Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

NHỮNG ĐÓNG GÓP NỔI BẬT CỦA ĐẠI TƯỚNG LÊ TRỌNG TẤN ĐỐI VỚI NỀN NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ VIỆT NAM

Đại tướng Lê Trọng Tấn là nhà chỉ huy quân sự xuất sắc của Quân đội ta. Ông đã trải qua nhiều cương vị chỉ huy từ cấp chiến thuật, chiến dịch đến cấp chiến lược; tham gia chỉ huy hầu hết các chiến dịch, chiến dịch quyết chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam; có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo của dân tộc, góp phần đánh thắng những đế quốc xâm lược to nhất của thời đại trong thế kỷ XX.

Đại tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IV, V), nguyên Đại biểu Quốc hội (khóa VII); nguyên Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nắm vững và quán triệt sâu sắc tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về nghệ thuật quân sự Việt Nam - nghệ thuật chiến tranh nhân dân, dựa vào lòng yêu nước của nhân dân, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, động viên sức mạnh, trí tuệ của toàn dân, tổ chức toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân làm nòng cốt. Nét đặc trưng của nghệ thuật quân sự Việt Nam là sự chỉ đạo không chỉ đối với hoạt động quân sự, mà còn đối với cả hoạt động của quần chúng vũ trang cùng đánh giặc; kết hợp đấu tranh quân sự, chính trị, binh vận, ngoại giao; kết hợp tiêu diệt địch và giành quyền làm chủ; kết hợp tác chiến ba thứ quân; kết hợp tác chiến phân tán với tác chiến tập trung; kết hợp đánh nhỏ, đánh vừa với đánh lớn; tiêu diệt, tiêu hao địch, giành thắng lợi từng bước, đánh bại ý chí xâm lược của địch, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.

Chiến tranh nhân dân Việt Nam được phát triển từ chiến tranh du kích, phát triển lên lực lượng bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân; từ tác chiến du kích, tác chiến của các đội vũ trang tuyên truyền, đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, tác chiến chủ yếu bằng bộ binh, phát triển lên tác chiến hiệp đồng binh chủng của các binh đoàn chủ lực mạnh. Điển hình là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), lần đầu tiên Quân đội ta xuất hiện cách đánh hiệp đồng binh chủng, mặc dù khi đó ta chưa có xe tăng, máy bay, trong khi pháo binh, pháo phòng không còn rất hạn chế, nhưng ta đã có cách đánh hiệp đồng binh chủng rất sáng tạo, giành thắng lợi trận đầu giòn giã. Đồng chí Lê Trọng Tấn, khi đó là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, được tin tưởng trao nhiệm vụ đánh trận mở màn Chiến dịch, bằng trận tiến công cụm cứ điểm địch phòng ngự trong công sự vững chắc ở địa hình rừng núi - cụm phòng ngự Him Lam. Để giành thắng lợi, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn xác định cách đánh chiến thuật là: nắm chắc địch, hỏa lực chuẩn bị mạnh, mở cửa nhanh qua hệ thống vật cản, đột phá nhanh, mạnh vào chiều sâu phòng ngự của địch, đánh bại quân địch phản kích. Lần đầu tiên trên chiến trường Việt Nam, pháo binh địch bị chế áp, tê liệt; máy bay địch thì phải hoạt động trên độ cao 3.000m để tránh hỏa lực phòng không của ta, nên hiệu quả của không quân địch rất hạn chế, chỉ sau 5 giờ 30 phút chiến đấu (từ 17.00 - 22.30 ngày 13/3/1954), ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Đây cũng là lần đầu tiên, Quân đội ta vận dụng thành công cách đánh chiến thuật hiệp đồng binh chủng, tạo ra bước phát triển mới cho nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong bài viết đăng trên Tạp chí Tư tưởng quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô, năm 1984, với nhan đề “Chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ - bước phát triển sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam”, nhân dịp kỷ niệm 30 năm Chiến thắng Đông Xuân 1953 - 1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồng chí Lê Trọng Tấn viết: “Một số vấn đề chiến thuật có tác dụng quyết định đến việc thúc đẩy chiến dịch phát triển đã được đặt ra là, tác chiến hiệp đồng giữa một số binh chủng của lục quân mà Quân đội nhân dân Việt Nam mới có lúc đó, là: bộ binh, pháo binh, phòng không và công binh, để tiến công tiêu diệt quân địch trên chiến trường rừng núi, trong những trung tâm đề kháng, những cụm cứ điểm lớn và đánh bại quân địch phản kích để thực hiện bao vây, phong tỏa đường không của địch và để phòng ngự giữ vững những khu vực mình đã chiếm được. Lần đầu tiên các binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải quyết thành công vấn đề này trên quy mô chiến dịch. Thắng lợi của trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ đã mở đầu cho tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân đội ta, thể hiện tính khoa học, đúng đắn và sáng tạo của cánh đánh tiến công tiêu diệt một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh của Quân đội Pháp và chính đối phương cũng phải thừa nhận: “Đánh được Him Lam thì các ông có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ” và Đờ Cát, tướng chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, sau khi bị bắt đã khai: “Chúng tôi rất khâm phục đơn vị đánh đầu tiên ở Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị đã bắt sống chúng tôi vào những ngày cuối cùng”.

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 1964, đồng chí Lê Trọng Tấn được Trung ương cử vào Nam chiến đấu, giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng Miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền. Đây là thời kỳ rất khó khăn của cách mạng miền Nam, đế quốc Mỹ thi hành hai chiến lược: “Chiến tranh đặc biệt” (từ năm 1961 đến giữa năm 1965) và “Chiến tranh cục bộ” (từ giữa năm 1965 đến hết năm 1968), đưa quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam Việt Nam tham chiến với quy mô lớn. Đồng chí Lê Trọng Tấn đã có nhiều công lao, đóng góp vào xây dựng các đơn vị chủ lực mạnh (cấp sư đoàn) hình thành những “quả đấm thép” cho các trận đánh, các chiến dịch với đối tượng tác chiến mới là Quân đội Mỹ có trang bị vũ khí kỹ thuật rất mạnh, hiện đại và sức cơ động cao. Đồng chí nhấn mạnh, phải vận dụng những kinh nghiệm tác chiến hiệp đồng binh chủng trong kháng chiến chống Pháp, phát triển lên trình độ mới cao hơn; đồng thời, phải có bộ đội chủ lực mạnh, thực hiện đánh tiêu diệt lớn, mới có thể thắng được quân Mỹ. Ban đầu các đơn vị chủ lực của ta tổ chức các trận đánh, các chiến dịch quy mô nhỏ, đánh bại chiến thuật trực thăng vận, thiết xa vận của địch, tiêu diệt gọn một số chiến đoàn của địch, tạo bước chuyển biến chiến lược, buộc đế quốc Mỹ phải bị động về chiến lược, chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ. Cùng với khẳng định nhất thiết phải đánh lớn hiệp đồng binh chủng của bộ đội chủ lực để giành thắng lợi trong chiến tranh, Đồng chí cũng nhấn mạnh phải phát triển từ tác chiến hiệp đồng binh chủng của lục quân lên tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng diễn ra ở quy mô chiến lược, giữa các chiến dịch của các quân, binh chủng khác nhau. Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971 là sự tiến bộ nhảy vọt về tác chiến hiệp đồng binh chủng của nhiều sư đoàn bộ đội hợp thành, nhiều trung đoàn pháo mặt đất tầm xa, pháo cao xạ, một số đơn vị tên lửa và xe tăng,... hiệp đồng chặt chẽ với nhau. Đây là lần đầu tiên ta tiêu diệt gọn từng lữ đoàn, trung đoàn địch. Tới cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, ta đã thành lập các quân đoàn binh chủng hợp thành, lực lượng nòng cốt quyết định thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, đánh dấu bước phát triển vượt bậc về tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng của Quân đội ta.

Về chỉ đạo tác chiến chiến dịch, chiến lược, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn coi trọng công tác chuẩn bị tác chiến, nắm chắc địch, vận dụng tác chiến hiệp đồng binh chủng là chủ yếu; vận dụng nhiều quy mô đánh nhỏ, đánh vừa, đánh lớn và kết hợp các quy mô đó; tổ chức bao vây, chia cắt, thọc sâu, tiêu diệt nhanh gọn quân địch; phát huy sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu; kết hợp chặt chẽ tác chiến của các binh đoàn chủ lực và chiến tranh nhân dân địa phương, tổ chức mở đầu và kết thúc chiến dịch, tác chiến chiến lược đúng thời cơ. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, để bảo đảm phương châm đánh chắc, tiến chắc, “Ta phải chuẩn bị lại chu đáo về mọi mặt, dần dần tạo nên các trận địa tiến công, hình thành một thế trận tiến công vững chắc, bao vây, chia cắt tập đoàn phòng ngự của địch; thực hành một hệ thống các trận chiến đấu tiến công lần lượt, nối tiếp nhau với sự tập trung cao lực lượng và phương tiện trong từng trận, bảo đảm tiêu diệt từng trung tâm đề kháng, từng cụm cứ điểm của địch, đi đôi với hạn chế và triệt nguồn tiếp tế, tiếp viện của chúng, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch”1. Với trọng trách là Tư lệnh Chiến dịch Trị - Thiên năm 1972, đồng chí Lê Trọng Tấn rất chú trọng đến tạo ưu thế (gồm các yếu tố: lực lượng, thế trận và cách đánh). Khi tổng kết chiến dịch này, Đồng chí đã mạnh dạn chỉ rõ những hạn chế của Chiến dịch và tự nhận thiếu sót về mình: “Cần thấy hết bài học lớn của Chiến dịch Trị - Thiên đã chậm chuyển từ chiến dịch tiến công sang lâm thời phòng ngự, vì không thấy hết so sánh lực lượng lúc đó giữa ta và địch đã thay đổi. Thiếu sót này Tư lệnh chiến trường phải chịu trách nhiệm trực tiếp, nhưng chỉ đạo chiến lược cũng phải chịu trách nhiệm”2. Từ đây Ông rút ra kết luận: “Cách đánh xuất hiện và quan hệ khăng khít với nhau - trong các chiến dịch lớn, càng không thể chỉ có một cách đánh mà thắng lợi được; tất nhiên tiến công, phản công là chủ yếu, nhưng cũng không thể thiếu được cách đánh phòng ngự, thậm chí trong những điều kiện nhất định nếu thiếu thì cũng không thể có điều kiện để phản công và tiến công. Phải khẳng định có chiến dịch tiến công, chiến dịch phản công và không thể thiếu được chiến dịch phòng ngự, cả 3 hoặc 2 hình thức tác chiến này có thể xuất hiện trong một chiến dịch và cũng có thể thành ba loại hình chiến dịch kết hợp với nhau. Vì vậy, về chỉ đạo chiến lược không nên cứng nhắc một chiều và chỉ huy chiến dịch cũng phải như vậy, đang tiến công, nhưng thấy không còn điều kiện thì phải biết nhanh chóng chuyển sang lâm thời phòng ngự để tạo điều kiện tiếp tục tiến công - từ phòng ngự nếu tạo được thế và lực thì có thể nhanh chóng chuyển sang tiến công”. Tư duy nghệ thuật quân sự của Ông ngày nay vẫn còn nguyên giá trị vận dụng trong nghệ thuật chiến dịch và tác chiến chiến lược của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Về hoạch định chiến lược, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, sau khi nghiên cứu tình hình thực địa của địch trên chiến trường, đã mạnh dạn báo cáo những lo lắng, khó khăn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chúng tôi phải liên tục đột phá ba phòng tuyến mới tới phía bên trong được”, báo cáo của Ông đã càng củng cố quyết tâm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định thay đổi, từ phương châm từ “đánh nhanh, thắng nhanh” chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc”. Vấn đề này cũng thể hiện tư duy nghệ thuật quân sự rất sắc sảo, nhạy bén của Đại tướng Lê Trọng Tấn, khi lần đầu tiên Quân đội ta tiến công vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh bậc nhất Đông Dương.

Năm 1973, Bộ Chính trị giao cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng Miền Nam trong 02 năm, Đại tướng Lê Trọng Tấn được giao làm Tổ trưởng Tổ Trung tâm của Bộ Tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch chiến lược này. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, kế hoạch chiến lược được sửa đổi, điều chỉnh rất công phu (8 lần) và tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ 08/12/1974 - 08/01/1975), kế hoạch được chính thức thông qua. Đại tướng Lê Trọng Tấn đã có những đóng góp trí tuệ rất lớn trong xây dựng kế hoạch chiến lược này và thực tiễn, chúng ta đã thực hiện vượt mức kế hoạch giải phóng miền Nam chỉ trong chưa đầy 02 tháng, thể hiện sự nỗ lực cao nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cũng như sự vượt trội của nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Đại tướng Lê Trọng Tấn (khi đó là Trung tướng, Phó Tổng Tham mưu trưởng) được giao nhiệm vụ Tư lệnh Chiến dịch Huế - Đà Nẵng. Ông đã chủ động bàn với Bộ Tổng Tham mưu, Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5; Thường vụ Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2, đề nghị với Quân ủy Trung ương cho thành lập cánh quân phía Đông (bao gồm cả Đông Nam) chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Thực tiễn Chiến dịch Hồ Chí Minh cho thấy, đề nghị của đồng chí Lê Trọng Tấn là hoàn toàn chính xác, một hướng tiến công rất lợi hại, đồng thời Trung tướng Lê Trọng Tấn cũng được giao nhiệm vụ làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Đông, thực hiện thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài gòn, buộc chúng phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện, góp phần cùng với các hướng tiến công chiến lược khác đưa Chiến dịch Hồ Chí Minh đến toàn thắng.

Những đóng góp nổi bật của Đại tướng Lê Trọng Tấn đối với nền nghệ thuật quân sự Việt Nam có thể nhận thấy ở một số vấn đề sau. Một là, xác định đúng vai trò quyết định của bộ đội chủ lực trong chiến tranh và tác chiến hiệp đồng quân binh chủng trong các trận đánh, các chiến dịch, chiến dịch quyết chiến chiến lược; tác chiến hiệp đồng binh chủng càng cao, thắng lợi càng lớn. Hai là, phải đánh giá đúng địch, đúng ta; tác chiến phải chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chắc thắng, đây được coi như một nguyên tắc tác chiến, theo đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiệm vụ một người làm tướng là phải có “trí”, nghĩa là “phải sáng suốt nhìn mọi việc, suy xét địch cho đúng”. Ba là, chất lượng chiến đấu của các binh đoàn chủ lực phải làm “kết hợp chặt chẽ các yếu tố chính trị tinh thần, yếu tố tổ chức, bao gồm quy mô tổ chức hợp lý, cơ cấu tổ chức đồng bộ, chặt chẽ, làm cơ sở để thực hiện yêu cầu của phương thức tác chiến mới, mà phương thức tác chiến mới lại do nội dung của chiến lược quân sự và trang bị kỹ thuật quyết định”3. Bốn là, xác định vị trí, vai trò của tác chiến tiến công, phản công, phòng ngự và mối quan hệ của các hình thức đó trong chiến tranh; trong đó, vai trò của tác chiến tiến công và phản công là chủ yếu, tác chiến phòng ngự có vai trò rất quan trọng không thể thiếu. Năm là, vận dụng sáng tạo cách đánh cả về chiến thuật, chiến dịch và chiến lược; kết hợp chặt chẽ tác chiến của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh nhân dân địa phương ở mọi quy mô; kết hợp tác chiến với đấu tranh chính trị, binh vận, ngoại giao. Sáu là, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến quyết đoán, sáng tạo, sâu sát, tỷ mỷ; hiệp đồng chặt chẽ; bảo đảm toàn diện, đồng bộ.

Những đóng góp to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn đối với nền nghệ thuật quân sự Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ vẫn còn nguyên giá trị, là cơ sở để chúng ta vận dụng và phát triển sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét