Dấu ấn lịch sử sâu đậm nhất trong sự
lãnh đạo kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam là khởi xướng và lãnh đạo công cuộc
đổi mới, trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, chuyển từ nền kinh tế kế
hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
(XHCN), đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), chủ động và tích cực
hội nhập quốc tế. Đảng xác định phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) là nhiệm vụ
trung tâm để dân giàu, nước mạnh.
Những dấu mốc quan trọng
Trước đổi mới (năm 1986), nền kinh tế Việt Nam
rơi vào khủng hoảng trầm trọng do cơ chế quản lý quan liêu bao cấp, lại bị các
nước bao vây cấm vận. Đã vậy, nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN cũng
bị cắt giảm. Đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn. Trước tình đó, Đảng ta đã
dũng cảm “nhìn thẳng vào sự thật” và nhận ra, đã đến lúc phải đổi mới tư duy về
kinh tế.
Dấu mốc khởi đầu của công cuộc đổi mới chính
sách kinh tế được bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986) với đường lối
đổi mới toàn diện đất nước, mà trước hết là “đổi mới về tư duy kinh tế”, mở ra
bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế nước ta.
Lần đầu tiên Văn kiện Đại hội VI của Đảng chính thức ghi nhận sự tồn tại bình
đẳng của các thành phần kinh tế: "Cần sửa đổi, bổ sung và công bố rộng rãi
chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính
nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh
doanh... phải thực hiện nguyên tắc bình đẳng. Những người làm ra của cải và
những việc có ích cho xã hội, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chấp hành nghiêm chỉnh
luật pháp và chính sách đều được tôn trọng, được hưởng thu nhập tương xứng với kết
quả lao động, kinh doanh hợp pháp của họ".
Rất nhiều hội nghị Trung ương sau đó đã được cụ
thể hóa chủ trương đổi mới tư duy kinh tế như: Nghị quyết Trung ương 2, khóa VI
về lưu thông phân phối; Nghị quyết Trung ương 3 khóa VI về đổi mới cơ chế quản
lý nhà nước đối với xí nghiệp quốc doanh; đặc biệt là Nghị quyết số 10 của Bộ
Chính trị khóa VI (năm 1988) về đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp mà nhân dân
thường gọi là "Khoán 10"...
Từ sau Đại hội VII của Đảng (tháng 6-1991),
cùng với sự thừa nhận kinh tế thị trường là thành tựu chung của văn minh nhân
loại, nhận thức và chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN của
Việt Nam cũng ngày càng hoàn thiện và cụ thể hóa.
Với chủ đề "Tăng cường xây dựng Đảng trong
sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ XHCN; đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường
hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp
theo hướng hiện đại”, Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) đã tập trung xây dựng
các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh
tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược
(hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đổi mới căn bản và toàn
diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất
lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ), cơ cấu lại tổng thể và
đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh CNH, HĐH đất
nước, chú trọng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Những dấu mốc đổi mới chính sách kinh tế của
Việt Nam trong 35 năm qua cho thấy, Đảng ta luôn có nhận thức nhất quán đổi mới
tư duy kinh tế luôn đi trước một bước và được kết hợp chặt chẽ với đổi mới tư
duy chính trị, nhằm mục tiêu vì một Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh, bền
vững, gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.’
Nhiều lần “vượt bão” thành công
Năm 2020 vừa qua là một năm đầy bão tố với nền
kinh tế thế giới và Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đã kéo nhiều quốc gia tăng
trưởng âm. Tại Việt Nam, ngoài đương đầu với đại dịch Covid-19, chúng ta còn
phải hứng chịu nhiều thiên tai, gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Trong
bối cảnh đó, Việt Nam đã “vượt bão” thành công với tổng sản phẩm trong nước
(GDP) tăng 2,91% so với năm trước, thuộc nhóm nước có tăng trưởng cao nhất thế
giới. Quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2020 tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ
(năm 2016), trở thành nền kinh tế có quy mô đứng thứ 4 trong ASEAN. Chất lượng
tăng trưởng được cải thiện; năng suất lao động tăng bình quân 5,8%/năm, cao hơn
nhiều so với giai đoạn 2011-2015. Trong bối cảnh nguồn thu bị suy giảm, nhu cầu
chi tăng mạnh, kinh tế vĩ mô vẫn giữ được ổn định; các cân đối lớn của nền kinh
tế, nhất là cân đối thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm; chỉ số giá
tiêu dùng được kiểm soát ở mức dưới 4%/năm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt
mức kỷ lục, trên 540 tỷ USD; cán cân thương mại có thặng dư cao, xuất siêu
khoảng 20 tỷ USD, dự trữ ngoại hối tăng cao...
Trước đó, kinh tế Việt Nam cũng nhiều lần vững
vàng “vượt bão” trong khủng hoảng tài chính thế giới vào các năm 1997,
2007-2008.
Từ một nền kinh tế nông nghiệp, lạc hậu, quy mô
nhỏ bé, với GDP chỉ 14 tỷ USD và GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 250USD
trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã thoát ra khỏi tình trạng đói nghèo,
chuyển sang thực hiện và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Tốc độ tăng trưởng GDP
tăng nhanh. Nếu như trong giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990), mức tăng trưởng
GDP bình quân hàng năm chỉ đạt 4,4%, thì giai đoạn 1991-1995, đạt 8,2%/năm;
giai đoạn 1996-2000 đạt 7,6%/năm; giai đoạn 2001-2005 đạt 7,34%; giai đoạn
2006-2010 đạt 7%/năm; giai đoạn 2011-2015 đạt 5,9%/năm. Mặc dù năm cuối nhiệm
kỳ bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình
quân giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam vẫn đạt khoảng 5,9%/năm. Quy mô nền kinh
tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP ước đạt 268,4 tỷ USD
và thu nhập bình quân đầu người ước đạt 2.750USD/người/năm). Chất lượng tăng
trưởng được cải thiện, năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011-2015
lên 5,8%/năm giai đoạn 2016-2020.
Những thành công đó không phải là ngẫu nhiên,
mà là kết quả tổng hợp và thước đo hiệu quả khả năng tự chủ, tự cường, phản ứng
chính sách và phản ứng thị trường đồng bộ, cùng một quá trình phấn đấu lâu dài,
không ngừng nghỉ của Đảng, Chính phủ và Nhà nước, cũng như toàn thể cộng đồng
doanh nghiệp và nhân dân Việt Nam. Từ chỗ tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng,
chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên và lực lượng lao động có tiền công thấp,
Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương chuyển sang thực hiện phát triển kinh tế
bao trùm và bền vững, tiến hành cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình
tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, hoàn thiện mô hình tăng trưởng đồng
bộ trên cả phương diện kinh tế-kỹ thuật, KT-XH và kinh tế-sinh thái, thúc đẩy
phát triển trên nền tảng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, ứng
dụng tiến bộ khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy
lợi thế so sánh và chủ động hội nhập quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét