Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) vừa có hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị. Hướng dẫn này đã đưa ra 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống.
Trong đó có việc nói, viết, thực hiện không đúng hoặc không thực hiện, thực hiện không đầy đủ chủ trương, đường lối, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Không chấp hành hoặc chấp hành không đầy đủ các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; đoàn kết xuôi chiều, nể nang, né tránh, ngại va chạm, im lặng, không đấu tranh hoặc phụ họa theo ý kiến, quan điểm sai trái, lệch lạc. Bao che, giấu giếm vi phạm, khuyết điểm của bản thân, của người khác hoặc của tổ chức. Thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, mất dân chủ, dân chủ hình thức, không tôn trọng ý kiến của tập thể; không chấp hành sự phân công của tổ chức, kén chọn chức danh, vị trí công tác... Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nêu gương theo quy định của Đảng…
Thực ra, những hành vi tiêu cực nói trên không có gì mới, nó đang diễn ra ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị. Thế nhưng việc Ban Chỉ đạo “gom lại” trong một hướng dẫn đã trở thành liều “vaccine mới” hữu hiệu để phòng, chống tiêu cực.
Cách đây gần một năm, vào tháng 9/2021, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để Ban này có thể chỉ đạo phòng, chống cả tham nhũng và tiêu cực. Ban Chỉ đạo trực tiếp chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng hoặc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; các vụ án, vụ việc và hành vi tiêu cực khác ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Theo đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tham nhũng và suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đều là những biểu hiện tiêu cực. Tham nhũng nói riêng và tiêu cực nói chung đều làm mất đi sự trong sạch của bộ máy Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, phẩm chất đạo đức, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.
Đông đảo nhân dân mong muốn thứ “vaccine mới” sẽ sớm được “tiêm phòng” cho cán bộ, công chức, đảng viên, nhất là cho người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp.
Do đó, công tác phòng chống tham nhũng phải gắn liền, đồng bộ với công tác phòng, chống tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống
Người viết: Nguyen Le
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét