Hiện nay, các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị đang ra sức chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam. Càng gần đến thời điểm tổ chức Đại hội XIV của Đảng, sự chống phá đó của chúng càng quyết liệt hơn. Trong đó, đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam” là luận điệu tuyên truyền cực kỳ thâm độc, nguy hiểm. Vì thế, kiên quyết đấu tranh làm thất bại mưu đồ trên là việc làm cần thiết, quan trọng.
Mục tiêu xuyên suốt, không bao giờ thay đổi của các thế lực
thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam. Nếu như trước kia, chúng thường sử dụng các tổ chức đối lập, đấu tranh nghị
viện,… để từng bước làm tan rã thể chế chính trị ở các quốc gia đối lập; thì
nay, trong bối cảnh quốc tế mới, hình thức, phương pháp, thủ đoạn chống phá còn
đa dạng, tinh vi và thâm độc hơn. Đặc biệt, trước thềm Đại hội XIV của Đảng Cộng
sản Việt Nam, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, trong đó ra sức tuyên
truyền kích động đòi “kiến nghị khẩn cấp về cải cách thể chế” ở Việt Nam, theo
hướng “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”. Chúng ngụy biện rằng, chỉ có thực
hiện “đa đảng đối lập” mới có dân chủ thật sự, còn nếu một đảng thì tất yếu sẽ
dẫn đến chuyên quyền, độc đoán trong quá trình lãnh đạo đất nước, dân tộc. Thật
là hết sức kệch cỡm, lố bịch! Đó là chưa nói tới việc chúng cố tình quên hoặc lờ
đi lịch sử cách mạng Việt Nam đã từng tồn tại nhiều đảng, nhưng rồi đều tự rút
sau khi đã hoàn thành sứ mệnh của mình, chỉ còn lại duy nhất Đảng Cộng sản Việt
Nam được nhân dân, dân tộc thừa nhận, giao phó quyền lãnh đạo đất nước. Không
phụ lại sự ủy thác và tin cậy đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân
vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc
trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay. Thực tiễn lịch sử đó
là không thể phủ nhận. Vậy mà các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội chính
trị vẫn ra rả luận điệu kích động đòi phải “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”
- thật trơ trẽn, nực cười.
Thực chất của cái gọi là “cải cách thể chế chính trị ở Việt
Nam” không gì khác hơn là mưu toan nhằm từng bước hạ thấp vai trò lãnh đạo của
Đảng ta, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Âm mưu, thủ đoạn đó
của chúng gần đây có phần tiến hóa hơn, hình thức cũng đa dạng hơn và tính chất
cũng thâm độc hơn. Chúng thường lợi dụng những hạn chế, khuyết điểm của ta
trong quá trình đổi mới đất nước để khoét sâu, thổi phồng, theo kiểu biến cái
nhỏ thành cái lớn, cá biệt thành phổ biến, hiện tượng thành bản chất, từ đó quy
kết thô thiển rằng: Đảng ta yếu kém, không đủ sức lãnh đạo đất nước. Cũng từ đó
làm chệch hướng, lái sự nghiệp cách mạng nước ta đi theo con đường tư bản chủ
nghĩa. Đáng chú ý là, chúng “luồn lách” vào từng vấn đề, từng khuyết điểm nhỏ
nhất của sự nghiệp đổi mới để chống phá, nhất là những vấn đề nhạy cảm, như:
quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị; thậm chí cố tình lý giải
sai lệch bản chất của những vấn đề trên để thực hiện mưu đồ đen tối. Chúng cho
rằng: “quá trình đổi mới ở Việt Nam hiện nay đã xây dựng một xã hội mà vỏ ngoài
là chủ nghĩa xã hội, nhưng bên trong là chủ nghĩa tư bản”.
Đại hội VI của Đảng (12-1986) đã quyết định đường lối đổi mới
toàn diện đất nước, đến nay Đảng ta tiếp tục khẳng định mục tiêu của đổi mới là
xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”. Đổi mới
không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, mà là làm cho chủ nghĩa xã hội
được xây dựng có hiệu quả hơn, thiết thực hơn trên thực tế; trong đó, phải kết
hợp chặt chẽ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi mới kinh tế
làm trọng tâm, xây dựng Đảng là khâu then chốt, v.v.
Trước yêu cầu, điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng,
đòi hỏi chúng ta phải nắm vững quy luật vận động khách quan của xã hội để có
quyết sách phù hợp, giải quyết đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ giữa đổi mới kinh
tế với đổi mới chính trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Trong đó, cần đặt
đúng vị trí đổi mới chính trị và đổi mới kinh tế; tiếp tục tận dụng thời cơ do
hội nhập mang lại để thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Đồng thời, có
biện pháp, cách làm, bước đi đồng bộ, phù hợp để tháo gỡ những bất cập về tổ chức
bộ máy, thể chế, cơ chế, chính sách. Như vậy sẽ không vô tình tạo ra kẽ hở cho
các thế lực thù địch lợi dụng quá trình đổi mới đất nước để tuyên truyền kích động
đòi “cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam”.
Mặt khác, Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới,
xây dựng tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng
lực lãnh đạo và sức chiến đấu của mình. Trong đó, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất
là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực và phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ là
khâu then chốt, có ý nghĩa quyết định đến thành công của sự nghiệp đổi mới. Đồng
thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ
nghĩa, bảo đảm mọi quyền lực xã hội và nhà nước thuộc về nhân dân. Đó là cơ sở,
nền tảng vững chắc của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa ở nước ta; đồng thời
là vấn đề cấp thiết, yếu tố trực tiếp làm thất bại luận điệu đòi “cải cách thể
chế chính trị ở Việt Nam” của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét