Thứ Hai, 29 tháng 7, 2024

TỪ TÁC PHẨM “TỰ CHỈ TRÍCH” CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ SUY NGHĨ VỀ CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CHỈNH ĐỐN ĐẢNG VÀ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ HIỆN NAY

 

Nhân dịp 112 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/7/1912-9/7/2024) chúng ta đọc lại tác phẩm "Tự chỉ trích", suy ngẫm, thấm thía những luận điểm về tự phê bình và phê bình, tham khảo phương pháp luận khoa học, thế giới quan và nhân sinh chính trị đúng đắn để tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay.

1. Trong những trang vàng lịch sử Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ để lại dấu ấn là một lãnh tụ xuất sắc của Đảng, một người con ưu tú của dân tộc, “tuổi trẻ tài cao”, với ước nguyện cao đẹp, xả thân vì lý tưởng cứu dân cứu nước, một tài năng chính trị lỗi lạc có tầm nhìn chiến lược linh hoạt và phương pháp cách mạng khoa học. Đồng chí là hiện thân về đạo đức cách mạng nhiệt thành, trong sáng, kiên trì học tập, thấm nhuần chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định nguyên tắc Đảng, luôn từ thực tiễn để tiếp cận chân lý.

Trình độ lý luận chính trị vững vàng, thực tiễn đấu tranh phong phú, khả năng tập hợp, đoàn kết được cán bộ, đảng viên, quần chúng giúp đồng chí có nhiều kinh nghiệm trong việc chỉ đạo cách mạng. Năm 26 tuổi đồng chí nhận trọng trách là Tổng Bí thư của Đảng (3/1938). Đồng chí đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế với lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng của lãnh tụ nguyễn Ái Quốc, cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng giải quyết những yêu cầu đúng đắn của cách mạng Việt Nam và Đông Dương đề ra. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ có vai trò định hướng quan trọng tại Hội nghị Trung ương 6 tháng 11/1939. Trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Trung ương Đảng đã nhanh chóng, kịp thời quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng phù hợp với thực tiễn thời cuộc lúc đó. Trung ương đánh giá đầy đủ vấn đề dân tộc, chỉ rõ mâu thuẫn chủ yếu ở Đông Dương là mâu thuẫn giữa các dân tộc trên bán đảo này với chủ nghĩa đế quốc Pháp và bè lũ tay sai, coi nhiệm vụ tập hợp toàn dân để đấu tranh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng.

Giữa lúc phong trào cách mạng của dân tộc đang bước vào cao trào mới thì ngày 18/1/1940, đồng chí bị địch bắt. Năm 1940, bọn đế quốc Pháp kết án tử hình đồng chí. Ngày 28/8/1941, đồng chí bị quân thù bắn ở Bà Điểm, Gò Vấp (Gia Định). Trước họng súng của kẻ thù, đồng chí vẫn giữ khí phách hiên ngang, bất khuất, kiên trung của người cộng sản luôn vì Đảng, vì Nhân dân, vì Tổ quốc.

Tuy cuộc đời dừng lại khi còn rất trẻ, đồng chí đã kịp để lại cho Đảng ta một số tác phẩm quý báu, mang tầm tư tưởng và trí tuệ, thể hiện tư duy lý luận chính trị sắc sảo, nhãn quan chính trị nhạy bén, quan điểm về tính Đảng, tính nguyên tắc rõ ràng. Trong đó “Tự chỉ trích” là một văn kiện quan trọng về tổng kết kinh nghiệm đấu tranh cách mạng thời kỳ Mặt trận Dân chủ và là “cẩm nang” trong xây dựng Đảng về tư tưởng, lý luận chính trị, thực hành nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng, cho đến nay vẫn còn mang ý nghĩa thời đại.

Tác phẩm “Tự chỉ trích” ra đời vào tháng 7/1939. Vào thời điểm đó, sự thắng thế của các phần tử tờ-rốt-kít dẫn đến thất bại tạm thời của Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Một số cán bộ, đảng viên dao động, tranh cãi, công kích lẫn nhau, viết bài đăng báo, với nhiều luồng tư tưởng lệch lạc về đường lối của Đảng, xuất hiện chủ nghĩa bè phái, chia rẽ trong nội bộ Đảng. Với tư cách là Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Cừ cảm thấy “không thể giữ thái độ lãnh đạm hay mù mờ”, “có trách nhiệm phải tham gia vào cuộc thảo luận”, “phải định rõ thái độ”, “có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh”. Cùng với việc khởi xướng đấu tranh lý luận trên các mặt trận báo chí, tuyên truyền, giáo dục, đồng chí Nguyễn Văn Cừ viết tác phẩm “Tự chỉ trích” in trong tập sách Dân chúng xuất bản tháng 7/1939 với bút danh Trí Cường. Thông qua khái quát những vấn đề tư tưởng, nhận thức, tranh luận và giải đáp, giác ngộ chính trị cho đảng viên, khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc bấy giờ. Tác phẩm đã chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương tháng 11/1939.

Bằng phương pháp bút chiến, đồng chí tranh luận và giải đáp một số vấn đề đặt ra trong tư tưởng, nhận thức với mục đích: “Để thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động! Củng cố hàng ngũ để chóng thực hiện sự thống nhất các tầng lớp nhân dân”. Đồng chí kêu gọi dùng phương pháp “tự chỉ trích” để nhận diện và đấu tranh với các khuynh hướng sai lầm trong Đảng lúc bấy giờ: “Chúng ta phải chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ: xu hướng “tả khuynh”, cô độc, nó muốn làm cho Đảng cô lập rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng, và xu hướng thỏa hiệp hữu khuynh lung lay trước những tình hình nghiêm trọng, nhãng quên hoặc che lấp sự tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh”.

Đồng chí cho rằng: “Đảng vì còn trẻ tuổi còn phạm nhiều khuyết điểm, nhiều sự sai lầm; điều ấy Đảng luôn luôn tự chỉ trích thành thật và mạnh dạn công nhận để sửa đổi” với thái độ “…không bi quan hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ”. Từ bản lĩnh và nhận thức đúng đắn của người cộng sản, đồng chí khẳng định: “Công khai, mạnh dạn thành thực vạch những lầm lỗi của mình và tìm những phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu thỏa hiệp không phải là làm yếu Đảng mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Cũng không sợ “địch nhân lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc”. Trái lại, nếu “đóng kín cửa bảo nhau”, giữ cái vỏ thống nhất mà bề trong hổ lốn một cục đầy dẫy bọn hoạt đầu, đó mới chính là để cho quân thù chửi rủa, hơn nữa, đó tỏ ra không phải là một đảng tiền phong cách mạng, mà là một đảng hoạt đầu cải lương”.

Đồng chí đặc biệt coi trọng vấn đề phương pháp trong phê bình và tự phê bình. Để thống nhất ý chí và hành động, mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận và tự chỉ trích nhưng phải có nguyên tắc. Nguyên tắc đó là “tự chỉ trích bôn sê vích”, phải biết trọng uy tín của Đảng, coi nó là cốt yếu, hiểu rõ mục đích tự chỉ trích để tự huấn luyện, làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng được càng thống nhất và củng cố, đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi chứ “không phải là công kích Đảng, mạt sát Đảng, đặt danh dự cá nhân lên tất cả quyền lợi của Đảng, của cách mạng”.

Theo đồng chí, “cần thiết phải để cho sáng kiến và sự hoạt động theo sáng kiến của các đảng viên được phát triển, làm cho các đảng viên giác ngộ rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình, biết xoay phương hướng trong những hoàn cảnh khó khăn nghiêm trọng, biết tự chỉ trích đúng và kịp thời những khuyết điểm sai lầm”…

Tác phẩm là một mẫu mực về phương pháp tự phê bình và phê bình - "chìa khóa vạn năng" để củng cố và tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xây dựng đội ngũ trong sạch, vững mạnh. Trong tiến trình lãnh đạo cách mạng suốt 92 năm qua, Đảng ta đã luôn sử dụng chiếc “chìa khóa” đó dưới nhiều cách gọi khác nhau: “cả quyết sửa lỗi mình”, “tự chỉ trích”, “tự soi, tự sửa”, “sửa sai để tiến lên”, “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật”, "tự phê bình và phê bình"... "Công khai mạnh dạn, thành thực vạch những nhầm lỗi của mình và tìm phương châm sửa đổi” “để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển” như đồng chí Nguyễn Văn Cừ từng nêu.

2. Nhân dịp 112 năm Ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ (9/71912-9/7/2024) chúng ta đọc lại tác phẩm "Tự chỉ trích", suy ngẫm, thấm thía những luận điểm về tự phê bình và phê bình, tham khảo phương pháp luận khoa học, thế giới quan và nhân sinh chính trị đúng đắn để tiếp tục công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay. Nếu trong Đảng không thống nhất tư tưởng và hành động, mạnh dạn, quyết liệt đấu tranh để khắc phục những sai lầm, khuyết điểm thì vận mệnh của Đảng sẽ gay go. Điều đáng mừng là Đảng ta không sợ nhìn ra khuyết điểm, công khai, thành thực để sửa lỗi, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình luôn là một nguyên tắc thiết yếu.

Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XI, XII, XIII, với tinh thần “tự chỉ trích”, tự phê bình và phê bình quyết liệt, Trung ương đã thẳng thắn đánh giá, nhận diện tình hình, nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm, bổ sung, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định quan trọng về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đảng ta đã thẳng thắn nhận diện, công khai thực trạng vấn nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực, suy thoái như nhạt phai lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, giảm sút ý chí chiến đấu, đề cao chủ nghĩa cá nhân thực dụng, cơ hội, bè phái cục bộ, lợi ích nhóm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, công tác cán bộ, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; vi phạm các quy định pháp luật; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm đạo đức, lối sống… của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tại các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức mạnh, uy tín và năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta, làm tổn hại đến lợi ích của Nhà nước, của quốc gia và nhân dân, làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, là cơ hội cho các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Câu chuyện nóng bỏng nhất hiện nay được dư luận quan tâm là “cuộc đại phẫu”- đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong bộ phận cán bộ, đảng viên. Với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã triển khai kiên trì, quyết liệt có nhiều bước tiến mạnh, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giữ vững ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vừa qua, Đảng, Nhà nước đã xử lý nghiêm minh nhiều vụ án, vụ việc, cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, một số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn, liên quan đến nhiều cán bộ cấp cao ở Trung ương và địa phương. Theo Ban Nội chính Trung ương, trong hơn 10 năm qua, Ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đây không phải là con số của thành tích mà là con số của tổn thất, là nỗi đau, sự nhức nhối trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trung ương khẳng định quyết tâm, phát hiện đến đâu thì xử lý đến đó, phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời thì đạt hiệu quả, giảm thiểu hậu quả.

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi là then chốt, cốt yếu hiện nay đang được thực hiện toàn diện về tư tưởng chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ trên cả hai mặt “xây” và “chống”, phòng ngừa và xử lý. Trong đó, xây là cơ bản, lâu dài, chống là quan trọng, cấp bách. Phải xử lý cán bộ, đồng chí của mình, đó là một đau xót của tổ chức nhưng không thể không làm, mục đích là răn đe, là cảnh tỉnh, là ngăn ngừa, là thượng tôn pháp luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định sẽ thường xuyên sàng lọc, rà soát kịp thời và kiên quyết đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách đảng viên với tinh thần “thà ít mà tốt”. Đồng thời, Đảng và Nhà nước cũng đang khẩn trương nhận diện những lỗ hổng và khuyết tật của cơ chế, tình trạng buông lỏng công tác quản lý, giám sát quyền lực; “dọn dẹp”, sửa đổi thể chế để theo kịp với sự phát triển và thay đổi của xã hội, tạo động lực cho phát triển, hạn chế việc sai, mắc lỗi. Trên hết, trước hết, tự phê bình và phê bình vừa như chiếc kính hiển vi soi chiếu, kịp thời phát hiện, nhận diện những biểu hiện sai trái, kịp thời sửa chữa, đấu tranh; vừa như “tấm lọc” hữu hiệu góp phần thanh lọc, ngăn ngừa nguy cơ diễn biến của những khuynh hướng sai lầm. Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, trong đó tự phê bình và phê bình được thực hiện từ Trung ương đến chi bộ là yêu cầu có tính nguyên tắc được đề cao và phải thực hiện nghiêm, thường xuyên, liên tục.

Càng đi sâu vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chúng ta càng thấy tầm quan trọng của việc thực hành tự phê bình và phê bình trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn từ gốc, từ sớm, từ xa, không để những vi phạm nhỏ tích tụ thành những sai phạm lớn. Tuy đây là nguyên tắc căn bản đã được khẳng định qua thời gian, được yêu cầu cần tiến hành thường xuyên như một thói quen, hành xử văn hóa trong sinh hoạt đảng, nhưng trên thực tế đây vẫn là “khâu yếu trong sinh hoạt đảng”. Một thời gian dài, nguyên tắc tự phê bình và phê bình ở một số nơi bị buông lỏng, thực hiện không nghiêm, chưa thực chất, chưa thường xuyên, chưa liên tục, còn hình thức. Dẫn đến một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu chưa nhận thức đúng đắn, chưa nhận diện đầy đủ các biểu hiện tiêu cực, mức độ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tại địa phương, cơ quan, đơn vị mình… Chỉ đến khi sự việc bung bét, xuất hiện các cá nhân, tập thể vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật thì mới “vỡ lẽ” là các biểu hiện suy thoái, vi phạm đã diễn ra âm thầm, từ từ mà không được phát hiện, hoặc phát hiện mà không được đấu tranh đến nơi đến chốn.

Vũ khí phê bình, tự phê bình có lúc có nơi bị vô hiệu hóa, thậm chí có sự bao che, dung dưỡng vi phạm, có sự cấu kết, móc nối, bắt tay thỏa hiệp giữa cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất với các doanh nghiệp, tổ chức để trục lợi. Cái xấu, cái sai len lỏi trong mỗi con người, mỗi tổ chức đảng và dần được chấp nhận như một điều bình thường bởi không ai lên tiếng. Việc thể hiện quan điểm, chính kiến trở thành dị biệt, khó chấp nhận. Hệ quả của việc buông lỏng nguyên tắc này là làm tê liệt, giảm sức chiến đấu của tổ chức đảng. Chủ quan trong nhận diện tình hình, sai lệch trong nhận xét, đánh giá, lơi lỏng trong kiểm tra, giám sát, chậm trễ trong chấn chỉnh dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng, nhiều cán bộ, đảng viên, thậm chí là cán bộ cấp cao vướng vào sai phạm, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật.

Tự phê bình và phê bình là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng. Đảng viên có quyền và có trách nhiệm nói lên chính kiến của mình, nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng tình hình, tự soi tự sửa mình và tổ chức. Tổ chức cơ sở đảng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, lắng nghe, tôn trọng, tạo môi trường dân chủ, cởi mở cho đảng viên lên tiếng. Phải tạo thành văn hóa thực hành tự phê bình và phê bình, tránh qua loa, hình thức, chiếu lệ, xuê xoa; tránh các biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”; cũng tránh lợi dụng kiểm điểm, phê bình để đấu đá, hạ bệ, vu khống, bôi nhọ, chỉ trích nhau với động cơ không trong sáng; thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, thờ ơ, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân, phụ họa theo nhận thức và quan điểm sai trái, lệch lạc. Để tạo dựng được thói quen, phương pháp tự phê bình và phê bình thực chất, cá nhân, tổ chức phải có phẩm chất trí tuệ, nền tảng văn hóa, đạo đức, niềm tin và lòng trung thành, tư duy thực tiễn, thực hành trên nền tảng tư tưởng, vững vàng lý luận chính trị, các nguyên tắc rường cột của Đảng.

Công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị hiện nay đang thể hiện quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ và hiệu quả hơn, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đang được đẩy lên một giai đoạn mới, cam go, phức tạp hơn. Văn bản, chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Trung ương ban hành đến nay đã tương đối đầy đủ, bổ sung căn cứ, cơ sở để thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đi vào cả chiều rộng lẫn chiều sâu, trong đó có công tác tự phê bình và phê bình được nhấn mạnh như một nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Nhưng để thực hành thực chất, hiệu quả phải dựa vào ý thức tự giác của mỗi đảng viên, của tổ chức cơ sở đảng, đặc biệt là sự nêu gương của người đứng đầu. Sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của báo chí, truyền thông và toàn xã hội là sức mạnh tổng hợp để tạo nên những bước tiến quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bài học về “thống nhất nhận thức để thống nhất hành động” đòi hỏi phải khắc phục cho được tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, đòi hỏi quyết tâm chính trị, cả hệ thống vào cuộc, hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân là vấn đề cấp bách, nhiệm vụ sống còn bởi liên quan đến uy tín, danh dự, sức mạnh và sự tồn vong của Đảng, sự ổn định chính trị - xã hội và phát triển bền vững của đất nước trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, vũ khí hiệu năng nhất là phê bình và tự phê bình cần phải phát huy được hết công hiệu của nó. Vì thế tác phẩm Tự chỉ trích càng tỏ rõ giá trị bền vững quý giá, càng nóng bỏng tính thời sự trong thời điểm hiện nay. Tự phê bình và phê bình để đi đến thống nhất ý chí và hành động, đó là bài học của quá khứ, bài học của hiện tại và vẫn là bài học quý giá cho tương lai./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét