Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI LĨNH VỰC KINH TẾ

 

Thứ nhất, cần nâng cao và thống nhất nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đổi mới phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng để có quyết tâm, kế hoạch tích cực thực hiện; phải tập trung khắc phục những hạn chế, vướng mắc hiện nay trong phương thức lãnh đạo kinh tế của Đảng, nhất là những vấn đề cấp thiết do thực tiễn đặt ra, những hạn chế, yếu kém đã kéo dài nhiều năm; việc đổi mới cần được thực hiện tích cực nhưng phải có cơ sở, căn cứ khoa học, thực tiễn, không chủ quan, duy ý chí; việc đổi mới phải đạt yêu cầu để các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, tổ chức quản lý kinh tế của Nhà nước thực hiện đúng chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của mình, “đúng vai, thuộc bài”, “dọc ngang thông suốt”, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đồng thời, việc đổi mới phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng trong giai đoạn hiện nay cần ứng dụng, sử dụng các phương pháp, công cụ, công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ số phục vụ cho hoạt động lãnh đạo của cấp ủy.

Thứ hai, định hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực kinh tế bằng Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng.

Điểm mấu chốt là cần phân biệt rõ vai trò, chức năng lãnh đạo của Đảng với vai trò, chức năng quản lý của Nhà nước. Với vai trò của Đảng cầm quyền, lãnh đạo chính trị, đại hội Đảng toàn quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương thông qua Cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, kết luận, đưa ra các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ lớn về phát triển kinh tế, định hướng cho Nhà nước thể chế hóa thành luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật,... của kinh tế đất nước trong từng giai đoạn. Đảng không làm thay Nhà nước. Do đó, việc đổi mới cần bám sát tinh thần của Cương lĩnh là Đảng lãnh đạo bằng “định hướng chính sách và chủ trương lớn”, tức không sa vào những “định hướng chính sách và chủ trương quá cụ thể” dễ lấn sân với Nhà nước, nhất là khi xác định chiến lược, kế hoạch 5 năm và hằng năm, định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật. Cần đổi mới cách Trung ương ra nghị quyết chuyên đề về các vấn đề kinh tế. Nội dung nghị quyết của Trung ương cũng không đi sâu, quá chi tiết vào những giải pháp cụ thể cho vấn đề đặt ra, mà chỉ đưa ra các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng giải pháp lớn đối với các ngành, lĩnh vực, các vùng, các thành phần kinh tế. 

Tiếp tục phân định rõ chức năng, thẩm quyền, trách nhiệm của Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban cán sự đảng các bộ, cơ quan ngang bộ với lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ trong lĩnh vực kinh tế. Đảng đoàn Quốc hội, Ban Cán sự đảng Chính phủ, các ban cán sự đảng bộ chịu trách nhiệm trước Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư việc lãnh đạo, thể chế hóa đúng đắn, kịp thời các đường lối, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ lớn và kế hoạch tổ chức thực hiện do Trung ương đề ra, phát huy đúng vai trò của Quốc hội, Chính phủ, các bộ theo quy định của pháp luật; đồng thời, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ tổ chức thực hiện nghiêm túc có kết quả. Trong lãnh đạo tổ chức thực hiện, phương thức lãnh đạo của đảng đoàn, ban cán sự đảng là giám sát, kiểm tra, đôn đốc các đảng viên ở vị trí lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ để các cơ quan này xem xét, giải quyết vấn đề theo đúng chức năng, thẩm quyền do luật pháp quy định. Ban cán sự đảng, đảng đoàn không quyết định những vấn đề cụ thể thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước.

Tiếp tục phân định rõ vai trò, chức năng lãnh đạo của cấp ủy với vai trò, chức năng quản lý nhà nước về kinh tế của chính quyền địa phương. Đồng thời, cấp ủy kiểm tra, giám sát, đôn đốc tổ chức đảng và đảng viên, nhất là đảng viên giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan chính quyền tổ chức thực hiện các chủ trương, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ do tổ chức đảng, cấp ủy địa phương đề ra, cũng như việc thực hiện luật pháp, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế đất nước của Trung ương. Cấp ủy không giải quyết, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của chính quyền theo quy định của pháp luật.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp, phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp để thực hiện và phát huy vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở của tổ chức đảng.

Thứ ba, định hướng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng thông qua tổ chức đảng và đảng viên, bằng công tác tổ chức, cán bộ trong các cơ quan quản lý kinh tế, đơn vị kinh tế nhà nước.

Tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp lại, tinh gọn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở Trung ương đối với lĩnh vực kinh tế. Sắp xếp lại tổ chức đảng phù hợp với tổ chức hệ thống các cơ quan nhà nước mới từ Trung ương đến địa phương. Xem xét lại việc tổ chức đảng bộ toàn tập đoàn kinh tế, tổng công ty và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương theo hướng gắn đảng bộ các doanh nghiệp thành viên với đảng bộ địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động, đồng thời vẫn chịu sự lãnh đạo của tập đoàn, tổng công ty về thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và công tác cán bộ, đối với những cán bộ thuộc diện tập đoàn, tổng công ty quản lý (tương tự như các đảng bộ công an, quân sự, đảng bộ cục thuế, kho bạc ở các tỉnh, thành phố vừa chịu sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, thành phố, vừa chịu sự lãnh đạo ngành dọc của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, các quân khu, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính...). Đặc điểm lớn nhất, quan trọng nhất của Đảng cầm quyền là đưa đảng viên của Đảng vào nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước. Vì vậy, phải lựa chọn được những người thật sự có năng lực, phẩm chất, uy tín, có tính đảng cao, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân, để nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước ở các cấp.

Khi đánh giá, lựa chọn để quy hoạch, giới thiệu bầu, bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước, cấp ủy và các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, nhất là cơ quan tổ chức, cần phải xem xét đầy đủ cả về phẩm chất và năng lực, đức và tài, cả quá trình công tác, thành tích, cống hiến của cán bộ cho cơ quan, đơn vị, cho ngành, địa phương, tạo nên uy tín của cán bộ, trên cơ sở có thông tin đa chiều, được tập hợp từ nhiều kênh, nhiều nguồn. Quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên, phát hiện và loại bỏ kịp thời những cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo lĩnh vực kinh tế của Đảng bằng kiểm tra, giám sát và gương mẫu của đảng viên.

Cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy cần nhận thức và xác định, kiểm tra, giám sát là trách nhiệm, nhiệm vụ hàng đầu của cơ quan lãnh đạo, của người lãnh đạo. Hoạt động của mọi tổ chức đảng, đảng viên đều phải có sự kiểm tra, giám sát; mọi lĩnh vực, mọi công việc có sự lãnh đạo của Đảng đều phải được kiểm tra, giám sát; đặc biệt lĩnh vực kinh tế là lĩnh vực rộng lớn, phức tạp, có nhiều cám dỗ, làm cho cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ dẫn đến sai phạm, do vậy, hoạt động kiểm tra, giám sát lại càng cần thiết và quan trọng. Mọi tổ chức đảng, đảng viên hoạt động trong lĩnh vực kinh tế đều phải tự giác, tự kiểm tra, giám sát mình, chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng, sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.

Sau đại hội đảng bộ, trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế của đảng bộ trong cả nhiệm kỳ đã được đại hội thông qua, cấp ủy cần xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát của cấp ủy đối với lĩnh vực kinh tế trong cả nhiệm kỳ, có phân chia cho từng năm, từng quý, bao gồm kiểm tra, giám sát thường kỳ, đột xuất, vừa bảo đảm tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn quan trọng hay có nhiều vấn đề đang đặt ra; phân công người phụ trách, tổ chức thực hiện, ban hành quy chế, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát; hằng năm, có đánh giá kết quả thực hiện, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch cho phù hợp với thực tiễn.

Tiếp tục đổi mới hoạt động kiểm tra, giám sát trong Đảng, cần cụ thể hóa, thể chế hóa, quy chế hóa vai trò giám sát của nhân dân, của các cơ quan báo chí đối với tổ chức đảng, cấp ủy, cán bộ, đảng viên. Cần có quy định cụ thể về việc cấp ủy, tổ chức đảng cung cấp cho nhân dân, các cơ quan báo chí thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật, chính sách kinh tế của Nhà nước, về hoạt động và kết quả hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên, nhất là của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực kinh tế; cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về nội dung, phương thức giám sát, về việc công bố và sử dụng kết quả giám sát, về hiệu lực, giá trị ràng buộc của các đề xuất, kiến nghị sau khi giám sát... Là Đảng cầm quyền, tổ chức đảng, cấp ủy trong các cơ quan nhà nước cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Quốc hội (bao gồm cả các ủy ban, các đoàn đại biểu, các đại biểu Quốc hội), của các cơ quan tư pháp, của Thanh tra Chính phủ đối với lĩnh vực kinh tế.

Mọi cấp ủy, tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc về sự cần thiết, ý nghĩa quan trọng của sự gương mẫu, nêu gương của người cán bộ, đảng viên để tự giác, chủ động phấn đấu thực hiện. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường giáo dục, tuyên truyền, vận động, động viên, cổ vũ, xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn, hình mẫu người cán bộ, đảng viên gương mẫu trên các lĩnh vực, các vị trí công tác, gương mẫu trong chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, luật pháp, chính sách của Nhà nước, gương mẫu đi đầu trong đổi mới sáng tạo, sáng kiến cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, gương mẫu trong tác phong, lối sống khiêm tốn, giản dị, nếp sống lành mạnh, xây dựng gia đình văn hóa, đấu tranh với các hành vi sai trái, tiêu cực... Thực hiện những điều này một cách kiên trì, bền bỉ sẽ trở thành phong trào trong Đảng và lan tỏa ra toàn dân, toàn xã hội./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét