Thứ Ba, 2 tháng 7, 2024

VỆ SINH YÊU NƯỚC

 Cách đây 66 năm, ngày 2-7-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Vệ sinh yêu nước” đăng trên Báo Nhân dân. Đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo và bước đầu phát triển kinh tế, văn hóa sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc bắt đầu bước vào xây dựng CNXH.

Trong bài báo, Bác nhấn mạnh: “Yêu nước thì việc gì có lợi cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được. Điều gì có hại cho dân, dù khó mấy cũng phải ra sức trừ cho kỳ hết… Mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khỏe”.

Khái niệm “vệ sinh” được Bác Hồ đề cập trong bài báo “Vệ sinh yêu nước” là vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Đó là những vấn đề rất cụ thể như vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh để mỗi người dân được sống và làm việc trong môi trường trong lành, sạch sẽ, văn minh hơn. Đó là việc thực hiện ăn sạch, ở sạch; là việc vận động người dân xây dựng các công trình vệ sinh như hố xí, nhà tắm, giếng nước; giữ gìn vệ sinh chuồng trại; là thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho cá nhân, mang lại lợi ích cho cộng đồng và đất nước.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai sâu rộng công tác vệ sinh phòng bệnh vì sức khỏe qua nhiều phong trào, chương trình, mục tiêu quốc gia, bằng những việc làm cụ thể, phù hợp từng giai đoạn phát triển của đất nước. Tiêu biểu là tổ chức vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các phong trào: “Sạch làng tốt ruộng, sạch bản tốt nương, sạch phố tốt đồng”, “3 sạch” (ăn sạch, ở sạch, uống sạch), “4 diệt” (diệt ruồi, diệt muỗi, diệt chuột, diệt côn trùng), “Xây dựng ba công trình vệ sinh” (hố xí, giếng nước, nhà tắm) ở các hộ gia đình… Gần đây, trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” (3 sạch: sạch nhà, gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp, gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm; sạch ngõ, gắn với vệ sinh môi trường), xây dựng nông thôn mới đều có các tiêu chí về vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế dự phòng, nước sạch, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh đã được đẩy mạnh thực hiện. Các phong trào và chương trình quốc gia này đã tác động tích cực tới việc nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân, khống chế và thanh toán được nhiều dịch bệnh, cải thiện môi trường sống, góp phần để nước ta được Liên hợp quốc đánh giá là quốc gia “điểm sáng” trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, toàn cầu hóa, sự gia tăng dân số và biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong lĩnh vực vệ sinh, môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Môi trường sống ở nhiều nơi, nhiều khu công nghiệp, khu dân cư, làng nghề, hệ thống sông ngòi, kênh rạch, thậm chí cả một vùng biển bị ô nhiễm trầm trọng bởi các hóa chất công nghiệp, chất bảo vệ thực vật, thuốc phòng trừ sâu bệnh, các chất thải trong sản xuất và sinh hoạt… Ô nhiễm đã tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, trong khi ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, bảo đảm vệ sinh môi trường của nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế. Từ đó, nhiều dịch bệnh mới phát sinh, phát triển, một số dịch bệnh cũ lây theo đường tiêu hóa, hô hấp có xu hướng bùng phát trở lại; đồng thời, chúng ta đang phải đối mặt với những bệnh hết sức nguy hiểm không phải do truyền nhiễm mà do môi trường như tim mạch, ung thư… có chiều hướng ngày càng gia tăng.

Trước thực tế đó, xác định việc phát động và triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước” một cách sâu rộng trong toàn xã hội, nhằm giải quyết những vấn đề vệ sinh theo lời dạy của Bác trong giai đoạn hiện nay là hết sức quan trọng, ngày 19-6-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 730/QĐ-TTg về việc lấy ngày 2-7 hằng năm là “Ngày Vệ sinh yêu nước”; tiếp đó Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg, ngày 26-11-2012 về việc triển khai Phong trào “Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân”.

Năm nay, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, “Ngày Vệ sinh yêu nước” sẽ được tổ chức trên phạm vi cả nước. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn một địa điểm điển hình để tổ chức mít tinh phát động, hưởng ứng với sự tham gia của các sở, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp, học sinh và các tầng lớp nhân dân nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và hành vi, giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, thực hiện ăn sạch, uống sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; xây dựng cơ sở y tế Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm vệ sinh trong trường học, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, khu dịch vụ, khu du lịch, nơi công cộng. Đồng thời, tổ chức thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch các công trình vệ sinh tại nơi công cộng, khu du lịch, bệnh viện, cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc...; tổ chức ra quân, huy động toàn dân làm tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng nông thôn mới”./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét