Có thể nói, chính việc mở cửa hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để giới trẻ giao lưu, tiếp cận các luồng văn hóa mới, giúp họ tự tin, năng động hơn trong giao tiếp, từ đó chắt lọc những tinh hoa từ các luồng văn hóa để tự làm mới, hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì vẫn còn không ít chuyện buồn, băn khoăn khi một bộ phận giới trẻ tiếp nhận văn hóa phương Tây kiểu “khác người”…
Hòa mình vào lễ hội
Tuần cuối của tháng 10, khắp các tụ điểm vui chơi, giải trí, quán xá, cửa hàng… trên địa bàn TP. Bạc Liêu đều tràn ngập màu sắc của lễ hội Halloween (lễ hội hóa trang). Tại các cửa hàng kinh doanh trang phục, phụ kiện hưởng ứng lễ hội này, khách hàng đều là giới trẻ. Khuynh hướng lựa chọn trang phục, phụ kiện của họ cũng được chia làm hai nhóm: tạo hình ngộ nghĩnh, đáng yêu và khuynh hướng ghê rợn.
Chị Khánh Ngân (Phường 2, TP. Bạc Liêu) kể lại: “Tối 31/10, tôi đi làm về muộn hơn mọi ngày, đến cổng thì thấy trong nhà tối om, cứ ngỡ con trai đang học lớp 11 của mình đi học nhóm cùng đám bạn. Vừa mở cửa nhà, thì một gương mặt xanh lè phát sáng (dạ quang) máu me xuất hiện, tôi hoảng hốt la thất thanh, sợ muốn ngất xỉu. Vừa lúc ấy, con trai tôi mới gỡ mặt nạ, bật đèn lên rồi cười khanh khách: “Hôm nay là Halloween mà mẹ! Mẹ “ba ruộng” quá!”. Chẳng biết vui ở đâu, chứ sau cú dọa ma ấy tôi đã giáo huấn cho con trai một trận ra trò…”.
Rời khỏi trung tâm Anh ngữ, bé Bảo Nghi hào hứng kể với mẹ về chuỗi hoạt động mà bé được tham gia hưởng ứng lễ hội Halloween. Trong đó, 2 hoạt động mà bé thích nhất chính là trang trí túi và hóa trang chủ đề Halloween. “Tôi thấy hoạt động này rất hay vì giúp các bé hiểu thêm về những lễ hội mới, bé biết được những biểu tượng của lễ hội và thỏa sức sáng tạo theo cách riêng của mình. Bé nhà tôi thường ngày rất trầm tính, ít nói vậy mà trong những ngày này con năng động, tự tin hẳn ra. Cái hay của trung tâm chính là việc hưởng ứng lễ hội có giới hạn, biết lựa chọn những hình ảnh, cách hóa trang phù hợp với trẻ, không gây ám ảnh bởi những kiểu hóa trang rùng rợn như một số nơi”, chị Hồng Ân - mẹ bé Bảo Nghi (Phường 7, TP. Bạc Liêu), chia sẻ.
Từ thảm họa đặc biệt xảy ra tại khu Itaewon (thủ đô Seoul, Hàn Quốc) làm ít nhất 154 người tử nạn, hơn 130 người bị thương do chen lấn trong lễ hội Halloween đã gây sốc cho nhiều người, trong đó có giới trẻ Bạc Liêu nên các hoạt động hưởng ứng năm nay có phần trầm lắng. Các bạn trẻ cũng không còn tụ tập đông đúc, hay tạo thành những nhóm nhỏ hóa trang ghê rợn diễu hành trên một vài con đường như mọi năm.
Đông đảo bạn trẻ tham gia lễ hội hóa trang “Đêm kinh dị” tại Bar Kitty trên đường Trần Phú (TP. Bạc Liêu).
Nhưng đừng đánh mất bản sắc
Theo thống kê sơ bộ của Bộ VH-TT&DL, hiện nay trên cả nước có khoảng 10 lễ hội du nhập từ nước ngoài, nhất là các nước phương Tây. Các lễ hội này được du nhập một cách tự nhiên khi thế giới không còn bức tường ngăn cách, tạo nên sự phong phú cho đời sống văn hóa người Việt. Riêng Bạc Liêu, có 3 lễ hội được giới trẻ nhiệt tình hưởng ứng, xem như là một phần đời sống tinh thần vào dịp cuối năm, đó là Halloween, Noel (lễ Giáng sinh), Valentine (lễ Tình nhân). Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu giới trẻ hưởng ứng chúng theo đúng ý nghĩa nhân văn vốn có, đằng này họ lại “biến tướng”, hòa mình vào các lễ hội theo phong cách “khác người”, chủ yếu để chạy theo xu hướng thời thượng, khoe mẽ độ “chất chơi”, sành điệu của bản thân.
Theo đó, thay vì chọn cách hóa trang gần gũi trong lễ hội Halloween như: đầu bí ngô, phù thủy, ma áo trắng… thì nay giới trẻ hóa trang theo hướng ngày càng khiếp đảm, gớm ghiếc dựa trên sự kế thừa những hình ảnh trong các bộ phim kinh dị, tạo ra những hình ảnh phản cảm, gây bức xúc. Hay các dịp lễ Noel, Valentine thay vì tận hưởng cảm giác nhẹ nhàng, ấm áp bên một nửa yêu thương thì nhiều bạn trẻ lại “ra vẻ” thông qua việc tỏ tình đầy ồn ào trước đám đông bằng những bó hoa, hộp sô-cô-la “siêu to khổng lồ” gây nhiều tốn kém, lãng phí…
Thực tế cho thấy, trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc là một xu thế tất yếu. Đó vừa cơ hội để làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần của người dân trong nước, vừa là điều kiện để chúng ta, nhất là giới trẻ tiếp thu những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài. Tuy vậy, việc giao lưu văn hóa không có nghĩa là du nhập văn hóa ngoại lai một cách tùy tiện, thiếu chọn lọc. Bởi lẽ, nếu chúng ta không có bản lĩnh vững vàng, không có hướng phát triển văn hóa đúng đắn thì nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc sẽ luôn hiện hữu.
Mất văn hóa là mất tất cả. Thực tế đã chứng minh không ít dân tộc trên thế giới đã trả giá đắt khi đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc mình. Bởi vậy bên cạnh sự quản lý, kiểm soát, chấn chỉnh, định hướng các hoạt động văn hóa, lễ hội của cơ quan chức năng thì cần lắm ý thức tự giác, tinh thần tự tôn dân tộc trong mỗi bạn trẻ khi tiếp nhận văn hóa nước ngoài, trong đó có văn hóa phương Tây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét