Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kế thừa những giá trị tinh hoa trong truyền thống văn hóa dân tộc, vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Theo Người, để quần chúng nhân dân thực hiện được vai trò cách mạng của mình thì cần thực hiện công tác dân vận. “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”(1); đồng thời, để thực hiện tốt công tác dân vận, mỗi chủ thể tiến hành công tác dân vận phải có phương pháp dân vận cụ thể, dân vận khéo, bởi “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”(2). Tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận biểu hiện ở những nội dung sau:
Thứ nhất, phương pháp dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là “lấy dân làm gốc”. Đây là nét đặc sắc tạo nên giá trị, cốt cách trong tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận Hồ Chí Minh. Bản chất phương pháp “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thực hiện công tác dân vận là để làm lợi cho dân và để nhân dân hăng hái tham gia, ủng hộ sự nghiệp cách mạng. Phương pháp “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhất quán với quan điểm nhân dân là chủ thể tổ chức và chủ thể hành động cách mạng; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều vì dân”(3). Người khẳng định, phương pháp “lấy dân làm gốc” là phải dựa chắc vào nhân dân, vì nhân dân luôn là chủ thể và gốc rễ của mọi thành công, cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”(4).
Thứ hai, phương pháp phát huy dân chủ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Nước ta là nước dân chủ”(5). Dân là gốc của nước, là chủ thể của mọi hoạt động sáng tạo lịch sử, là chủ vận mệnh của nước nhà, do đó, dân chủ là tiền đề để thực hiện dân vận. Phát huy dân chủ trong công tác dân vận chi phối thái độ, hành vi, phương pháp ứng xử của người làm dân vận trong quan hệ với nhân dân và là điều kiện, nguyên tắc, mục đích của toàn bộ hoạt động dân vận. Thực chất phương pháp này là thực hành dân chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân mọi lúc, mọi nơi, trong mọi công việc và đều hướng đến dân, tất cả vì dân, nhân dân được tham gia xây dựng và kiến thiết nước nhà. Do vậy, trong nhận thức và thực hành công tác dân vận, các chủ thể tiến hành dân vận cần phát huy tốt vai trò của nhân dân, huy động mọi nguồn lực ở nơi dân, xây dựng môi trường dân chủ thực sự, bằng nhiều hình thức để nhân dân mạnh dạn đóng góp ý kiến, bày tỏ quan điểm của mình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ ba, phương pháp tập hợp, tổ chức, lãnh đạo quần chúng. Để cách mạng thắng lợi thực sự, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cần phải có phương pháp tổ chức, tập hợp quần chúng nhân dân trong công tác dân vận. Đó là tổ chức sắp xếp thành hệ thống trình tự các công việc và phụ trách các bước công việc cụ thể, hợp lý, khoa học, mang lại hiệu quả cao. Bất kỳ việc to, việc nhỏ đều phải có kế hoạch; kiên quyết phê phán cách tổ chức công việc tùy tiện, làm lấy lệ, làm không đến nơi, đến chốn. Để phương pháp tổ chức thực sự khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào, làm việc ấy”(6). Đứng trước những vấn đề phát sinh của thực tiễn khách quan luôn vận động, biến đổi và nảy sinh những vấn đề khó lường, cán bộ phải đặt câu hỏi: “Vì sao có vấn đề này? Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao? Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(7), có nghĩa là phải nghiên cứu, tìm hiểu cụ thể, rõ ràng, đưa ra quyết định chính xác và tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn. Bởi vì, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bất cứ công việc gì, nhất là công tác dân vận: “Nếu không biết rõ tình hình mà đặt chính sách thì kết quả là “nồi vuông úp vung tròn”, không ăn khớp gì hết”(8). Do đó, không nên tùy tiện ra quyết định khi chưa nắm chắc thông tin, chưa có kế hoạch rõ ràng và như vậy sẽ không tổ chức, lãnh đạo được quần chúng. Đồng thời, Người nhấn mạnh, muốn tập hợp, tổ chức quần chúng thì phải thông qua phong trào yêu nước, phong trào hoạt động thực tiễn ở đơn vị.
Thứ tư, phương pháp kiểm tra, giám sát, rút kinh nghiệm. Sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là việc đề ra chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, chỉ thị cho đúng, mà điều quan trọng là phải tổ chức thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra”(9). Do đó, kiểm tra, giám sát là một trong những yêu cầu hết sức quan trọng, có tính chất quyết định đến công tác dân vận, điều này “sơ sài” chắc chắn sẽ “hỏng việc”.
Để thực hiện tốt phương pháp kiểm tra, giám sát, trước hết phải xác định đối tượng, nhất là kiểm tra việc và kiểm tra người. Hai là, phương pháp kiểm tra có hiệu quả phải phụ thuộc rất lớn vào cán bộ phụ trách dân vận. Về điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không thể gặp ai cũng phái đi kiểm tra. Người lãnh đạo phải tự mình làm việc kiểm tra, mới đủ kinh nghiệm và oai tín”(10). Đó là những cán bộ có đạo đức cách mạng, chuyên môn, nghiệp vụ phải vững vàng, đồng thời phải thật sự bản lĩnh, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Để nâng cao hiệu quả phương pháp kiểm tra, giám sát, cần phát huy vai trò của quần chúng, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, hỗ trợ cán bộ trong thi hành nhiệm vụ, bởi vì: “Nhân dân có hàng chục triệu tai mắt. Việc gì họ cũng có thể nghe, có thể thấy, có thể biết”(11). Ba là, phương pháp kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên; phải có chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, kiểm tra phải “mắt thấy, tai nghe”, thực hiện đúng phương châm minh bạch; dân chủ gắn liền với kỷ luật; đi đúng đường lối của quần chúng. Bốn là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong công tác dân vận nhất thiết là phải: “Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”(12) và “Sau mỗi một việc cần phải rút kinh nghiệm”(13). Theo Người, kinh nghiệm đó bao gồm kinh nghiệm chung và riêng của từng cán bộ, địa phương, bao hàm cả kinh nghiệm thất bại và kinh nghiệm thành công. Rút kinh nghiệm rồi thì tổng kết lại và phổ biến những kinh nghiệm đó đến tất cả cán bộ, tất cả địa phương.
Thứ năm, phương pháp nêu gương. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “nêu gương” là một trong những phương pháp vận động nhân dân hữu hiệu và thiết thực. Để tập hợp được lực lượng, vận động được quần chúng, được quần chúng tin tưởng, sẵn sàng tham gia và hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, thì người cán bộ làm công tác dân vận phải là những tấm gương sống: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(14).
Để thực hiện tốt phương pháp này, mỗi chủ thể cần phải tu dưỡng, rèn luyện thái độ ứng xử với dân, phải thực sự trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, điều đó sẽ giúp cho kết quả tuyên truyền lên gấp bội. Do vậy, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận phải là kiểu mẫu về phẩm chất, đạo đức, lối sống trong mọi lúc, ở mọi nơi; nói phải đi đôi với làm, để quần chúng noi theo, tức là phải nêu gương bằng hành động thực tiễn, bằng việc làm cụ thể, làm mực thước cho quần chúng noi theo. Đó là tác phong quần chúng biểu hiện ở sự bám sát thực tiễn, gần gũi nhân dân, thực hành dân chủ, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, cán bộ dân vận phải là người có đạo đức hành động và nêu gương, bởi “nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”.
LHQ-ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét