Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

 

 Ở VIỆT NAM KHÔNG CÓ QUAN NIỆM DÂN TỘC BẢN ĐỊA

Thời gian gần đây, các phần tử có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, cực đoan trong và ngoài nước đã lợi dụng bản “Tuyên ngôn về quyền của các dân tộc bản địa” của Liên hợp quốc để vận động các quốc gia phương Tây, các tổ chức quốc tế công nhận ở Việt Nam có “dân tộc bản địa”. Đồng thời, kích động các dân tộc thiểu số, nhất là người Thượng ở Tây Nguyên đòi quyền tự quyết. Điển hình là trên trang Quyenduocbiet, BPSOS, viết: “Người Thượng là Dân Tộc Bản Địa và phải được công nhận như vậy”, cho rằng, người Thượng và người Hmong theo đạo Cơ đốc, người, người Chăm theo đạo Hồi và người Khmer Krom theo đạo Phật, người thiểu số, nhất là người Thượng ở Tây Nguyên Việt Nam là “người bản địa”. Vì vậy, BPSOS kêu gọi Liên hợp quốc yêu cầu Việt Nam công nhận điều này và không được phân biệt đối xử, bỏ rơi người bản địa. Đây thật sự là hành động nhằm gây mất ổn định chính trị – xã hội, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đi tới phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước của dân tộc ta.

1.      Cần hiểu rằng, khái niệm “người bản địa” có nguồn gốc lịch sử, gắn liền với thời kỳ chủ nghĩa thực dân, đế quốc tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược, áp đặt sự thống trị của họ ở các quốc gia chậm phát triển. Chiến lược di dân, khai thác thuộc địa của họ đã dẫn đến sự phân hoá, hình thành 2 nhóm hay 2 tầng lớp xã hội ở những quốc gia này: Nhóm thứ nhất, là tầng lớp những người nước ngoài, bao gồm “các quan cai trị” cùng với những người di cư đến đây làm ăn họ có mối quan hệ mật thiết với bộ máy cai trị của thực dân, tầng lớp này thuộc đẳng cấp có nhiều đặc quyền, đặc lợi. Nhóm thứ hai, là cộng đồng những người dân thuộc địa còn lại được gọi là những “người bản địa” hoặc “người bản xứ”, thuộc đẳng cấp thấp hèn. Ở Việt Nam, dưới sự cai trị của thực dân Pháp, 54 tộc người trong cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam đều được gọi chung là những tên An-nam-mít (Annammit) với nghĩa miệt thị, khinh bỉ đều được coi là người bản địa. Như vậy là, khái niệm “người bản địa” chỉ mới ra đời ở Việt Nam từ khi Việt Nam trở thành thuộc địa của chủ nghĩa thực dân và nó chỉ tồn tại dưới chế độ đó. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nước Việt Nam đã giành được độc lập, thống nhất đất nước, nhà nước Việt Nam là Nhà nước của tất cả các dân tộc Việt Nam, thì khái niệm “người bản địa” và “quyền của người bản địa” đã lùi về quá khứ. Thay cho khái niệm đó là khái niệm “quyền công dân” – là quyền của tất cả mọi người dânViệt Nam, không phân biệt họ là dân tộc thiểu số hay đa số. Đó là một sự thật lịch sử, không ai có thể bác bỏ được.

2.      Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi rõ: Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Nhà nước thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giữa các dân tộc, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Nhà nước thực hiện chính sách về mọi mặt, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số là sự nghiệp chung của nhân dân cả nước, của nhân dân các dân tộc không phân biệt là dân tộc đa số hay thiểu số. Vì lợi ích trực tiếp của nhân dân các dân tộc thiểu số, đồng thời, vì lợi ích chung của cả nước, các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng tiến bộ là một trong những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng. Chính sách dân tộc thể hiện mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Thực hiện chính sách dân tộc là trách nhiệm chính trị của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Vì vậy, phải tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc. Như vậy, không bao giờ có chuyện phân biệt, kỳ thị, ngược đãi, bỏ rơi người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

3.      Hiến chương Liên hợp quốc khẳng định: Chủ thể của quyền dân tộc tự quyết là quốc gia – dân tộc chứ không phải là một dân tộc thiểu số trong quốc gia – dân tộc đó. Pháp luật quốc tế không công nhận một dân tộc thiểu số ở một quốc gia được ly khai, được thành lập một quốc gia độc lập với quốc gia được quốc tế công nhận mà họ là công dân trong quốc gia đó. Như vậy, quyền tự quyết của tộc người trong một quốc gia – dân tộc không được phép vượt ra ngoai khuôn khổ quyền dân tộc tự quyết, không được xâm phạm quyền của cả quốc gia – dân tộc. Những đòi hỏi về quyền tự quyết mà các thế lực thù địch lợi dụng “Tuyên ngôn về quyền của người bản địa” chẳng những vi phạm Hiến pháp, phát luật Việt Nam, mà còn trái với Hiến chương Liên hợp quốc và Luật quốc tế về quyền con người. Về bản chất, những đòi hỏi này là một thủ đoạn chính trị nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhằm phá hoại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, hoàn toàn không phải vì lợi ích của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tuyên ngôn về quyền của người bản địa là một văn kiện rất đáng trân trọng. Song, chúng ta cần tỉnh táo, bảo vệ những giá trị cao quý của nó, đồng thời không để cho các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, lợi dụng, phục vụ cho những mưu đồ xấu xa, thâm độc của họ./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét