Từ thực tế xây dựng, phát triển đất
nước và quá trình nhận thức lý luận của Đảng
Cộng sản Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới, xây dựng và phát triển đất
nước theo con đường XHCN cho thấy việc
xác định, bổ sung, định hình ngày càng rõ hơn nội dung các đặc trưng của CNXH
Việt Nam. Trong quá trình đổi mới, Đảng đã xác định mô hình CNXH bao gồm
6 đặc trưng, rồi tiếp tục bổ sung, phát triển thành 8 đặc trưng, thể hiện những
bước phát triển không ngừng trong nhận thức lý luận của Đảng về mô hình CNXH,
đồng thời cũng là mục tiêu của CNXH Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm
2011), được thông qua tại Đại hội XI của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam, đã khẳng
định xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: 1- Dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; 2- Do nhân dân làm chủ; 3- Có nền kinh tế
phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ
phù hợp; 4- Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 5- Con người có
cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; 6- Các
dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng; 7- Có Nhà nước
pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh
đạo; 8- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Với tinh thần và tư duy biện chứng về
phát triển xã hội, Đảng ta quan niệm: Tiến lên CNXH là một quá trình vận động,
chuyển hóa liên tục, không ngừng phát triển từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện
đến hoàn thiện hơn. Các đặc trưng của xã hội XHCN mà nhân dân ta, dưới sự lãnh
đạo của Đảng, phấn đấu xây dựng cũng sẽ luôn luôn vận động, chuyển hóa và phát
triển không ngừng. Do vậy, từ nay đến năm 2030 và năm 2045, các đặc trưng của
xã hội XHCN Việt Nam chắc chắn sẽ có những bổ sung mới về chất, để đáp ứng yêu
cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng CNXH ở trình độ cao hơn nhiều.
Có được việc xác lập đúng đắn các đặc
trưng của mô hình CNXH đặc thù riêng có của Việt Nam là xuất phát từ sự nhận
thức sâu sắc về thời kỳ quá độ lên CNXH trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước
ta. Vượt qua những giáo điều, hạn chế do điều kiện khách quan ở thời kỳ bao
cấp, với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, Đảng ta đã
trở về với căn nguyên của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhìn
nhận đánh giá một cách khách quan những vấn đề thực tiễn đang đặt ra để định
hình những nhận thức lý luận quan trọng về thời kỳ quá độ lên CNXH ở nước ta.
Đó chính là cơ sở để Đảng ta có những quyết sách về đường lối thể hiện trong
các đặc trưng mô hình CNXH Việt Nam, trong đó có những vấn đề, nội dung mang
tính chất đột phá, như đặc trưng tổng quát, đặc trưng về kinh tế, đặc trưng về
Nhà nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét