Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

NHỮNG NHÀ GIÁO TÌNH NGUYỆN RỜI BỤC GIẢNG ĐI B

 

Ngày 5/3/1969, đoàn giáo viên tình nguyện đi B hành quân bằng ô tô từ Hòa Bình đến câu lạc bộ Thống Nhất, cạnh Hồ Gươm, để dự lễ tiễn đưa. Hơn 200 thầy cô giáo là những người được tuyển chọn kỹ càng cả về chuyên môn sư phạm và phẩm chất chính trị đều trong tư thế sẵn sàng: Ba lô gọn gàng trên lưng, dép cao cao su rút quai vừa vặn để chuẩn bị cho hành trình vượt Trường Sơn vào với chiến trường khốc liệt miền Nam. Nơi ấy, họ được giao một nhiệm vụ đặc biệt trên mặt trận riêng: Vừa đấu tranh với địch, vừa xây dựng và phát triển giáo dục.

Cô giáo trẻ Phạm Thị Hải Ấm nhìn khắp lượt các anh chị trong nhóm của mình. Đó là những người sẽ cùng sống chết bên cô trên chặng đường dài hành quân phía trước. Mới 21 tuổi và vừa rời ghế giảng đường, Hải Ấm là thành viên trẻ nhất đoàn…

Gác hạnh phúc riêng

Hơn 50 năm đã trôi qua, cô gái đôi mươi ngày nào giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng bà vẫn không thể quên những ngày tháng thanh xuân đã cùng đồng nghiệp cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục miền Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chia sẻ với chúng tôi trong một ngày thu Hà Nội tại nhà riêng, bà vẫn nghẹn ngào khi nhớ về một thời hoa lửa.

Mọi người được dành thời gian để chia tay với gia đình, bạn bè, vợ con. Tôi lặng nhìn cảnh những cặp vợ chồng ôm hôn nhau thắm thiết mà không cầm được nước mắt vì ai cũng biết rõ người đi đâu có hẹn ngày về,” nhà giáo Phạm Thị Hải Ấm xúc động chia sẻ.

Trong số gần 3.000 nhà giáo tình nguyện đi B, có rất nhiều người đã có gia đình, có chức vụ trong công tác, nhưng họ đã gác lại niềm riêng, sự nghiệp, vợ dại con thơ để lên đường vì Tổ quốc…

Những nhà giáo tình nguyện đi B khi đang ở vị trí hiệu trưởng như nhà giáo Nguyễn Thỏa, Hiệu trưởng Trường cấp II Quang Phục (Tiên Lãng, Hải Phòng); nhà giáo Phạm Tăng, Hiệu trưởng Trường phổ thông cấp II Châu Giang (Đông Hưng, Thái Bình); nhà giáo Nguyễn Viết Nhiên, Hiệu trưởng Trường cấp II Quỳnh Vinh (Quỳnh Lưu, Nghệ An)…

Bỏ lại sự nghiệp, họ còn gửi lại cả những yêu thương. Nhìn về phía bức ảnh gia đình, nhà giáo Đỗ Trọng Văn bảo, khi ông lên đường đi B, con nhỏ mới tròn 8 tháng, con lớn chập chững lên ba. Nay đã xấp xỉ tuổi 80, ông vẫn nhớ những cảm xúc nghẹn lòng khi ôm hôn từng đứa con nhỏ dại, dặn dò an ủi người vợ trẻ trước khi lên đường. “Nhớ và thương rất rất nhiều, nhưng chúng tôi lúc đó đều hiểu khi Tổ quốc cần, mỗi người đều phải gác lại hạnh phúc riêng,” thầy Văn xúc động nói.

Ngày nhận lệnh đi B năm 1964, nhà giáo Trần Thư Nguyên khi ấy còn chưa có con dù hai vợ chồng đã cưới được ba năm. “Ban đầu, tổ chức cũng băn khoăn, nhưng mãi sau này tôi mới biết chính vợ tôi đã gửi thư lên tận Ban Thống nhất Trung ương bày tỏ đồng ý cho tôi đi B,” thầy Nguyên chia sẻ. Cuộc chia ly kéo dài đến tận 10 năm. Năm 1975 thầy Nguyên mới trở lại miền Bắc, đoàn tụ gia đình, nhưng ước mơ về tiếng trẻ bi bô trong ngôi nhà nhỏ đã mãi không thể trở thành hiện thực.

Vượt Trường Sơn bằng ý chí người thầy

Hành trình ba tháng đi bộ ròng rã vượt Trường Sơn đến chiến trường miền Nam là thử thách với bất kỳ ai, càng là thử thách lớn hơn với những thầy, cô giáo vốn chỉ quen với sách vở, cầm viên phấn trắng. Dù đã có hai, ba tháng ròng rã tập đeo gạch, đi bộ, leo núi để làm quen nhưng những thử thách với thầy cô trong hành trình là vô cùng lớn.

“Cứ đêm đi ngày nghỉ, mỗi ngày đi khoảng 7 tiếng mới đến trạm giao liên, nhưng khi có địch lại phải đi xuyên trạm lên đến hơn 10 tiếng đi chuyển liên tục đường rừng, nhiều dốc dựng đứng, trơn trượt. Có khi đến điểm nghỉ lại không có nước, phải đi xa lấy nước về nấu ăn. Chúng tôi đi qua khu 6 là nơi chiến tranh đang diễn ra ác liện nên trong suốt 4 này đi không được nói, không được nấu ăn. Cơm phải nắm lại, đốt cháy xung quanh, khi mở ra ăn đã chua mà vẫn thấy ngon. Hết cơm thì ăn đến gạo rang,” thầy Nguyên bổi hồi kể.

Được phân về Kiến Tường, cô Hải Ấm vẫn nhớ hành trình ba ngày vượt qua cánh đồng tràm Đồng Tháp mênh mông nước. Những gốc tràm nhọn hoắt đâm vào chân tứa máu, làm mồi nhử cho đỉa bám đuổi theo sau. “Cứ lội như thế mà đi trong suốt ba ngày mới qua được cánh đồng mà chúng tôi hay gọi đùa là cánh đồng chó ngáp,” cô Hải Ấm kể.

Gian khổ, nhưng hiểm nguy lớn nhất là bom đạn kẻ thù. Nhà giáo Phạm Tăng khi đi tới giữa cánh đồng Mông Thọ (Kiên Giang) thì bị lộ, hai chiếc máy bay của địch đuổi theo bắn dữ dội nhưng may không ai trúng đạn. Đi trong vùng địch nên các thầy cô phải đêm đi, ngày nghỉ. Đỉa trâu bám nặng ống quần cũng không thể đứng lại vì phải đến căn cứ trước khi trời sáng. Cứ như thế đêm này qua đêm khác, chân sưng vù rơi cả móng.

“Chúng tôi đã vượt Trường Sơn không phải bằng sức lực mà bằng ý chí người thầy, không phải đi bằng chân mà đi bằng đầu,” thầy Đỗ Trọng Văn, Trưởng chi hội nhà giáo đi B, Hội Cựu giáo chức Việt Nam xúc động nói./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét