Chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy
ra) được tiến hành trên nền tảng thế trận khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố,
phòng thủ quân khu. Chiến dịch thường có nhiệm vụ giữ vững địa bàn, khu vực,
mục tiêu trọng yếu; sát thương lớn, tiêu hao tiêu diệt bộ phận quan trọng, tiến
tới đánh bại tiến công của địch; tạo điều kiện thuận lợi cho tác chiến chiến
lược phát triển. Chiến dịch được dự kiến, chuẩn bị trước một bước từ thời bình
về phương án, lực lượng và thế trận. Đây là điều kiện thuận lợi cho chiến dịch
trong tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến. Khi phòng ngự, tùy theo quy mô
chiến dịch, đối tượng tác chiến trực tiếp của ta có thể là các sư đoàn, lữ đoàn
bộ binh (bộ binh cơ giới) địch. Chúng có ưu thế về vũ khí, trang bị, nhất là
phương tiện trinh sát hiện đại, hỏa lực mạnh, uy lực lớn, khả năng cơ động,
chuyển hóa nhanh, linh hoạt, tác chiến điện tử và tác chiến không gian mạng
rộng rãi, v.v. Vì vậy, tác chiến sẽ diễn ra rất ác liệt. Thủ đoạn chủ yếu của
chúng là triệt để tận dụng sức mạnh hỏa lực, thực hiện đột phá chính diện theo
các trục đường, kết hợp vu hồi đường bộ, đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm
vào phía sau, bên sườn lực lượng phòng ngự của ta. Khi tiến công không thành
hoặc gặp khó khăn, địch lợi dụng khả năng cơ động đột kích của xe tăng, thiết
giáp, trực thăng vũ trang, các phương tiện bay không người lái (UAV), sự chi
viện trực tiếp của các tầm hỏa lực và điều kiện địa hình để chuyển hướng tiến
công, gây bất ngờ, thay đổi tương quan lực lượng, tạo đột biến trên từng hướng
hoặc mở hướng tiến công mới nhằm phá vỡ hệ thống phòng ngự của ta.
Đánh bại thủ đoạn chuyển hướng tiến công của địch có ý nghĩa hết
sức quan trọng trong đánh bại ý đồ tác chiến, ý chí xâm lược của chúng; giữ
vững thế trận phòng ngự, bảo vệ vững chắc địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho
các hoạt động chiến đấu khác phát triển, thúc đẩy chiến dịch giành thắng lợi.
Bài viết xin nêu mấy vấn đề về đánh địch chuyển hướng tiến công, chiến dịch
phòng ngự, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc để cùng bàn luận, trao đổi.
Trước hết, thường xuyên nắm, nhận định, đánh giá đúng tình hình,
chuẩn bị chu đáo, toàn diện phương án đánh địch khi chúng chuyển hướng tiến
công. Đây là vấn đề cơ bản, quan trọng hàng đầu và xuyên suốt trong
tác chiến nói chung, đánh địch chuyển hướng tiến công nói riêng; bởi khi chuyển
hướng tiến công, địch chủ động về không gian, thời gian, ưu thế, linh hoạt về
khả năng cơ động; tình huống diễn biến khó lường, có khi ngoài dự kiến của
chiến dịch. Mặt khác, trong các đợt tiến công trước đó, địch đã phá hủy một
phần công sự trận địa, vật cản của ta, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thế trận
phòng ngự của chiến dịch. Vì vậy, nắm chắc địch, nhận định, đánh giá sát đúng
tình hình, chuẩn bị chu đáo, toàn diện mọi mặt sẽ bảo đảm cho chiến dịch hoàn
thành nhiệm vụ được giao. Theo đó, người chỉ huy, cơ quan chiến dịch cần thường
xuyên thu thập nắm chắc diễn biến, tình hình tác chiến; phân tích, dự báo, đánh
giá sát đúng những yếu tố chủ quan, khách quan; trong đó, tập trung đánh giá,
nhận định những thuận lợi, khó khăn về tình hình địch, ta chi phối đến hoạt
động tác chiến. Đặc biệt, khi địch tiến công không thành, người chỉ huy, cơ
quan chiến dịch phải nắm chắc động thái của chúng, nhất là những hoạt động
trinh sát, nghi binh, cơ động tập trung lực lượng, binh khí kỹ thuật trên các
hướng, khu vực để chủ động nhận định, đánh giá khả năng địch chuyển hướng tiến
công, dự kiến những tình huống, diễn biến tiếp theo. Về ta, người chỉ huy và cơ
quan chiến dịch phải nắm chắc tình hình mọi mặt của các đơn vị tham gia tác
chiến trên các hướng, kịp thời điều chỉnh lực lượng, phương tiện cùng các mặt
bảo đảm,... tăng cường quan sát, trinh sát nắm chắc động thái của địch, sẵn
sàng đánh địch tiếp tục tiến công hoặc chuyển hướng. Cùng với đó, phải nhận
định, đánh giá đúng những thuận lợi, khó khăn của địa bàn tác động đến hoạt
động tác chiến, như: địa hình, đường xá, thời tiết, thủy văn,...; từ đó, triệt
để tận dụng những lợi thế, hạn chế khó khăn, xác định chính xác hướng, khu vực
địch có thể chuyển hướng tiến công để có phương án đối phó phù hợp.
Đi liền với nhận định, nắm chắc tình hình, cần tập trung chuẩn
bị chu đáo, chặt chẽ, toàn diện, cả trong giai đoạn chuẩn bị trước và chuẩn bị
trực tiếp của chiến dịch. Trong giai đoạn chuẩn bị trước, người chỉ huy, cơ
quan chiến dịch phải tổ chức trinh sát thực địa, nghiên cứu nắm chắc địa hình
và các yếu tố có liên quan để xây dựng quyết tâm phòng ngự, xác định chính xác
hướng, khu vực phòng ngự chủ yếu, mục tiêu then chốt, khu vực tác chiến của lực
lượng cơ động tiến công và dự kiến hướng, khu vực địch có thể chuyển hướng tiến
công bằng đường bộ, đổ bộ đường không,… làm cơ sở để chuẩn bị trước. Trên cơ sở
phương án đã xác định, tập trung chuẩn bị hệ thống công sự trận địa, vật cản,
đường cơ động,… đảm bảo chuyển hóa thế trận kịp thời đánh địch chuyển hướng
tiến công, không bị động, bất ngờ. Với giai đoạn chuẩn bị trực tiếp, do thời
gian ngắn, tình huống diễn biến phức tạp, mau lẹ, trong khi đó, người chỉ huy
chiến dịch vừa chỉ huy đánh địch trên các hướng, vừa chỉ huy lực lượng chiến
đấu tạo thế và cơ động lực lượng, phương tiện đánh địch chuyển hướng tiến công.
Vì vậy, phải triệt để tận dụng kết quả của giai đoạn chuẩn bị trước, vận dụng
linh hoạt phương pháp công tác tham mưu song song, nhằm kịp thời đánh địch
chuyển hướng tiến công ở thời cơ có lợi nhất. Nắm chắc tình hình để điều chỉnh
quyết tâm chiến đấu phù hợp với thực tiễn; tập trung vào điều chỉnh phương pháp
tác chiến, tổ chức sử dụng, bố trí lực lượng và các mặt bảo đảm. Cùng với đó,
cần nhanh chóng giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, quy định bảo đảm; tận dụng
triệt để điều kiện có lợi tổ chức cơ động lực lượng, phương tiện bảo đảm bí
mật, an toàn, tránh hỏa lực sát thương của địch.
Hai là, linh hoạt chuyển hóa thế trận, luôn giành và
giữ quyền chủ động đánh địch chuyển hướng tiến công. Trong chiến dịch phòng
ngự, việc chuyển hướng tiến công của địch luôn biến động cả về quy mô lực
lượng, thủ đoạn và biện pháp tiến hành, nhằm gây bất ngờ cho ta. Vì vậy, cần
phải linh hoạt chuyển hóa thế trận chiến dịch phù hợp diễn biến tác chiến để
luôn giữ được quyền chủ động, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng.
Theo đó, người chỉ huy, cơ quan tham mưu chiến dịch phải linh hoạt điều chỉnh
tổ chức, bố trí, triển khai lại các lực lượng, đặc biệt là lực lượng cơ động
tiến công phù hợp với diễn biến tác chiến, động thái của địch, cả khi địch
chuyển hướng tiến công đúng hoặc không đúng phương án dự kiến. Trên cơ sở quyết
tâm tác chiến, người chỉ huy nắm thời cơ, từng bước điều chỉnh, bổ sung lực
lượng, khu vực bố trí, triển khai thực hiện nhiệm vụ tác chiến mới theo đúng ý
định, bảo đảm phát huy khả năng, sở trường của từng lực lượng, tránh đảo lộn
thế trận. Các đơn vị được điều chỉnh để làm nhiệm vụ phòng ngự bổ sung đủ lực
lượng, vũ khí trang bị, cơ động chiếm lĩnh trận địa làm sẵn, bổ sung, hoàn
chỉnh công sự trận địa, vật cản, nhanh chóng ổn định đội hình, phối hợp với các
lực lượng khác sẵn sàng đánh địch. Lực lượng tác chiến vòng ngoài tận dụng địa
hình, cơ động, chiếm lĩnh trận địa chốt chặn, triển khai đội hình đánh địch từ
xa đến gần. Các lực lượng còn lại, căn cứ vào nhiệm vụ, từng bước điều chỉnh
khu vực bố trí chiến đấu, vị trí triển khai, trận địa bắn hoặc điều chỉnh nhiệm
vụ, tăng cường lực lượng để tập trung chi viện, bảo đảm đánh bại hướng tiến
công chủ yếu mới của địch. Sau mỗi đợt tiến công của địch trên hướng chủ yếu
mới, người chỉ huy và cơ quan chiến dịch phải nắm lại toàn bộ tình hình; dự
kiến khả năng, thủ đoạn tiến công sắp tới của địch để chỉ đạo các lực lượng
điều chỉnh lực lượng, củng cố công sự trận địa, vật cản, hỏa lực, sẵn sàng đánh
địch tiến công tiếp theo.
Cùng với chuyển hóa thế trận, phải tiến hành nhiều biện pháp để
giành và giữ quyền chủ động trong suốt quá trình chiến dịch. Trong đó, ở giai
đoạn tổ chức chuẩn bị, cần chủ động nghiên cứu, phán đoán sát đúng âm mưu, thủ
đoạn của địch; từ đó, chủ động chuẩn bị phương án phù hợp; chuẩn bị thế trận
phòng ngự vững chắc, có khả năng chuyển hóa linh hoạt; đồng thời, chuẩn bị chu
đáo, toàn diện mọi mặt, từ con người đến cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật. Quá
trình thực hành đánh địch, người chỉ huy chiến dịch chủ động nắm bắt thời cơ có
lợi, sử dụng lực lượng ngăn chặn, tiến công địch cơ động triển khai từ xa, hạn chế
sức đột kích của chúng trên hướng tiến công mới. Khi địch tiến công vào các
trọng điểm phòng ngự trên hướng chủ yếu mới, chiến dịch phối hợp, hiệp đồng
chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, cấp trên, tạo thành sức mạnh tổng
hợp đánh địch rộng khắp trên toàn địa bàn; chú trọng các biện pháp phòng, tránh
địch tiến công bằng hỏa lực, tác chiến điện tử để bảo toàn lực lượng, giữ vững
chỉ huy, hiệp đồng tác chiến.
Ba là, lãnh đạo tập trung, thống nhất, chỉ huy kiên quyết,
linh hoạt, thông suốt. Đánh địch chuyển hướng tiến công là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp,
tình huống diễn ra nhanh, biến động liên tục; cùng một thời điểm người chỉ huy
chiến dịch phải chỉ huy nhiều thành phần, lực lượng; đồng thời, phải phối hợp,
hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương trong khu vực tác chiến.
Vì vậy, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo tập trung, thống nhất, chỉ huy kiên quyết,
linh hoạt, thông suốt từ bộ tư lệnh chiến dịch đến các đơn vị cấp dưới và lực
lượng phối hợp, hiệp đồng tác chiến. Theo đó, quá trình tổ chức chuẩn bị và
thực hành đánh địch chuyển hướng tiến công, đảng ủy chiến dịch phải giữ vững
nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách
trên từng nhiệm vụ. Khi tình huống xuất hiện đột xuất, cấp bách, đảng ủy, chỉ
huy chiến dịch phải linh hoạt xử lý theo nguyên tắc, bảo đảm thống nhất cao.
Cùng với đó, chiến dịch phải có sự tập trung thống nhất cao về ý chí, hành động
trong xây dựng phương án, chuẩn bị thế trận và tổ chức sử dụng, bố trí lực
lượng. Mỗi thành viên trong bộ tư lệnh phải chịu trách nhiệm trước tư lệnh và
đảng ủy chiến dịch những nội dung được phân công. Trong đó, tư lệnh chiến dịch
phải trực tiếp chỉ huy các trận đánh then chốt, then chốt quyết định và nhiệm
vụ quan trọng khi đánh địch chuyển hướng tiến công. Để đạt hiệu quả cao, chiến
dịch phải duy trì hệ thống thông tin liên lạc thông suốt, vững chắc, kịp thời,
bí mật; có phương án phòng, chống vũ khí công nghệ cao và tác chiến điện tử
hiệu quả. Ở những thời điểm khó khăn và thời cơ quyết định, tư lệnh và cơ quan chiến
dịch cần phải sáng suốt, suy xét kỹ các yếu tố; đồng thời, vận dụng sáng tạo
nguyên tắc lý luận phù hợp với diễn biến thực tế trên chiến trường; phát huy
vai trò của cơ quan, chỉ huy các cấp trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ.
Đánh địch chuyển hướng tiến công trong chiến dịch phòng ngự,
thời kỳ bảo vệ Tổ quốc diễn ra phức tạp, khó lường. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên
cứu, nhằm bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, đáp ứng
yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét