Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2022

Sự tha hóa quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần phải cảnh tỉnh, phê phán

 


     Những năm gần đây, nhiều loại tội phạm mới phát sinh, diễn biến phức tạp, có tính chất, mức độ tinh vi, xảo quyệt hơn. Thông thường, những kẻ phạm tội có xu hướng tìm mọi cách móc nối, câu kết, mua chuộc quan chức, nhất là những người liên quan đến thực thi các nhiệm vụ nhạy cảm, như: Điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án... nhằm tìm kiếm sự đồng lõa, bao che, giấu giếm hành tung phạm tội.

          Một vụ việc bao che hành vi vi phạm pháp luật hình sự ngay giữa Thủ đô tưởng như bị “chìm xuồng” cách đây 6 năm, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng Trung ương, tháng 9-2021, ông Phùng Anh Lê, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hà Nội, cùng 3 cán bộ khác thuộc Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đã bị khởi tố về tội “tha trái pháp luật người bị bắt”.

          Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với tập thể Ban cán sự đảng Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Quảng Ninh (nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025) cùng 3 cán bộ lãnh đạo chủ chốt và 2 cán bộ thuộc quyền của TAND tỉnh này, do tự ý giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho phạm nhân Phan Sào Nam khi không đủ điều kiện. Liên quan vụ việc trên có 9 tập thể và 29 cá nhân bị xác định sai phạm, tiêu cực đến mức phải xử lý.

          Một vụ việc điển hình liên quan đến sự tác động, can thiệp trái pháp luật của một số tướng lĩnh, sĩ quan công an cao cấp nhằm giảm trách nhiệm, giảm án, chạy án cho đối tượng Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) kéo dài nhiều năm, trong đó có một cán bộ lãnh đạo ngành tình báo công an được đối tượng này “lót tay” tới 5 tỷ đồng.

Hàng loạt vụ việc cán bộ, đảng viên liên quan đến sai phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án bị phanh phui thời gian gần đây, gióng lên hồi chuông “báo động đỏ” về sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, công chức đảm nhiệm thực thi và bảo vệ pháp luật nhưng lại làm trái pháp luật, chà đạp lên công lý, gây bức xúc dư luận xã hội.

Muốn phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, công chức hoạt động trong lĩnh vực thực thi và bảo vệ pháp luật, việc cần kíp hiện nay là phải tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát, thi hành án; đồng thời sớm hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là thủ tục tố tụng tư pháp theo hướng bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch. Cùng với đó, cần chú trọng xây dựng cơ chế và duy trì thực chất hoạt động thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, tố giác hành vi tiêu cực trong hoạt động tư pháp, bảo đảm nguyên tắc bất cứ cán bộ, công chức nào nắm giữ và thực thi quyền lực bảo vệ pháp luật cũng phải chịu sự điều chỉnh, răn đe, trừng trị nếu vi phạm pháp luật.

Các cơ quan nội chính như công an, viện kiểm sát, tòa án, thi hành án được ví như “thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, “lá chắn” bảo vệ chế độ. Vì vậy, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã yêu cầu mỗi cán bộ, chiến sĩ, công chức trong các cơ quan nội chính phải thường xuyên tôi luyện, rèn giũa bản thân để “thanh bảo kiếm” luôn rắn rỏi và sắc bén, dám vung kiếm và vung kiếm đúng lúc, chém đúng đối tượng, không bị sứt mẻ; để “lá chắn” luôn vững vàng, chắc chắn, không viên đạn, mũi tên nào có thể xuyên thủng, nhất là những viên đạn, mũi tên “bọc đường”. Đó là cách bảo vệ tốt nhất, an toàn nhất cho mỗi người, mỗi tổ chức và ý nghĩa hơn, đó là bảo vệ tính uy nghiêm tối thượng của luật pháp và bảo vệ những chuẩn mực tốt đẹp của nền pháp chế XHCN./.

Xây dựng Quân đội hùng mạnh

 


     Với chức năng, nhiệm vụ của mình, quân đội là lực lượng không thể thay thế, không thể phủ nhận, là công cụ sắc bén, hữu hiệu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

          Trong khi đó, tính chất, yêu cầu nhiệm vụ BVTQ trong điều kiện mới ngày càng cao; tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, mau lẹ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động đến nhiệm vụ BVTQ.Các vấn đề xung đột, tranh chấp chủ quyền biển, đảo, biên giới diễn ra phức tạp.

          Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá cách mạng Việt Nam, kích hoạt sự “chuyển màu” về chế độ, cố tình hạ bệ vai trò của Đảng và QĐND Việt Nam... Trước tình hình đó, nếu Việt Nam không có một đội quân thực sự “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” thì liệu nhiệm vụ BVTQ có thể bảo đảm trong mọi tình huống, nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, làm nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước?

          Thực tế cho thấy, kể từ sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà, thì vẫn chưa có bất kỳ phút giây những người lính Cụ Hồ được ngơi nghỉ trong cuộc chiến giữ hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

          Trong mọi giai đoạn lịch sử, thời kỳ phát triển, quân đội luôn là lực lượng đi đầu và khẳng định những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng, nhất là trong suốt hành trình 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

          Vậy nên, với chức năng, nhiệm vụ được giao, QĐND Việt Nam-lực lượng nòng cốt BVTQ rất cần những đầu tư tương xứng để có đủ tiềm lực, thực lực và sức mạnh bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó.

          Bởi thế, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương luôn nhất quán quyết tâm xây dựng quân đội cách mạng, nhưng đồng thời phải tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Nghị quyết Trung ương các khóa XI, XII, XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX, X, XI đều xác định phải đẩy nhanh tiến độ, chất lượng từng bước tiến lên hiện đại, ưu tiên xây dựng một số lực lượng trong quân đội tiến thẳng lên hiện đại.

Đằng sau luận điệu đòi xoá bỏ một số điều luật trong Bộ luật Hình sự

 

Thời đại ngày nay, mọi quốc gia trên thế giới đều quản lý xã hội bằng pháp luật và các quốc gia hoàn thiện hệ thống pháp luật theo tình hình, đặc điểm, điều kiện cụ thể. Điều đó thể hiện sự tiến bộ, văn minh của loài người.

Thế nhưng, hiện một số người, nhất là số cơ hội chính trị có quan hệ với các tổ chức thù địch, đối tượng phản động lưu vong, chống phá Nhà nước từ bên ngoài đang tìm cách đi ngược lại sự văn minh, tiến bộ xã hội. Các đối tượng tìm kiếm sự can thiệp từ bên ngoài nhằm kêu gọi xóa bỏ một số điều luật với các mục đích chính trị xấu.

Chẳng hạn, các đối tượng kêu gọi xóa bỏ một số điều luật được quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017), bao gồm một số điều luật thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia như: Điều 109 "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân"; Điều 117 "Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam". Hay như Điều 331 "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thuộc Chương XXII về các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính...

Ổn định chính trị - xã hội là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước. Bài học từ một số quốc gia vùng Trung Đông, Bắc Phi, Nam Mỹ… cho thấy, khi xã hội bất ổn, rối ren, hậu quả khủng hoảng đến với người dân là không thể lường, sự bất ổn đó tác động trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ, làm đảo lộn đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Và một trong những nguyên do dẫn tới sự bất ổn đó là có bàn tay chống phá của các thế lực xấu, sự bào mòn các giá trị căn bản của luật pháp và xã hội. Do đó, bảo vệ sự ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật là yếu tố căn bản, góp phần tạo nên một xã hội công bằng, bền vững, loại trừ các nguy cơ can thiệp, chống phá, lật đổ chính quyền nhân dân, đó là mục tiêu tối thượng trong công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Việc đòi bỏ điều luật này, điều luật kia dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền chỉ là chiêu trò, thủ đoạn của các thế lực chống phá nhằm gây rối ren, bất ổn xã hội.

Luận điệu bôi nhọ công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta


Thời gian qua, với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất đã được Đảng, Nhà nước ta tiến hành một cách công khai, minh bạch, quyết liệt từ Trung ương đến cơ sở. Hàng loạt cán bộ cấp cao sai phạm thuộc diện Trung ương và địa phương quản lý đều đã bị xử lý về các hành vi tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất.

Với âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, trên diễn đàn mạng xã hội, một số cá nhân, tổ chức thiếu thiện chí đã lợi dụng công cuộc chống tham nhũng, tiêu cực, chống suy thoái, biến chất của Đảng, Nhà nước ta để xuyên tạc, bóp méo, cho đó là “cuộc đấu tranh thanh trừng nội bộ giữa các phe phái và các nhóm lợi ích”, vu cáo  Đảng, Nhà nước ta đang ở thế “lưỡng nan đối nghịch” với hàm ý chống tham nhũng nhưng ngại thay đổi thể chế chính trị! Lợi dụng một số vụ việc tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện trong thời gian gần đây, đặc biệt là liên quan đến vụ kit test Việt Á, các cá nhân, tổ chức thù địch đã lấy hiện tượng làm bản chất, quy chụp rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, thoái hóa, biến chất”. Họ vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền.

Điển hình như trên trang RFA (Đài Á châu tự do) ngày 24/6/2022 đã đăng bài viết “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: thay đổi thể chế”. Bài viết đánh lận vấn đề rằng, “Việt Nam từ nhiều năm qua ra quyết tâm chống tham nhũng nhưng vẫn có hàng trăm cán bộ cấp cao bị kỷ luật bằng nhiều hình thức do tham nhũng. Liệu có diệt được tham nhũng trong thể chế hiện hành hay không?”.

Vậy nên, những luận điệu cho rằng, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái của cán bộ trong Đảng, Nhà nước ta là phổ biến, là “căn bệnh kinh niên, nan y không thể chữa trị của chế độ độc đảng cầm quyền” hay đó là cuộc “đấu tranh, thanh trừng nội bộ giữa các phe phái”… là hoàn toàn sai trái.  Đó là những quan điểm cố tình bôi đen, xuyên tạc nhằm làm sai lệch bản chất, ý nghĩa công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta, cố tình lấy cớ để chống phá, can thiệp vào công việc nội.

“VACCINE MỚI” NGỪA TIÊU CỰC


Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vừa có hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Hướng dẫn này đã đưa ra 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống.
Trong đó có việc nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc. Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức. Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác... Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng…
Thực ra, những hành vi tiêu cực nói trên không có gì mới, nó đang diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Thế nhưng việc Ban Chỉ đạo “gom lại” trong một hướng dẫn đã trở thành liều “vaccine mới” hữu hiệu để phòng, chống tiêu cực.
Cách đây gần một năm, vào tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để Ban này có thể chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đông đảo nhân dân mong muốn thứ “vaccine mới” sẽ sớm được “tiêm phòng” cho cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cho người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.
Do đó, công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Người viết: Nguyen Le

Thứ Năm, 18 tháng 8, 2022

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với công an nhân dân

 

Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với công an nhân dân

Trân trọng giới thiệu bài viết của Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân và 17 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân

Thực tiễn phong phú và sinh động của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đã khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng có ý nghĩa quyết định thắng lợi công tác, chiến đấu của lực lượng công an nhân dân (CAND); xây dựng lực lượng CAND luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, gian khổ, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Ngay từ khi các tổ chức đầu tiên của CAND ra đời, các địa phương đều cử cấp ủy viên phụ trách, chỉ đạo trực tiếp công tác bảo đảm an ninh, trật tự giúp cho lực lượng công an luôn bám sát đường lối đấu tranh chống phản cách mạng của Đảng, củng cố, xây dựng lực lượng để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. 

Ngày 21/02/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23/SL thành lập Việt Nam Công an vụ trên cơ sở hợp nhất các Sở Cảnh sát và các Sở Liêm phóng, thống nhất tổ chức và nhiệm vụ của lực lượng công an trên toàn quốc, tạo điều kiện thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đối với mặt trận bảo vệ an ninh, trật tự. Sự thành lập Chi bộ đảng ở Nha Công an Việt Nam vào tháng 4/1946, đánh dấu một bước phát triển quan trọng về công tác xây dựng Đảng trong lực lượng CAND. Đến tháng 11/1946, các sở, ty công an đều đã có chi bộ hoặc tổ đảng. Đây chính là hạt nhân lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND đủ sức giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống "thù trong, giặc ngoài".

Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cùng với toàn Đảng và toàn dân, cán bộ, chiến sĩ CAND bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, gian khổ. Đặc biệt, học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy về "Tư cách người công an cách mệnh", CAND không ngừng đổi mới, phát triển về tổ chức và xây dựng lực lượng, hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác liên tục tấn công địch, phá tề, trừ gian, tham gia bảo vệ các chiến dịch quân sự trong chiến cuộc Đông-Xuân (1953-1954), đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, lực lượng CAND vừa ra sức xây dựng, phát triển lực lượng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ Đảng, giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa phát huy vai trò hậu phương lớn. Đồng thời huy động ở mức cao nhất vũ khí, phương tiện kỹ thuật chuyên ngành và chi viện hàng vạn cán bộ có kinh nghiệm công tác, chiến đấu cho lực lượng An ninh miền Nam. 

Ngay sau khi chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc, miền Nam hoàn toàn giải phóng, gần một vạn cán bộ, chiến sĩ công an được điều động khẩn trương tiếp nhận, phân loại tài liệu địch, truy tìm gián điệp cài lại, phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với bọn lưu manh, côn đồ và tội phạm hình sự khác, giữ vững và quản lý tốt an ninh, trật tự vùng mới giải phóng; chủ động đánh bại các cuộc tiến công quy mô lớn của các thế lực thù địch ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả.

Thực hiện chủ trương, đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng, lực lượng CAND ngày càng được củng cố, phát triển thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ và tiến lên hiện đại; tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có cơ sở vững chắc trong quần chúng, có trình độ nghiệp vụ ngày càng cao, thật sự là công cụ tin cậy, sắc bén của Đảng. Đặc biệt, ngày 30/8/1990, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư để lãnh đạo mọi mặt công tác của ngành công an, đồng thời giao cho các cấp ủy, tổ chức đảng trong CAND chức năng lãnh đạo mọi mặt công tác đối với các đơn vị thuộc quyền. Từ đây, Đảng thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt cả về tổ chức và hoạt động của lực lượng công an theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

Đây là bước phát triển mới về tư duy, đánh dấu sự thay đổi căn bản về cơ chế lãnh đạo của Đảng trong CAND. Thực hiện Quyết định số 110-QĐ/TW, Bộ Chính trị phân công đồng chí Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đồng chí Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tham gia Đảng ủy Công an Trung ương. Sau mỗi kỳ đại hội Đảng, từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (năm 1991), Bộ Chính trị phân công các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tham gia Đảng ủy Công an Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương; đồng thời chỉ đạo các tỉnh ủy, thành ủy, quận ủy, huyện ủy chỉ định (hoặc phân công) đồng chí phó bí thư thường trực, chủ tịch UBND tham gia hoặc phụ trách Đảng ủy Công an cùng cấp.

Phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia

Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Trung ương Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lực lượng CAND ngày càng được củng cố và xây dựng vững mạnh, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đổi mới sâu sắc, đồng bộ, toàn diện các mặt công tác công an, luôn gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước các chủ trương, chính sách, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đồng thời hiệp đồng chặt chẽ với quân đội nhân dân, các bộ, ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự. Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, đấu tranh, trấn áp làm giảm các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại của đất nước.

Sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND đang đứng trước nhiều cơ hội, thời cơ và những khó khăn, thách thức đan xen. Bên cạnh xu thế hoà bình, hợp tác, phát triển là chủ đạo; tình hình thế giới và khu vực tiếp tục tiềm ẩn nhiều yếu tố trực tiếp đe dọa an ninh, trật tự của đất nước, sự tồn vong của Đảng và chế độ, cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, gây mất ổn định, tác động đến an ninh, lợi ích của Việt Nam. Vì vậy, đảm bảo vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, bảo vệ nhân dân, cần tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc, luôn kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với CAND. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng về an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng gắn liền với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; lấy sự hài lòng, bình yên của nhân dân làm thước đo năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.

Thứ hai, tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối chủ trương của Đảng về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và xây dựng lực lượng CAND, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới"; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; khơi dậy khát vọng và phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống và danh dự của lực lượng CAND.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Sáu điều Bác Hồ dạy CAND. Đặc biệt coi trọng giáo dục truyền thống, chính trị, tư tưởng, bản lĩnh, lòng trung thành, ý thức tự giác, tự phê bình và phê bình, đề cao tinh thần trách nhiệm, trọng danh dự, uy tín, bản lĩnh, không vụ lợi cá nhân, luôn đề cao cảnh giác, giữ vững lập trường tư tưởng trước sự tác động, lôi kéo, mua chuộc của các thế lực thù địch, các loại tội phạm. Thực hiện thường xuyên, nghiêm túc quy định nêu gương theo tinh thần "trong trước, ngoài sau", "trên trước, dưới sau", "phát động đi đôi với hành động", "nói đi đôi với làm".

Thứ tư, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tổ chức tiếp nhận, lấy ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức và nhân dân về tư thế, lễ tiết, tác phong, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ công an. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, thủ trưởng công an các cấp với cấp ủy, chính quyền để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng CAND; nghiên cứu xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, chủ động phòng ngừa theo tinh thần "không thể, không muốn, không dám" vi phạm, nhất là đối với những địa bàn, lĩnh vực, vị trí công tác dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Thứ năm, tiếp tục đổi mới tư duy lý luận về xây dựng đảng trong CAND, trong đó tập trung nghiên cứu làm rõ vai trò, vị trí, đặc điểm, những yếu tố tác động và quan điểm, chủ trương, biện pháp xây dựng đảng trong CAND trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục hoàn thiện đồng bộ cơ chế, thể chế để đảm bảo "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, lực lượng CAND làm nòng cốt, nhân dân làm chủ" trên mặt trận đảm bảo an ninh, trật tự.

Thứ sáu, lực lượng CAND luôn chủ động, trách nhiệm cao trong tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, cấp ủy các cấp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách về đảm bảo an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng CAND. Tổ chức hiệu quả các mặt công tác bảo vệ Đảng, chủ động nhận diện, đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá, làm suy yếu vai trò lãnh đạo của Đảng. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng theo đúng tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ", kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, tiêu cực "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng và ngành xông an.

Nhìn lại chặng đường 77 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng CAND luôn tự hào về truyền thống cách mạng, vẻ vang, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn. Luôn tiên phong, gương mẫu đi đầu trước mọi thử thách, gian nguy, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, bởi vì "Đảng lựa chọn xông an trong những người trung thành nhất với Đảng, những người chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình"./.

 

Phòng, chống sự phai nhạt lý tưởng cách mạng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên

 Một cách chung nhất, có thể nói, lý tưởng là mục đích cao nhất, tốt đẹp nhất mà con người muốn hướng đến, muốn vươn tới và do vậy mà con người sẽ ra sức phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thậm chí hy sinh quên mình để quyết tâm đạt cho bằng được. Là cán bộ, đảng viên thì không thể không có lý tưởng cách mạng, vì đây là tiêu chí hàng đầu để khẳng định phẩm giá, tư cách chân chính của người cộng sản.

DẤU ẤN CỦA BÍ THƯ THÀNH ỦY HÀ NỘI NGUYỄN QUYẾT TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945

 

Vào thời điểm Cách mạng Tháng Tám năm 1945 diễn ra, đồng chí Nguyễn Quyết (sau này là Đại tướng Nguyễn Quyết) mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đã là Ủy viên Ban cán sự đảng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Ủy viên quân sự trong Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội, Ủy viên chính trị Ủy ban Quân sự Hà Nội, Chính trị viên Chi đội 2 Vệ Quốc quân.
Đồng chí Nguyễn Quyết tên thật là Nguyễn Tiến Văn, sinh ngày 20-8-1922 ở xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Năm 1937, ông mới 15 tuổi nhưng đã rời quê lên Hà Nội tìm việc làm, kiếm sống. Ông xin vào làm việc tại Báo Đuốc Tuệ-một tờ báo tuyên truyền đạo Phật của Trung tâm Phật giáo Bắc Kỳ. Công việc chính của ông là làm thư ký kiêm phát hành báo. Nhờ đó, ông có điều kiện tiếp xúc với nhiều người thuộc các giới và tầng lớp khác nhau, nhất là gần gũi công nhân, người lao động thành phố nên hiểu được nỗi khổ nhục của người dân mất nước cũng như tội ác của thực dân và tay sai.
Qua tiếp xúc với báo chí cách mạng, ông biết ngày càng đầy đủ hơn về lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đảng Lao động Việt Nam, Chủ nghĩa Mác-Lênin, nước Nga Xô viết và chủ nghĩa cộng sản. Ông được giác ngộ và tích cực tham gia các hoạt động cách mạng ở Hà Nội. Một trong những dấu ấn đặc sắc của đồng chí Nguyễn Quyết là dùng triết lý nhà Phật để tuyên truyền Chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ trương, đường lối của Đảng vào phong trào công nhân một cách dễ hiểu nhất. Từ hoạt động thực tiễn, ông sớm trở thành người cộng sản và bị bọn mật thám phát hiện, đưa vào “sổ đen” để theo dõi. Vì vậy, năm 1939, Đảng đã cử ông trở về Hưng Yên để tránh bị lộ và xây dựng phong trào cách mạng. Cùng với các đồng chí của mình, ông đã góp phần quan trọng vào việc gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở quê nhà: Huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên trong những năm 1939-1941. Trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, từ giữa năm 1941, ông được Xứ ủy Bắc Kỳ phân công về Hà Nội tiếp tục hoạt động với nhiệm vụ: Xây dựng căn cứ cách mạng ở ngoại thành Hà Nội và phụ trách công tác công vận (vận động công nhân). Đây là hai nhiệm vụ với hai đối tượng khác nhau, ở hai địa bàn khác nhau trong thời điểm địch ráo riết khủng bố, phong trào cách mạng ở Hà Nội chỉ còn một số cơ sở hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn, bản thân ông lại chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm công tác công hội nên phải cố gắng rất nhiều mới hoàn thành nhiệm vụ.
Lăn lộn trong phong trào, trực tiếp gắn bó với cơ sở, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với quần chúng, Nguyễn Quyết đã cùng các đồng chí của mình khôn khéo hoạt động, nhiều phen thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Khó khăn dần dần được khắc phục, các cơ sở cách mạng hoạt động trở lại; phong trào quần chúng ngày càng phát triển, ông đã tập hợp được nhiều quần chúng tốt, nhờ đó, nhiều chi bộ thuộc Ban Công vận của Thành ủy ra đời. Do gần gũi, giản dị và chân thành, ông được các cơ sở quần chúng trung kiên có cảm tình, hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng nên đã phát huy và vận dụng sáng tạo kinh nghiệm xây dựng chi bộ ghép Dưỡng Phú-Tiên Cầu ở Hưng Yên vào xây dựng cơ sở đảng ở các xã ngoại thành Hà Nội, cùng các đồng chí của Thành ủy Hà Nội góp phần quan trọng vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Sinh ra trong một gia đình nông dân, sống ở nông thôn nhưng bằng sự nỗ lực cá nhân, kiên trì học hỏi, kiên quyết khắc phục khó khăn để vươn lên, lại được sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của đồng chí, đồng đội và nhân dân, ông đã nhanh chóng hòa nhập vào cộng đồng, gắn bó với phong trào cách mạng, cùng các đồng chí trong Ban Công vận Thành ủy tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ anh chị em công nhân, nông dân, học sinh, sinh viên tổ chức được Tổ công nhân cứu quốc; bồi dưỡng và phát triển được nhiều đảng viên, khôi phục lại phong trào công nhân ở Hà Nội sau nhiều đợt khủng bố ác liệt của thực dân Pháp và tay sai.
Nguyễn Quyết đã chủ trì bồi dưỡng và kết nạp được gần hai mươi đảng viên lớp Hoàng Văn Thụ làm nòng cốt gây dựng phong trào cách mạng và phát triển Đảng trong công nhân và sinh viên ở Hà Nội, chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám. Dù rất bận công việc, ông vẫn dành thời gian nghiên cứu các tài liệu chính trị-quân sự, chuẩn bị khởi nghĩa và chiến thuật du kích, biện pháp đánh giặc. Với sự hiểu biết sâu rộng và năng lực chỉ huy quyết đoán, sáng tạo, Thành ủy Hà Nội đã phân công đồng chí Nguyễn Quyết phụ trách công tác quân sự. Đây là công tác quan trọng để chuẩn bị lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến.
Tháng 11-1944, Đảng và Bác Hồ chỉ định đồng chí Nguyễn Quyết làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo đi nhận công tác khác. Trở thành người đứng đầu ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, trực tiếp phụ trách công tác quân sự, ông đã cùng các đồng chí trong Thành ủy vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp tổ chức, xây dựng, huấn luyện và tìm nguồn vũ khí, trang bị quân sự cho các đội tự vệ vũ trang công-nông một cách khôn khéo ngay trước mũi quân thù. Đó là thời kỳ “một ngày bằng hai mươi năm” sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng đổi đời, giành chính quyền về tay nhân dân.
Các đơn vị vũ trang Hà Nội được hình thành trong những ngày tiền khởi nghĩa, đó là Đội Thanh niên tuyên truyền xung phong, Đội Công nhân tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu. Đây là hai đơn vị vũ trang tập trung đầu tiên của Hà Nội, tập hợp, hội tụ nhiều thanh niên là công nhân, học sinh có tinh thần cách mạng nhất. Bằng những hoạt động quyết liệt, thông minh, táo bạo “xuất quỷ nhập thần” ngay trong dinh lũy của phát xít Nhật và tay sai, các đội vũ trang công-nông đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của phong trào cách mạng ở Hà Nội, làm cho nó trở thành cao trào trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây cũng là điều tâm huyết, “sản phẩm tư duy sáng tạo, sắc sảo” của đồng chí Nguyễn Quyết và các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội.
Ngày 9-5-1945, Liên Xô tuyên chiến với phát xít Nhật và mở mặt trận phía Đông, giao tranh với quân đội của Nhật Hoàng. Trước tình thế ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tiên đoán chủ nghĩa phát xít nhất định sẽ bị tiêu diệt; phát xít Nhật sẽ nhanh chóng bị thất bại trước sự tiến công như vũ bão của quân đội Xô viết và các nước đồng minh. Đây là thời cơ để nhân dân ta giành lại độc lập. Nắm chắc sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ và hào hứng thực hiện “Thư kêu gọi khởi nghĩa” của Bác Hồ, ngày 15-8-1945, tại chùa Hà (Dịch Vọng), Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị quân sự bất thường với chỉ huy các đội tự vệ để kiểm tra và thống nhất lực lượng, phân công chuẩn bị khởi nghĩa. Sau nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi về thời cơ, phương thức, lực lượng khởi nghĩa, hội nghị quyết định phải tổ chức một đợt hoạt động nhanh nhưng thật mạnh mẽ để tập hợp lực lượng, thu hút đông đảo quần chúng tham gia và thăm dò thái độ của quân phát xít Nhật.
Nhận thấy thái độ của Nhật “án binh bất động”, cố thủ trong doanh trại, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết đã triệu tập hội nghị ngay trong đêm 17-8-1945 để đề ra một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945, đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Lực lượng chủ yếu là quần chúng cách mạng, có lực lượng quân sự làm nòng cốt, hỗ trợ đắc lực. Hà Nội khởi nghĩa bằng lực lượng tại chỗ. Không chờ quân Giải phóng từ Chiến khu Việt Bắc về. Chờ sẽ mất thời cơ. Đây là một quyết định đúng đắn, đầy tự tin, chủ động, sáng tạo và cũng rất độc đáo với một phương thức rất phù hợp, sát với tình hình thực tế của Hà Nội nhưng cũng rất táo bạo, quyết đoán vì nó xảy ra ở một vị trí chiến lược trong khi chưa nhận được lệnh của Trung ương. Thành ủy Hà Nội đã không thụ động chờ đợi, không ỷ lại, mà quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng trong tình thế cấp bách ở một thời cơ có một không hai trong lịch sử.
Sau này nhớ lại, Đại tướng Nguyễn Quyết cho rằng, đó là một quyết định táo bạo chỉ trong vài giờ nhưng đã được chuẩn bị nhiều năm, được cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng vì nếu không giành được thắng lợi thì người đứng đầu phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Với 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng nhưng đồng chí đã dày dạn kinh nghiệm lãnh đạo phong trào cách mạng nên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết tin đó là một quyết định sáng suốt, rất kịp thời của ông và của cả một tập thể lãnh đạo. Đó là những đồng chí đã gắn bó, sống chết với Thủ đô nhiều năm, những người nắm rõ tình hình địch, ta và diễn biến của tình hình qua từng ngày, đã phân tích thấu đáo tình hình cụ thể nên các quyết định đều chính xác, chứ không phải là một quyết định nóng vội, chủ quan, duy ý chí. Điều đó thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, sự khát khao được giải phóng dẫn dắt, chi phối. Hơn nữa, nếu để tuột thời cơ nghìn năm có một đó, để nó trôi qua rồi mới tiến hành khởi nghĩa, hay cứ kiên quyết đánh Nhật thì chưa biết hậu quả sẽ như thế nào khi quân đồng minh đến Hà Nội.
Dấu ấn của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết thể hiện sâu sắc ở quyết định này. Hà Nội đã khởi nghĩa theo đúng kế hoạch vào ngày 19-8-1945 và giành thắng lợi trọn vẹn, không đổ máu, trở thành niềm tin, sức mạnh, sự cổ vũ lớn lao đối với các địa phương chưa khởi nghĩa trong toàn quốc, nhất là các thành phố lớn: Huế, Sài Gòn.
Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi mau lẹ đã chứng minh quyết định của tập thể lãnh đạo Thành ủy về phân tích, đánh giá tình hình, chọn thời cơ, sử dụng lực lượng, phương thức tiến hành khởi nghĩa là hoàn toàn chính xác. Đây là một quyết định sáng suốt và nó đã trở thành một hình mẫu tiêu biểu về khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Hà Nội trong khởi nghĩa giành chính quyền đã góp phần quan trọng trong đúc kết, khái quát nên bài học kinh nghiệm sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn, nhất là về phân hóa kẻ thù, nắm bắt và tận dụng thời cơ, kịp thời ra quyết định khởi nghĩa. Vì vậy, nó thể hiện rõ thái độ ứng xử văn hóa vô cùng tinh tế, đầy tính nhân văn của Đảng, của đất nước, con người Việt Nam đối với kẻ thù; nhờ đó đã hạn chế tối đa sự chống trả của chúng, tiết kiệm xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, giữ được thành phố yên lành.
Ai đó cho rằng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi là may mắn, đó là một suy nghĩ sai lầm. Hà Nội khởi nghĩa giành thắng lợi là minh chứng giải thích rõ tại sao đồng chí Nguyễn Quyết mới 23 tuổi đời, 5 năm tuổi Đảng đã được Đảng, Bác Hồ tin tưởng giao trọng trách Bí thư Thành ủy Hà Nội-một thành phố lớn; sau đó đồng chí Nguyễn Quyết được Đảng, Bác Hồ cử “Nam tiến”, làm Chủ nhiệm Chính trị Liên khu 5, Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, Ủy viên Ban Bí thư khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa IV, VII, VIII.
Đại tướng Nguyễn Quyết hội tụ đầy đủ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người cộng sản kiên trung; là vị tướng tài năng, đức độ và mưu lược, giỏi về quân sự, vững vàng, sắc sảo, nhạy bén về chính trị; là tấm gương sáng về vượt khó vươn lên, một lòng vì nước, vì dân. Ông trở thành một vị tướng quân đội, một nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước có đầy đủ Trí-Dũng-Nhân-Tín-Liêm-Trung cho các thế hệ cách mạng hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
ST
4

CÁCH MẠNG THÁNG 8 – GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ VIỆC ĐẤU TRANH CHỐNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH


Một trong những chiến công chói lọi nhất của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, đó là cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã phá tan sự thống trị của thực dân gần một trăm năm và lật đổ chế độ phong kiến đè nặng lên Nhân dân ta, mở ra bước ngoặt vĩ đại của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám là không thể phủ nhận. Thế nhưng bằng cái nhìn chủ quan, phiến diện, với thái độ thiếu thiện chí, trên một vài trang mạng vẫn xuất hiện những luận điệu bóp méo, xuyên tạc sự thật về cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân ta. Cứ mỗi dịp chúng ta kỷ niệm sự kiện trọng đại này là những kẻ hồ đồ lại "lải nhải" giọng điệu cũ mèm, rằng nhờ “một sự ăn may” mà Cách mạng Tháng Tám mới thành công chứ Đảng Cộng sản Việt Nam “chẳng tài cán gì”... Chúng lập luận rằng, vào đầu năm 1945, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp. Kể từ sau cuộc đảo chính ngày 9/3/1945, Nhật đã hất cẳng Pháp. Và khi phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện thì ở Việt Nam xuất hiện “khoảng trống quyền lực”. Và khi xuất hiện “khoảng trống quyền lực” thì không chỉ với Việt Nam mà ở mọi quốc gia trên thế giới, cách mạng cứ nổ ra là giành thắng lợi…
Đây là một trong những thủ đoạn thâm độc trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch đang ra sức đẩy mạnh nhằm chống phá Cách mạng Việt Nam, làm cho nhân dân mất lòng tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng.
Lật tẩy âm mưu, làm rõ bản chất của các luận điệu ấy là việc làm quan trọng, cấp thiết để tiếp tục khẳng định tinh thần bất diệt, sự trường tồn của Cách mạng Tháng Tám trong dòng chảy lịch sử dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta phải sống trong sự cơ cực, lầm than, dưới ách bóc lột của thực dân, phong kiến mà đỉnh điểm là hơn 2 triệu người bị chết đói năm 1945.
Trước năm 1930, các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp liên tục nổ ra, nhưng kết quả cuối cùng đều không thành công và bị thực dân Pháp dìm trong biển máu, mà nguyên nhân chủ yếu là không có đường lối đấu tranh rõ ràng.
Chỉ từ khi có sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, phong trào cách mạng của Việt Nam mới tìm được hướng đi đúng đắn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh, với những tổn thất to lớn khi bị Thực dân Pháp thẳng tay đàn áp đẫm máu. Vượt lên những tổn thất ấy, Đảng ta đã xây dựng và phát triển cả lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang quần chúng, từ đó phát triển thành lực lượng vũ trang cách mạng. Đảng cũng đã tìm ra phương châm chiến lược đúng đắn để lãnh đạo cách mạng, đó là: Kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Thực tế lịch sử đã chứng minh, diễn biến tình hình cả trước và trong Cách mạng Tháng Tám đều đã được Đảng ta dự báo và chủ động có các chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp.
Vậy thử hỏi nếu không có tầm nhìn và tư duy chiến lược sắc bén, nếu không có sự chỉ đạo chiến lược tài tình của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Cách mạng Tháng Tám có nổ ra đúng thời cơ và giành thắng lợi? Nếu không nghiêm túc rút ra những bài học kinh nghiệm từ các phong trào cách mạng trước đó, không có sự chuẩn bị về tổ chức và lực lượng thì khi thời cơ đến, Việt Nam liệu có thể chớp thời cơ để tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi được không? Ai và lực lượng nào sẽ lãnh đạo để chớp thời cơ đó? Chắc chắn là không có và không thể!
Có thể khẳng định Cách mạng Tháng Tám thành công là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Ngoài yếu tố khách quan là bối cảnh thế giới có những chuyển biến mau lẹ, thuận lợi, thì yếu tố chủ quan vẫn là cơ bản, quyết định. Đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Thành công của Cách mạng Tháng Tám hoàn toàn không phải là "một sự ăn may", mà là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam và toàn thể dân tộc Việt Nam xứng đáng được hưởng thành quả trọng đại đó.
Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại, sức sống mãnh liệt của Cách mạng Tháng Tám càng lan tỏa. Trách nhiệm của những người Việt Nam yêu nước chân chính trước hết là hiểu đúng, nhận thức rõ về ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Tám. Mặt khác, mỗi người, mỗi tập thể phải biết phát huy truyền thống, tinh thần, bài học kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, phải luôn tỉnh táo, đề cao cảnh giác, nhận rõ những âm mưu và hành động thâm hiểm của các thế lực thù địch, phản động để kiên quyết vạch trần, đấu tranh phản bác./.
ST
Có thể là hình ảnh về đang đứng và văn bản cho biết 'CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945 Mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước'
1