Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản thuộc Trung ương Đoàn

 

(ĐCSVN) - Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản, lãnh đạo, chỉ đạo các nhà xuất bản tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, trở thành điểm sáng của ngành xuất bản trong cả nước.

Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. 

Chiều 29/8, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (Chỉ thị 42-CT/TW).

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Kim Đồng. Bên cạnh đó, trong hệ thống tổ chức của Đoàn, còn quản lý Nhà Xuất bản trẻ thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong 20 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW nghiêm túc, hiệu quả. Chỉ đạo các nhà xuất bản tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập Chỉ thị gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị; xác lập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết trong chương trình, kế hoạch công tác năm. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về Chỉ thị; đồng thời xây dựng các ấn phẩm truyền thông lan toả trong các cấp bộ đoàn.

 Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho các nhà xuất bản có điều kiện tốt nhất trong hoạt động. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc; ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi đọc sách, báo của Đoàn, Đội. Các ban khối phong trào, cơ quan báo chí của Trung ương Đoàn thường xuyên phối hợp với 2 nhà xuất bản biên soạn sách chuyên đề phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án mà Trung ương Đoàn được giao thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong những năm qua, nội dung các xuất bản phẩm tại các đơn vị xuất bản thuộc Trung ương Đoàn luôn giữ đúng định hướng chính trị, bảo đảm tính khoa học, đại chúng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, kỹ năng sống…; phục vụ kịp thời, có hiệu quả những sự kiện trọng đại của đất nước, của Đoàn, Hội, Đội phù hợp với thị hiếu bạn đọc, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi quan tâm. Song song với việc đẩy mạnh công tác biên soạn sách trong nước, các Nhà Xuất bản đã đầu tư mua bản quyền nhiều bộ sách có giá trị từ các nhà xuất bản lớn của nước ngoài, mở rộng đối tượng bạn đọc cho lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và các bậc phụ huynh, đáp ứng được nhu cầu giáo dục sớm và toàn diện về các mặt kỹ năng sống, nâng cao tri thức và thẩm mĩ, đồng thời giúp các em được thụ hưởng những sản phẩm trí tuệ cao… Nhà Xuất bản Kim Đồng đã ra mắt độc giả thương hiệu sách Wings Books, tạo dấu ấn với độc giả với các xuất bản phẩm về hướng nghiệp, kĩ năng sống, nhận diện bản thân.... Nhiều xuất bản phẩm thường xuyên được tái nối bản và đạt nhiều giải thưởng về sách của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong 20 năm (từ năm 2004 đến nay), số lượng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng đạt gần 327 triệu bản in, doanh số luôn thuộc top 3 các Nhà xuất bản trong cả nước.

Tại buổi làm việc, đa số các thành viên đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động của các nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn trong thời gian qua. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà xuất bản này, các đại biểu cho rằng các nhà xuất bản cần chủ động hơn nữa trong công tác liên doanh, liên kết, nhất là liên kết quốc tế; đổi mới, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ tốt nhất cho công tác xuất bản và phát hành sách, đặc biệt cần thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của các nhà xuất bản…

 Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khẳng định: Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, xác đáng. Những gợi ý sâu sắc của các thành viên trong Đoàn khảo sát là cơ hội rất tốt để Ban Bí thư Trung ương Đoàn thực hiện tốt hơn nữa chức năng cơ quan chủ quản xuất bản; cũng như các nhà xuất bản của Đoàn thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế; xác lập tầm nhìn chiến lược, hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản của Trung ương Đoàn nói riêng, hệ thống xuất bản của Đoàn nói chung trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW. Đồng chí khẳng định: Trong 20 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thể hiện rõ vai trò cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động xuất bản nói chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW nói riêng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW nghiêm túc, hiệu quả; thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài chính của các nhà xuất bản trực thuộc theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác nhân sự; quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ các nhà xuất bản tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng chỉ rõ những hạn chế như: Năng lực, hiệu quả hoạt động của hai nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn còn có sự chênh lệch. Tại Nhà xuất bản Kim Đồng, việc mở rộng mạng lưới phát hành sách chưa được như kì vọng; công tác chuyển đổi số còn chậm; công tác dịch thuật để tổ chức giới thiệu các ấn phẩm bằng tiếng Anh chưa thật sự có dấu ấn rõ nét, đặc biệt là với sách văn học, nghệ thuật. Nhà xuất bản Thanh niên còn thiếu sự chủ động trong tham gia thị trường xuất bản, sách phục vụ thanh thiếu niên, thế hệ trẻ còn thiếu đa dạng về đề tài; hình thức, nội dung sách chậm đổi mới; chưa mạnh dạn đầu tư cho xuất bản điện tử, hiệu quả kinh doanh chưa cao...

Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện của hoạt động xuất bản, in và phát hành của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trung ương Đoàn cần lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, điểm sáng của ngành xuất bản; tiếp tục sáng tạo, đổi mới, cho ra mắt thêm nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp; nâng cao nhận thức, bồi đắp tinh thần khởi nghiệp, khát vọng cống hiến, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng tầng lớp thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Trung ương Đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các nhà xuất bản tiếp tục quan tâm triển khai các nghị quyết, chỉ thị, nghiên cứu có chế độ, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực; phát huy thế mạnh nhà xuất bản để tiếp tục tham gia sâu vào xuất bản điện tử; đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp xu hướng phát triển của thời đại; quan tâm hợp tác quốc tế, đầu tư mua bản quyền các bộ sách có giá trị kiến thức từ các nhà xuất bản trên thế giới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ tuổi - đối tượng cần được ưu tiên tiếp xúc, thụ hưởng nguồn tri thức toàn cầu, bảo đảm cho hoạt động của các nhà xuất bản không ngừng phát triển, kỳ vọng theo kịp khu vực và quốc tế.

Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và miền núi; đáp ứng nhu cầu đọc của mọi đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng trên mọi miền Tổ quốc. Tiếp tục phát huy thế mạnh của nhà xuất bản trong việc xây dựng, triển khai các tủ sách, cuộc thi viết sách, chương trình quảng bá sách, hoạt động thiện nguyện trao tặng sách; quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tiếp cận, mở mang kiến thức của các đối tượng độc giả.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

THƯ BÁC HỒ GỬI HỌC SINH NHÂN NGÀY KHAI TRƯỜNG NĂM 1945

Các em học sinh,

Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các em hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng giời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các em lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

Trước đây cha anh các em, và mới năm ngoái cả các em nữa, đã phải chịu nhận một nền học vấn nô lệ, nghĩa là nó chỉ đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp. Ngày nay các em được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em.

Các em được hưởng sự may mắn đó là nhờ sự hy sinh của biết bao nhiêu đồng bào các em. Vậy các em nghĩ sao? Các em phải làm thế nào để đền bù lại công lao của người khác đã không tiếc thân và tiếc của để chiếm lại nền độc lập cho nước nhà.

Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.

Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.

Ðối riêng với các em lớn, tôi khuyên thêm một điều này: chúng ta đã đánh đuổi bọn thực dân, chúng ta đã giành được độc lập. Nhưng giặc Pháp còn lăm le quay lại. Chúng ỷ vào kẻ khác mạnh hơn mà gây sự với ta. Tất nhiên chúng sẽ bị bại, vì tất cả quốc dân ta đoàn kết chặt chẽ và một lòng chiến đấu cho giang sơn Tổ quốc.

Phải sẵn sàng mà chống quân giặc cướp nước, đấy là bổn phận của mỗi công dân. Các em lớn chưa hẳn đến tuổi phải gánh công việc nặng nhọc ấy, nhưng các em cũng nên, ngoài giờ học ở trường, tham gia vào các Hội cứu quốc để tập luyện thêm cho quen với đời sống chiến sĩ và để giúp đỡ một vài việc nhẹ nhàng trong cuộc phòng thủ đất nước.

Tôi đã thành thực khuyên nhủ các em. Mong rằng những lời của tôi được các em luôn luôn ghi nhớ.

Ngày hôm nay, nhân buổi tựu trường của các em, tôi chỉ biết chúc các em một năm đầy vui vẻ và đầy kết quả tốt đẹp.

Chào các em thân yêu

HỒ CHÍ MINH 

(Tháng 9/1945)

Thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025

 

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư động viên, nhắn nhủ đến các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, học sinh, sinh viên trên cả nước.

Báo Quân đội nhân dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn bức thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước:

Thân ái gửi các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục, các em học sinh, sinh viên, học viên và các bậc phụ huynh!

Nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025, tôi thân ái gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động đã và đang công tác trong ngành Giáo dục, cùng các em học sinh, sinh viên, học viên và các bậc phụ huynh những tình cảm thân thiết và những lời chúc tốt đẹp nhất.

Trong thư gửi các em học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác Hồ đã viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Cố Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc ngày 3-11-2018: "Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh, nguyên khí mà suy thì đất nước yếu".

Thư Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư tới ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2024-2025.

Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đã và đang có những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo. Năm học 2023-2024, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nền giáo dục nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương tinh thần thi đua, phấn đấu của thầy, trò cả nước, cũng như sự nỗ lực, cố gắng và những kết quả của toàn ngành Giáo dục, sự đồng hành, hỗ trợ của các bậc phụ huynh trong thời gian qua.

Năm học mới 2024-2025 là năm học đầu tiên thực hiện Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW và triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở tất cả các lớp từ lớp 1 đến lớp 12, tôi mong ngành Giáo dục cần tập trung thực hiện tốt chủ đề năm học đã đề ra là: "Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương". Giáo dục và đào tạo cần tiếp tục hướng đến phát triển con người và hạnh phúc của con người, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển, tạo nền tảng cho việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Với khí thế của năm học mới, tôi tin tưởng các em học sinh, sinh viên, học viên sẽ nỗ lực học tập, tu dưỡng, tiếp thu và làm chủ kiến thức, hình thành những năng lực cốt lõi, tạo dựng những khát vọng lớn lao để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Tôi mong các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp cao quý của mình.

Tôi mong các bậc phụ huynh, vì tương lai con em chúng ta, phối hợp tốt với nhà trường, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong công tác giáo dục.

Tôi đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền chăm lo hơn nữa sự nghiệp giáo dục bằng các quyết sách kịp thời, thiết thực và đúng đắn để các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh, sinh viên, học viên được giảng dạy, học tập trong một môi trường lành mạnh và đầy đủ các điều kiện để phát huy năng lực sáng tạo, thực hiện thành công công cuộc đổi mới của giáo dục nước nhà.

Chúc các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và các em học sinh, sinh viên, học viên luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, thành công và đạt được nhiều thành tích hơn nữa trong năm học mới.

Thân ái!

TÔ LÂM

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Chia sẻ với đồng bào lũ lụt Điện Biên

 

Cùng đoàn thiện nguyện đến thăm, tặng quà các gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ vừa qua tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) do Hội Phụ nữ hai phòng (Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần-Kỹ thuật) của Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không-Không quân phối hợp với Câu lạc bộ Thiện nguyện trái tim xanh TP Hải Phòng tổ chức, chúng tôi càng hiểu thêm việc làm ý nghĩa nhân văn này.

Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn chia sẻ: Mường Pồn là xã vùng cao, thuần nông, có 11 bản với 1.107 hộ dân; trong đó, một số bản giáp biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Trận mưa, lũ quét vừa qua xảy ra tại đây đã khiến 4 người thiệt mạng, 3 người mất tích; 20 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi; hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng; hoa màu và vật nuôi bị thiệt hại nặng, Quốc lộ 12 đi qua xã Mường Pồn cũng bị tê liệt...

Chia sẻ với đồng bào lũ lụt Điện Biên
Hội Phụ nữ hai phòng của Sư đoàn 363 và Câu lạc bộ Thiện nguyện trái tim xanh TP Hải Phòng trao quà tặng nhân dân xã Mường Pồn, huyện Điện Biên. 

Thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây, Hội Phụ nữ hai phòng của Sư đoàn 363 và Câu lạc bộ Thiện nguyện trái tim xanh TP Hải Phòng đã tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức và cá nhân có tấm lòng hảo tâm trong xã hội tham gia ủng hộ để tổ chức chương trình.

Vượt qua gần 600km, nhiều đoạn đèo dốc cao, đoàn đã đến thăm 3 bản (bản Mường Pồn 1, bản Lĩnh và Tin Tốc) của xã Mường Pồn. Tại các nơi đến thăm, đoàn đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe và chia sẻ với người dân về những thiệt hại do mưa lũ gây ra, động viên người dân cố gắng vượt qua những mất mát, đau thương, sớm ổn định cuộc sống; đồng thời trao gần 600 phần quà với tổng trị giá 400 triệu đồng tặng các gia đình bị thiệt hại.

Trong trận mưa lũ vừa qua, ngôi nhà của bà Lò Thị Phong, ở bản Mường Pồn 1 bị bùn đất từ trên núi sạt xuống làm gãy cột, sắp đổ. Trận lũ cũng đã cuốn đi toàn bộ kế sinh nhai của gia đình bà, gồm một đôi lợn nái và 15 con lợn con, một đàn ngan hơn 50 con. Thửa ruộng ngoài đồng cũng chất đầy đất đá... Sau khi nhận được quà từ đoàn thiện nguyện, bà Lò Thị Phong xúc động chia sẻ: "Mưa lũ khiến gia đình tôi bị thiệt hại hết. Bộ đội, các cô chú hỗ trợ tiền, mì ăn liền, thức ăn, gạo. Cảm ơn bộ đội và mọi người nhiều lắm...".

Thiếu tá QNCN Đỗ Thị Thu Hà, y sĩ-Chủ tịch Hội Phụ nữ hai phòng của Sư đoàn 363, cho biết: “Thấu hiểu và chia sẻ những khó khăn của người dân nơi đây, chúng tôi đã tích cực ủng hộ và kêu gọi các tấm lòng hảo tâm cùng tham gia. Tuy món quà không lớn nhưng đó là tình cảm, sự quan tâm, sẻ chia của cán bộ, hội viên. Thông qua đó, chúng tôi muốn chung tay cùng cộng đồng hỗ trợ, chia sẻ với những người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai”.

Ở đâu dân khó, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ

 

Nhằm giúp đỡ bà con trong Khu Kinh tế - Quốc phòng A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế thu hoạch lúa trước mùa mưa bão, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, Quân khu 4 huy động gần 500 ngày công của cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện xuống đồng giúp dân thu hoạch vụ lúa Hè Thu năm 2024, để lại tình cảm tốt đẹp trong lòng nhân dân.

Ở đâu dân khó, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ

Cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 giúp người dân thu hoạch lúa. 

Sáng sớm, trên cánh đồng lúa xã Đông Sơn, huyện A Lưới, hình ảnh bộ đội Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 cùng với bà con háo hức thu hoạch lúa giống như ngày hội. Những bông lúa vàng óng dưới nắng sớm trên cánh đồng giữa thung lũng A So như ánh lên sự vui mừng của người dân vì gặt hái đúng thời vụ. Những bông lúa ấy được cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 vác trên vai nặng trĩu từ ruộng lên bờ rồi về tận nhà dân.

Quên đi mệt mỏi dưới cái nắng gắt oi bức của những ngày đầu Thu, thi đua lập công chào mừng Ngày Quốc khánh 2-9, gạt từng giọt mồ hôi chảy dài trên má, chị Nguyễn Thị Thích, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 chia sẻ: “Nhìn bông lúa chín vàng, chúng tôi thêm phấn khởi bởi thành quả của bà con sau hơn 3 tháng trông chờ. Do vậy, chúng tôi tự giác giúp người dân thu hoạch lúa với tinh thần trách nhiệm cao nhất”.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Thị Hơn, xã Đông Sơn, huyện A Lưới, hồ hởi nói: “Lúa chín vàng, gia đình khá lo lắng bởi mùa mưa bão đến gần. Được bộ đội và các bạn trẻ giúp đỡ gia đình thu hoạch, chúng tôi rất vui mừng và cảm ơn nhiều lắm”.

Đến xã Lâm Đớt, địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất huyện A Lưới, đông đảo cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 nô nức giúp dân thu hoạch lúa. Dịp này đang vào chính vụ lúa Hè Thu, tuy nhiên diện tích trồng lúa của người dân địa phương chủ yếu ở khu vực đồi núi dốc nên việc thu hoạch gặp nhiều khó khăn, nhất là công cụ, nhân lực và máy móc hỗ trợ.  

Mặc dù tiết trời ở A Lưới khắc nghiệt, mưa nắng thất thường, ngày nắng nóng, chiều tối có mưa dông, với phương châm “lúa chín tới đâu, thu hoạch tới đó”, gần 40 cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 vượt nắng, thắng mưa hỗ trợ 10 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách thu hoạch và chở lúa về tận nhà.

Ở đâu dân khó, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ
 Bà con tiếp nước cảm ơn bộ đội.

Ông Hồ Thông, thôn A Đớt, xã Lâm Đớt, cho biết: “Gia đình có 3 sào lúa đã chín vàng, bản thân thì già yếu, tôi rất lo lắng vì không có nhân lực. Được cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 giúp đỡ gia đình thu hoạch và mang lúa về tận nhà, tôi rất vui mừng, thêm yêu quý Bộ đội Cụ Hồ”.

Theo Thượng tá Lê Văn Hòa, Đoàn trưởng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92, với phương châm “Ở đâu dân khó, ở đó có Bộ đội Cụ Hồ”, thời gian qua, đơn vị chủ động phối hợp với 4 xã trong Khu Kinh tế - Quốc phòng A So nắm tình hình địa bàn, gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về nhân lực để bố trí lực lượng giúp đỡ thu hoạch lúa. Mặc dù tiết trời khắc nghiệt nhưng bằng tình cảm và trách nhiệm, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 nêu cao tinh thần tự giác, tận tâm, tận tụy giúp đỡ đồng bào thu hoạch gần 30ha lúa. Qua đó, kịp thời động viên bà con tích cực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, tô thắm thêm tình cảm quân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn biên giới.

Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: "Gây khó" cho các đồng chí lãnh đạo

 

Vừa bước vào nhà, chị Lý đã ôm chầm lấy chồng, giọng thẽ thọt, thảo mai:

- Chồng ơi, em vừa họp chi hội phụ nữ thôn. Hôm nay có nhiều chị tha thiết bảo em về nhờ chồng nói với người bạn thân đang làm lãnh đạo tỉnh đầu tư cho làng mình cái nhà văn hóa. Làng mình bây giờ rất nhiều người thích hát hò, nhảy múa, biểu diễn văn nghệ đấy chồng ạ. Chồng hứa giúp dân làng đi!

- Ơ hay cái cô này! Bạn tôi làm lãnh đạo tỉnh chứ có phải tôi làm đâu mà hứa với hẹn. Với lại nhà văn hóa làng mình thế là đẹp lắm rồi, nhiều nơi còn kém xa...

Phòng, chống “diễn biến hòa bình”: "Gây khó" cho các đồng chí lãnh đạo

"Gây khó" cho các đồng chí lãnh đạo. Minh họa: Mai Minh 

- Nhưng chồng ơi, làng mình có lãnh đạo tỉnh mà nhà văn hóa bé hơn làng bên chỉ có lãnh đạo huyện, khiến bà con cứ xì xào, thắc mắc...

- Tôi biết dân làng nói chuyện này rồi. Nhưng bạn tôi làm gì có nhiều tiền để xây cái nhà văn hóa hàng chục tỷ đồng? Dùng tiền ngân sách thì đây không phải việc cần thiết, cấp bách. Khi cơ quan thanh tra, kiểm tra người ta chỉ ra vi phạm thì ai chịu trách nhiệm?

- Chồng em đúng là đảng viên nghiêm túc, không hiểu thực tế cuộc sống. Chỉ cần bạn thân của chồng gợi ý thì sẽ có khối công ty xây dựng tài trợ xây nhà văn hóa to đùng, đâu cần dùng tiền cá nhân hay ngân sách. Ông lãnh đạo huyện ở làng bên cũng làm thế mà...

- Cô mới là người suy nghĩ nông cạn nhé! Thế cô không nghe đài, báo đưa tin một số vị lãnh đạo lợi dụng chức quyền để nhờ vả doanh nghiệp, rồi cấu kết với doanh nghiệp làm những việc trái pháp luật, bị xử lý à? Thành ngữ có câu “Ông mất chân giò, bà thò chai rượu”. Lãnh đạo chính quyền nhờ doanh nghiệp làm việc riêng thì cũng phải tìm cách ưu tiên, tạo điều kiện cho họ làm ăn, dễ rơi vào vi phạm pháp luật, thậm chí phải vào tù ấy chứ!

Bạn tôi mà bị như thế thì cả làng có xấu hổ hơn bây giờ, khi chỉ vì cái nhà văn hóa bé hơn của làng bên không? Đó là chưa kể, nếu làng ông lãnh đạo tỉnh đập bỏ nhà văn hóa còn sử dụng tốt để xây nhà mới to đùng thì các thế lực thù địch, phản động sẽ lợi dụng để đả kích, nói xấu Đảng, Nhà nước ta; có khi chúng còn kích động bà con ở những vùng quê khác bức xúc, chống phá, là nguy cơ mất đoàn kết... Đây là điều hết sức nguy hiểm mà nhiều người không nghĩ đến. Dân làng không nên "gây khó" cho các đồng chí giữ cương vị lãnh đạo...

Càng nghe chồng phân tích, chị Lý càng thấy mình và nhiều bà con trong làng suy nghĩ thật đơn giản, nông cạn. Đúng là bài học cảnh giác, làm gì cũng phải suy tính trước sau không bao giờ thừa.

Phê phán nhận thức lệch lạc về bảo đảm chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang

 

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nghị quyết, chính sách liên quan đến cải cách tiền lương, trong đó có tiền lương của LLVT.

Đây là những quyết sách đúng đắn, phù hợp, góp phần xây dựng LLVT nhân dân theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, một số người đã có nhận định sai trái khi cho rằng, “cán bộ, chiến sĩ LLVT thời nay có phải chiến đấu, hy sinh đâu mà được bảo đảm tiền lương cao hơn các thành phần hưởng lương khác”. Đây là nhận thức lệch lạc cần phải phê phán.

Việc cải thiện tiền lương cho LLVT là phù hợp với ý Đảng, lòng dân

Tiền lương là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để bảo đảm cuộc sống cho các đối tượng được hưởng lương trong khu vực công nói chung, LLVT nói riêng, Đảng ta đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm đổi mới chính sách tiền lương, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, chiến sĩ LLVT ngày càng có mức thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Phê phán nhận thức lệch lạc về bảo đảm chính sách tiền lương cho lực lượng vũ trang
Ảnh minh họa: TTXVN 

Trên cơ sở quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”, Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Quân đội đề ra chủ trương: “Đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; đến năm 2030 một số quân chủng, binh chủng, lực lượng hiện đại, phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại”.

Đảng ta xác định, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu của cả hệ thống chính trị, trong đó LLVT giữ vai trò nòng cốt. Đây là cơ sở, tiền đề để bảo đảm đất nước có môi trường chính trị ổn định, hòa bình để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chiến lược bảo vệ Tổ quốc hiện nay, điều có ý nghĩa căn cốt là phải chăm lo xây dựng LLVT vững mạnh, có sức mạnh chiến đấu, sức mạnh tổng hợp ngang tầm với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hoạt động với cường độ áp lực cao, không kể thời gian, không gian, thời tiết, khí hậu, ở đâu gian nan, nguy hiểm nhất ở đó đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ LLVT phải có mặt kịp thời. Với tinh thần “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, cán bộ, chiến sĩ LLVT đã không ngại khó khăn, gian khổ, chấp nhận hy sinh về nhiều mặt để cống hiến, dấn thân, xông pha, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Tuy vậy, một bộ phận cán bộ, sĩ quan trong LLVT hiện nay, nhất là sĩ quan cấp úy công tác ở các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới gặp nhiều khó khăn về đời sống do tiền lương thấp, mức thu nhập có hạn. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm, nhu cầu chính đáng của cán bộ, sĩ quan và gia đình, hậu phương của họ. Trong khi đó, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến, nhiều ngành nghề có lợi thế trong xã hội với mức thu nhập tương đối khá so với mức thu nhập của sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp úy.

Nói như vậy không có nghĩa đánh đồng toàn bộ LLVT hiện nay phải đối diện với những khó khăn mà sinh ra nhụt chí, không hoàn thành nhiệm vụ. Dù khó khăn đến đâu, LLVT vẫn luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, là chỗ dựa vững chắc cho nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào, bất cứ nơi đâu. Chúng ta còn nhớ câu nói của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4 vào tháng 10-2020: “Việc thì gấp, vì nhiệm vụ, vì nhân dân chúng ta phải làm”; “Nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh”. Đó cũng là lần cuối cùng, vị tướng và 12 đồng đội được phục vụ nhân dân rồi hy sinh, vĩnh viễn nằm lại đất mẹ tại Rào Trăng (Thừa Thiên Huế).

Từ giữa năm 2021, đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp tại nước ta, nhất là các tỉnh phía Nam, khi sức khỏe và tính mạng của nhân dân bị đe dọa nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta kịp thời có mặt ở những vùng tâm dịch, với tinh thần: “Chống dịch như chống giặc”, “Giúp dân là mệnh lệnh trái tim”. Rất nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực được triển khai như: Bộ đội nhường nơi ở, tiếp tế lương thực, thực phẩm cho nhân dân, thực hiện nhiệm vụ hỏa táng, mang tro cốt những người không may bị tử vong do dịch Covid-19 về từng gia đình. Vào thời điểm đó, có những cán bộ, chiến sĩ phải làm nhiệm vụ chống dịch trong khi người thân mất cũng không thể về chịu tang. Điển hình như Trung tá QNCN Trương Minh Dũng công tác ở Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, do đang làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 nên anh không thể về chịu tang khi nghe tin cha mất. Anh đành ngậm ngùi gác lại việc riêng để cùng đồng đội làm tròn nhiệm vụ của một quân nhân.

Nhận thức lệch lạc về chính sách tiền lương cho LLVT là sai cả lý và tình

Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nước ta đã thoát ra khỏi tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, kinh tế tăng trưởng khá cao, quá trình phát triển, kinh tế luôn gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội thì việc bảo đảm thu nhập cho người dân nói chung và LLVT nói riêng là rất quan trọng.

Từ Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương, Chính phủ giao các cơ quan chức năng xây dựng phương án để trình Quốc hội khóa XV tại Kỳ họp thứ bảy. Ngày 29-6-2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của kỳ họp, trong đó thống nhất thực hiện các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội, trợ cấp người có công từ ngày 1-7-2024. Mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức và LLVT tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Việc cải cách tiền lương theo các nội dung xác định trong Nghị quyết số 27-NQ/TW sẽ được tiến hành theo lộ trình, bảo đảm chặt chẽ, khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Như vậy có thể thấy, việc tăng lương cho khu vực công, trong đó có LLVT là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn, qua đó khích lệ tinh thần cống hiến, sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Đối với LLVT, do tính chất lao động đặc biệt, sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước, bảo vệ tài sản Nhà nước, bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân nên bảng lương dành cho LLVT cần được nghiên cứu và có tính đặc thù là cần thiết.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ý kiến cho rằng: “Bộ đội, công an thời bình có hy sinh gì đâu mà mức lương đặc thù cao hơn công chức khác”. Đây là suy nghĩ chưa đúng và không thấy hết những cống hiến, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ LLVT. Đáng tiếc là một bộ phận người dân hùa theo luận điệu này và có những bình luận thiếu thiện chí trên mạng xã hội. Đó chính là một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Trên thực tế, dù gặp không ít khó khăn, vất vả trong cuộc sống, công việc và mức độ thu nhập, nhưng cán bộ, chiến sĩ LLVT vẫn một lòng tận trung với Đảng, với Tổ quốc, tận hiếu với dân, kiên trì bám trụ địa bàn, bám trụ đơn vị để sẵn sàng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao. Tự nguyện cống hiến, hy sinh vì bình yên của Tổ quốc, vì cuộc sống của nhân dân, tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ LLVT không hề so đo, tính toán thiệt hơn, mà luôn có “tâm trong, trí sáng”, vững vàng bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Do đó, mọi luận điệu xuyên tạc, lời lẽ bình luận ác ý, thiếu thiện chí về chính sách cải thiện tiền lương của LLVT hiện nay là sai cả về lý và tình.

Những người xuyên tạc, bình luận thiếu thiện chí về tiền lương của LLVT không biết có thấm thía lời ca “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”? Trong xã hội, nếu ai cũng muốn “việc nhẹ, lương cao” thì ai sẽ gánh vác nhiệm vụ bảo vệ non sông bờ cõi của tổ tiên, ông cha để lại? Trong khi đó, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh trật tự là công việc hệ trọng, nhiệm vụ nặng nề, tính chất gian khổ mà những người ngày đêm lặng thầm với sứ mệnh đó vẫn đang phải đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy, thậm chí lúc nào cũng sẵn sàng hy sinh cả tính mạng mình cho cộng đồng, Tổ quốc thì liệu họ có xứng đáng được hưởng những đồng lương tương xứng với những gì họ đang đánh đổi? Đây là câu hỏi mà bất cứ người nào có lương tri cũng nên trả lời một cách thấu đáo, thỏa đáng.

Như vậy, có thể khẳng định, cùng với bảo đảm chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công, việc đổi mới chế độ, chính sách tiền lương cho cán bộ, chiến sĩ LLVT là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp trong tình hình hiện nay. Việc làm này cũng không ngoài mục đích động viên, khuyến khích, tạo động lực tích cực cho cán bộ, chiến sĩ LLVT thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân.