NGUỒN GỐC TÊN GỌI "ĐIỆN BIÊN PHỦ TRÊN KHÔNG”
Mùa Hè năm 1954, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch
Hồ Chí Minh, quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm
châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đây là chiến thắng quyết định, dẫn tới kết quả của Hiệp định Geneve, trong đó
các bên cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam,
Lào, Campuchia. Đồng thời thực dân Pháp phải rút hoàn toàn khỏi Đông Dương, các
nước Đông Dương sẽ tiến hành tổng tuyển cử tự do để tiến tới thống nhất nước
nhà.
Nhân loại còn biết đến Điện Biên Phủ như một “Waterloo của
thế kỷ XX”, là “hồi chuông báo tử của thực dân Pháp trên khắp quả địa cầu”, là
“ngọn hải đăng trên biển cả”, là “ánh đèn pha chiếu sáng con đường đi của các
dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới”… góp phần cổ vũ các phong trào đấu tranh
giành độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới. Bước sang thời kỳ chống Mỹ,
đã có nhiều trận đánh lớn tiếp nối, trong đó có một “Điện Biên Phủ” hết sức
oanh liệt diễn ra trên bầu trời Hà Nội mà báo chí thường gọi là “Điện Biên Phủ
trên không”. Vậy cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” xuất hiện từ bao giờ?
Theo Trung tá Lưu Trọng Lân - Nguyên Phó trưởng Phòng Tác huấn,
Bộ Tham mưu Quân chủng PK-KQ, tác giả cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không - Chiến
thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam”, ông được nghe nhạc sĩ nổi tiếng Phạm
Tuyên kể lại: Đêm 26-12-1972, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên thắng lớn. Trong
không khí hồ hởi, ngay sáng hôm sau 27-12, tại phòng giao ban của Đài Tiếng nói
Việt Nam, Tổng Giám đốc Trần Lâm thông báo: “Đêm qua bộ đội ta bắn rơi 8 chiếc
B-52. Riêng Hà Nội diệt 5 pháo đài bay, có 4 chiếc rơi tại chỗ. Từ Sở chỉ huy tối
cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã biểu dương các đơn vị lập công và ra lời kêu gọi:
“Kẻ địch thua đau và nhất định sẽ thất bại hoàn toàn. Nhưng, chúng vẫn còn
ngoan cố kéo dài cuộc tập kích. Các đơn vị hãy bắn rơi nhiều B-52 hơn nữa, hãy
giáng cho không quân Mỹ một đòn “Điện Biên Phủ” ngay trên bầu trời Hà Nội, Thủ
đô thân yêu của chúng ta”.
Lời của Đại tướng đã tạo cho Nhạc sĩ Phạm Tuyên niềm xúc động
sâu sắc. Ý nghĩ sáng tác một bài hát mang tên “Hà Nội - Điện Biên Phủ” bỗng lóe
lên trong trí óc ông. Ngay đêm hôm đó, trong căn hầm của Đài Tiếng nói Việt Nam
giữa lòng Thủ đô rực lửa chiến đấu, những nốt nhạc, những lời ca hùng tráng
tuôn chảy trên giấy, dưới ngòi bút của ông: “B-52 tan xác cháy sáng bầu trời.
Hào khí Thăng Long ánh lên ngời ngời. “Rồng” ta lao vút... Một trận Điện Biên
nay sẽ vùi mộng xâm lăng. Hà Nội ơi!”. Sáng 28-12, cầm bản nhạc trên tay, Nhạc
sĩ Phạm Tuyên đến tòa soạn Báo Nhân Dân, bài ca “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của
ông liền được đăng trên Báo Nhân Dân và phát hành ngay sáng 29-12. Và cũng
trong ngày hôm ấy, khi chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội còn đang tiếp diễn,
trong chương trình “Tiếng hát gửi về Nam” của Đài Tiếng nói Việt Nam, bài hát
đã được phát đi trên làn sóng điện, để rồi những ngày tiếp theo, nó được lan tỏa
đi muôn phương, đến với bạn bè năm châu, bốn biển.
"Hãy giáng cho không quân Mỹ một đòn Điện Biên Phủ ngay
trên bầu trời Hà Nội” - lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và “Một Điện Biên nay
vùi mộng xâm lăng, Hà Nội ơi!” - lời trong bài hát của Nhạc sĩ Phạm Tuyên phải
chăng là những gợi ý đầu tiên cho sự ra đời của tên gọi đặc biệt “Điện Biên Phủ
trên không”?
Thực tế là sau khi thua trận đánh mang tính quyết định trên
bầu trời Hà Nội, cũng giống như sau thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ
năm 1954, đế quốc Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, cam kết
tôn trọng các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam, chấp nhận rút quân ra khỏi Việt
Nam… tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho Nhân dân ta tiến lên giành toàn thắng
vào mùa Xuân năm 1975. Tuy nhiên, ở đây vẫn còn một dấu hỏi là: Báo nào, đài
nào đã sử dụng cụm từ “Điện Biên Phủ trên không” đầu tiên? Câu hỏi khó khăn ấy
đã khiến cán bộ, nhân viên của Bảo tàng PK-KQ vào cuộc. Họ đã đến các thư viện
lớn, lật từng trang báo (Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội mới…) phát hành
trong những ngày tháng hào hùng cuối năm 1972, đầu năm 1973. Cuối cùng họ đã đạt
kết quả, tìm ra được đáp số: Đó là Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao
động Việt Nam (Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay). Trong số ra ngày 29-12-1972,
bên cạnh bài hát “Hà Nội - Điện Biên Phủ” của Nhạc sĩ Phạm Tuyên, ở trang
2, chuyên mục “Viết tại chỗ về Hà Nội -
Điện Biên Phủ có một dòng chữ: “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên
không”.
Như vậy, cái tên đầy hình ảnh và ý nghĩa “Điện Biên Phủ trên
không” ấy đã xuất hiện đầu tiên trên tờ Báo Nhân Dân và lập tức được làng báo
phương Tây hưởng ứng. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” từ đó đã nhiều lần
được nhắc đến trên các sách, báo, các đài phát thanh, truyền hình trong nước và
nước ngoài trong suốt 50 năm qua để nói đến chiến thắng lịch sử trong 12 ngày
đêm của quân và dân ta, trong đó có sự đóng góp to lớn của Bộ đội PK-KQ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét