Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

NÂNG CAO TRÁCH NHIỆM NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ CẤP PHÂN ĐỘI Ở ĐƠN VỊ CƠ SỞ TRONG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY


 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “… các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”; “Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Vì vậy, Người đặc biệt coi trọng nêu gương, làm gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong thực hiện nhiệm vụ được giao, ở những thời điểm khó khăn, thử thách của cách mạng. 

Phong cách nêu gương của Người như là một lẽ tự nhiên, thấm nhuần trong tư duy và hành động, là nét văn hóa điển hình trong lãnh đạo và quản lý, trong giao tiếp và ứng xử của Người. Có thể khái quát trên những nét chính sau:

Nêu gương về mục đích và lý tưởng sống. Người tâm niệm về người phương Đông luôn coi trọng tình cảm và đạo đức, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Chính vì thế, trong suốt cuộc đời mình, Người luôn tự trau dồi, học hỏi, tự rèn luyện để phấn đấu cho lý tưởng độc lập dân tộc và vì đồng bào. Người chỉ dạy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là “chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được”. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu cho cấp dưới, cho nhân dân và cho thế hệ trẻ noi theo. Đó là gương người tốt, việc tốt để giáo dục lẫn nhau. Người luôn nhắn nhủ thế hệ trẻ tương lai của dân tộc rằng “Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân”; “Trên vì nước, dưới vì nhà. Ấy là sự nghiệp, ấy là công danh”. Tuổi trẻ phải không ngừng được vun đắp lý tưởng, hoài bão để tiếp nối sự nghiệp vẻ vang mà cha ông đã để lại.

Nêu gương về thái độ khiêm tốn, cầu thị, sâu sát và rút kinh nghiệm thực tiễn. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng và chế độ một tấm gương mẫu mực và ngời sáng về tinh thần cầu thị, khiêm tốn, nhã nhặn, đặc biệt là thái độ học hỏi, cầu thị với nhân dân và với cấp dưới của mình. Người đặt vấn đề cho cán bộ, đảng viên phải là những người “đi trước thiên hạ, vui sau đồng bào”; phải thực hiện tác phong “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”, phải cẩn thận mà nhanh nhẹn kịp thời, làm đến nơi đến chốn. “Sau mỗi việc cần phải rút kinh nghiệm... Mỗi cán bộ, mỗi địa phương sẽ học những kinh nghiệm hay, tránh những kinh nghiệm dở, áp dụng những kinh nghiệm cũ vào những công việc mới”. Phải thường xuyên chú ý rút kinh nghiệm, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm căn cứ để công việc luôn đúng đắn và phù hợp, đồng thời phải coi trọng tổng kết thực tiễn.

Nêu gương thực hành đoàn kết, tôn trọng nhân dân, nêu cao tinh thần đại nghĩa trên cơ sở bình đẳng, hướng tới đồng thuận, nêu cao đồng tâm, đồng ý, đồng chí, đồng lòng để đồng hành, đưa sự nghiệp cách mạng vượt qua mọi gian nan thử thách, hy sinh đi tới thắng lợi. Trong thực hành chức trách tương tác đối với nhân dân thì phải biết yêu dân, thương dân, kính dân, trọng dân, gần dân gắn liền với tinh thần phục vụ dân để mỗi người dù là cán bộ hay người dân thường thì trên dưới, trước sau, trong ngoài đều phải có ý thức tôn trọng nhau để làm việc hiệu quả và bền lâu.
          Nêu gương về phương pháp và phong cách làm việc khoa học, cẩn thận, chu đáo, lãnh đạo và quản lý dựa trên các chuẩn mực dân chủ, khoa học, luật pháp, kỷ cương và gương mẫu về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.
          Trong công việc, Người luôn yêu cầu: “Đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu” nắm việc, nắm người, nắm tình hình cụ thể; có mục đích rõ ràng, cẩn thận; chương trình kế hoạch đặt ra phải chi tiết, sát hợp, chu đáo; kiểm tra việc thực hiện của cấp dưới và quần chúng; cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng điểm, có điển hình và toàn diện. 
          Người cho rằng, trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, nên không được làm trái ý dân, mà phải phát huy dân chủ, dân chủ là động lực của sự phát triển tiến bộ; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng để giải quyết mọi khó khăn. Cần nâng cao ý thức và năng lực thực hành dân chủ của người dân, luôn đảm bảo cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Nêu gương ứng xử tinh tế, thực hành lối ứng xử thấm nhuần văn hóa khoan dung. Trong phong cách nêu gương, Người đặt ra nguyên tắc thực hiện: Trên ba mối quan hệ đối với mình, đối với người, đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng” (để việc công lên trên, lên trước việc tư), đã phụ trách việc gì thì phải tận tâm, tận lực làm cho kỳ được, không sợ khó khăn, gian khổ, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Thực hiện “chí công vô tư” và “nói đi đôi với làm”. Gương mẫu là mệnh lệnh không lời. Người chủ trương: “Lấy gương người tốt việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ có thể là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em; trong nhà trường, thầy, cô giáo là tấm gương cho học trò; trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên chẳng những phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng mà còn phải là tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó làm những điều đúng, điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.  

Kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đặc biệt quan tâm, chăm lo giáo dục, rèn luyện, đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Đảng ta khẳng định nêu gương là trách nhiệm, bổn phận và đạo lý của người cán bộ, đảng viên trước nhân dân. Trách nhiệm gương mẫu, tự giác đi đầu thể hiện từ trong tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự phê bình, phê bình đến trong quan hệ với quần chúng, trách nhiệm trong công tác, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ.

Khi nói về tư cách của người chính trị viên (đại diện cho cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tư cách của chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt”. Vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp phân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, luôn nêu gương trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ các cấp ở đơn vị cơ sở trong Quân đội đã quán triệt sâu sắc các văn bản quy định về nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đội ngũ cán bộ cấp phân đội đã triển khai hiệu quả việc xây dựng thể chế về nêu gương, cụ thể hóa xây dựng và thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế làm việc, xác định rõ trách nhiệm tự giác, gương mẫu trong học trước, làm trước. Đồng thời đề xuất các chủ trương, biện pháp để cấp ủy, tổ chức đảng triển khai nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ này trong tham gia xây dựng tổ chức đảng. Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đánh giá: “Tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống tốt, tiên phong trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp tự giác, nêu gương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được giữ vững và làm sâu sắc hơn trong lòng Nhân dân”.  

Tuy nhiên, trong khi đa số cán bộ cấp phân đội phát huy tốt trách nhiệm nêu gương của mình trong bồi dưỡng phẩm chất chính trị đạo đức cách mạng, lối sống và phương pháp, tác phong công tác cho bản thân, thì vẫn có một số ít cán bộ chưa thực sự phát huy vai trò của mình trong hoạt động này. Một số cán bộ chưa vượt qua được sự cám dỗ của các tệ nạn xã hội, xuất hiện tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại rèn luyện, có dấu hiệu vi phạm kỷ luật; một số khác còn thiếu niềm tin vào con đường binh nghiệp mà mình đã xác định, còn xuất hiện hiện tượng viết đơn xin ra quân gây ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ, mục đích phấn đấu của bộ đội trong đơn vị. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng cán bộ cấp phân đội chạy theo thành tích, che dấu khuyết điểm của đơn vị, ngại nhắc nhở, phê bình trước hiện tượng học viên lười học tập, lười phấn đấu. Thậm chí cá biệt còn có bộ phận nảy sinh tư duy cho rằng năng lực, phẩm chất là rất quan trọng, nhưng không phải yếu tố quyết định đến sự phát triển của bản thân nên dẫn đến tư duy tu dưỡng, rèn luyện cầm chừng, hoặc chỉ quan tâm xây dựng các mối quan hệ, dựa vào các mối quan hệ để đạt được mục đích. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò nêu gương của cán bộ cấp phân đội trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, hiện tượng gia trưởng, độc đoán, cục bộ địa phương, chưa thực sự tôn trọng nhân cách quân nhân vẫn còn tồn tại ở số ít cán bộ. Những cán bộ này cho rằng công tác quản lý cần tập trung tiến hành hiệu quả biện pháp hành chính, triệt để áp dụng điều lệnh, điều lệ, quy chế, quy định trong quản lý bộ đội mà chưa chú trọng đến giáo dục, thuyết phục.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó vấn đề cốt yếu nhất vẫn là vai trò nêu gương của một bộ phận cán bộ cấp phân đội chưa được thể hiện rõ nét, bộ phận cán bộ này thiếu tu dưỡng, rèn luyện; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất... Việc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số đơn vị cơ sở còn có biểu hiện buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh. Công tác quản lý, rèn luyện đảng viên còn thiếu chặt chẽ. Việc đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên ở một số đơn vị còn chưa thực chất. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng thực hiện còn kém hiệu quả. Thực hiện quy chế công tác cán bộ chưa nghiêm, việc bổ nhiệm cán bộ có lúc, có nơi chưa thực hiện đúng quy trình…

Từ thực trạng trên, vấn đề nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp phân đội ở đơn vị cơ sở trong Quân đội là nội dung rất quan trọng và cấp thiết, cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp sau:

Một là, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội về nâng cao trách nhiệm nêu gương trước tập thể.

Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu về nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở đơn vị cơ sở trong Quân đội. Bởi lẽ, nhận thức là cơ sở để hoạt động thực tiễn của con người đạt chất lượng, hiệu quả. Việc nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội là một nội dung cơ bản, quan trọng trong thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao, có tác động trực tiếp đến nâng cao phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác, uy tín và mức độ hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ cấp phân đội.

Thực tiễn, những năm qua cho thấy ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội vấn đề nêu gương trước tập thể của đội cán bộ cấp phân đội còn có những hạn chế nhất định do vậy, để nâng cao hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm nêu gương trước tập thể cho đội ngũ này cần giáo dục, quán triệt cho đội ngũ cán bộ cấp phân đội thấm nhuần sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nêu gương như: Quy định 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Quân ủy Trung ương về nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội. Xây dựng, thực hiện chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong cán bộ, đảng viên theo tinh thần Chỉ thị 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các hình thức, biện pháp quán triệt, giáo dục như; thông qua sinh hoạt định kỳ của các tổ chức để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ cấp phân đội trong vấn đề nêu gương trước tập thể; thông qua thực tiễn quá trình thực hiện nhiệm vụ về vấn đề nêu gương của đội ngũ cán bộ ở đơn vị để bồi dưỡng, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm; thông qua tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội.

Hai là, phát huy vai trò cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo, đưa các quy định về nêu gương của Đảng đi vào cuộc sống.

Đây là giải pháp quan trọng trực tiếp góp phần đưa quy định về nêu gương của Đảng đi vào thực tiễn đơn vị mình. Thực tế cho thấy để nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội, thì không thể thiếu vai trò đặc biệt quan trọng của các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ thị, quy định của Đảng về vấn đề nêu gương.

Phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cơ quan, trong thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất, cụ thể hóa chủ trương, biện pháp lãnh đạo thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp nêu gương của cán bộ cấp phân đội ở đơn vị cơ sở để hoạt động này giữ vai trò chủ đạo, thường xuyên liên tục trong mọi hoạt động của đơn vị và được chuyển hóa thành những yêu cầu, nội dung cụ thể. Trong đó, với vai trò lãnh đạo, chỉ huy, người cán bộ cấp phân đội phải xây dựng đơn vị mình có nội bộ thực sự dân chủ, đoàn kết; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao; giữ nghiêm kỷ luật; bảo đảm an toàn tuyệt đối; khắc phục triệt để khâu yếu, mặt yếu trong công tác giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật. Đối với bản thân cấp phân đội phải ra sức phấn đấu tu dưỡng, thực sự gương mẫu về phẩm chất đạo đức, lối sống; hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ; không sai phạm kỷ luật; không suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp phân đội.

Đây là giải pháp có ý nghĩa thực tiễn, bảo đảm hiệu quả trong công tác tuyên truyền về vai trò nêu gương của cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay, công tác tuyên truyền sẽ trực tiếp góp phần uốn nắn những nhận thức lệch lạc, đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Để nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội, công tác tuyên truyền phải hướng về thực tiễn hoạt động thực tiễn ở đơn vị cơ sở, phản ánh đầy đủ, trung thực thành tích của cán bộ cấp phân đội gắn với kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và sự tiến bộ, tin yêu của bộ đội. Đi sâu làm rõ những cách nghĩ, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả trong nêu gương của cán bộ cấp phân đội. Tích cực nhân rộng nhiều hơn nữa gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến của cán bộ cấp phân đội trên từng lĩnh vực công tác; kết hợp chặt chẽ công tác thi đua khen thưởng với đề bạt bổ nhiệm để tạo động lực thúc đẩy cán bộ cấp phân đội phấn đấu.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp phân đội, tạo thành phong trào nêu gương sâu rộng ở các đơn vị cơ sở.

Đây là một trong những giải pháp hết sức quan trọng, là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về phát huy sức mạnh tổng hợp vào nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay. Mặt khác, việc nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở là trách nhiệm chung của các tổ chức, các lực lượng, trong đó mỗi tổ chức, mỗi lực lượng có chức năng, chức trách, nhiệm vụ cụ thể, song đều có trách nhiệm tham gia nhằm mục đích chung là thực hiện có hiệu quả hoạt động nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên ở đơn vị mình nói chung và cán bộ cấp phân đội nói riêng. Để thực hiện tốt giải pháp này thì cần phải gắn chặt việc nêu gương của cán bộ cấp phân đội với việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp; nói và làm có hiệu quả theo nghị quyết; đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của cấp ủy, chi bộ; thực hiện tốt nguyên tắc, quy chế, quy trình lãnh đạo, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; phát huy vai trò của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân để cán bộ cấp phân đội thực hiện tốt vai trò nêu gương của mình.

Để phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ cấp phân đội cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, các đảng ủy cơ sở và sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chức năng cấp trên trong nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và phối hợp quản lý ban hành các chỉ thị hướng dẫn có liên quan, đồng thời phát huy tốt vai trò của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị vai trò, trách nhiệm của các tổ chức quần chúng và hội đồng quân nhân đối với việc tham gia nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội.

Năm là, phát huy vai trò tích cực nâng cao trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay.

Đây là giải pháp quan trọng, thiết thực, có ý nghĩa quyết định đến hiệu quả nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội ở các đơn vị cơ sở trong quân đội hiện nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”, “Phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập, nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng, không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập”.

Phát huy tính tích cực trong tự bồi dưỡng, rèn luyện, nêu gương của đội ngũ cán bộ cấp phân đội là con đường trực tiếp nhất nhằm chiếm lĩnh tri thức, phát triển các phẩm chất, kỹ năng, biến kết quả của quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Mỗi cán bộ cấp phân đội phải nhận thức đầy đủ vai trò nêu gương về đạo đức, lối sống; xây dựng ý thức trách nhiệm, xác định đúng đắn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, Quân đội. Do vậy, mỗi cán bộ cấp phân đội phải đề cao ý thức trách nhiệm và bổn phận của mình, tự liên hệ, tự soi mình để rèn luyện, phấn đấu và khắc phục, sữa chữa các hạn chế, khuyết điểm. Về mặt nhận thức, cần giáo dục cho mỗi cán bộ phải nhận rõ vai trò, tầm quan trọng của việc nêu gương về đạo đức, lối sống. Thông qua nêu gương về đạo đức, lối sống, sẽ giúp người cán bộ xây dựng, củng cố uy tín trước tập thể. Muốn vậy, cán bộ cấp phân đội phải quán triệt và thấm nhuần Quy định số 08-QĐ/TW “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ cấp phân đội phải chủ động học tập lý luận chính trị, thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các quan điểm, đường lối của Đảng. Thực tế ở các đơn vị cơ sở trong quân đội thời gian qua cho thấy, ở đâu, khi nào người cán bộ cấp phân đội thực sự gương mẫu, nêu gương về đạo đức, lối sống; tự giác, dũng cảm nhận khuyết điểm của mình và quyết tâm sửa chữa, khắc phục thì họ sẽ là tấm gương để bộ đội học tập, noi theo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét