Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2025

 MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC QUẢN LÝ, BẢO VỆ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TRONG BỐI CẢNH HỘI NHẬP QUỐC TẾ

Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, hợp tác và hội nhập quốc tế vẫn luôn là xu thế lớn, lâu dài của các quốc gia, khu vực trên thế giới. Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp và đa chiều, tác động sâu sắc đến môi trường hòa bình, an ninh và phát triển của đất nước ta. Một mặt, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá cách mạng với mức độ ngày càng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn; trong đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên là mục tiêu quan trọng đầu tiên mà chúng nhắm tới; mặt khác, hiện nay vẫn còn tồn tại những vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra nguy cơ đe dọa vai trò lãnh đạo của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế, công tác bảo vệ chính trị nội bộ cần tập trung thực hiện một số nội dung trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, nhất là người đứng đầu cần nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ chính trị nội bộ gắn với công tác quản lý cán bộ trong tình hình mới. Xác định rõ trách nhiệm, nâng cao ý thức cảnh giác, đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý cán bộ để kịp thời phát hiện, khắc phục những vướng mắc, hạn chế nảy sinh trong thực tiễn; trong đó, cần tập trung vào việc nắm vững và giải quyết những vấn đề chính trị hiện nay của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với những trường hợp làm nhiệm vụ dịch thuật, cử đi học ở nước ngoài, đi công tác nước ngoài đột xuất hoặc thường xuyên, theo nhiệm kỳ hoặc có mối quan hệ tiếp xúc, làm việc lâu dài với các tổ chức, cá nhân nước ngoài, cho phù hợp với những yêu cầu, diễn biến của tình hình mới.

Thứ ba, tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trên cơ sở quán triệt sâu sắc, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, XII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị; tăng cường giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, trong đó cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ chính trị nội bộ và ý thức cảnh giác, tinh thần kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn phá hoại tinh vi của các thế lực thù địch. Tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.


Thứ tư, chủ động ngăn chặn, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Tăng cường đấu tranh, sớm phát hiện, đập tan các hoạt động phá hoại tư tưởng chính trị; phản bác, bóc gỡ, vạch trần các thông tin xấu, độc, luận điệu xuyên tạc, thù địch, kích động; đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, khắc phục những hạn chế trong quản lý báo chí, mạng xã hội và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tăng cường các thông tin chính thống chính xác, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng nắm bắt và định hướng dư luận trong thời gian diễn ra các sự kiện lớn, trọng đại của đất nước.

Thứ năm, rà soát, thẩm tra, thẩm định chặt chẽ, kỹ lưỡng và kết luận rõ tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, đảng viên, không để lọt những người không đủ tiêu chuẩn chính trị vào cấp ủy các cấp. Chuyển trọng tâm từ nắm vững và giải quyết vấn đề lịch sử chính trị sang vấn đề chính trị hiện nay. Các mặt công tác quản lý cán bộ cần bám sát tình hình thực tế của đội ngũ cán bộ để có biện pháp phòng ngừa, răn đe kịp thời, hữu hiệu.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế phối hợp và đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác phối hợp giữa cơ quan bảo vệ chính trị nội bộ với các cơ quan chức năng liên quan trong việc nắm vững tình hình và giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ. Tùy tình hình cụ thể, chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, biện pháp hiệu quả trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp, vận động nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, đặc biệt là trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên; cảnh giác và tham gia đấu tranh với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động.

Thứ bảy, đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị. Qua đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấn chỉnh những thiếu sót, hướng dẫn đồng bộ và nhất quán việc thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ cho các cơ quan, đơn vị, đội ngũ chuyên trách bảo vệ chính trị nội bộ đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét