Thứ Ba, 9 tháng 7, 2024

Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị theo tư tưởng Hồ Chí Minh

 Trung thành, vận dụng sáng tạo những nguyên lý xây dựng Quân đội kiểu mới của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt lên hàng đầu vấn đề xây dựng Quân đội về chính trị, xây dựng và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc, làm cho Quân đội ta luôn là lực lượng chính trị trung thành và tin cậy của Đảng, của Nhà nước và của Nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng xây dựng Quân đội về chính trị, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở xây dựng các mặt khác. Với quan điểm “chính trị trọng hơn quân sự”, Người khẳng định: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”(1).

Người đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc cho Quân đội, xem đó là nội dung cốt lõi, công cụ chắc chắn nhất để xây dựng thành công và bảo đảm cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị tin cậy của Đảng; xứng đáng là Quân đội của dân, do dân và vì dân. Người cho rằng, muốn cho Quân đội trở thành một đội quân vô địch thì Đảng phải đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ “có lập trường vững chắc, lập trường quân đội của nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo” (2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát cô đọng, đầy đủ nhất những vấn đề có tính nguyên tắc và nội dung cơ bản xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Cán bộ và chiến sĩ thương yêu nhau như ruột thịt, chia ngọt sẻ bùi. Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Quân đội ta có tinh thần yêu nước chân chính, lại có tinh thần quốc tế vô sản cao cả”(3).

Theo Bác, để xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị cần phải củng cố, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Cần phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, làm cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường kiên định, vững vàng, hoàn thành trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân. Người chỉ ra rằng: “Phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta; phải bảo đảm sự chấp hành chính sách của Đảng và Chính phủ; phải triệt để giữ gìn kỷ luật tự giác về mặt quân sự và về mặt chính trị. Vì vậy, cần phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội và phải thực hiện dân chủ trong bộ đội”(4).

Người luôn coi trọng việc xây dựng sự đoàn kết, thống nhất, thực hành dân chủ và kỷ luật nghiêm minh trong Quân đội, coi đó là nguồn sức mạnh của mọi thành công. Bên cạnh đó, Người coi trọng việc xây dựng, củng cố, tăng cường mối quan hệ gắn bó “máu thịt” giữa Quân đội với nhân dân, bảo đảm cho Quân đội là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Người nhắc nhở: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu... Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân... Dân như nước, quân như cá”(5). Bên cạnh đó, Người yêu cầu cần chú trọng giáo dục tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc, giữa quân đội ta với quân đội các nước anh em, xây dựng tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cho cán bộ, chiến sĩ, tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế với tinh thần “giúp bạn tức là mình tự giúp mình”.

LHQ-ST

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét