Thứ Ba, 1 tháng 4, 2025

Tính tất yếu chuyển biến từ cách mạng dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

 


Với đường lối cách mạng đúng đắn, giai cấp công nhân Việt Nam thông qua chính đảng của mình đã lãnh đạo nhân dân lao động làm cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đánh dấu thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thiết lập nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam thực hiện chiến lược vừa kháng chiến vừa kiến quốc, đã lập nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, chấm dứt gần một trăm năm đô hộ của thực dân Pháp. Sự vận dụng tài tình lý luận cách mạng không ngừng của Đảng ta trong giai đoạn 1954 - 1975 là lãnh đạo hai miền Nam, Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng, đó là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Miền Nam và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Miền Bắc. Sau thắng lợi năm 1975, đất nước thống nhất, Đảng ta xác định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa trên cả nước, đó là thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Vào những năm 90 của thế kỷ XIX, với sự kiện sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu, nhưng Đảng ta kiên định thể hiện rõ tư tưởng cách mạng không ngừng, quyết tâm không lùi bước, tiếp tục đường lối đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Kết quả của 35 năm đổi mới, “chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới... Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].

Hiện nay, trong bối cảnh quốc tế và trong nước đang đặt ra những thời cơ, những thách thức, Đảng ta luôn đưa ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn, giải quyết tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. “Những thành tựu đổi mới tại Việt Nam đã chứng minh rằng, phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản chủ nghĩa có cùng mức phát triển kinh tế[2]. 



[1] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.34.

[2] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.33.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét