Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Cần lên án mạnh mẽ và xử lý nghiêm hành vi mua bán trẻ em.

 Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật, vô đạo đức. Đó là loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tàn nhẫn, cần được lên án mạnh mẽ và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Ngày 28/8, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết vừa triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho nhận con nuôi có liên quan đến 32 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, qua công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và công tác nắm tình hình tại các hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho nhận con nuôi, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh. Công an Thành phố đã lập chuyên án và từ thông tin, tài liệu thu thập được đã nhanh chóng triệu tập Nguyễn Thị Ánh Đào (35 tuổi, ngụ tỉnh Nghệ An) đang nuôi - giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình. Bước đầu người này thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn để nhận nuôi trẻ sơ sinh nêu trên từ chị T.T.T.N. cư trú tại tỉnh Đắk Lắk (mẹ ruột đứa trẻ). Nhưng thực chất sau khi nhận bé thì Đào để lại cho một cặp vợ chồng tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng.

 Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt. (Ảnh: CA)

Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi được điều hành bởi Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (42 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (30 tuổi, ngụ TP Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (41 tuổi, ngụ tỉnh Hải Dương). Đường dây này hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành phố; với sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.

Công an Thành phố cho biết, bước đầu xác định từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi). Những đứa trẻ này được mua với số tiền từ 10 - 23 triệu đồng/1 đứa trẻ. Sau đó bán lại với số tiền từ 35 - 75 triệu đồng/1 đứa trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.

Để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho - nhận con nuôi, những người này đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (35 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.

Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, Công an TP đã thành lập 9 tổ công tác khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó phát hiện, giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân.

Trong đó, đáng chú ý đã phát hiện, giải cứu 1 bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (38 tuổi, ngụ tỉnh Sơn La, hiện đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng tù về tội mua bán trái phép chất ma túy) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù.

Công an Thành phố cho biết đã khởi tố bị can, ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây (trong đó có các đối tượng chủ mưu, cầm đầu) đã điều hành, thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước để tiếp tục điều tra, làm rõ về hành "mua bán người dưới 16 tuổi" và "làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".

Trên đây không phải là vụ việc mới xảy ra ở nước ta. Từ trước tới nay đã có rất nhiều vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi diễn ra và lực lượng chức năng cũng đã triệt phá nhiều đường dây phạm tội, đưa ra xét xử nghiêm minh đối với nhiều đối tượng.

Lực lượng Công an giải cứu các bé sơ sinh trong một vụ mua bán trẻ em. 

Mặc dù vậy nhưng từ đầu năm đến nay, tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta đang có diễn biến phức tạp, tinh vi hơn. Các đối tượng tội phạm mua bán người lợi dụng những lỗ hổng thông tin trên không gian mạng cũng như nhu cầu việc làm tăng cao, đặc biệt trong tầng lớp thanh niên, để thực hiện hành vi phạm tội.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, 6 tháng đầu năm nay, cả nước xảy ra 98 vụ án mua bán người, 234 đối tượng liên quan đến hành vi mua bán người. Số vụ mua bán người được phát hiện, khởi tố mới tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, tình trạng nạn nhân của tội phạm mua bán người là trẻ em chiếm số lượng lớn (trên tổng số vụ). Trong đó, nhiều đường dây mua bán trẻ sơ sinh ra nước ngoài xuất hiện, được kết nối ban đầu từ các hội nhóm qua mạng xã hội. Những tài khoản trên các hội nhóm này đều ẩn danh. Theo khảo sát, không có bất cứ cuộc trao đổi, mua bán nào tại đây, tuy nhiên thực tế, từ đây các đối tượng kết nối với nhau, trao đổi, ngã giá, đưa thành công nhiều em bé sơ sinh ra nước ngoài, hình thành đường dây mua bán trẻ em xuyên quốc gia.

Các hình thức tìm kiếm trẻ sơ sinh thường phổ biến ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, và hướng đến những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

Mua bán người dưới 16 tuổi là hành vi xem con người như một loại hàng hóa và tước đoạt của họ những quyền cơ bản về tự do một cách trái pháp luật và vô đạo đức. Mua bán trẻ sơ sinh không chỉ xâm phạm quyền trẻ em, bởi trẻ em bị bán có nguy cơ bị lạm dụng và thiếu sự chăm sóc đúng mực. Cùng với đó, nó còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ra nhiều hệ lụy xã hội không thể lường trước và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước.

Các bị cáo trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh tại Bình Dương vào tháng 8/2022. (Ảnh: X.A) 

Trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật trong nước và quốc tế bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh. Ở Việt Nam, đối với công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em, các cơ quan Nhà nước đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo dựng một khung pháp lý vững chắc, trở thành một công cụ hữu hiệu trong đấu tranh đối với tội phạm mua bán người. Luật Phòng, chống mua bán người 2012, Luật Trẻ em 2016 đã nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Theo Bộ Luật Hình sự, hành vi mua bán trẻ em dưới 16 tuổi phải đối diện với mức án lên tới chung thân. Người mẹ bán con, tùy tính chất từng vụ việc sẽ bị xem xét trách nhiệm, thậm chí bị xử lý hình sự.

Trước tình hình loại tội phạm đặc biệt này hiện đang diễn ra phức tạp, thiết nghĩ, công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người cần được tăng cường hơn nữa đặc biệt là truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội cần được đẩy mạnh với các hình thức, phương thức đa dạng.

Mỗi người dân cần nhận biết những phương thức, thủ đoạn và hậu quả nghiêm trọng của tội phạm mua bán người, nêu cao tinh thần cảnh giác để tự phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện ra các hành vi phạm tội mua bán người. Trong nhà trường, tại các khu dân cư cũng cần tăng cường tuyên truyền để mỗi người cùng chung tay đẩy lùi loại tội phạm nguy hiểm này. Đồng thời, pháp luật cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm.

Các cơ quan chức năng khuyến cáo, các trường hợp gia đình khó khăn về kinh tế, không có khả năng nuôi con hoặc gia đình hiếm muộn có nhu cầu nhận con nuôi nên liên hệ các cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức, trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng cho, nhận con nuôi để được tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ về mặt pháp lý. 

NHẬN DIỆN CÁC QUAN ĐIỂM CHO RẰNG “CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 KHÔNG ĐEM LẠI DÂN CHỦ, TỰ DO THỰC SỰ CHO NGƯỜI DÂN”

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người dân một nước độc lập, tự do, dân chủ và làm chủ vận mệnh của mình. Tuy nhiên, hòng chống phá Đảng, Nhà nước ta, các thế lực thù địch, phản động luôn ra sức xuyên tạc, phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng, nhất là những giá trị về dân chủ, tự do. Vì vậy, cần chủ động nhận diện và kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Đã từ lâu, hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, các thế lực thù địch, phản động lại tìm mọi cách tung ra những luận điệu cố tình xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành quả của cuộc Cách mạng hòng hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Gần đây, khi các luận điệu cho rằng, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là nhờ sự “may mắn”,… đã bị bác bỏ, họ lại đưa ra luận điểm: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không đem lại dân chủ, tự do thực sự cho người dân”, v.v. Đây là luận điệu hết sức lố bịch, sai trái, xuyên tạc lịch sử.

Tuy nhiên, để che đậy sự lố bịch ấy, họ đã vin cớ vào những “vấn đề” còn tồn tại; sự yếu kém của một số chính quyền cơ sở trong quản lý xã hội; các hành vi vi phạm pháp luật của một số phần tử cơ hội, phản động đội lốt các “nhà dân chủ” đã bị xử lý theo pháp luật và cả sự suy thoái của một số cán bộ, đảng viên,... hòng “minh chứng” cho luận điểm nói trên.

Điều đó cho thấy, âm mưu, thủ đoạn chống phá cách mạng của chúng là không hề thay đổi; và sự chống phá đó không phải căn cứ vào hiện thực khách quan của đất nước để “lên tiếng vì dân chủ”, “bảo vệ người dân”, mà nhằm thực hiện mưu đồ chính trị, có chủ đích, hòng gieo rắc hoài nghi và làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Song, dù có cố tình chống phá, xuyên tạc, họ cũng không thể phủ nhận ý nghĩa to lớn cùng những giá trị tự do, dân chủ đích thực mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Khắc ghi Lời thề độc lập.

 79 năm đã trôi qua nhưng bản Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn còn nguyên giá trị. Chân lý vĩ đại “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã trở thành mục tiêu, động lực và khát vọng thúc đẩy cả nước chung tay đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945. (Ảnh tư liệu)

Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể dân tộc Việt Nam triệu người như một đã vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vàng chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí trong Ủy ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về Hà Nội, chuẩn bị bản Tuyên ngôn độc lập và tổ chức cuộc mít-tinh lớn ở Hà Nội để Ủy ban giải phóng dân tộc ra mắt nhân dân và tuyên bố thành lập chính thể dân chủ cộng hòa.

Đúng 14 giờ ngày 2/9/1945, các thành viên của Chính phủ lâm thời bước lên lễ dài. Bài Tiến quân ca vang lên hùng tráng, lá cờ đỏ sao vàng được từ từ kéo lên... Trong không khí trang nghiêm, Chủ tịch Hồ Chí Minh trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử, tuyên bố với toàn thể nhân dân, với thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, tự do ra đời.

Lễ đài Độc lập trên Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) do kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh thiết kế năm 1945. (Ảnh tư liệu)

Tuyên ngôn độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu và phổ biến "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do", "Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được".

Không chỉ là một văn kiện lịch sử có giá trị tư tưởng và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, Tuyên ngôn độc lập còn là kết tinh của bao nhiêu máu, nước mắt và tính mạng của những người con ưu tú đã anh dũng hy sinh để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do".

Kể từ đó, Ngày Độc lập 2/9 hàng năm đã trở thành ngày hội lớn của dân tộc, ngày Quốc khánh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lời thề độc lập với tư tưởng bất hủ: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” vẫn vang vọng, thôi thúc bao thế hệ người Việt Nam đoàn kết đồng lòng, muôn người như một, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, dân tộc Việt Nam đã kiên cường, anh dũng trải qua các cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ, ác liệt, với sự hy sinh của hàng triệu người con ưu tú để giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bước vào thời kỳ Đổi mới, với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, một lần nữa Nhân dân Việt Nam lại bước vào cuộc chiến đấu đầy gian khó để xóa đói, giảm nghèo, lạc hậu và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện.

Quảng trường Ba Đình hôm nay (Ảnh: Thế Dương) 

Sau 79 năm thực hiện Lời thề độc lập, ngày hôm nay chúng ta vô cùng tự hào vì từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế.

Có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, được sống trong hòa bình và thịnh vượng, mỗi người dân Việt Nam càng thấy thấm thía hơn giá trị của độc lập, tự do mà mỗi người dân đang được thụ hưởng. Chúng ta càng biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc; của các bậc tiền bối, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả…

Khắc ghi Lời thề độc lập, chúng ta càng ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu, lao động, sáng tạo, nỗ lực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân ấm no, hạnh phúc.

 Tối 29/8, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân chủ trì Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024). Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tại Lễ kỷ niệm:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024).

Thưa các vị đại biểu!

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn quốc tế!

Hôm nay, trong không khí hào hùng của những ngày tháng 8 lịch sử, tại Thủ đô Hà Nội “Ngàn năm văn hiến và anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, chúng ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Quốc khánh lần thứ 79 nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng và gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị Đại sứ, các nhà ngoại giao, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bậc lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các vị khách quý cùng toàn thể đồng chí, đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài lời thăm hỏi chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn quốc tế!

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, long trọng tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Suốt 79 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đi theo tiếng gọi của Người, vang vọng Lời thề độc lập, với tư tưởng bất hủ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đoàn kết đồng lòng, muôn người như một, cùng với đoàn kết quốc tế trong sáng, đưa cách mạng Việt Nam giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Từ một vùng đất chưa có tên trên bản đồ thế giới, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia trên thế giới, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (P5), các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Có được những thành tựu vĩ đại sau 79 năm thành lập nước, là do tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng mãnh liệt về độc lập, tự do, hạnh phúc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam; đồng thời, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - một Đảng luôn lấy việc phục vụ nhân dân làm lẽ sống và mục tiêu phấn đấu, luôn trung thành tuyệt đối và vô hạn với lợi ích của dân tộc, của nhân dân, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh “ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”, đã chèo lái con thuyền cách mạng, đưa đất nước Việt Nam vượt qua mọi thác ghềnh, lập nên nhiều kỳ tích.

Nhìn lại chặng đường 79 năm qua, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, lãnh tụ thiên tài của Đảng ta và dân tộc ta; của các bậc tiền bối, trong đó có cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, của hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và nghĩa vụ quốc tế cao cả; những đóng góp to lớn của Nhân dân, những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thân yêu của chúng ta; mãi mãi ghi nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới đã dành cho Việt Nam.

Thưa đồng chí, đồng bào và các bạn!

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam đang ra sức phấn đấu bứt tốc, sớm về đích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, hướng đến kỷ niệm 80 năm giành độc lập, 50 năm thống nhất đất nước, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được sống trong môi trường an ninh, an toàn, an tâm, không ai bị bỏ lại phía sau. Thực hiện đúng ước nguyện trong di chúc của Bác Hồ đó là “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có những cơ hội, song cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phát huy tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc”, lấy đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế trong sáng làm động lực, huy động mạnh mẽ sức dân, gắn kết chặt chẽ ý đảng với lòng dân làm nền tảng, nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của bạn bè, đối tác và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới với vai trò cầu nối, thúc đẩy của các nhà ngoại giao, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng, cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức, tận dụng cơ hội chung tay xây dựng một thế giới phát triển hòa bình và bền vững, định hình một trật tự chính trị và kinh tế quốc tế công bằng, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Cuối cùng, xin chúc các vị đại biểu khách quý, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế sức khỏe, hạnh phúc, cùng đồng hành trên con đường xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho toàn nhân loại.

Xin trân trọng cảm ơn!

“Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập”.

 

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập toát lên tinh thần chủ đạo là quyền “tự do, độc lập” với ý chí “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)  

Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu tháng 8 năm 1945 đã buộc “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa”1. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước hàng vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”2.

Tuyên ngôn độc lập khẳng định “quyền hưởng tự do và độc lập” của mọi quốc gia dân tộc, trong đó có dân tộc Việt Nam. Đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm được khẳng định trong suốt quá trình phát triển của nhân loại tiến bộ, kết tinh trong nhiều văn kiện mà hai trong số đó – Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 – đã được Hồ Chí Minh trích dẫn ngay khi mở đầu Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nếu như Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ khẳng định “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3, thì Hồ Chí Minh “suy rộng ra” và khẳng định rằng: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”4.  

Từ quyền con người “suy rộng ra” quyền dân tộc, Hồ Chí Minh vạch trần sự xâm phạm quyền thiêng liêng đó của thực dân Pháp, phát xít Nhật trong quá trình xâm lược và thống trị Việt Nam. “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta” bằng xâm lược, thủ tiêu dân chủ, lập nhà tù nhiều hơn trường học, chém giết khủng bố, đầu độc nòi giống, “bóc lột dân ta đến tận xương tủy”,... là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Giành lại nền độc lập, gây dựng đời sống tự do là đòi hỏi sống còn của toàn dân Việt Nam. Dẫu địch “tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”, cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do không bao giờ kết thúc. Đó là chân lý sống của dân tộc ta.

Chính vì độc lập, tự do là quyền thiêng liêng, cao quý nhất nên đòi hỏi phải luôn dành sự ưu tiên và mọi nguồn lực ở mức cao nhất để giữ gìn, bảo vệ. Tháng 5 năm 1941, Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, viết thư Kính cáo đồng bào, chỉ rõ: "Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy"5. Với việc quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh), ra báo Việt Nam độc lập, thảo Mười chính sách của Việt Minh, trong đó mục tiêu đầu tiên là "Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền", Hồ Chí Minh đã đúc kết ý chí đấu tranh cho độc lập, tự do của nhân dân ta trong một câu nói bất hủ: "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập!"6. Nói với Liên hiệp quốc và Chính phủ các nước, Người biểu thị: "nhân dân chúng tôi thành thật mong muốn hòa bình. Nhưng nhân dân chúng tôi cũng kiên quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất: toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước"7. Trong “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” (12/1946), tinh thần đó tiếp tục được Hồ Chí Minh khẳng định: “Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"8. Sau này, trong Lời kêu gọi kháng chiến chống Mỹ cứu nước (17/7/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục đúc kết và khẳng định ở tầm chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”.

Dân tộc ta không chỉ xứng đáng hưởng độc lập, tự do bởi đó là quyền thiêng liêng tạo hóa ban cho mà còn bởi quá trình đấu tranh anh dũng và vinh quang. Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định điều đó. Người nói: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”9. Điều này cho thấy, mặc dù quyền độc lập, tự do đều được nhân loại thừa nhận như chân lý phổ quát nhưng để được hưởng quyền đó một cách trọn vẹn, nhất là đối với các nước nhỏ yếu, thì không thể trông chờ sự ban phát nào cả. Một dân tộc khi nền độc lập, tự do bị xâm phạm thì phải hành động để giành lại, thiết lập, giữ lấy, củng cố.

Đối với dân tộc Việt Nam, để đi tới độc lập tự do là quãng thời gian dài “gan góc” tranh đấu, hy sinh. Chúng ta không cho phép bất cứ thế lực nào xâm phạm nền độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân dưới mọi hình thức. Chúng ta phê phán bất cứ ai xem nhẹ, xao lãng trách nhiệm bảo vệ độc lập, tự do với bất cứ lý do nào. Càng trân quý nền độc lập, tự do của Tổ quốc và nhân dân, càng phải thấm nhuần sâu sắc quyết tâm sắt đá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn dân tuyên bố với thế giới: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”10.

Tinh thần “Tuyên ngôn độc lập” nuôi dưỡng, nâng bước chúng ta trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của đất nước và Nhân dân!

------------------------------------------

 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.

 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.

Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 1.

 4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 1.

5  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 3, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 230.

6  Võ Nguyên Giáp, Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, trang 196.

7  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 522.

 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 534.

 9 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.

10  Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, trang 3.