và quy tụ mọi mô hình kinh tế thị trường trên thế giới, đồng thời, phản ánh dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam phải hướng đến giải phóng con người, lấy con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực, nguồn lực chính của quá trình phát triển đó.
Một điểm nhấn mới mẻ khác mang dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lần đầu tiên nâng cấp nhận thức về cơ chế quản lý nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam: Cơ chế đó không dừng ở yêu cầu kết hợp hài hòa hai bàn tay nhà nước với bàn tay thị trường như cách hiểu phổ biến lâu nay trên thế giới và ở Việt Nam, mà phải là giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước-thị trường-xã hội. Trong đó, nhà nước đóng vai trò bảo đảm, còn thị trường và xã hội thực hiện đúng chức năng của mình. Nhà nước không làm thay, mà sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của mình để định hướng và điều tiết nền kinh tế theo mục tiêu xã hội, không làm méo mó thị trường, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường.
Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất. Các vấn đề xã hội không phải đi sau kinh tế, mà giải quyết tốt các vấn đề xã hội cũng chính là tạo điều kiện, động lực cho tăng trưởng kinh tế... Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.
Điều đó có nghĩa là: Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trái lại, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế; khuyến khích làm giàu hợp pháp phải đi đôi với xóa đói, giảm nghèo bền vững, chăm sóc những người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững, theo định hướng XHCN”.
Hơn nữa, dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn thể hiện ở việc nhấn mạnh yêu cầu: “Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” trên cơ sở: “Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối, chiến lược phát triển kinh tế đất nước” và “Xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng”; trong đó, “Ý chí tự lực, tự cường và nội lực là quyết định, cơ bản, lâu dài; sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực từ bên ngoài là vô cùng quan trọng”; đồng thời cần: “Ưu tiên tìm kiếm và mở rộng thị trường cho hàng hóa, dịch vụ và lao động Việt Nam, thu hút nguồn vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý, nhất là FDI hướng vào các lĩnh vực ưu tiên của đất nước. Tích cực cùng các nước thúc đẩy đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực hiện các thỏa thuận FTA đa phương; nghiên cứu khả năng tham gia các sáng kiến đa phương trong khu vực về kết nối kinh tế và phát triển kết cấu hạ tầng; tiến hành đàm phán các FTA song phương thế hệ mới với các nước, nhất là với các đối tác thương mại lớn”.
Dấu ấn thời đại và sự khiêm tốn, cầu thị trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội tụ và tỏa sáng trong lời dặn dò mang tính tổng kết: “Đảng lãnh đạo và cầm quyền, trong khi xác định phương hướng chính trị và đề ra quyết sách, không chỉ xuất phát từ thực tiễn của đất nước và dân tộc mình, mà còn nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của thế giới và thời đại. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không thể biệt lập, đứng bên ngoài những tác động của thế giới và thời đại, của thời cuộc và cục diện của nó. Chính vì vậy, chúng ta phải chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi”.
Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã thực sự đem lại những thay đổi to lớn, rất tốt đẹp cho đất nước, góp phần giải phóng mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển, lực lượng sản xuất được tăng cường; nghèo đói giảm nhanh, liên tục; đời sống nhân dân được cải thiện, nhiều vấn đề xã hội được giải quyết; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng được mở rộng; thế và lực của quốc gia được tăng cường; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố. Đó là những thành tựu không thể phủ nhận cả trong các báo cáo và thực tiễn kinh tế.
Những tư duy kinh tế mang dấu ấn thời đại nêu trên cùng với các tư tưởng chỉ đạo khác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận trong các bài viết và phát biểu đa dạng của mình về các lĩnh vực khác nhau đã không chỉ góp phần làm giàu thêm kho báu tri thức, tạo được những bước đột phá về lý luận phát triển, khai thông những điểm nghẽn về tư duy, nhận thức, quan điểm phục vụ cho việc hoàn thiện thể chế, xây dựng đường lối, chủ trương, định hướng, chính sách phát triển; khơi dậy khát vọng và phát huy ý chí, quyết tâm vươn lên của cả dân tộc phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra, nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, đạt mục tiêu đến năm 2045, nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Những tư duy đó cần được tiếp tục quán triệt, bổ sung, khai thác và làm giàu thêm trong thời gian tới thông qua “xây dựng được một cơ chế và tạo môi trường thuận lợi để thu hút, tập hợp được đông đảo đội ngũ cộng tác viên, những chuyên gia, những nhà khoa học giỏi, có tâm, có tầm trên tất cả các lĩnh vực của đất nước; mở rộng các hình thức thảo luận, tranh luận, đối thoại lý luận trên tinh thần khoa học, dân chủ, cầu thị; thật sự trân trọng những ý tưởng, những đề xuất lý luận có giá trị, hữu ích cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và cho quốc kế dân sinh” như chỉ đạo của Tổng Bí thư trong Hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021, bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng Lý luận Trung ương ngày 17-4-2021 tại Hà Nội.
Những dấu ấn thời đại trong tư duy kinh tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ có giá trị to lớn đối với Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà còn tạo hứng khởi và được nhiều học giả, lãnh đạo nhiều Đảng Cộng sản quốc tế đánh giá cao. Họ cho rằng các quan điểm kinh tế ấy rất thiết thực và hữu ích, giúp giai cấp vô sản hiện nay và những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội hiểu được vị trí, vai trò của mình và định hướng để vượt qua các khó khăn, đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống áp bức và bóc lột, nỗ lực giải phóng nhân loại, mang lại hạnh phúc cho con người trong điều kiện khủng hoảng toàn cầu của hệ thống kinh tế - chính trị tư bản chủ nghĩa, sự phân chia lại thế giới hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét