Thứ Năm, 2 tháng 1, 2025

NHÂN TỐ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN VÀO THẮNG LỢI CỦA 3 NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG

 NHÂN TỐ QUAN TRỌNG GÓP PHẦN VÀO THẮNG LỢI CỦA 3 NƯỚC ĐÔNG DƯƠNG

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, cùng uống chung dòng nước Mê Công, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử, văn hóa, kinh tế-xã hội, 3 dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia đã có sự liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung từ sớm. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân 3 nước Đông Dương (1945-1975).
Nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia trong xu thế vận động chung của cách mạng, ngay sau khi giành lại nền độc lập, 3 dân tộc Việt Nam, Lào và Campuchia đã nhanh chóng bắt tay vào việc củng cố mối quan hệ và liên minh chiến đấu. Cuối tháng 10-1945, Ủy ban Lào-Việt thân thiện được thành lập. Ngày 30-10-1945, Hiệp định liên minh chiến đấu giữa Chính phủ Lào Issara và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa được ký kết. Để kêu gọi nhân dân 3 nước cùng đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, ngày 25-11-1945, Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị kháng chiến và kiến quốc, trong đó chủ trương thống nhất Mặt trận Việt-Miên-Lào chống thực dân Pháp xâm lược. Tiếp đó, tháng 12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định toàn quốc Việt Nam kháng chiến, mở đầu toàn Đông Dương kháng chiến chống thực Pháp.
Trên cơ sở đường lối chung do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo, liên minh chiến đấu Việt Nam-Lào-Campuchia đã đi vào chiều sâu. Đến năm 1950, sau 5 năm tiến hành kháng chiến, cách mạng 3 nước Đông Dương gặt hái được nhiều thành công. Từ ngày 17 đến 19-4-1950, Đại hội quốc dân Campuchia được tổ chức, bầu ra Ủy ban Dân tộc Giải phóng Trung ương lâm thời do Chủ tịch Achar Mean (tên tiếng Việt là Sơn Ngọc Minh) đứng đầu và Mặt trận Khmer Issarak. Ở Lào, từ ngày 13 đến 15-8-1950, Đại hội Mặt trận Lào kháng chiến được triệu tập, đề ra Cương lĩnh chính trị 12 điểm, bầu Ban Chấp hành Trung ương Mặt trận Lào Issara gồm 12 người, do Hoàng thân Souphanouvong làm Chủ tịch kiêm Thủ tướng Chính phủ. Cương lĩnh 12 điểm có nhiều nội dung quan trọng, trong đó khẳng định: "Muốn kháng chiến, giành độc lập, lực lượng kháng chiến của 3 dân tộc không thể chia cắt hẳn ra được. Nước Lào không thể độc lập được một khi Việt Nam và Miên chưa độc lập. Việt hay Miên không thể có sự độc lập thực sự được một khi nước Lào còn là bàn đạp của Pháp ở Đông Dương”(1).
Trong khi cách mạng 3 nước Đông Dương đang phát triển sôi động, tháng 2-1951, tại Tuyên Quang, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Đảng Cộng sản Đông Dương được triệu tập, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng, trong đó đề cập đến sự đoàn kết và phối hợp chiến đấu giữa 3 nước. Nhấn mạnh tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của nhân dân Việt Nam với nhân dân Lào và Campuchia, trong Chính cương Đảng Lao động Việt Nam ghi rõ ở Điểm 12: “1. Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ với hai dân tộc Miên, Lào và hết sức giúp đỡ hai dân tộc ấy cùng nhau kháng chiến chống đế quốc xâm lược, giải phóng cho tất cả các dân tộc Đông Dương. 2. Nhân dân Việt Nam đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài với hai dân tộc Miên, Lào trong kháng chiến và sau kháng chiến”(2).
Với tinh thần ấy, trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, liên minh chiến đấu 3 nước Đông Dương đã phát triển đến đỉnh cao, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong quá trình diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân Lào và Campuchia đã anh dũng chiến đấu, chặt đứt các con đường chiến lược của địch chi viện cho Điện Biên Phủ, góp phần cô lập chiến trường này, tạo điều kiện thuận lợi để quân dân Việt Nam giành thế chủ động tấn công địch. Ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp cách mạng chung của nhân dân Việt Nam, Lào và Campuchia, Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm xác định: Để chiến thắng đế quốc Mỹ mạnh hơn ta gấp bội, chúng ta phải luôn luôn giương cao ngọn cờ quốc tế vô sản... chủ động đề ra và nhất quán thực hiện những quyết sách về đoàn kết, liên minh với hai nước láng giềng là Lào và Campuchia nhằm tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, bồi dưỡng mạnh mẽ thực lực kháng chiến của ta; đồng thời ra sức giúp đỡ các nước bạn xây dựng, củng cố và tăng cường thực lực cách mạng, thực hiện đoàn kết thành một khối thống nhất vững chắc chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai”(3).
Trước sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 3 nước Đông Dương và sau thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” đối với miền Nam Việt Nam. Chiến lược đó cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược Lào, tăng cường phá hoại con đường hòa bình, trung lập của Campuchia đã đặt tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương đứng trước thử thách mới. Trong hoàn cảnh đó, từ ngày 1 đến 9-3-1965, Hội nghị nhân dân 3 nước Đông Dương đã diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) để biểu thị tình đoàn kết chống đế quốc Mỹ, chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Hội nghị thông qua nghị quyết cực lực lên án Chính phủ Mỹ đã vi phạm Hiệp định Geneva, gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, can thiệp vũ trang vào Lào và tiến công khiêu khích Campuchia; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải củng cố tình đoàn kết chiến đấu chân thành và bền vững của các dân tộc Đông Dương trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung. Tiếp đó, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược ra toàn Đông Dương, để tăng cường tình đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung, trong hai ngày 24 và 25-4-1970, Hội nghị cấp cao nhân dân 3 nước Đông Dương được tổ chức, ra Tuyên bố chung nêu rõ “quyết tâm bảo vệ, phát triển tình hữu nghị anh em và quan hệ láng giềng tốt giữa 3 nước trong khi ủng hộ lẫn nhau chống kẻ thù chung, cũng như sau này trong việc hợp tác lâu dài xây dựng đất nước theo con đường riêng của mình”(4).
Sau hội nghị, tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân 3 nước ngày càng phát triển, giành được những thắng lợi quyết định, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973), cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; chấp nhận để chính quyền tay sai ở Lào ký Hiệp định Vientiane (21-2-1973) về lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc lần thứ ba ở Lào. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến không ngừng phát triển và nhanh chóng giành được ưu thế quân sự trên chiến trường, giải phóng được hơn 2/3 đất đai gồm hầu hết vùng nông thôn, thị trấn, thị xã. Thế và lực của cách mạng 3 nước Đông Dương ngày càng phát triển. Đó là cơ sở quan trọng để cách mạng 3 nước Đông Dương đẩy mạnh liên minh chiến đấu giành thắng lợi quyết định vào năm 1975.
Lần giở lại những trang sử vẻ vang về tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân 3 nước Đông Dương trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chúng ta không thể không nhắc tới tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, một biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết, thủy chung, trong sáng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thực sự tin cậy, gắn bó, chân thành hợp tác, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của nhân dân mỗi nước. Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh... là biểu hiện của tình đoàn kết quốc tế đặc biệt Việt Nam, Lào, Campuchia... là một trong những yếu tố chiến lược, có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”(5)./.
Tác giả: TS Lê Văn Phong, Viện Sử học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
Nguồn: Báo QĐND điện tử
Chú thích:
(1) Hồ sơ số 1660, lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội)
(2) Hồ Chí Minh, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ II. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (tháng 2-1951), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Hà Nội, 1965, tr.126
(3) Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam: "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)", tập IX: "Tính chất, đặc điểm, tầm vóc và bài học lịch sử", NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr. 510
(4) "Lịch sử Campuchia", NXB Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1982, tr.291
(5) Tạp chí Lịch sử Quân sự, tháng 5-2009, tr.14
Có thể là hình ảnh về 6 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
2

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét