Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ làm rạng ngời trang sách giáo khoa ngữ văn phổ thông

 

Từ trước đến nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một trong những hình tượng trung tâm trong chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn.

Hình tượng ấy vừa được khắc họa chân thực, vừa đẹp đẽ, cao cả; thể hiện ở những gian khổ, hy sinh mà các anh phải vượt qua. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đối diện với khó khăn như thế nào, những người lính ấy vẫn ngời lên niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vẫn trọn vẹn một tình yêu Tổ quốc, quê hương.

Một hình tượng trung tâm trong sách giáo khoa Ngữ văn phổ thông

Chương trình giáo dục phổ thông của nước ta là chương trình được thiết kế nhằm hướng tới giáo dục các phẩm chất và năng lực cho người học, giúp người học có thể trở thành những công dân tốt trong tương lai. Sách giáo khoa phổ thông là sự hiện thực hóa chương trình, qua đó mà hiện thực hóa các mục tiêu giáo dục trong từng giai đoạn cụ thể. Chính vì vậy, việc đưa những văn bản có khả năng giáo dục học sinh trở thành một việc làm tất yếu.

Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, trong bộ sách giáo khoa chỉnh lý, hợp nhất năm 2006, có gần 20 văn bản viết (truyện, thơ...) về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ; trong các bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (3 bộ sách gồm Cánh diều, Kết nối tri thức với đời sống, Chân trời sáng tạo) có gần 30 văn bản viết về hình tượng này.

Vẻ đẹp Bộ đội Cụ Hồ làm rạng ngời trang sách giáo khoa ngữ văn phổ thông
Học sinh Trường Tiểu học Hồng Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đọc sách Tiếng Việt 4, trong sách có hình vẽ phi công Quân đội nhân dân Việt Nam. Ảnh: THƯỜNG LỢI

Xét theo cấp học, số lượng các văn bản viết về người lính Cụ Hồ ở khối tiểu học ít hơn ở khối trung học. Xét theo tiến trình lịch sử, một số ngữ liệu là lựa chọn của cả sách giáo khoa cũ và mới vì tính chất tiêu biểu, không thể thay thế khi nói về Bộ đội Cụ Hồ như: "Từ ấy", "Việt Bắc", "Nhớ đồng" (Tố Hữu); "Đồng chí" (Chính Hữu); "Tây Tiến" (Quang Dũng); "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" (Phạm Tiến Duật)... Bên cạnh đó, một số ngữ liệu mới được đưa vào sách đã mang tới những góc nhìn mới về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ như: "Chú hải quân", "Cô gái mũ nồi xanh" (Hoài Khánh); "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" (nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm); "Nỗi buồn chiến tranh" (Bảo Ninh)...

Có thể nói các văn bản trong sách giáo khoa đã thể hiện khá đầy đủ, rõ nét về người lính Cụ Hồ, từ chiến sĩ cho tới người chỉ huy ở cương vị cao nhất (Quyết định khó khăn nhất, trích trong "Điện Biên Phủ-điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Họ có thể là người lính biên phòng ("Ngựa biên phòng"-Phan Thị Thanh Nhàn), lính hải quân ("Chú hải quân"-Hoài Khánh), lính lái xe ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính"-Phạm Tiến Duật), là những nữ bác sĩ chữa bệnh cho thương binh ở các bệnh xá ngoài chiến trường ("Nhật ký Đặng Thùy Trâm"), là nữ chiến sĩ tình nguyện tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở Trung Phi ("Cô gái mũ nồi xanh"-Hoài Khánh). Những con người ấy đã góp phần tạo nên diện mạo về người lính Cụ Hồ trong thời binh lửa và trong xã hội hôm nay.

Khắc họa vẻ đẹp đa chiều về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ

Nhìn sâu vào hệ thống các văn bản, có thể thấy nhiều điểm tương đồng thú vị. Trước hết, có thể thấy, trong sách giáo khoa trước đây và hiện nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ được khắc họa chân thực. Sự chân thực được thể hiện ở những gian khổ, hy sinh mà các anh phải vượt qua. Đó có thể là những thiếu thốn về vật chất: Áo anh rách vai/ quần tôi có vài mảnh vá-"Đồng chí", là bệnh tật bủa vây (Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm-"Tây Tiến") nhưng hơn hết là những gian nguy vì mưa bom bão đạn của kẻ thù. Nhiều người từ chiến trường trở về đã không còn lành lặn (sư thầy Đàm Thân trong "Vào chùa gặp lại" của Minh Chuyên). Có những người lính đã nằm lại nơi rừng xanh và trở thành bất tử ("Tây Tiến"-Quang Dũng, "Đồng dao mùa xuân"-Nguyễn Khoa Điềm, "Nỗi buồn chiến tranh"-Bảo Ninh). Tuy nhiên, vượt lên tất cả, ta thấy ánh lên ở họ là vẻ đẹp của những phẩm chất cao quý: Lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết, tình yêu thương, sự lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của cách mạng...

Trong cuộc chiến đấu với kẻ thù, dù gian khó, dù có thể đối mặt với mất mát, hy sinh nhưng những người lính chưa bao giờ chùn bước. Đến với "Đồng chí" của Chính Hữu, ta bắt gặp hình ảnh quen thuộc của những người lính với tư thế chủ động, luôn sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù: Đêm nay, rừng hoang sương muối/ Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới.

Những người lính ra trận, chiến đấu kiên cường bởi họ tha thiết mong ước hòa bình cho mình và những người thân yêu. Trong "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", nữ bác sĩ trẻ thốt lên với đồng đội của mình: “Ước mong của em chỉ là hòa bình trở lại để em được về với má em. Có thế thôi”.

Câu nói ấy của Đặng Thùy Trâm đã phần nào thể hiện một diện mạo khác của những người lính Cụ Hồ: Những người giàu tình yêu thương, những người coi trọng tình nghĩa. Hàng loạt tác phẩm như: "Bộ đội về làng" (Hoàng Trung Thông), "Bài thơ về tiểu đội xe không kính", "Việt Bắc", "Đồng dao mùa xuân", "Gặp lá cơm nếp" (Thanh Thảo), "Ngày cuối cùng của chiến tranh" (Vũ Cao Phan), "Người mẹ vườn cau" (Nguyễn Ngọc Tư)... đều thể hiện điều này. Từ những hoàn cảnh khác nhau, những con người ấy đi vào cuộc chiến. Họ mang theo trong mình tình yêu thương gia đình, người thân. Việt và Chiến trong "Những đứa con trong gia đình" (Nguyễn Thi) đều là những con người như vậy. Lòng dũng cảm mà chúng tôi nói ở trên thực chất bắt nguồn từ tình yêu thương sâu nặng của người lính với những người thân yêu của mình.

Trong chiến tranh, tình yêu thương đó là cội nguồn cho sức mạnh bên trong của họ, giúp những người lính vượt qua nghịch cảnh ("Đồng chí"). Tình cảm đó giúp những con người ở nơi xa lạ có được cảm giác ấm áp như một gia đình: Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời/ Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính")

Tình đồng chí, đồng đội đã khiến cho con người dũng cảm, kiên cường, thậm chí chấp nhận mất mát, hy sinh. Trong "Ánh sáng cứu rỗi" (trích "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh), Hòa-cô giao liên trẻ đã hy sinh thân mình, đánh lạc hướng kẻ thù để cứu đồng đội. Điều ấy trong chiến tranh dường như đã thành lẽ thường. Cũng với tình cảm chân thành, tự nhiên, những người lính đã xây dựng được tình quân dân bền chặt. Hàng loạt tác phẩm như: "Tây Tiến", "Việt Bắc", "Bộ đội về làng", "Người mẹ vườn cau"... đã khắc họa rất rõ điều này. Trong "Bộ đội về làng", nhà thơ Hoàng Trung Thông viết: Các anh về/ Xôn xao làng bé nhỏ/ Nhà lá đơn sơ/ Tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau.

Cảnh tượng đơn sơ dường như càng làm nổi bật hơn tình quân dân thắm thiết. Tình cảm ấy được vun đắp qua thời gian, giờ đây trở thành những tình cảm thiêng liêng trong trái tim những người ở tiền tuyến và hậu phương. Nhìn trong tổng thể các văn bản viết về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, ta thấy có một điều đặc biệt: Thông thường, viết về người lính, lẽ ra phương diện chiến đấu, hy sinh phải là khía cạnh chính được khắc họa, song thực tế, câu chuyện về những con người yêu thương, tình nghĩa mới là điểm gặp gỡ nhiều nhất giữa các văn bản. Người lính trong chiến tranh yêu thương, tình nghĩa. Người lính trong hòa bình lại càng tình nghĩa hơn. Đó là điều làm cho hình tượng người lính Cụ Hồ vốn đã đáng quý, nay càng đáng quý hơn. Ở "Ngày cuối cùng của chiến tranh", tình yêu thương đã vượt lên trên những định kiến về chính trị, sắc tộc, tôn giáo. Những người lính đã hành động một cách thật nhân văn để mang đến một câu chuyện ấm áp tình người.

Cùng với sự kiên cường, dũng cảm, cùng với sự yêu thương, tình nghĩa, có thể thấy, dù trong hoàn cảnh nào, những người lính cũng một lòng hướng về Tổ quốc, về Đảng, về Bác Hồ kính yêu. Ngay từ khi giác ngộ lý tưởng, những người chiến sĩ vượt qua khó khăn trong những ngày tháng chiến đấu gian khổ: Không có kính, rồi xe không có đèn/ Không có mui xe, thùng xe có xước/ Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim ("Bài thơ về tiểu đội xe không kính"). Lý tưởng cách mạng khiến cho những trí thức như bác sĩ Đặng Thùy Trâm có những suy nghĩ dứt khoát, đầy trách nhiệm: “Ước mơ bây giờ là đánh thắng giặc Mỹ, là độc lập, tự do của đất nước. Từ ước mơ đó mới có những gì gọi là của riêng mình”. 

Góp phần lan tỏa giá trị Bộ đội Cụ Hồ 

Có thể nói, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ là một trong những hình tượng trung tâm ở chương trình và sách giáo khoa Ngữ văn trước đây và hiện nay. Hình tượng ấy vừa được khắc họa chân thực, vừa đẹp đẽ, cao cả. Sự chân thực được thể hiện ở những gian nan mà các anh phải vượt qua. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đối diện với khó khăn như thế nào, những người lính ấy vẫn ngời lên niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, vẫn trọn vẹn một tình yêu Tổ quốc, quê hương. Ở những con người giản dị ấy, tình yêu thương, sự đoàn kết, sự kiên tâm, dũng cảm và niềm lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng là điều không bao giờ thay đổi. Việc tiếp cận, tìm hiểu sâu sắc hơn về những cống hiến, hy sinh của cha anh hẳn sẽ khiến học sinh-những người trẻ hiện nay thêm hiểu về lịch sử dân tộc, từ đó mà đề cao trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc, quê hương, đất nước.

Để hình tượng Bộ đội Cụ Hồ lúc nào cũng sáng trong, đẹp lung linh, lôi cuốn bao thế hệ giáo viên, học sinh và người dân thì cần sự nỗ lực của những người trong cuộc. Trên lớp, các thầy, cô giáo cần có những cách tổ chức lớp học linh hoạt, kết hợp kênh chữ và kênh hình... để hình tượng Bộ đội Cụ Hồ trở nên sinh động. Bên cạnh đó, việc khuyến khích học sinh đọc thêm, xem thêm, tìm hiểu thêm về người lính Cụ Hồ trong các văn bản văn học khác cũng như phim, tranh ảnh... cũng đóng một vai trò quan trọng. Một số trường có thể mời những nhân chứng sống (là những người lính đã tham gia vào những sự kiện lớn của lịch sử dân tộc) để cùng trò chuyện, chia sẻ với các em học sinh... Điều đó chắc chắn sẽ khiến hiểu biết của các em về Bộ đội Cụ Hồ trở nên sâu sắc hơn. Từ đó, mục tiêu giáo dục cũng sẽ dần đạt được. Khi chúng ta đã có các thế hệ học sinh nối tiếp nhau hiểu lịch sử đất nước, hiểu trách nhiệm với quốc gia, dân tộc, sống yêu thương, tình nghĩa và đoàn kết thì giấc mơ đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước sẽ trở thành hiện thực.

Tiến sĩ MAI THỊ HỒNG TUYẾT, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2

Bộ Quốc phòng gặp mặt 50 đại biểu người có công tỉnh An Giang

Sáng 18-9, thừa ủy quyền của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt đoàn đại biểu người có công với cách mạng tỉnh An Giang.

Bộ Quốc phòng gặp mặt 50 đại biểu người có công tỉnh An Giang
Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa, Cục trưởng Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trì buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, trực tiếp trao quà của Bộ Quốc phòng tặng 50 đại biểu người có công với cách mạng tỉnh An Giang, Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa thông tin đến các đại biểu một số nội dung về hoạt động của toàn quân.

Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa nhấn mạnh, trong bất cứ thời kỳ, giai đoạn cách mạng nào; đặc biệt là những năm gần đây, Quân đội luôn quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, nắm vững và dự báo đúng, chính xác tình hình, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng và chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước.

Bộ Quốc phòng gặp mặt 50 đại biểu người có công tỉnh An Giang

Thiếu tướng Đoàn Quang Hòa trao quà của Bộ Quốc phòng tặng các đại biểu người có công với cách mạng tỉnh An Giang. 

Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước ban hành và kịp thời bổ sung nhiều văn bản quy định về chế độ, chính sách đối với các gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng; chính sách hậu phương gia đình quân đội.

Những việc làm trên của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách và người có công với cách mạng, đồng thời giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tốt đẹp của dân tộc ta.

Bộ Quốc phòng gặp mặt 50 đại biểu người có công tỉnh An Giang
Đồng chí Nguyễn Hoàng Minh Thư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang phát biểu tại buổi gặp mặt.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Nguyễn Hoàng Minh Thư, Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang thông tin, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh An Giang đã đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống yêu nước, cùng với quân, dân cả nước đồng lòng, chung sức, đóng góp to lớn sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Bộ Quốc phòng gặp mặt 50 đại biểu người có công tỉnh An Giang
Các đại biểu người có công với cách mạng tỉnh An Giang tại buổi gặp mặt của Bộ Quốc phòng.

Hiện nay, tỉnh An Giang có hơn 40.000 đối tượng chính sách và người có công với cách mạng. Năm 2023, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” trên toàn tỉnh, vận động hơn 6 tỷ đồng, đạt 150% chỉ tiêu; phối hợp với UBND cấp huyện và các đơn vị hỗ trợ cất mới 47 nhà tình nghĩa cho người có công (kinh phí gần 2,83 tỷ đồng). Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện Quyết định số 2750/QĐ-UBND về kế hoạch hỗ trợ xóa nghèo, giảm nghèo đối với hộ có công với cách mạng thuộc diện nghèo, cận nghèo giai đoạn 2022-2025. 

BÁC BỎ SỰ XUYÊN TẠC, PHỦ NHẬN NGUYÊN TẮC TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH CỦA ĐẢNG


Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc cơ bản trong sinh hoạt, hoạt động và là quy luật tồn tại, phát triển của Đảng Cộng sản. Chính vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm cách xuyên tạc, hạ thấp vị trí, vai trò và phủ nhận nhằm làm cho cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng xem nhẹ, từng bước xa rời và từ bỏ nguyên tắc này. Do đó, nhận thức rõ bản chất và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, phủ nhận nguyên tắc tự phê bình và phê bình là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Hòng phủ nhận giá trị thực chất, cốt lõi của nguyên tắc tự phê bình và phê bình, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị cho rằng: tự phê bình và phê bình chỉ là “cái quy định ngớ ngẩn” trong nội bộ Đảng Cộng sản, “một chiêu trò bịt mắt dân” nhằm “thổi phồng ưu điểm”, “xu nịnh, tâng bốc thành tích” vì làm gì có ai tự “vạch áo cho người xem lưng”; hoặc trái lại, chỉ để “bới lông, tìm vết”, “đấu đá”, “thanh trừng” lẫn nhau, v.v. Cần khẳng định rõ, đây là những luận điệu sai trái, không đúng với bản chất, mục đích, cũng như thực tiễn tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Ngay từ khi thành lập tổ chức cộng sản quốc tế đầu tiên, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra rằng: tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của đảng, là thuộc tính bản chất của một đảng cách mạng. Vì trong quá trình vận động, phát triển, những nhược điểm, khiếm khuyết nảy sinh trong nội bộ đảng là khó tránh khỏi, việc đấu tranh giải quyết những vấn đề đó, tạo sự thống nhất cao là rất cần thiết nhưng tuyệt đối không được dùng biện pháp bạo lực, thanh trừng lẫn nhau, loại bỏ lẫn nhau mà phải thực hiện bằng tự phê bình và phê bình. V.I. Lênin coi tự phê bình và phê bình là quy luật bất di bất dịch về sự phát triển của một đảng cách mạng, chân chính: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao, tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”1. Và, cán bộ, đảng viên của đảng cũng là con người, không phải là “thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”2.
Để thực hiện tự phê bình và phê bình, V.I. Lênin còn chỉ ra yêu cầu, cách thức tiến hành. Theo Người, tự phê bình và phê bình không được theo khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”; “phê phán”, “luận chiến” là cần thiết, nhưng chỉ được phê phán công khai, trực diện rõ ràng, minh bạch chứ không phải “bới lông, tìm vết”, không phải “châm chọc, soi mói” lẫn nhau; phải kiên quyết đấu tranh chống quan điểm sai trái, lợi dụng cái gọi là “tự do phê bình” để gây mất đoàn kết, chia rẽ nội bộ, phá hoại tổ chức đảng. Nó phải là nguyên tắc chỉ đạo nhận thức và mọi hoạt động của Đảng, là biện pháp để tránh mọi sai lầm.
Trung thành, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng tự phê bình và phê bình trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh “Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm”3, trong quá trình hoạt động, vì một lý do nào đó, cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm là điều không tránh khỏi, song vấn đề cơ bản là phải biết nhận ra và sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm đó. Đối với Đảng ta, Người chỉ rõ: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sữa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”4. Để thực hiện được điều đó, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phương thuốc tốt nhất là tự phê bình và phê bình.
Hồ Chí Minh đã nêu một cách mẫu mực về phương pháp, cách thức giáo dục, rèn luyện và sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm cho cán bộ, đảng viên thấm đượm tinh thần nhân văn, nhân đạo, trên cơ sở nguyên tắc cộng sản, thể hiện sâu sắc tình nhân ái, đó là tự phê bình và phê bình. Người chỉ rõ: cần xuất phát từ lợi ích của Đảng, từ tình thương yêu đồng chí mà tiến hành đấu tranh phê bình với tinh thần chữa bệnh cứu người. Phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn; đoàn kết thống nhất nội bộ vững chắc hơn. Khi tiến hành đấu tranh phê bình phải ráo riết, triệt để thật thà, không nể nang, không thêm bớt; phải vạch rõ cả ưu điểm, khuyết điểm và cần phân biệt đúng mức độ của thiếu sót, khuyết điểm, sai lầm. Trong lúc phê bình “chớ dùng những lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc”, cần biết cách đấu tranh thích hợp để giúp đỡ đồng chí sửa chữa được thiếu sót, sai lầm, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong chi bộ. Nếu đấu tranh phê bình vì lợi ích cá nhân, phê bình người để đề cao mình, để dìm đồng chí, đấu tranh phê bình ngoài phạm vi tổ chức, kỷ luật của Đảng, hoặc không dám đấu tranh phê bình vì sợ bị trù dập, sợ bị thành kiến đều là trái với phẩm chất đạo đức của người đảng viên cộng sản, đều là vô nguyên tắc, ảnh hưởng xấu đến đoàn kết nội bộ, làm thiệt hại đến lợi ích của Đảng, hủy hoại thanh danh người đảng viên cộng sản.
Người luôn yêu cầu các cơ quan và cán bộ, đảng viên, mỗi người mỗi ngày phải thiết thực tự kiểm điểm và kiểm điểm đồng chí mình, phải luôn “tự soi, tự sửa”. Hễ thấy khuyết điểm phải kiên quyết tự sửa chữa và giúp đồng chí mình sửa chữa. Phê bình phải trên cơ sở tình đồng chí và thương yêu lẫn nhau. Phải ngăn ngừa và kiên quyết chống lại cách để khuyết điểm chồng lên khuyết điểm, hay kiểu “tích tụ” để đưa ra phê bình, lợi dụng phê bình để “thanh toán” nhau, đánh bật “ghế” của nhau. Đó là thủ đoạn của bọn cơ hội, bè phái vẫn xuất hiện đây đó ở một số cơ quan, đơn vị; “phê bình” kiểu đó làm cho công việc trì trệ, đơn vị rối loạn, cán bộ, nhân dân chán nản, thực chất là sự phá hoại, làm suy yếu Đảng, mất cán bộ. Tự phê bình và phê bình thật thà, thành khẩn, chân thành luôn là tiêu chuẩn đánh giá thái độ, động cơ, tư cách và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên. Muốn thực hiện có kết quả phải phát huy dân chủ, động viên nhân dân góp ý, phê bình cán bộ, cấp dưới góp ý, phê bình cấp trên, không chỉ có cấp trên phê bình, “uốn nắn” cấp dưới. Chỉ có làm như vậy, mới phát huy được dân chủ, mới bảo đảm cho việc phê bình được thực hiện đầy đủ và có kết quả, mới ngăn chặn được kẻ địch lợi dụng để phá hoại và bọn cơ hội “mượn gió bẻ măng”. Phương pháp khéo dùng tự phê bình và phê bình của Hồ Chí Minh là cách tốt nhất để “được người, được việc, được quan hệ”. Nó giúp cho mỗi người chủ động, tự tin và tin tưởng vào đồng chí và tổ chức của mình, tăng thêm ý chí, nghị lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực tiễn hơn 90 năm qua cho thấy, từ khi ra đời đến nay, Đảng ta luôn coi trọng thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, tình hình cách mạng. Nhờ đó mà Đảng ta ngày càng phát triển, lớn mạnh không ngừng, đủ sức lãnh đạo cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong thời gian qua, trước yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là kiên quyết đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, các Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) tiếp tục xác định: tự phê bình và phê bình là nhóm giải pháp quan trọng, được triển khai nghiêm túc, chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, từ cấp ủy đến cán bộ, đảng viên. Với tinh thần tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nói rõ sự thật, những ưu điểm, thành tích được phân tích, làm rõ; những hạn chế, khuyết điểm, sai phạm của tổ chức, cá nhân được chỉ ra cụ thể; các trường hợp sai phạm bị kiểm điểm, kết luận rõ ràng; không bao che, dung túng, “không có vùng cấm”, xét xử nghiêm minh5, đã góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nghiêm túc nhìn nhận: “Tự phê bình và phê bình ở không ít nơi còn hình thức; tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm còn diễn ra ở nhiều nơi; một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình đối với nhiệm vụ được giao”6.
Như vậy, cả lý luận và thực tiễn đều cho thấy, nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng Cộng sản là cách mạng và khoa học; là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định sự trường tồn và phát triển của Đảng. Thông qua tự phê bình và phê bình mà cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong sinh hoạt, công tác để có giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả, vì sự tiến bộ của cá nhân, tổ chức, vì sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, hoàn toàn không phải như luận điệu mà các thế lực thù địch, phản động thường rêu rao, chống phá.
Hiện nay, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đặt ra cấp bách, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên phải luôn kiên định lập trường, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng; xa rời, từ bỏ nguyên tắc này là xa rời, từ bỏ Đảng từ bản chất. Đồng thời, đề cao cảnh giác, nhận diện rõ bản chất, âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc nguyên tắc tự phê bình và phê bình của Đảng. Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nêu cao trách nhiệm tự phê bình và phê bình như soi gương, rửa mặt hằng ngày; thấy vết nhọ là phải lau ngay; thật thà tự xét và góp ý cho đồng chí mình, ai có khuyết điểm nào thì phải thật thà, cố gắng tự sửa chữa và giúp sửa chữa lẫn nhau để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh, vì nước, vì dân, góp phần làm cho Đảng ta luôn xứng đáng “là đạo đức, là văn minh”./.
Tạp chí QPTD

BÁC BỎ LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC BẢN CHẤT KHOA HỌC, CÁCH MẠNG CỦA CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN, TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Thực hiện mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch tiến hành mọi thủ đoạn nhằm xuyên tạc, bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, kiên quyết đấu tranh bác bỏ luận điệu xuyên tạc này sẽ góp phần quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.
Sự sụp đổ hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX càng làm cho các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc, điên cuồng chống phá chủ nghĩa Mác - Lênin hơn lúc nào hết. Với cách mạng Việt Nam, họ tập trung vào xuyên tạc, phủ nhận việc lựa chọn nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng thời, lớn tiếng cho rằng sự lựa chọn đó là sai lầm trong nhận thức; coi mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là “lầm đường”, “lạc lối”; sự lãnh đạo của Đảng cộng sản là “toàn quyền”, “toàn trị”, mất dân chủ,... từ đó, họ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Do vậy, nhận diện, đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Trước hết, phải nhận diện được thủ pháp của các luận điệu xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay. Đứng trước một học thuyết khoa học, cách mạng như chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch thường tìm cách cài lỗi logíc trong những lập luận để xuyên tạc, phủ nhận thì mới hy vọng đánh lừa được nhận thức nhân dân. Họ thường đánh tráo khái niệm hoặc thêm hay bớt từ ngữ trong các luận điểm của các nhà kinh điển, làm biến dạng nội dung, đưa ra những tiền đề không đầy đủ cho các bước suy luận,… rồi rút ra kết luận xuyên tạc bản chất có chủ đích. V.I. Lênin chỉ rõ: “Vì ngụy biện là một mặt lập luận xuất phát từ một tiền đề không có cơ sở, và được người ta thừa nhận và không phê phán, không suy nghĩ chín chắn,…”1. Đặc biệt, trong đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận những thủ thuật trong thuật ngụy biện làm cho chúng ta rất khó nhận thấy sự sai trái, phản khoa học và càng khó xác định bản chất phản động ở mặt chính trị. Tinh vi hơn nữa là họ lợi dụng những hiện tượng tiêu cực có tính đơn lẻ trong đời sống xã hội để cường điệu hóa thành cái phổ biến, bản chất. Từ thành tựu cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều đột phá mới, có tác động mạnh mẽ, thậm chí ngoài sức tưởng tượng của con người đối với tăng trưởng kinh tế,... và họ đã lợi dụng điều đó như một “kênh” để xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Thông qua những thành tựu ấy họ quảng bá, ca tụng văn minh phương Tây và bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, làm lu mờ vấn đề chính trị, xóa nhòa sự khác biệt cơ bản giữa hai hệ tư tưởng tư sản và vô sản. Trong khi chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp cận, luận giải sự phát triển của lịch sử, xã hội có tính tổng hợp cả kinh tế, chính trị và văn hóa,… thì họ lảng tránh, ngụy biện bằng cách tiếp cận có tính đơn tuyến, tuyệt đối hóa phát triển văn minh. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác đưa ra quan điểm về suy đến cùng là do lực lượng sản xuất quyết định, thì họ lại cường điệu hóa, biến nó thành nhân tố duy nhất. Họ đi từ xuyên tạc phương pháp tiếp cận đến phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội và kết luận chủ nghĩa tư bản là đỉnh cao của lịch sử nhân loại. Và coi chủ nghĩa xã hội như một “quái thai” của lịch sử, do chủ quan các nhà kinh điển tạo ra, nên không thể tồn tại trong lịch sử. Từ đó, họ cho rằng mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là “lầm đường”, “lạc lối” (!).
Về vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc cũng thường được các thế lực thù địch sử dụng, ngụy biện trong các quan điểm của họ. Nội dung cốt lõi trong tư tưởng các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác là sự xuất hiện, tồn tại giai cấp, đấu tranh giai cấp có tính lịch sử, đặc biệt có nguồn gốc từ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và quan hệ giữa bóc lột với bị bóc lột là chủ yếu. Nhưng họ vẫn tiếp tục lảng tránh, cắt xén nội dung cốt lõi, đồng thời đưa ra tiền đề không cơ bản để làm lu mờ quan hệ bóc lột giai cấp, đó là người lao động hiện nay cũng có cổ phần; cùng tham gia vào sáng tạo và cùng được hưởng lợi nhuận để nhằm xóa nhòa bản chất quan hệ bóc lột giai cấp. Đây chính là sự ngụy biện, che đậy bằng hình thức hết sức tinh vi, đánh lừa nhận thức của nhân dân, bởi giai cấp tư sản dù có bán cổ phần, nhưng không bao giờ bán để trở thành bình đẳng với người lao động, còn người lao động mua cổ phần, nhưng chỉ là phần quá ít ỏi không thể thay thế được địa vị giai cấp. Do vậy, dù toàn cầu hóa về kinh tế đến đâu chăng nữa thì chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, vấn đề giai cấp, cũng như quan hệ bóc lột giai cấp vẫn không thay đổi được bản chất và mâu thuẫn nội tại trong lòng chủ nghĩa tư bản. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát triển, 2011) chỉ rõ: “Hiện tại, chủ nghĩa tư bản vẫn còn tiềm năng phát triển, nhưng về bản chất vẫn là chế độ áp bức, bóc lột và bất công”2.
Từ phân tích trên cho thấy, việc nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin phải đi từ cách tiếp cận có tính tổng hợp đến luận giải tiến trình lịch sử theo tinh thần biện chứng thì mới vạch ra tính chất phản khoa học, phản động của các thế lực thù địch. Nó cũng là cơ sở cho nhận thức đúng những bước quanh co của lịch sử là khó tránh khỏi, đồng thời đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với quy luật tất yếu. Đặc biệt, hiểu rõ sự phát triển lực lượng sản xuất của chủ nghĩa tư bản hiện nay chỉ có thể cứu vãn tình thế trước mắt, còn cả chiều dài lịch sử thì chính nó quyết định mâu thuẫn nội tại mà giai cấp tư sản không thể khắc phục.
Nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vừa phải vận dụng phương pháp vạch lỗi logíc trong các luận điểm của các thế lực thù địch, vừa phải nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hiện nay, tình hình thế giới cũng như trong nước liên tục vận động, biến đổi. Do vậy, quan điểm của Đảng cũng phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện và phát triển, nhằm làm sáng rõ hơn bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới. Đó là việc làm hợp quy luật. Tuy nhiên, trong quá trình đó, các thế lực thù địch cũng không ngừng xuyên tạc, phủ nhận, chống phá một cách quyết liệt. Do vậy, chúng ta cần tiếp tục củng cố lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng để làm tiền đề cho các khâu, các bước tiếp theo, nếu không rất dễ bị dao động trước sự xuyên tạc, phủ nhận trong quá trình đổi mới. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội,... Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa”3. Vì vậy, tiếp tục củng cố lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng là tiền đề, điều kiện quan trọng nhất cho các bước nhận diện, đấu tranh phản bác sự xuyên tạc của các thế lực thù địch hiện nay.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh trước những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực vào cuối thập niên 80 thế kỷ XX, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn xác định lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Điều đó cho thấy Đảng ta thật sự là tấm gương sáng về lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định. Đó cũng là vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Điều hết sức quan trọng là phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động”4. Nhờ đó, qua hơn 35 năm thực hiện mục tiêu bổ sung, phát triển lý luận nền tảng tư tưởng của Đảng vẫn được giữ vững, vận dụng và phát triển trong thực tiễn. Mặc dù các thế lực thù địch luôn đưa ra các quan điểm xuyên tạc, phủ nhận bằng các thủ đoạn tinh vi khác nhau, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như đường lối, quan điểm đổi mới của Đảng ta luôn có sức sống mãnh liệt. Mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ và được khẳng định bằng những thắng lợi trên thực tiễn. Một trong những thành tựu quan trọng nhất được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”5. Cùng với thành tựu to lớn đó, một hệ thống các quan điểm của Đảng ta về mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã cơ bản hình thành với tính cách như một “chủ thuyết Việt Nam”. Chủ thuyết này có nhiều cái mới, phản ánh đúng tính quy luật đặc thù phát triển xã hội ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra phong trào quần chúng rộng lớn, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự chống phá của các thế lực thù địch. Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời từ nền tảng văn hóa, trí tuệ của nhân loại kết hợp với thiên tài, đạo đức và tình cảm tốt đẹp đối với giai cấp công nhân, nhân dân lao động của Mác, Ăngghen và Lênin. Quan hệ giữa trí tuệ nhân loại, giá trị văn hóa loài người với cá nhân các nhà kinh điển được hiểu như biểu hiện của quan hệ giữa cá nhân và xã hội ở lĩnh vực văn hóa, tinh thần. Sự tác động của hai mặt này như hai quá trình “cá nhân hóa cái xã hội” và “xã hội hóa cái cá nhân” thống nhất với nhau ở mặt tư tưởng, trí tuệ, giá trị văn hóa. Trí tuệ, giá trị văn hóa nhân loại là một nội dung, nền tảng cho các nhà kinh điển thực hiện bước “cá nhân hóa”. Tính quy luật được khái quát bằng lý luận đó ra đời phải diễn ra quá trình “xã hội hóa” để các giá trị văn hóa trong tư tưởng các nhà kinh điển trở thành cái phổ biến trong toàn xã hội. V.I. Lênin chỉ rõ: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra,… Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số kiến thức mà loài người đã tích lũy được”6.
Quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” với tính cách là phong trào quần chúng (phong trào văn hóa) rộng lớn và cũng bao hàm tính chất của cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng khó khăn, phức tạp. Do vậy, nâng cao chất lượng, hiệu quả quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh góp phần đẩy lùi sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch hiện nay. Bởi, họ triệt để lợi dụng xu thế giao lưu, hội nhập để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh qua con đường văn hóa nghệ thuật. Cùng với nó là tàn tích tâm lý, thói quen lạc hậu của xã hội cũ trong mỗi con người còn rất nặng nề, khó khắc phục. Vì thế, chứng minh, luận giải tính chất đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong quá trình “xã hội hóa - văn hóa hóa” chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phải mang tính chất của một phong trào quần chúng, phong trào văn hóa rộng lớn, dưới sự lãnh đạo của Đảng sẽ có sức thuyết phục rất cao. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề và phức tạp, mà cũng rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong công cuộc chiến đấu khổng lồ này, cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”7.
Nhận diện thủ pháp xuyên tạc của các thế lực thù địch với nghiên cứu, bổ sung, phát triển lý luận và thực hiện các bước “xã hội hóa - văn hóa hóa” bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn trong tính chỉnh thể, thống nhất. Sự vận dụng có tính linh hoạt, sáng tạo các mặt trên sẽ tạo nền tảng tinh thần xã hội vững chắc cho củng cố xã hội Việt Nam thật sự là một cơ thể cường tráng, miễn dịch với các “vi rút” độc hại xâm nhập vào đời sống tinh thần xã hội. Chỉ như thế thì mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới được hiện thực hóa một cách sinh động; đồng thời, khẳng định bản chất khoa học, cách mạng và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh./.
Tạp chí QPTD
Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản


PHẢN BÁC NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VẤN ĐỀ DÂN CHỦ Ở VIỆT NAM


Trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam, dân chủ là vấn đề được các thế lực thù địch và bọn cơ hội chính trị coi là một “mũi nhọn” tập trung xuyên tạc, chống phá. Vì vậy, đấu tranh, phản bác thủ đoạn này cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
Vấn đề dân chủ không đứng riêng một cách biệt lập, mà được các thế lực thù địch xuyên xoáy, xen lồng trong các vấn đề nhân quyền, dân tộc, tự do tín ngưỡng, tôn giáo,… tạo “hợp lực” chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Những luận điệu xuyên tạc dân chủ được chúng thực hiện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó, xuyên tạc dân chủ trên lĩnh vực chính trị là trọng điểm, mang tính bao trùm, được triển khai trên hai “mảng miếng”, hai hướng chính: thứ nhất, bóp méo, xuyên tạc những biểu hiện dân chủ trong đời sống hiện thực; thứ hai, xuyên tạc bản chất, căn nguyên của tình trạng “mất dân chủ”, “không có dân chủ” ở nước ta. Các luận điệu xuyên tạc được thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp rất xảo quyệt và tinh vi, tạo nên “ma trận”, dàn “hợp xướng” tiến công ta từ nhiều phía. Chúng kết hợp bên trong và bên ngoài với nhiều lực lượng; kết hợp dùng “lý luận cao siêu” với kiểu “hàng tôm hàng cá”; kết hợp chống quan điểm với trực tiếp tiến công vào con người, tổ chức. Chúng ra sức lợi dụng những thiếu sót, khuyết điểm của ta; khai thác các thông tin trong nước và quốc tế liên quan để lồng ghép các luận điệu xuyên tạc. Các luận điệu họ đưa ra đều cố tỏ vẻ khách quan, khoa học, tâm huyết với vận mệnh quốc gia, dân tộc; khoác cái áo “nhà dân chủ”, “yêu nước” để chống phá, xuyên tạc. Họ triệt để lợi dụng các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội để móc nối, tập hợp, huấn luyện các đối tượng, lập các trang, nhóm, tài khoản có số người theo dõi lớn nhằm lan truyền những luận điệu xuyên tạc.
Những luận điệu xuyên tạc về dân chủ là đặc biệt nguy hiểm, dễ gây nên sự hoài nghi, dao động trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và bản chất, tính ưu việt của chế độ dân chủ nước ta. Vì vậy, cần phải chủ động đấu tranh, phản bác trên một số khía cạnh sau.
Không thể bóp méo, phủ nhận những thành tựu về dân chủ và bản chất chế độ dân chủ nước ta; không thể vu cáo Việt Nam “không có dân chủ”, “vi phạm dân chủ”, “mất dân chủ”. Thực tiễn cho thấy, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đứng lên làm chủ, tự mình tổ chức và xây dựng xã hội mới, chăm lo cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của chính mình; bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của nền dân chủ nước ta ngày càng thể hiện sinh động, cụ thể trong cuộc sống của nhân dân. Người dân Việt Nam thấu hiểu những giá trị to lớn của độc lập, tự do, dân chủ, hiểu rõ quyền con người và cũng nhận rõ thế nào là dân chủ. “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước”1. Đó là thành tựu vĩ đại của cách mạng, của nền dân chủ nước ta. Chỉ cần có cái nhìn khách quan, thiện chí thì sẽ hiểu được những thành tựu dân chủ mà nhân dân ta với bao mồ hôi, công sức và cả máu xương mới có được, thấu hiểu được xã hội Việt Nam là thực sự dân chủ.
Những ai cố tình vu cáo Việt Nam “không có dân chủ”, “vi phạm dân chủ” cần thấy rằng: sau hơn 35 năm đổi mới, “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”2; quyền làm chủ của nhân dân không chỉ thể hiện trong Hiến pháp, pháp luật, mà ngày càng thể hiện sinh động trong đời sống hiện thực trên tất cả các lĩnh vực. Đời sống cả về vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Nếu như năm 1989, quy mô nền kinh tế đất nước chỉ là 6,3 tỉ USD, thì năm 2022 đã đạt 409 tỉ USD, xếp thứ 37 thế giới, đứng thứ năm trong ASEAN và nằm trong nhóm 14 nước hàng đầu châu Á. Thu nhập bình quân đầu người những năm đầu đổi mới chỉ đạt khoảng 250 USD/năm, đến năm 2022 đã đạt 4.110 USD, đứng thứ năm trong ASEAN. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống còn 5,8% năm 2016 theo chuẩn nghèo của Chính phủ và dưới 03% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được quy định rõ trong Hiến pháp, pháp luật, được tôn trọng và bảo đảm trên thực tế, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Mọi công dân đều “có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Hệ thống báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ với đội ngũ “khoảng 50.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí; gần 1.000 cơ quan báo chí thuộc 04 loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử, trong đó có 165 cơ quan báo, 663 tạp chí, 23 cơ quan báo điện tử độc lập, 02 đài phát thanh - truyền hình quốc gia, 64 đài địa phương, 05 kênh truyền hình3. Ở Việt Nam, có hơn 70% dân số dùng mạng xã hội với nhiều mạng xã hội lớn phổ biến như Facebook, YouTube, Lotus, Zalo, Twitter, Instagram, v.v. Những con số trên chưa phải là đầy đủ, nhưng nó đã khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ và sự thụ hưởng nền dân chủ nước ta.
Không thể cho rằng, bầu cử ở Việt Nam “không dân chủ”?! Bởi, ở Việt Nam, mọi công dân đều có quyền bầu cử, có quyền tham gia quản lý xã hội một cách trực tiếp, hoặc thông qua người đại diện do mình lựa chọn. Bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp là hình thức dân chủ trực tiếp, là phương thức thể hiện ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước và cơ quan đại diện, cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Trong các cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, tỷ lệ cử tri đi bầu rất cao. Tỷ lệ đại biểu là nữ, người dân tộc thiểu số, chức sắc tôn giáo trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng nhiều. Việc thực hiện nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã tập hợp, phát huy trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng Nhà nước, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy công quyền. Các kênh bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân ngày càng được mở rộng và hiệu quả. “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trở thành quy chế, thiết chế dân chủ; là phương châm hành động của người dân trong xây dựng hệ thống chính trị; là yêu cầu ứng xử của cán bộ trong tiếp xúc, quan hệ và chăm lo đến dân. Nhân dân là chủ thể mọi quyền lực; quyền lợi và nghĩa vụ, quyền hạn và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội; những cuộc tiếp xúc của các đại biểu với cử tri chuẩn bị cho các kỳ bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp; việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp, các luật,... đã thực sự tạo điều kiện tốt hơn cho người dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và gián tiếp, thực thi quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của Nhà nước và đề đạt nguyện vọng, ý kiến của mình.
Rõ ràng, chế độ dân chủ ở nước ta là chế độ: “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức”4; là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của nhân dân trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,...; phát huy cao độ tính tích cực sáng tạo của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và thông qua Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Những ai ra rả kêu gọi hãy “mở rộng dân chủ” hơn nữa cần phải thấy rõ rằng: dân chủ bao giờ cũng gắn liền với chuyên chính, với pháp luật, kỷ luật. Bất cứ nền dân chủ nào cũng vậy, đó không phải là thứ vô nguyên tắc, càng không thể là vô chính phủ, mà phải “gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm”5. Họ cũng cần phải thấy rằng: không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ và ngược lại. “Quyền dân chủ, tự do của mỗi cá nhân không tách rời nghĩa vụ và trách nhiệm công dân”6. Mọi sự lợi dụng dân chủ, gây mất ổn định chính trị - xã hội, làm tổn hại tới lợi ích quốc gia và cuộc sống bình yên của nhân dân là không thể chấp nhận, là trái với dân chủ, đều phải bị nghiêm trị. Thực thi dân chủ sai nguyên tắc, vô nguyên tắc là trái với bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa, có thể dẫn đến hậu quả khó lường. Luận điểm “đa nguyên chính trị”, “đa đảng đối lập” mà các thế lực thù địch tung ra như là một “tiền đề” và “yêu cầu” của thứ dân chủ mị dân, thực chất là nhằm tước bỏ tính chất xã hội chủ nghĩa của nền dân chủ nước ta.
Những yêu sách đòi Việt Nam phải “khuôn” theo “mẫu hình” dân chủ tư sản phương Tây là không thể chấp nhận. Chúng ta không phủ nhận nhiều giá trị của dân chủ tư sản, nhưng nền dân chủ ấy, dù có được tô vẽ như thế nào, thì vẫn là dân chủ của giai cấp tư sản, nhằm bảo đảm sự thống trị, bóc lột của giai cấp tư sản đối với xã hội và lao động.
Không thể xuyên tạc: sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản là căn nguyên của tình trạng mất dân chủ, không có dân chủ. Với sự lựa chọn của lịch sử và bằng kiểm nghiệm thực tế, nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và trao cho Đảng Cộng sản Việt Nam quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nước ta không phải là tạo ra vị thế đó, mà đó là sự ghi nhận, khẳng định một thực tiễn chính trị - xã hội đã xác lập trong thực tế, không có lý do nào buộc chúng ta phải từ bỏ Điều 4 Hiến pháp.
Đảng ta “là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc”7; “Ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích nào khác”8. Đảng độc tôn lãnh đạo, cầm quyền chính là vì “lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”. Vì thế, vấn đề “then chốt của chế độ dân chủ” nước ta không phải là từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng, mà là khẳng định, củng cố và tăng cường sự lãnh đạo ấy trong thực tiễn. Từ bỏ sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, thực hiện đa đảng không những sẽ không dân chủ hơn mà còn dẫn tới đất nước mất ổn định, xã hội hỗn loạn, có thể rơi vào thảm họa như đã từng xảy ra ở một số nước./.
Tạp chí QPTD
Có thể là hình ảnh về 2 người