Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là danh hiệu cao quý mà nhân dân ta dành tặng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội-những người con từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu vì nhân dân mà phục vụ. Bằng cách trao tặng danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, nhân dân ta đã thể hiện sự tôn vinh, tình thương yêu và niềm tin sâu sắc nhất của mình đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã trở thành một giá trị văn hóa quân sự Việt Nam nói riêng, một giá trị độc đáo của văn hóa Việt Nam nói chung mà còn là hình mẫu của con người Việt Nam trong thời đại mới, để các thế hệ kế tiếp noi theo.
Giá trị danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” thể hiện sâu sắc trong truyền thống
của Quân đội, được Chủ tịch Hồ Chí Minh khen ngợi “Quân đội ta trung với Đảng,
hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ
nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù
nào cũng đánh thắng”. Thực tiễn Quân đội ta trong 80 năm xây dựng, trưởng thành
và phát triển đã cho thấy giá trị của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ ngày càng được khẳng
định và tỏa sáng. Thực tiễn cũng đã cho thấy, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất
quan tâm chăm lo giáo dục, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, không chỉ cho
Quân đội mà cho cả xã hội, nhất là đối với việc “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho
đời sau”. Sinh thời, Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương Nguyễn Phú Trọng đã
nhiều lần đánh giá và ghi nhận việc xây dựng Quân đội nhân dân “đáp ứng ngày
càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc” và khẳng định rằng, trong bất luận
hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ toàn quân luôn giữ gìn phẩm chất, hình ảnh Bộ đội
Cụ Hồ, kiên định, vững vàng, đoàn kết, thống nhất, khắc phục khó khăn, hoàn
thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trước tình hình mới, để phát huy giá trị của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ,
góp phần xây dựng phẩm chất nhân cách quân nhân trong Quân đội ta, cần phải tiếp
tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả hơn các giải pháp mà chúng ta đang thực hiện.
Đó là, thực hiện tốt hơn tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng ta về tăng
cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân
Việt Nam. Đồng thời phải phát huy vai trò, trách nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ
giữa các tổ chức, đoàn thể trong Quân đội, của hệ thống chính trị và toàn dân
trong giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo về nội dung, phương thức giáo dục, rèn
luyện phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội, phù hợp với
yêu cầu của từng đối tượng trên các địa bàn hoạt động cụ thể, bám sát đặc thù của
các quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường, đơn vị.
Thực hiện ngày càng đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả cao
Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”.
Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thiết thực Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày
28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết
chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới và Kết luận số 01-KL/TW ngày
18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày
15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng,
đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chính là góp phần to lớn vào bồi dưỡng và nâng
cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.
Tích cực tạo môi trường thuận lợi để phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được
phát huy trong điều kiện mới. Trong đó, tập trung xây dựng môi trường văn hóa
trong sạch, lành mạnh ở đơn vị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh. Giáo dục
cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc giá trị chuẩn mực phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ thời
kỳ mới và tuyên truyền trong xã hội, nhất là trong thế hệ trẻ. Đẩy mạnh phong
trào thi đua, phát huy vai trò nêu gương, tự giác tu dưỡng, rèn luyện của đội
ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ chủ trì các cấp trong giữ gìn và phát huy phẩm
chất Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.
Đặc biệt, những việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cần phải làm,
những điều phải tránh, phải khắc phục thì chúng ta phải rất nghiêm túc thực hiện
trên tinh thần, thái độ cầu thị và tự soi, tự sửa thường xuyên, không ngừng nghỉ.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc nhở cán bộ, chiến
sĩ phải trau dồi, “hun đúc đạo đức người quân nhân cách mạng” và Người nhắc
Quân đội phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân, nhất là tệ tham ô, lãng phí
và “phải làm sao cho Quân đội ta không có tham ô, lãng phí”, làm cho “Bộ đội Cụ
Hồ liêm chính thật”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi quân nhân, ở bất kỳ cương
vị nào cũng cần phải có đủ đức và tài để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao và
ngày càng tiến bộ, phát triển, trong đó “đức là gốc”, “chuyên môn là tài”, đạo
đức và chính trị thống nhất với nhau, coi “chính trị là đức” và tất cả đều được
biểu hiện ra qua nhận thức, hành động thực tiễn.
Nhân cách nói chung, nhân cách quân nhân cách mạng nói riêng là một
phạm trù tiến hóa lịch sử, sự phát triển nhân cách này đặt trực tiếp trong môi
trường quân sự. Quân đội trực tiếp giáo dục và rèn luyện nhưng vẫn không nằm
ngoài tính quy luật về sự phát triển lịch sử toàn diện. Phải thấy những giá trị
của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ được nhân dân tôn vinh, trao tặng và cũng chính nhân
dân là người chăm lo giáo dục, giúp đỡ, để mỗi quân nhân giữ gìn, phát huy những
giá trị đó, bảo đảm chắc chắn nhất cho sự bền vững của danh hiệu cao quý Bộ đội
Cụ Hồ. Điều này phù hợp với quy luật phát triển khách quan của một quân đội
cách mạng và hợp ý Đảng, lòng dân, lòng quân, đã được thử thách, khẳng định qua
thời gian và được kế thừa, phát triển giữa các thế hệ nối tiếp nhau. Nhờ đó,
danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng là một Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét