Trải qua lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta xây đắp nên truyền thống văn hóa giàu bản sắc, vô cùng quý báu, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, mà không phải quốc gia nào cũng có được. Trong đó, tinh thần “tương thân, tương ái” là truyền thống, nét đặc trưng rất đỗi tự hào. Đáng nói là, càng trong khó khăn, hoạn nạn, truyền thống đó càng ngời sáng, lay động lòng người.
Vừa qua, bão Yagi (bão số 3) -
cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đổ bộ vào nước ta và gây thảm họa tàn
khốc đối với các tỉnh, thành phố ở miền Bắc; trong đó, đồng bào vùng Tây Bắc chịu
thiệt hại lớn nhất về người và tài sản. Chúng ta hết sức đau lòng trước thảm cảnh
bi thương ấy. Có những nơi ở Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái sạt lở đất, lũ quét đã
khiến cả làng bị vùi lấp, cuốn trôi chỉ trong khoảnh khắc. Có gia đình thương
vong không còn ai; nhiều gia đình mất trắng tài sản trong chớp mắt, v.v. Mất
mát lớn là thế, đau thương nhiều là thế! Nhưng đồng bào vùng bị thiên tai không
đơn độc bởi sự đùm bọc, sẻ chia bằng cả vật chất và tinh thần của nhân dân cả
nước, bạn bè quốc tế. Trước hết là sự vào cuộc khắc phục hậu quả bão, lũ với
tinh thần trách nhiệm cao của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, lực lượng
vũ trang và các đoàn thể địa phương. Cùng với đó là sự ủng hộ, giúp đỡ tiền, thực
phẩm, thuốc men, nước uống kịp thời của các tổ chức, cá nhân trên khắp mọi miền
đất nước. Khó có thể thống kê được đã có bao nhiêu hành động thiện nguyện, tấm
lòng vàng, quỹ ủng hộ, v.v. Càng không thể đong đếm được tình dân tộc, nghĩa đồng
bào, lòng nhân ái gửi gắm, lắng đọng trong từng lời động viên, từng lượng vật
chất cụ thể ấy lớn đến chừng nào, mà chỉ có thể khẳng định đó là nét đẹp truyền
thống văn hóa của dân tộc Việt Nam được thể hiện khái quát qua thành ngữ:
“tương thân, tương ái”, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá
rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”,… mỗi khi hoạn nạn, khó khăn xảy ra.
Nhưng bên cạnh những hành động,
nghĩa cử cao đẹp đó, đáng buồn thay cũng còn số ít người thờ ơ, vô cảm trước sự
mất mát, đau thương của đồng bào vùng bão, lũ. Thậm chí có người còn lợi dụng sự
kiện đó để “làm màu”, đánh bóng tên tuổi bằng các hành vi gian dối, “ủng hộ ít
xít ra nhiều”. Đáng buồn hơn, một số cá nhân còn “vô tư” giả danh của cơ quan,
tổ chức để chuyển tiền (với số rất nhỏ) khiến dư luận không khỏi bức xúc.
“Tương thân, tương ái” mỗi khi gặp
hoạn nạn là hành vi văn hóa, đạo đức ở trình độ cao và là thước đo văn minh của
cá nhân, tổ chức và xã hội. Dù người đó là ai, ủng hộ nhiều hay ít, bằng bất cứ
cách thức gì, miễn là với tấm lòng thiện nguyện thì đều được trân quý, tôn
vinh, khích lệ. Trên thực tế, từ những tấm lòng thiện nguyện của từng cụ già,
em nhỏ,... đến hành động dũng cảm, quên mình cứu giúp nhân dân của lực lượng vũ
trang đều gây xúc động mạnh mẽ nhân dân cả nước. Vì thế, những hành vi gian dối,
lợi dụng ủng hộ để khoe khoang tiền tài, phô trương đạo đức,... hòng trục lợi
dưới bất cứ hình thức nào đều đáng bị lên án. Bởi nó không chỉ trái với đạo lý,
“thuần phong, mỹ tục”, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, mà còn làm xói
mòn niềm tin, gây nghi ngờ trong nhân dân, đó là chưa kể hành vi đó còn bao hàm
cả yếu tố pháp luật.
“Thiên tai” từ cơn bão số 3 đã
đi qua, hậu quả của nó tuy vẫn còn nặng nề nhưng đang dần được khắc phục. Điều
đó phần nào xoa dịu những nỗi đau, mất mát; song điều quan trọng hơn đối với mỗi
chúng ta là niềm tin, niềm tự hào về truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc
được tăng cường và lan tỏa. Thiết nghĩ, đó là nền tảng vững chắc, cội nguồn chiến
thắng mọi “thiên tai, địch họa” của nhân dân ta.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét