Thứ Ba, 30 tháng 7, 2024

 TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐỨC LIÊM VÀ CHÍNH

Trong di sản của mình, Hồ Chí Minh ít dùng Liêm chính đi liền với nhau, một vài trường hợp dùng chủ yếu nghiêng về Liêm với ý nghĩa trong sạch, không tham lam. Người tách Liêm và Chính để nhấn mạnh, làm rõ nội hàm từng đức và mối quan hệ giữa Liêm và Chính. Cách diễn đạt của Người cho thấy không có một chuẩn mực chung Liêm chính mà chỉ có từng đức Liêm và Chính cụ thể. Người viết “LIÊM (cùng với CẦN, KIỆM) là gốc rễ của CHÍNH. Nhưng một cây cần có rốc rễ, lại cần có ngành, lá, hoa, quả mới là hoàn toàn. Một người phải Cần, Kiệm, Liêm, nhưng còn phải CHÍNH mới là người hoàn toàn”(1). Hoặc: “Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất”(2).

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh để Liêm và Chính đứng riêng. Bởi vì mỗi một đức Liêm hay Chính có nội hàm rộng hẹp khác nhau, rất rõ ràng, cụ thể, khá riêng biệt. Nếu nói đạo đức Liêm chính mà chỉ hiểu trong sạch, không tham nhũng, tiêu cực thì không toát lên được đức Chính. Cách diễn đạt của Hồ Chí Minh về Cần, Kiệm, Liêm, Chính có dấu phẩy như Cần, Kiệm, Liêm, Chính hoặc gắn với chí công vô tư thì không dùng dấu phẩy - như cần kiệm liêm chính, chí công vô tư - thì vẫn được hiểu là từng chuẩn mực(3) cụ thể như: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(4). Trong các bài viết, Hồ Chí Minh giải thích Liêm và Chính rất rõ ràng.

Liêm là một trong bốn đức cần, kiệm, kiêm, chính để xem xét, đánh giá một con người có thành người hay không, vì “thiếu một đức, thì không thành người”(5) và “người mà không Liêm, không bằng súc vật”(6). Về nghĩa rộng thì Liêm cùng với Cần, Kiệm, Chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh, trái lại là dấu hiệu của xã hội suy vong.

Theo Hồ Chí Minh, “Liêm là trong sạch, không tham lam”(7). “LIÊM là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính chính đại, không bao giờ hủ hóa”(8). Đức Liêm như vậy cũng được hiểu là Liêm khiết. Trong một số trường hợp, Hồ Chí Minh chỉ ra những nội dung trái với Liêm là Bất liêm để giúp hiểu rõ hơn chữ Liêm. Theo Người: “Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là BẤT LIÊM. Người cán bộ, cậy quyền thế mà đục khoét dân, ăn của đút, hoặc trộm của công làm của tư… Dìm người giỏi để giữ địa vị và danh tiếng của mình là đạo vị (đạo là trộm). Đều làm trái với chữ LIÊM. Do BẤT LIÊM mà đi đến trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp”(9).

Còn “Chính là không tà, nghĩa là thẳng thắn, đứng đắn”(10). Người giải thích rõ hơn: “Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh”(11).

Đức Chính còn được xem xét dưới góc độ thiện, ngược lại là ác. Theo Hồ Chí Minh, hàng muôn triệu người trên quả đất có thể chia làm hai hạng: người THIỆN và người ÁC; hàng trăm nghìn công việc có thể chia thành việc CHÍNH, việc TÀ. “Làm việc CHÍNH, là người THIỆN. Làm việc TÀ, là người ÁC”(12). Đức Chính được xem xét “đối với mình”, “đối với người”, “đối với việc”.

Chính “đối với mình” là chớ tự kiêu, tự mãn, tự đại. Phải luôn luôn cầu tiến bộ, coi tiến bộ không có giới hạn. Luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình. Mỗi người phải tự hiểu thấu rằng: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải Chính trước, mới giúp được người khác Chính. Mình không Chính, mà muốn người khác Chính là vô lý”(13).

Chính “đối với người” là “chớ nịnh hót người trên. Chớ xem khinh người dưới”(14). Thái độ phải chân thành, khiêm tốn, giản dị, thật thà, luôn luôn thực hành chữ “Bác - Ái”.

Chính “đối với việc” là “để công việc nước lên trên, trước việc tư, việc nhà… Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh. Việc gì lợi cho mình, phải xét nó có lợi cho nước không? Nếu không có lợi, mà có hại cho nước thì quyết không làm. Mỗi ngày cố làm một việc có lợi cho nước”(15)Chính đối với việc là nói đến kế hoạch, sáng kiến, quyết tâm, quyết làm đến nơi đến chốn, thành công.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu Văn công Mai Dịch, Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét