Thứ Hai, 2 tháng 12, 2024

XỬ LÝ THAM NHŨNG, TIÊU CỰC KHÔNG PHẢI LÀ CHIÊU TRÒ MỊ DÂN NHƯ CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH XUYÊN TẠC

     Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc rằng: Vì xã hội thiếu dân chủ nên công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không hiệu quả, thậm chí ngày càng gia tăng và những vụ tham nhũng, tiêu cực được xử lý gần đây chỉ là chiêu trò mị dân của Đảng Cộng sản. Dân chủ là vấn đề lớn của mọi quốc gia, dân tộc trên thế giới, tùy thuộc vào tình hình chính trị - xã hội, sự hoàn thiện hệ thống pháp luật, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, mà tình trạng thực hiện dân chủ xã hội khác nhau. Lợi dụng điều đó, chúng còn suy diễn rằng, “thiếu dân chủ thực chất là hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội yếu kém của nước ta”, “kinh tế - xã hội càng kém phát triển thì tham nhũng, tiêu cực càng gia tăng”. Chúng xảo biện rằng, “Tham nhũng ở khắp mọi nơi, trong mọi hoạt động của cuộc sống như căn bệnh ung thư đã di căn khắp cơ thể”, và rêu rao rằng những số liệu chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua chỉ để “mị dân, đánh bóng tính ưu việt của chế độ”, chứ không phản ánh đúng bản chất công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng Cộng sản.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cần xây dựng một nhà nước Việt Nam kiểu mới, trong đó Người khẳng định: “NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”. Điều thứ 1 Hiến pháp năm 1946 khẳng định: “Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định: “Tất cả quyền lực... đều thuộc về nhân dân... Tất cả các cơ quan nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân”. Trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay, dân chủ vẫn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững”.

Ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa là quy luật hình thành, phát triển, là tôn chỉ, mục đích hoạt động của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên thực tế, Đảng Cộng sản Việt Nam là đại diện chân chính duy nhất cho lợi ích và nguyện vọng của nhân dân lao động trong cuộc đấu tranh bảo vệ quyền sống, quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc. Ngoài Đảng Cộng sản, không một đảng phái hoặc một lực lượng chính trị nào có thể đưa ra cương lĩnh, đường lối cho cách mạng Việt Nam, có thể đồng thời giải quyết hai mục tiêu dân tộc và dân chủ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành đảng cầm quyền, lãnh đạo xã hội và nhà nước để đi tới mục tiêu và thực hiện lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, thì vấn đề xây dựng nền dân chủ, bảo đảm quyền dân chủ và làm chủ của nhân dân lao động trở thành một trong những vấn đề cơ bản, cốt yếu của chế độ.

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân là các chủ thể thống nhất với nhau về mục tiêu và lợi ích, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, lấy hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Thế nên, việc quy chụp nước ta thiếu dân chủ, thậm chí suy diễn do kinh tế kém phát triển dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong xã hội là vô căn cứ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Đó chính là kết quả tất yếu từ hàng loạt chính sách của Đảng và Nhà nước trên cơ sở nền dân chủ “lấy con người làm trung tâm”, “thực sự vì con người”. Không những thế, cần đanh thép khẳng định rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay không làm cản trở sự phát triển đất nước, mà còn tạo thêm nhiều xung lực mới cho đất nước phát triển. “Không phải như một vài ý kiến lo ngại rằng, nếu quá tập trung vào chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ làm “chùn” sự chỉ đạo hay làm “chậm” sự phát triển, mà ngược lại, chính nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại”.

Hiện nay, nhờ đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà nhiều sai phạm của không ít cán bộ, đảng viên đã được xử lý, nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực phức tạp được giải quyết, tháo gỡ những “điểm nghẽn” tồn đọng trong thời gian dài. Trong giai đoạn 2012 - 2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, đã thi hành kỷ luật 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó, có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Không chỉ ngăn chặn tình trạng thất thoát nguồn tài sản lớn của Nhà nước, mà quan trọng hơn, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giờ đây thật sự đã trở thành phong trào, nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội và đang là một động lực to lớn để Việt Nam thực hiện thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét