Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NỘI DUNG, PHƯƠNG THỨC LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

 

Những thành tựu của 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đặc biệt trong 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm mà dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu như việc hoàn thiện thể chế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, CNH, HĐH còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản về mô hình tăng trưởng; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch. Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế còn thấp. Công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỷ lệ nội địa hóa thấp, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiệu quả còn hạn chế; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp chậm lại; chất lượng nhiều dịch vụ thấp. Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công còn lúng túng. Một số loại thị trường, phương thức giao dịch thị trường hiện đại chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH phát triển thiếu đồng bộ. Hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả chưa cao. Vốn vay nước ngoài giải ngân chậm, sử dụng còn dàn trải, lãng phí. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn thiếu chọn lọc; sự kết nối và chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn nhiều hạn chế. Xuất khẩu tăng nhanh nhưng giá trị gia tăng còn thấp..

Để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình trong giai đoạn cách mạng mới, Đảng Cộng sản Việt Nam cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo kinh tế.

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, trong đó phải hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, CNH, HĐH đất nước; tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia; phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Để quyết định đường lối, chính sách và những chủ trương lớn về kinh tế một cách đúng đắn, Đảng cần tiếp tục phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy trí tuệ của toàn dân trong việc xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, tránh chủ quan, duy ý chí, bảo thủ, độc đoán, lợi ích nhóm ngay trong từng quyết sách. Khi có đường lối, chủ trương đúng, vấn đề có tính quyết định là tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Lãnh đạo kinh tế thông qua bộ máy nhà nước là phương thức lãnh đạo chủ yếu, hiệu quả nhất trong điều kiện Đảng cầm quyền. Các cơ quan nhà nước phải thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, chiến lược phát triển KT-XH của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật và kế hoạch công tác. Tuy Đảng không trực tiếp điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, không quyết định các vấn đề kinh tế thuộc thẩm quyền của bộ máy nhà nước nhưng Đảng phải lãnh đạo các hoạt động đó theo đúng quan điểm, tư tưởng của Đảng. Để làm được điều này, Đảng lãnh đạo xây dựng, kiện toàn bộ máy nhà nước, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh; phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự vận hành thông suốt của bộ máy. Đảng giới thiệu những đảng viên ưu tú có năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị, tăng cường trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Điều đó cũng có nghĩa là Đảng phải có biện pháp xử lý, đề xuất bãi nhiệm những đảng viên là cán bộ giữ trọng trách của cơ quan nhà nước nếu không thực hiện đúng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tham nhũng, lãng phí.

Công tác tuyên truyền của Đảng có tầm quan trọng to lớn trong lãnh đạo xây dựng, phát triển nền kinh tế quốc gia. Một mặt, Đảng lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội trực tiếp hoặc gián tiếp qua các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội, làm cho đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước thực sự xuất phát từ nhân dân, phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt khác, thông qua công tác tuyên truyền, Đảng vận động, thuyết phục để nhân dân hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện chủ trương của Đảng và tích cực hưởng ứng thực hiện thắng lợi chủ trương đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét