Thứ Năm, 11 tháng 8, 2022

PHÂN LOẠI PHIM THEO ĐỘ TUỔI ĐỂ BẢO VỆ TRẺ EM


Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) năm 2022 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 quy định rõ việc phân loại độ tuổi và hiển thị mức phân loại phim cho các phim chiếu trên mọi hình thức phổ biến.
So với Luật cũ, Luật Ðiện ảnh mới đã bổ sung thêm loại K-phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ. Ðây là lần đầu tiên văn bản Luật của Việt Nam đề cập trực tiếp đến trách nhiệm của cha mẹ trong việc xem phim cùng con, hỗ trợ, giám sát và hướng dẫn con thưởng thức tác phẩm điện ảnh.
Trước khi Luật Ðiện ảnh (sửa đổi) 2022 ra đời, có thể thấy tình trạng phân loại phim ở Việt Nam còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ. Ðối tượng người xem là trẻ em chưa được bảo vệ trước các phim có nội dung người lớn, bạo lực, ma túy… Trên các kênh chiếu mạng, trẻ em có thể thoải mái tiếp cận các phim có nội dung không phù hợp lứa tuổi mà không hề có nhãn dán độ tuổi, cảnh báo nội dung.
Theo Luật mới, chúng ta có các mức xếp loại phim bao gồm: P- phổ biến với mọi lứa tuổi, T13- phổ biến đến người xem từ 13 tuổi trở lên, T16- phổ biến với người xem từ 16 tuổi trở lên, T18- phù hợp với người xem từ 18 tuổi trở lên, C- các phim không được phép phổ biến và K- phổ biến cho trẻ dưới 13 tuổi với điều kiện có cha mẹ hoặc người giám hộ xem cùng.
Mức độ K cho thấy một bước tiến mới trong phân loại phim, tương đương mức PG13 của quốc tế, cho phép trẻ em dưới 13 tuổi có thể xem những bộ phim hướng tới trẻ em nhưng có một số chi tiết không phù hợp cần có sự hướng dẫn, giải thích của cha mẹ hoặc người giám hộ. Sự cởi mở trong phân loại này tạo điều kiện cho khán giả nhỏ tuổi thưởng thức nhiều hơn các tác phẩm điện ảnh trong nước và quốc tế. Thí dụ gần đây có phim "Spider-Man: No Way Home" một bộ phim hấp dẫn khán giả trẻ, nếu được phân loại ở mức độ K thì các em nhỏ có thể được tới rạp thưởng thức cùng cha mẹ.
Tại các quốc gia phát triển, việc phân loại phim theo độ tuổi rất chặt chẽ, nhưng không phải vì thế mà hạn chế cơ hội xem phim của trẻ em. Các quy định về phổ biến phân loại phim, nếu lồng vào vai trò, trách nhiệm, sự giám sát của cha mẹ, tạo điều kiện để cha mẹ đồng hành cùng con thì chính là tăng cơ hội cho con được giải trí, học hỏi từ phim ảnh, tăng sự kết nối giữa các thành viên gia đình.
Với phân loại K trong Luật Ðiện ảnh mới, cha mẹ phải phát huy hết trách nhiệm, tìm hiểu thông tin và hướng dẫn con xem phim. Ðiều này không chỉ cần thiết trong lựa chọn các phim chiếu rạp, mà cả các phim phát trên truyền hình cũng như trên mạng.
Tại hội nghị-hội thảo: "Xây dựng thông tư quy định tiêu chí phân loại phim và hướng dẫn thực hiện cảnh báo và hiển thị mức phân loại phim đến người xem" do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức vừa qua, ý kiến của các đại biểu thống nhất, việc đưa ra các mức độ phân loại phim theo độ tuổi có một mục đích quan trọng là bảo vệ trẻ em. Phân loại để trẻ em có cơ sở chọn lọc xem phim phù hợp với độ tuổi của mình.
Theo các chuyên gia, khi thực hiện phân loại dán nhãn phim theo độ tuổi, ngoài phim chiếu rạp phải hết sức nghiêm túc với các dòng phim khác như phim chiếu truyền hình, phim chiếu trên mạng và các nền tảng số. Các phim truyền hình cần được dán nhãn ở góc màn hình để phụ huynh có thể quan tâm, can thiệp vào việc xem phim của trẻ nhỏ. Trên các nền tảng phải trả tiền hay trên các kênh chiếu mạng, việc dán nhãn phim theo độ tuổi càng không thể xem nhẹ, lơ là, vì trẻ em ngày nay hầu hết đều sử dụng điện thoại và có thể tiếp cận phim ảnh bất cứ thời điểm nào.
Nhưng dù cho quy định trong Luật có chặt chẽ ra sao, thông tư hướng dẫn cụ thể đến đâu, vẫn cần một cơ chế giám sát thuyết phục. Chúng ta phân loại, dán nhãn phim theo độ tuổi mục đích là bảo vệ trẻ em, nhưng với sự thuận tiện của các thiết bị điện tử, công nghệ hiện nay, không dễ để kiểm soát con em mình lựa chọn xem phim có phù hợp lứa tuổi hay không.
Một số ý kiến ghi tại hội nghị, hội thảo có thể xem là một giải pháp khả thi. Theo đó, với các phim chiếu trên truyền hình, việc dán nhãn cần phải ghi rõ cảnh báo như phim có chứa yếu tố bạo lực, ngôn ngữ không phù hợp trẻ em để cha mẹ có cơ sở nhắc nhở con cái thận trọng khi xem phim hay chuyển kênh khi cần thiết.
Riêng các phim chiếu trên các nền tảng số, đặc biệt là các nền tảng xuyên biên giới, dán nhãn vẫn chỉ mang tính cảnh báo là chính. Việc lựa chọn xem phim của trẻ vẫn cần nhiều đến vai trò của cha mẹ, người thân, can thiệp và giám sát để trẻ em tiếp cận những phim phù hợp lứa tuổi của mình.
ST
Có thể là hình ảnh về 2 người và mọi người đang đứng
Thích
Bình luận
Chia sẻ

BỘ QUỐC PHÒNG HỌP BAN SOẠN THẢO ĐỀ ÁN CHUYỂN ĐỔI SỐ


Sáng 11-8, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị Ban soạn thảo Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án). Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban soạn thảo chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí thành viên trong ban soạn thảo, tổ biên tập; đại biểu một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Được biết, để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng, ngày 12-7-2022, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 2521/QĐ-BQP vể việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là phiên họp đầu tiên của ban soạn thảo nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong chuyển đổi số của Bộ Quốc phòng thời gian qua, thảo luận, đóng góp các nội dung liên quan đến nhiệm vụ xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi số để sớm triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Tại hội nghị, đại diện Bộ tư lệnh 86 - Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã báo cáo tiến độ xây dựng và các nội dung cơ bản của dự thảo Đề án. Báo cáo cho thấy, thời gian qua, Bộ tư lệnh 86 và các thành viên Tổ biên tập đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án bảo đảm theo kế hoạch đề ra; tích cực triển khai khảo sát thực trạng, nhu cầu về chuyển đổi số trong toàn quân và xin ý kiến các cơ quan đầu ngành để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án. Sau khi nghe báo cáo dự thảo Đề án, các đại biểu dự hội nghị đã tham gia đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất các nội dung liên quan đến nội dung cơ bản của dự thảo; đề xuất bổ sung thành phần, trách nhiệm tham gia của các cơ quan, đơn vị vào quá trình xây dựng, triển khai thực hiện.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thượng tướng Lê Huy Vịnh biểu dương Bộ tư lệnh 86 và các cơ quan, đơn vị, thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập đã tích cực, chủ động, trong thời gian ngắn xây dựng dự thảo Đề án bảo đảm tốt tiến độ theo kế hoạch. Đồng chí Trưởng ban soạn thảo nhấn mạnh, chuyển đổi số là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là quá trình tất yếu khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội hiện nay.
Việc triển khai xây dựng Đề án là bước cụ thể hóa về thực hiện chủ trương chuyển đổi số mà Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh, góp phần trực tiếp nâng cao hiệu quả các mặt công tác trong Bộ Quốc phòng, nhất là hoạt động quản lý, chỉ huy, chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, việc sớm hoàn thiện, triển khai Đề án chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng sẽ góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa, giúp quân đội đủ sức hoàn thành nhiệm vụ được giao trong tình hình mới.
Với ý nghĩa đặc biệt như vậy, Thượng tướng Lê Huy Vịnh yêu cầu nội dung Đề án cần thể hiện được tầm nhìn và các mục tiêu của Bộ Quốc phòng trong chuyển đổi số một cách toàn diện, xác định được lộ trình cụ thể, thứ tự ưu tiên các nhiệm vụ, bảo đảm tính khả thi cao. Đồng thời, phải tập trung giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong toàn quân để thực hiện chuyển đổi số thành công. Trước mắt, cần ưu tiên các vấn đề về nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, chỉ huy và toàn thể cán bộ, nhân viên các cơ quan, đơn vị; tập trung phát triển hạ tầng số, xây dựng dữ liệu số và bảo đảm an toàn thông tin phục vụ quản lý, điều hành, cải cách hành chính…
Để Đề án bảo đảm chất lượng tốt, có tính khả thi cao, đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu Bộ tư lệnh 86 và tổ biên tập tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên ban soạn thảo, tiếp tục tổng hợp, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện dự thảo. Các thành viên ban soạn thảo theo các nội dung được phân công tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, xây dựng dự thảo Đề án với chất lượng cao nhất nhằm thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong Bộ Quốc phòng./.
Nguồn: Báo QĐND
Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và trong nhà
Thích
Bình luận
Chia sẻ

QUÂN ĐỘI TÍCH CỰC HỖ TRỢ, DI DỜI CÁC HỘ DÂN VÙNG NGẬP LỤT KHU VỰC BIÊN GIỚI EA SÚP ĐẾN NƠI AN TOÀN

 

Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, nước lũ tiếp tục dâng cao tại nhiều nơi, Đoàn Kinh tế quốc phòng 737 (Quân khu V) phối hợp với các Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn biên giới và lực lượng dân quân tại chỗ tổ chức đưa các hộ dân ở các xã biên giới của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk ra khỏi vùng ngập lụt, đến nơi an toàn.
Theo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, trong các ngày 7 đến chiều 10/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có mưa vừa đến mưa to, đặc biệt tại huyện biên giới Ea Súp liên tiếp có mưa to kéo dài.
Để bảo đảm an toàn hồ đập trên địa bàn, công trình hồ thủy lợi Ea Súp Thượng và Ea Súp Hạ đều xả tràn kết hợp với nước lũ đổ về làm một số khu vực trũng, thấp trên địa bàn xã Ia R’vê, xã Ia Lốp thuộc Khu Kinh tế-quốc phòng Ea Súp và các xã Ea Rốk, Ea Bung, Ya Tờ Mốt bị ngập lụt nặng.
Theo thống kê chưa đầy đủ của chính quyền các địa phương, đến nay đã có hơn 70 căn nhà và khoảng 1.000 ha cây trồng các loại trên địa bàn huyện Ea Súp bị ngập trong nước lũ. Nhiều tuyến đường giao thông như: Quốc lộ 14C, tuyến đường liên xã từ xã Ea Rốc, Ea Bung, Ea Bung đi xã Ia Lốp, Ia R’vê bị ngập nhiều đoạn, gây ách tắc giao thông…
Trước tình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp, nước lũ tiếp tục dâng cao, Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 đã phối hợp với các Đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn và lực lượng dân quân tại chỗ khẩn trương cơ động phương tiện và lực lượng tham gia di dời người và tài sản của 15 hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, đến nơi an toàn.
Cụ thể, trong các ngày 9 và 10/8, dưới những cơn mưa tầm tã kéo dài, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 phối hợp với các Đồn Biên phòng Ea H’leo, Ia R’vê cùng lực lượng dân quân tại chỗ của các xã Ia Lốp, xã Ia R’vê đã sử dụng các phương tiện thuyền, ca-nô vượt lũ dữ đến tận các khu dân cư thông báo, vận động, di dời các hộ dân và tài sản đang ở tại các địa điểm có khả năng bị ngập lụt đến nơi an toàn.
Tại các tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt, Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chốt chặn, không cho người dân qua lại, nguy hiểm đến tính mạng.
Tại vị trí thôn Chiềng, xã Ia Lốp bị ngập lụt, Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 đã phối hợp với Ban tự quản thôn Chiềng di dời tài sản của 2 hộ bị ngập về nơi an toàn.
Tại Làng Thanh niên lập nghiệp, xã Ia Lốp, Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 triển khai 1 xuồng máy, 1 xe tải, 1 xe chỉ huy và hàng chục lượt cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Ia Lốp, Đồn Biên phòng 735 di dời 15 hộ, với 37 nhân khẩu cùng tài sản của người dân đến nơi an toàn, bảo đảm an toàn về người và phương tiện.
Tại khu vực thôn 13, xã Ia R’vê bị ngập lụt, Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737 cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Ban tự quản thôn khẩn trương di dời tài sản của các hộ bị ngập đến nơi an toàn.
Theo lãnh đạo Đoàn Kinh tế-quốc phòng 737, hiện tại trên khu vực biên giới của huyện Ea Súp vẫn còn mưa lớn, tại các khu vực bị ngập lụt nước vẫn tiếp tục đang dâng cao uy hiếp nhà cửa của nhiều hộ dân và khu dân cư.
Vì vậy, đơn vị tiếp tục triển khai lực lượng phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền địa phương và các lực lượng hỗ trợ nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả của mưa lũ; theo dõi diễn biến thời tiết và các công trình hồ, đập trên địa bàn để chủ động ứng phó khi có tình huống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Trước tình hình lũ lụt có khả năng diễn biến phức tạp, nhất là tại huyện biên giới Ea Súp và địa bàn một số huyện thuộc vùng trũng khác, ngày 10/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk có Công văn về việc chủ động ứng phó với mưa lớn trên diện rộng xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các đơn vị, địa phương, chủ các hồ, đập, công trình thủy lợi trong toàn tỉnh chủ động lực lượng, phương tiện tại chỗ, ứng trực 24/24 giờ ở vùng có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở, các hồ, đập, công trình thủy lợi, thủy điện; chủ động ứng phó, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống, cứu nạn, cứu hộ, di dời người và tài sản của nhân dân ra khỏi vùng ngập lụt, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra ngập lụt, sạt lở đất và mất an toàn hồ đập.
Nguồn: Nhân dân
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước để tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh

 

Để phát huy những tác động tích cực, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của phát triển KTTT đối với quốc phòng, an ninh, kết hợp hài hòa và bảo đảm thực hiện thành công hai mục tiêu chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần có một hệ thống các quan điểm, giải pháp đồng bộ. Trong đó, giải pháp đặc biệt quan trọng là hoàn thiện công tác quản lý nhà nước.

Hoàn thiện công tác quản lý nhà nước đối với nền KTTT, đáp ứng yêu cầu kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, cần xuất phát từ quan điểm chủ đạo của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc được thể hiện trong Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị và được hoàn thiện qua các kỳ đại hội Đảng, nhất là Đại hội XIII của Đảng.

Đồng thời, cần quán triệt một số quan điểm sau:

Một là, Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Cương lĩnh, Điều lệ Đảng và các văn kiện đại hội Đảng nêu bật nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Đây là nguyên tắc cơ bản, quy định chức năng lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, từ việc xây dựng, hoạch định đ­ường lối, chủ trương chiến lược về quốc phòng, an ninh đến tổ chức thực hiện.

Hai là, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia có mối quan hệ biện chứng, tác động, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Đây là quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhất là trong bối cảnh, tình hình mới. Đảng ta tiếp tục khẳng định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Trong đó, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh để tạo môi trường, tiền đề vững chắc cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; ngược lại, mỗi thành quả của nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ tạo điều kiện vững chắc cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ba là, hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh phải đồng bộ, hiệu quả. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, pháp luật. Vì vậy, Nhà nước cần phải có một hệ thống pháp luật, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và pháp luật, chính sách về quốc phòng, an ninh đồng bộ; được tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Bốn là, thực hiện nhất quán chính sách quốc phòng, an ninh mang tính chất hòa bình, tự vệ. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, giải quyết mọi bất đồng và tranh chấp với các quốc gia khác bằng biện pháp hòa bình. Xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh dựa trên sức mạnh tổng hợp của cả nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh của lực lượng vũ trang và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân.

Trên cơ sở quán triệt quan điểm chủ đạo và các quan điểm nêu trên, trong thời gian tới, để tăng cường kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, hoàn thiện công tác quản lý nhà nước cần tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển nền kinh tế, ngành, địa phương gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh một cách phù hợp. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ trong tham mưu, hoạch định chính sách phát triển kinh tế làm nguy hại đến tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTT, bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh. Mọi chủ trương, đường lối của Đảng có liên quan đến kết hợp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đều phải được thể chế hoá thành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật một cách đồng bộ, thống nhất để quản lý và tổ chức thực hiện hiệu lực, hiệu quả trong cả nước. Cơ chế, chính sách bảo đảm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh cần được xây dựng theo quan điểm quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Việc phân bổ ngân sách đầu tư cho kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh theo hướng tập trung cho những mục tiêu chủ yếu, những công trình có tính lưỡng dụng cao đáp ứng cả cho phát triển kinh tế  - xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh, cả trước mắt và lâu dài. Xây dựng chính sách khuyến khích lợi ích vật chất và tinh thần đối với các tổ chức, cá nhân, các nhà đầu tư có các đề tài khoa học, các dự án công nghệ có ý nghĩa lưỡng dụng cao, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thứ ba, hoàn thiện chiến lược tổng thể kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong thời kỳ mới. Muốn kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong suốt quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước một cách cơ bản và thống nhất trên phạm vi cả nước và từng địa phương, phải tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể quốc gia, các quy hoạch và kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Đây cần được coi là một trong những căn cứ quan trọng hàng đầu để lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động quản lý nhà nước hiệu lực, hiệu quả. Trong hoàn thiện chiến lược tổng thể, quy hoạch, kế hoạch về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thời kỳ mới, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương từ khâu khảo sát, đánh giá các nguồn lực (cả bên trong và bên ngoài), trên cơ sở đó, xác định mục tiêu, phương hướng phát triển và đề ra các giải pháp chính sách, như: Chính sách khai thác các nguồn lực; chính sách đầu tư và phân bổ đầu tư; chính sách điều động nhân lực, bố trí dân cư; chính sách ưu đãi khoa học và công nghệ lưỡng dụng.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp trong kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh. Trước hết, mỗi ngành, mỗi cấp phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và Nghị định số 119/2004/NĐ-CP của Chính phủ; đồng thời, nghiên cứu xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định này cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới (sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ; sự xuất hiện của các vấn đề quốc phòng, an ninh phi truyền thống). Xây dựng và chỉ đạo thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ở ngành, địa phương, cơ sở. Đổi mới phương pháp quản lý, điều hành của chính quyền các cấp từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch đến công tác nắm tình hình, thu thập xử lý thông tin, định hướng hoạt động, tổ chức hướng dẫn và thanh tra, kiểm tra ở mọi khâu, mọi bước của quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội.

Thứ năm, đổi mới, nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh cho công chức, đặc biệt là công chức lãnh đạo quản lý các cấp. Căn cứ vào đối tượng bồi dưỡng, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra để chọn lựa nội dung, chương trình bồi dưỡng cho phù hợp và thiết thực nhằm nâng cao cả kiến thức, kinh nghiệm và năng lực thực tiễn sát với cương vị đảm nhiệm với từng loại đối tượng cán bộ. Kết hợp bồi dưỡng kiến thức lý luận với thực hành thông qua các cuộc diễn tập thực nghiệm, thực tế ở các bộ, ngành, địa phương, cơ sở để nâng cao hiểu biết và năng lực tổ chức thực hiện của đội ngũ cán bộ và của toàn dân, toàn quân về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.

Thứ sáu, củng cố, kiện toàn và phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh các cấp. Cần nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh nói chung và về kết hợp phát triển kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh nói riêng. Kết hợp giữa chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức với chăm lo bồi dưỡng, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cơ quan và cán bộ chuyên trách làm công tác tham mưu về thực hiện kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.

HAIVAN