Đại tá Nguyễn Văn Sơn và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân thuộc Trung đoàn Không quân 940, Trường Sĩ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) với bản lĩnh, kỹ năng xuất sắc, đã bình tĩnh đối mặt với tình huống nguy hiểm, đưa ra những quyết định chính xác và an toàn trở về. Hành động của hai phi công đã minh chứng cho trình độ và tinh thần, ý chí thép của người quân nhân cách mạng.
Sự cố bất ngờ và
quyết định dũng cảm
Trở về an toàn sau sự cố, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân bày tỏ: “Đối với
mỗi phi công, chắc chắn không ai muốn nhảy dù vì luôn mong muốn bảo đảm khối
tài sản quốc gia. Chúng tôi đã trao đổi rất kỹ và điều khiển máy bay, bay đi
bay lại nhiều lần để quyết tâm hạ cánh thành công. Nhưng điều kiện không cho
phép, buộc chúng tôi phải nhảy dù”.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Phụng Tuấn, Phó tham mưu trưởng Quân chủng Phòng
không - Không quân, trên máy bay có 3 càng, 1 càng mũi, 2 càng chính; nếu 1
trong 2 càng chính không ra thì phi công sẽ phải làm động tác thả càng khẩn
cấp. Sau khi thả càng khẩn cấp mà càng vẫn không ra được thì bắt buộc phi công
phải nhảy dù, ở đây phi công vẫn cố hết sức để tạo quá tải cho một bên càng ra
nốt nhưng không được. Trong trường hợp này nắp buồng càng đã ra rồi, phi công
vật lộn với máy bay rất nhiều lần, 7 đến 8 lần với khối tải lớn nhưng càng vẫn
không ra nên mới quyết định nhảy dù. Đây là một quyết định dũng cảm và chắc
chắn. Vì trong trường hợp máy bay còn điều khiển tốt, phi công phải tránh những
khu vực đông dân cư, làng mạc để tránh thảm họa cho dân chúng.
Điều đó cho thấy quyết định nhảy dù của hai phi công không phải là một
quyết định dễ dàng, đồng nghĩa với việc từ bỏ chiếc máy bay, một tài sản quý giá
của đất nước. Tuy nhiên, đặt sự an toàn về tính mạng và tránh gây thiệt hại cho
người dân, hai phi công đã bình tĩnh tính toán, lựa chọn vị trí nhảy dù an toàn
nhất, tránh xa khu dân cư. Hành động của họ không chỉ là sự dũng cảm mà còn là
sự thông minh và tính toán kỹ lưỡng.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: “Hướng nhảy dù của chúng tôi vào hướng
quy định của sân bay và bằng các kỹ năng sinh tồn theo hướng dẫn, chúng tôi đi
bộ hướng về sân bay, hướng 90 độ ra biển, leo lên đến đỉnh núi cao hơn 700 mét,
lúc đó có sóng điện thoại và kết nối được với đồng đội và lực lượng cứu hộ”.
Có mặt chỉ huy tại
hiện trường, Trung tướng Phạm Trường Sơn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội
nhân dân Việt Nam bày tỏ: “Sự cố hai phi công Trung đoàn 940 gặp phải là trường
hợp bất trắc, vô cùng phức tạp. Rất là lo và thương anh em. Trong tình huống
như vậy, anh em vượt qua bằng nghị lực bản lĩnh và sự đoàn kết”.
Huấn luyện trong
mọi điều kiện thời tiết
Đại tá Nguyễn Văn Sơn, sinh năm 1977, tại Quỳnh Phụ, Thái Bình; năm
2002, Nguyễn Văn Sơn tốt nghiệp phi công quân sự tại Học viện Phòng không -
Không quân và được điều về làm giảng viên bay tại Trung đoàn 920, Trường Sĩ
quan Không quân. Sau đó anh được cử sang Liên bang Nga đào tạo nâng cao tại Học
viện Không quân Gagarin. Năm 2014 về nước, anh tiếp tục công tác tại Trung đoàn
920.
Năm 2021, khi đang là Phó trung đoàn trưởng Trung đoàn 910, đã trải qua
hơn 2.000 giờ bay trên các loại máy bay khác nhau, anh cùng 11 phi công của
Trường Sĩ quan Không quân được Quân chủng Phòng không - Không quân cử sang Liên
bang Nga để học chuyển loại lý thuyết máy bay Yak-130. Cũng năm 2021, Bộ Quốc
phòng quyết định thành lập Trung đoàn 940, trực thuộc Trường Sĩ quan Không quân
với nhiệm vụ tổ chức huấn luyện, đào tạo các khoa mục ứng dụng chiến đấu trên máy
bay huấn luyện - chiến đấu Yak-130 cho các đối tượng học viên phi công quân sự
theo quy trình đào tạo phi công phản lực. Nguyễn Văn Sơn được bổ nhiệm làm
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 940.
Trở về nước, anh tiếp tục được các chuyên gia Nga hướng dẫn thực hành
bay trên máy bay Yak-130 tại sân bay Phù Cát. Trong quá trình thực hành bay
chuyển giao cũng như chỉ huy bay cùng với các chuyên gia, Nguyễn Văn Sơn luôn
tranh thủ quan sát và học hỏi họ từ những điều nhỏ nhất. Bên cạnh đó, anh còn
nghiêm túc thực hiện các thao tác điều khiển máy bay theo chỉ dẫn của các
chuyên gia, đồng thời tích cực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ kỹ
thuật bay, chỉ huy bay cũng như nâng cao năng lực quản lý, điều hành đơn vị.
Nhờ sự nỗ lực, chịu khó học hỏi nên chỉ sau 3 tháng thực hành bay, Nguyễn Văn
Sơn đã hoàn thành chương trình khoa mục bay ngày, bay đêm, bay biển và cùng với
chuyên gia tham gia bay bắn, ném bom, đạn thật diệt mục tiêu trên đất liền,
trên biển. Kết quả đạt thành tích xuất sắc, anh được các chuyên gia Nga đánh
giá cao về khả năng tiếp thu kỹ thuật lái, bắn đạn thật, ném bom cũng như trình
độ chỉ huy bay.
Còn Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, sinh năm 1983, tại Thạch Hà, Hà Tĩnh
được đào tạo phi công tại Trường Sĩ quan Không quân. Anh đã trải qua nhiều
cương vị từ giảng viên phi đội, chính trị viên phi đội, rồi chủ nhiệm bay. Anh
có hơn 2.000 giờ bay tích lũy trên các loại máy bay Yak-52, L-39, Mig-21, Su-27
và Yak-130. Trong đó, riêng Yak-130 anh đã có gần 800 giờ bay tích lũy, với bay
ứng dụng chiến đấu tất cả các khoa mục, ở các điều kiện khí tượng khác nhau.
Thượng tá Nguyễn Hồng Quân cũng có thời gian cùng với Đại tá Nguyễn Văn Sơn tại
Liên bang Nga học chuyển loại lý thuyết máy bay Yak-130.
Được biết, chỉ sau 3 tháng tham gia bay thực hành chuyển loại máy bay
Yak-130, tất cả các phi công của Trung đoàn 940 đều hoàn thành các khoa mục bay
ngày, bay đêm, bay biển với chuyên gia nước bạn, đồng thời tham gia bay bắn đạn
thật, ném bom tiêu diệt mục tiêu trên đất liền, trên biển đạt thành tích xuất
sắc. Sau 8 tháng, đơn vị đã triển khai đưa khí tài Yak-130 vào huấn luyện đêm
và huấn luyện bay biển... Chính nhờ việc huấn luyện chặt chẽ, đầy đủ nên các
phi công đã có những kinh nghiệm xử lý, phán đoán tình huống chính xác.
Đại tá Lê Văn Uy, Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân đánh giá: “Với bản
lĩnh, trình độ của 2 phi công cấp 1, với hơn 2.000 giờ bay đã tích lũy được
trên 3, 4 loại máy bay, phi công thực hiện các động tác cơ động phức tạp theo
đúng sổ tay xử lý bất trắc và tập trung quan sát, lựa chọn hướng bay phù hợp,
để không ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặc dù biết mình sẽ
nhảy dù xuống nơi địa hình rừng núi hiểm trở, nhưng với tinh thần dũng cảm, ý
chí kiên cường của người cán bộ, giảng viên bay, 2 phi công đã nhanh chóng
thống nhất và quyết định cùng nhau thực hiện động tác nhảy dù”.
Sự cố máy bay Yak-130 là một thử thách lớn nhưng cũng là cơ hội để thấy
được bản lĩnh, sự dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của hai phi công Trung đoàn
940. Đây là một bài học về sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khả năng ứng biến linh hoạt và
tầm quan trọng của việc tuân thủ quy trình. Đối với lực lượng không quân, đây
là cơ hội để đánh giá lại hệ thống huấn luyện, bảo dưỡng máy bay và công tác
tìm kiếm cứu hộ./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét