Đảng, Nhà nước ta
có quan điểm xuyên suốt giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; mọi quyết
sách đều hướng đến bảo đảm nền giáo dục có chất lượng, công bằng và toàn diện.
Tiếp nối quan
điểm này, vào cuối tháng 2 vừa qua, Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học
sinh từ mầm non đến giáo dục phổ thông ở các trường công lập từ năm học
2025-2026. Đây là chính sách rất nhân văn và hợp lòng dân. Thế nhưng, từ sau
khi chính sách được công bố, các thế lực thù địch đã dùng nhiều luận điệu xuyên
tạc, với ý đồ xấu nhằm lái dư luận hiểu sai một chủ trương, chính sách rất đúng
đắn của Đảng, Nhà nước ta.
Những luận
điệu lạc lõng...
Lâu nay, có một
điều dễ thấy là các thế lực thù địch, đối tượng chống phá luôn lợi dụng những
khi Đảng, Nhà nước ta ban hành các quyết sách vì mục tiêu phát triển đất nước để
đưa ra những cáo buộc vô căn cứ với lời lẽ thù địch, hằn học. Lần này cũng vậy,
ngay khi Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho toàn bộ học sinh từ bậc mầm
non đến hết trung học phổ thông công lập, áp dụng từ năm học 2025-2026, đã xuất
hiện ngay những tiếng nói tiêu cực, lạc lõng trên một số diễn đàn, trang mạng
xã hội của một số tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, bất mãn, cơ hội chính
trị.
Cụ thể, có
trang mạng xã hội đã đặt câu hỏi: “Miễn học phí hay chiêu trò mị dân...?”. Bằng
cách đặt câu hỏi, rõ ràng chúng nhắm đến mục đích gây tò mò, làm nhiễu loạn cho
người tiếp cận thông tin. Từ đó, chúng nghĩ rằng có thể đạt được ý đồ là gieo
vào đầu người đọc những thông tin và lập luận do chúng rêu rao như đây là chính
sách “phí phạm ngân sách” và là “mối đe dọa cho chất lượng giáo dục”...
Chưa dừng ở
đó, chúng còn quy chụp việc “miễn học phí không giải quyết triệt để các vấn đề
giáo dục, như thiếu giáo viên hay cơ sở vật chất xuống cấp...”.
Những luận điệu
lạc lõng kể trên rõ ràng là những chiêu trò chống đối cũ rích, được nghĩ ra từ
những bộ óc có tư duy thiển cận, tâm hồn ích kỷ. Ý đồ, dã tâm thâm hiểm của
chúng là từ phủ nhận các chủ trương, chính sách nhân văn và thành tựu của nền
giáo dục đến phủ nhận vai trò lãnh đạo đúng đắn, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước
đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Thực tiễn đất nước ta, trong đó có nền
giáo dục và đào tạo đang hướng đến đổi mới, phát triển toàn diện, bảo đảm công
bằng là minh chứng bác bỏ những luận điệu sai trái, suy nghĩ lệch lạc của các đối
tượng luôn mang trong mình tư tưởng hằn học, chống đối đến cùng.
Luôn là quốc
sách hàng đầu
Phải khẳng định,
xuyên suốt quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng ta luôn kiên định quan
điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát
triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Nổi bật là
trong nhiều năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện hiệu quả Nghị quyết
số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại
hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập
quốc tế”. Theo đó, trong hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, lĩnh vực
giáo dục và đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu
quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân
lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế -
xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các chủ
trương, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã giúp hệ thống giáo dục
quốc dân cơ bản được hoàn thiện theo hướng mở, liên thông giữa các cấp học,
trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo. Đặc biệt, quy mô giáo dục
và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời
của người dân. Một kết quả rất đáng chú ý là đến nay, cả nước đã hoàn thành phổ
cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi; duy trì vững chắc, từng bước nâng cao chất lượng
phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.
Mục tiêu, nội
dung, chương trình, phương pháp giáo dục và đào tạo được đổi mới theo hướng hiện
đại, hội nhập quốc tế, hướng vào phát triển con người toàn diện cả năng lực và
phẩm chất, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, năm 2024 đánh dấu thời điểm hoàn thành
chu trình đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với ba cấp
học đồng bộ trên cả nước.
Chất lượng
giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn ngày càng nâng cao, được thế giới ghi
nhận. Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực
và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về
thành tích vượt trội khi tất cả đều đoạt giải, giữ vững vị trí tốp 10 thế giới.
Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức, góp phần xây
dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.
Những thành tựu
đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã khẳng định vững chắc quan điểm
giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; đồng thời cho thấy, mọi chủ trương,
quyết sách trong lĩnh vực này đều xuất phát từ sự đồng thuận và thực tiễn đất
nước, sự thấu hiểu, sâu sát lòng dân của Đảng, Nhà nước ta.
Sự nghiệp
lâu dài của Đảng, Nhà nước và toàn dân
Mới đây nhất,
tại Kết luận số 91-KL/TƯ ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về
“Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp
hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa và hội nhập quốc tế”, Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Giáo dục và đào tạo là
quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân” và “đầu tư
cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên trong các chương
trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”. Đặc biệt, Kết luận số 91-KL/TƯ
cũng chỉ rõ chủ trương: “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện
cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm
ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách
nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TƯ đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh
tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tăng trưởng
của nền kinh tế”.
Như vậy, việc
miễn học phí là một trong những chính sách nằm trong tổng thể các chủ trương,
chính sách rất nhân văn được Đảng, Nhà nước ta kiên trì, kiên định thực hiện hiệu
quả trong nhiều năm qua. Trước đó, thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, Chính phủ
đã ban hành các quy định về học phí, trong đó quy định lộ trình học phí hằng
năm và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho các đối tượng
học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh thuộc đối tượng chính
sách xã hội, học sinh dân tộc thiểu số.
Vì thế, chính
sách miễn học phí không nằm ngoài mục đích là tiếp tục hiện thực hóa công bằng
giáo dục, thể hiện rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho
tương lai của thế hệ trẻ. Đồng thời, đây là bước đi chiến lược nhằm hiện thực
hóa công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách vùng miền và phát triển nguồn nhân lực
bền vững.
Một mặt nâng
cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chính sách miễn học phí cũng thể hiện tính
ưu việt của chế độ ta là “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thực hiện đúng tinh
thần bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản có chất lượng, trong đó có giáo dục theo
Nghị quyết số 42-NQ/TƯ ngày 24-11-2023 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung
ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội,
đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, từ
khi công bố thông tin Bộ Chính trị quyết định miễn học phí cho học sinh từ mầm
non đến giáo dục phổ thông ở các trường công lập đến nay, dư luận nhân dân cả nước
rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Chính sách nhân văn này sẽ giúp con đường đến
trường của tất cả học sinh trên cả nước rộng mở hơn, đặc biệt là đối với con em
các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa... Thực tế này bác bỏ
hoàn toàn luận điệu của các thế lực thù địch khi cho rằng “miễn học phí hay
chiêu trò mị dân...?”.
Theo thống kê
của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước ước tính có hơn 23 triệu học sinh nằm trong
diện hưởng chính sách miễn tiền học phí từ năm học 2025-2026. Số tiền ước tính
để thực hiện chủ trương miễn học phí cho học sinh là khoảng 30 nghìn tỷ đồng mỗi
năm, sử dụng từ ngân sách nhà nước. Và điều quan trọng là việc mở rộng đối tượng
miễn học phí không làm ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách nhà nước, đồng thời
có tác động tích cực tới hầu hết các gia đình trên cả nước.
Nhìn rộng ra,
miễn học phí không phải là đích đến, mà là khởi đầu cho một cuộc cải cách mạnh
mẽ, hướng tới một nền giáo dục hiện đại, bình đẳng và chất lượng. Do đó, Đảng,
Nhà nước ta luôn xác định nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là bảo đảm điều kiện
học tập tốt nhất cho tất cả học sinh, từ cơ sở hạ tầng, chất lượng đội ngũ giáo
viên đến các chính sách hỗ trợ phù hợp khác.
Khẳng định
quan điểm này, tại cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: “Trong suốt
tiến trình cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khẳng định giáo dục và đào tạo là
quốc sách hàng đầu, là tương lai dân tộc; luôn luôn đặc biệt quan tâm chăm lo,
có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư cho giáo dục, xác định là đầu tư cho
phát triển và ưu tiên, đi trước so với các lĩnh vực khác”.
Rõ ràng, chăm
lo cho giáo dục là chăm lo cho nền tảng phát triển và tương lai của dân tộc. Và
quan điểm nhất quán của Đảng ta trong mọi chủ trương, chính sách, bao gồm việc
miễn học phí cho học sinh, là: Không để ai bị bỏ lại phía sau. Do đó, không có
cá nhân, thế lực thù địch nào có thể xuyên tạc, bóp méo một chính sách nhân
văn, hướng đến công bằng và hợp lòng dân này của Đảng, Nhà nước ta.
Đồng thời phải
khẳng định rằng, đây là dấu mốc quan trọng, giúp Việt Nam tiến xa hơn trên con
đường phát triển, hội nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở ra một
tương lai tươi sáng cho thế hệ trẻ và bảo đảm phát triển nền giáo dục bền vững,
công bằng, thực sự trở thành nền tảng cho sự vươn lên của đất nước trong kỷ
nguyên mới phát triển giàu mạnh, thịnh vượng và hạnh phúc.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét