Thứ Tư, 10 tháng 7, 2024

Vạch trần âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng khiếu nại, tố cáo để chống phá Đảng, Nhà nước ta

 

Khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, là công cụ pháp lý để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi bị xâm hại, là biểu hiện của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Khiếu nại, tố cáo cũng là một kênh thông tin khách quan phản ánh tình hình thực hiện công vụ của cán bộ, công chức. Đây được coi là kênh thông tin hữu ích, góp phần giúp cơ quan nhà nước phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, từ đó có thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là hoạt động quan trọng trong quản lý nhà nước. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo không những có vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thông qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, Đảng và Nhà nước kiểm tra tính đúng đắn, sự phù hợp của đường lối, chính sách, pháp luật do mình ban hành, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện sự lãnh đạo của Đảng và hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, trong quá trình thực thi pháp luật, có nhiều nguyên nhân dẫn đến một bộ phận nhân dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài; cũng có một số vụ việc khiếu nại, tố cáo dù đã được các cấp, các ngành giải quyết, được Tòa án có thẩm quyền xét xử đúng pháp luật, nhiều quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng các đối tượng khiếu kiện vẫn cho rằng “chưa thỏa đáng”, tiếp tục chây ỳ, đeo bám khiếu kiện không đúng trình tự, thủ tục quy định gây mất trật tự an toàn xã hội.

Những vụ việc khiếu kiện, tố cáo của người dân là “mảnh đất tốt” để các thế lực thù địch, phản động khai thác chống phá Đảng và Nhà nước ta. Chúng triệt để lợi dụng những bức xúc, bất bình trong nhân dân để lôi kéo, kích động người dân khiếu kiện; đồng thời, có những hành vi làm phức tạp tình hình an ninh trật tự như: Hô hào tập trung đông người, kéo đến cơ quan Đảng, Nhà nước gây áp lực hoặc kích động đồng bào gây rối trong những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước…

Âm mưu của các đối tượng phản động, thù địch là lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để chỉ đạo, kích động, lôi kéo, tập hợp người dân tham gia thực hiện “cách mạng màu” đối với nước ta. Tham gia hậu thuẫn, chỉ đạo nhiều vụ việc, điểm nóng là các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong, như: Việt Tân, Triều đại Việt, Liên minh Việt Nam tự do... Chúng lợi dụng danh nghĩa “đấu tranh đòi quyền lợi”, vin vào các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, để gia tăng các hoạt động móc nối với các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, lợi dụng tâm trạng bức xúc cùng sự thiếu hiểu biết về pháp luật của người dân để kích động, xúi giục, lôi kéo họ khiếu kiện, tập trung đông người nhằm gây rối an ninh trật tự; cản trở việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; gây áp lực, nhằm can thiệp vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành các tổ chức “xã hội dân sự”, các tổ chức chính trị đối lập, hợp pháp hóa những hoạt động tuyên truyền xuyên tạc, vu cáo, biểu tình, bạo loạn chống Đảng và Nhà nước ta. 

Pháp luật cho phép người dân thực hiện các quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thông qua việc gửi các đơn, thư tới các cơ quan chức năng có thẩm quyền thụ lý giải quyết; nếu thấy chưa thỏa đáng thì có thể tiếp tục khiếu nại lên cấp trên hoặc khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tôn trọng và nỗ lực giải quyết các yêu cầu chính đáng của người khiếu nại, tố cáo, phù hợp với các quy định của pháp luật. Trong Thư gửi đồng bào Liên Khu V, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta là một nước dân chủ. Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm… Khi ai có diều gì oan ức thì có thể do các đoàn thể tố cáo lên cấp trên. Đó là quyền dân chủ của tất cả công dân Việt Nam. Đồng bào cần hiểu rõ và khéo dùng quyền ấy… Cán bộ cấp trên phải luôn luôn đôn đốc và kiểm tra công việc cán bộ cấp dưới. Nhân dân thì giúp Chính phủ và Đoàn thể kiểm tra công việc và hành vi của cán bộ” . Tuy vậy, quyền khiếu nại, tố cáo của người dân cũng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật; do đó, mỗi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân biệt rõ giới hạn của quyền khiếu nại, tố cáo; bảo vệ quyền lợi của mình nhưng phải đúng quy định và với tinh thần thượng tôn pháp luật. Đối với các trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để kích động, gây rối trật tự công cộng, xúc phạm uy tín, danh dự cơ quan, tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng phải đảm bảo mọi hoạt động diễn ra trong khuôn khổ luật pháp, không ở đâu dung túng những kẻ mượn danh nghĩa đấu tranh vì tự do dân chủ, nhân quyền để phá hoại đất nước, xâm hại sự ổn định của xã hội. Do đó, mỗi người dân cần thực sự nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động nhận diện, phòng ngừa, đấu tranh với những đối tượng lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để phá hoại đất nước và vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng đất nước ta thật sự nghiêm minh, kỷ cương, trật tự, an toàn./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét