Thứ Tư, 24 tháng 7, 2024

Vận dụng tư tưởng "Lấy dân làm gốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác


Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân trên thế giới mà người còn là nhà văn hoá kiệt xuất, nhà tư tưởng lớn với hệ tư tưởng đổi mới được chứng minh qua thực tiễn, trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của cách mạng Việt Nam, cho đến tận ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Những tư tưởng đó được các lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ đội biên phòng Bình Phước vận dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao trong công tác, trong đó có tư tưởng “lấy dân làm gốc”.

Lấy dân làm gốc trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh

“Dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc” là tư tưởng và phương châm hành động của các bậc hiền triết từ đông sang tây, từ cổ chí kim. Danh nhân Nguyễn Trãi đã từng nói: “Việc nhân nghĩa cốt ở an dân”. Hay như Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng đã từng tâu với vua Trần Anh Tông rằng: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Nói như vậy để thấy rằng dù cho trong thời đại nào việc dựa vào dân, lấy dân làm gốc luôn được coi là yếu tố tiên quyết đến mọi thắng lợi.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi Người tiếp cận được với Chủ nghĩa Mác- Lê Nin thông qua đọc “Bản sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” đăng trên báo Nhân đạo vào năm 1920. Người đã rất tâm đắc và cho đây là luồng ánh sáng mới cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng thuộc địa. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những tinh hoa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc rút, nâng tư tưởng lấy dân làm gốc lên một tầm cao mới phù hợp với xu thế và đặc điểm xã hội Việt Nam.

Theo đó, Người xác định nhân dân là chủ thể, là dân tộc gồm 04 giai cấp công nhân, nông dân, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử yêu nước khác(1). Đây là lực lượng đông đảo, to lớn, vừa là nơi tập hợp trí tuệ, sức mạnh, đạo đức, tài năng và của cải, vừa là nơi tập hợp của lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Kế thừa và phát triển tư tưởng trọng dân, chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, dân chính là gốc của nước, “nước lấy dân làm gốc”(2). Trong bài thơ cổ động được viết năm 1948, Người cũng đã căn dặn:

“Quân tốt, dân tốt

Muôn sự đều nên.

Gốc có vững, cây mới bền

Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”(3).

Trong bài nói tại hội nghị cung cấp toàn quân lần thứ nhất diễn ra vào ngày 24-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ. Trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đày tớ cho dân”(4). “Đối với nhân dân, thì công cụ của nhà nước dân chủ mới (Chính phủ, Pháp luật, công an, Quân đội…) là để giữ gìn quyền lợi của nhân dân”.

Khi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khoá 2, trường Đại học nhân dân Việt Nam ngày 08-12-1956, Bác Hồ tiếp tục nhấn mạnh lại vai trò làm chủ và sức mạnh, trí tuệ của dân: “Trong bầu không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người cũng thường xuyên nhắc tới câu ca dao của người dân Quảng Bình rằng “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong” của nhà thơ Thanh Tịnh viết năm 1948. Dân là gốc của nước, từ đầu chí cuối Người luôn coi trọng dân, tin vào dân, dựa vào dân để phát huy sức mạnh từ dân, mang lại độc lập, thống nhất, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, thân sỹ yêu nước đều “Phải đem hết sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân”(5).

Đảng ta ra đời và được nuôi dưỡng trưởng thành từ nhân dân. Khi lòng dân và ý đảng cùng chung một nhịp đập thì mới phát huy được nguồn sức mạnh và tinh thần đoàn kết của nhân dân. Lấy dân làm gốc cũng là kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Muốn làm được điều đó phải gần dân, lắng nghe dân, thấu hiểu dân, tôn trọng dân, đề ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Tất cả mọi sự nghiệp đều là của dân, do dân và vì dân.

Quan điểm lấy dân làm gốc cũng chính là nền tảng cho công cuộc đổi mới và tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã và đang thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét