Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của người đảng viên quân đội

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vấn đề này được Người đề cập tới trong nhiều tác phẩm quan trọng như: Đường cách mệnh (năm 1927), Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), Đời sống mới (năm 1947), Cần kiệm liêm chính (năm 1949), Đạo đức cách mạng (năm 1958), Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969) và bản Di chúc hoàn chỉnh lần cuối cùng (tháng 5-1969). Trong các tác phẩm ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi đạo đức là “gốc của người cách mạng”. Người chỉ rõ: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên được biểu hiện cụ thể ở các nội dung, như trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Những nội dung của đạo đức cách mạng có mối quan hệ biện chứng với nhau, chỉ cần thiếu một nội dung thì người cán bộ, đảng viên không thể làm tròn nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đối với đội ngũ đảng viên trong quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đạo đức cách mạng được biểu hiện cụ thể ở những điểm như sau:

Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân. Đây là biểu hiện cao nhất ý thức đạo đức của người đảng viên nói chung, đặc biệt với những đảng viên là cán bộ, sĩ quan, công nhân viên, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng. Đó còn là biểu hiện cao nhất của lòng trung thành đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, là cơ sở để định hướng nhận thức và hành động, tạo thành niềm tin vững chắc và sức mạnh to lớn để mỗi đảng viên luôn hoàn thành chức trách, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Người chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ” và “Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời cũng là đội tiên phong của dân tộc” lãnh đạo sự nghiệp cách mạng; đảng viên cũng là con, em của nhân dân và cũng chính “nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội”; do đó, đối với mỗi đảng viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam, trung với nước phải luôn gắn liền với trung với Đảng, hiếu với dân.

Đoàn kết, yêu thương đồng chí, đồng đội, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đoàn kết, nhân ái luôn là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Ở thời đại Hồ Chí Minh, truyền thống đó được hun đúc và phát triển lên một tầm cao mới, là cơ sở để tạo thành sức mạnh vô địch của dân tộc, giúp Quân đội nhân dân Việt Nam đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Đối với cán bộ, chiến sĩ quân đội, Người căn dặn: “...cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi. Người còn căn dặn: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”, bởi trong quân đội, người đội trưởng, người chính trị viên là những người đảng viên trực tiếp, hằng ngày tiến hành công tác giáo dục, rèn luyện và quản lý bộ đội; vì thế, có tình cảm gắn bó đó mới lan tỏa tinh thần đoàn kết, xây dựng được sự tin tưởng, thương yêu của đồng chí, đồng đội, mới sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây là một phẩm chất quan trọng, là nền tảng đạo đức của người quân nhân cách mạng nói chung, của người đảng viên trong quân đội nói riêng. Người chỉ rõ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó”; đồng thời, phải “Tu sửa mình cho kỳ giữ được chí công vô tư, đối với việc phải sáng suốt, đối vật không tham lam, gắng làm kiểu mẫu, làm kiểu mẫu cho bộ đội, cho nhân dân”. Người luôn đặt niềm tin và yêu cầu đội ngũ đảng viên trong quân đội phải rèn luyện toàn diện các phẩm chất đạo đức của người quân nhân cách mạng: “Phải làm sao cho trong quân đội ta không có tham ô lãng phí”.

Tinh thần quốc tế trong sáng là một nội dung không thể thiếu của đạo đức cách mạng. Trong Thư gửi các đơn vị bộ đội ta có nhiệm vụ tác chiến ở Thượng LàoNgười chỉ rõ “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”. Đồng thời, Người nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ, trong đó có đội ngũ đảng viên trong quân đội, phải luôn biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, chính phủ và quân đội các nước anh em trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thấm nhuần tư tưởng đó, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã không quản ngại hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, tham gia chiến đấu, công tác trên các chiến trường Lào và Campuchia, viết nên những trang sử sáng ngời về đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

HAIVAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét