Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Gìn giữ, phát huy vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng

Đại đoàn kết toàn dân tộc là cơ sở, nền tảng quan trọng trong phát huy toàn diện sức mạnh trí tuệ, sự sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, là động lực lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống đại đoàn kết vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ lớn lao và vinh quang của toàn thể cán bộ, nhân dân, của toàn hệ thống chính trị.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng tham gia điệu xoè với đồng bào các dân tộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc_Ảnh: TTXVN

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

“Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta, là cội nguồn sức mạnh để dân tộc ta mãi mãi trường tồn và phát triển, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là đường lối chiến lược, có ý nghĩa sống còn của cách mạng Việt Nam”. Hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã khẳng định, khi đất nước đứng trước tình thế, hoàn cảnh gian lao, thử thách mang tính bước ngoặt, “nếu biết khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, thì con thuyền cách mạng Việt Nam sẽ vượt qua mọi thác ghềnh, phong ba bão táp, để cập bến bờ vinh quang”. Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc là chủ trương xuyên suốt, thống nhất của Đảng ta, được thể hiện trực tiếp trong nội dung nhiều văn kiện, nghị quyết, quyết định, chỉ thị qua các thời kỳ cách mạng. Đến nay, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố vững chắc, tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Trong giai đoạn mới, Đảng ta xác định: “Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Nhìn chung, việc phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc được biểu hiện trực tiếp ở việc nâng cao vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cụ thể:

Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Theo đó, yếu tố “quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc là tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Thời gian qua, tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị được đổi mới, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chú trọng hoàn thiện mô hình tổ chức của hệ thống chính trị, khắc phục sự chồng chéo, bất hợp lý nhằm hoàn thiện thể chế, bảo đảm đồng bộ, liên thông giữa quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tổ chức bộ máy; phương thức lãnh đạo, năng lực dự báo, tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương được đổi mới.

Mặt khác, Đảng tiến hành kiểm tra đối với các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước và các tổ chức chủ yếu khác trong hệ thống chính trị; phát hiện, xử lý kịp thời tình trạng tham ô, tham nhũng, thoái hóa, biến chất, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; bảo đảm làm trong sạch Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững niềm tin trong nhân dân. Nâng cao chất lượng, hiệu quả, hình thành nền nếp trong triển khai các quy định về tổ chức và hoạt động của Đảng, như Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.

 Hai là, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước”; đồng thời, nhấn mạnh mọi chính sách phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và “lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”. Mặt khác, Nhà nước phải không ngừng “cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” và luôn vì mục tiêu “phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn.

Thời gian qua, bộ máy nhà nước được xây dựng theo hướng ngày càng tinh gọn, trong sạch, vững mạnh. Mặt khác, cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 tập trung vào sáu nội dung cơ bản, đó là: cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Đến nay, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được chú trọng, từng bước vận hành hiệu quả các trung tâm hành chính công nhằm đáp ứng yêu cầu của công dân và xã hội; đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính,... từ đó, không ngừng củng cố lòng tin trong nhân dân. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế phân cấp, bảo đảm thống nhất, thông suốt trong lãnh đạo, quản lý, điều hành cũng như phân định rõ quyền hạn và trách nhiệm trong quản lý kinh tế - xã hội từ Trung ương đến địa phương; phát huy tính chủ động, tích cực, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, bảo đảm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp. 

 Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa phương thức vận động quần chúng, coi trọng các phong trào thực tiễn, hạn chế việc ra nhiều nghị quyết, chỉ thị, chỉ đạo điều hành chung chung; phương thức vận động các giai tầng trong xã hội, đặc biệt là đối với đồng bào theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài được đổi mới; chủ động nghiên cứu, xây dựng, đề xuất chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài để thu hút, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Hiện nay, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của người dân được đẩy mạnh; đồng thời, chú trọng kết hợp chặt chẽ và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với thanh tra, kiểm toán nhà nước, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tăng cường sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, tránh chồng chéo, trùng lặp, lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Mặt khác, cơ chế hoạt động, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từng bước được hoàn thiện; có sự hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên để phát động, triển khai sâu rộng và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, vận động từng tổ chức, tầng lớp nhân dân chăm lo, bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, hội viên, tạo nên sự lan tỏa và tạo dựng niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa trên tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên_Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Về phát huy vai trò nòng cốt, quyết định của quần chúng nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thực tiễn cho thấy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, xác định mục tiêu hạnh phúc, ấm no của nhân dân là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa trên quan điểm xây dựng “các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”. Thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung, giải pháp nhằm nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cụ thể:

Một là, xác định rõ hơn vị trí, vai trò, bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay (giai cấp sản xuất của cải vật chất cơ bản cho xã hội, nơi tập hợp trí tuệ, ý chí giải phóng toàn thể dân tộc, đất nước mỗi khi bị áp bức; giai cấp tiên tiến, đi đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc). Mặt khác, phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay. Đặc biệt, không ngừng nỗ lực xây dựng chính sách nhằm giải quyết tốt lợi ích của nhân dân trong nhiều vấn đề, như thu hồi đất sản xuất, đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, giải quyết lao động; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông thôn sinh thái, đô thị hiện đại,...

Hai là, phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ trí thức; tập trung đầu tư giáo dục để hình thành đội ngũ trí thức đủ tâm, đủ tầm, có bản lĩnh,... góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy phát triển và quản trị quốc gia. Cần ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định mới về chế độ, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhằm thu hút, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới; đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, phục vụ đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò tư vấn, phản biện, tham mưu chủ trương, chính sách của đội ngũ trí thức.

Ba là, chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam theo tinh thần xây dựng “đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”. Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn để doanh nhân phát triển.

Bốn là, tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; tạo mọi điều kiện để mỗi cá nhân phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ,... Chăm lo xây dựng, bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Bên cạnh đó, coi trọng, ghi nhớ công lao, đóng góp của các thế hệ cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người cao tuổi trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò của cựu chiến binh trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp, góp phần xây dựng, phát triển đất nước(14). Mặt khác, tích cực tiếp thu, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập,... của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.

Năm là, bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa các dân tộc, kiên định mục tiêu đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quan tâm tới tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; phòng, chống tư tưởng kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Sáu là, khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam góp phần để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm xác lập địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại cho người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc; động viên đồng bào hướng về đất nước. Đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước(15).

Những giải pháp, nhiệm vụ để phát huy hơn nữa vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm xây dựng đất nước ngày càng giàu, mạnh, văn minh

Thứ nhất, chủ động, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quán triệt sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động của cơ quan, tổ chức, đơn vị (nhất là cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp, người đứng đầu, đảng viên, cán bộ, công chức,...). Nâng cao hiệu quả và tiếp tục đổi mới, chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác dân vận (về con người, nguồn lực, phương tiện,...) để sẵn sàng “đi trước một bước”, làm cho nhân dân hiểu, nhân dân tin, nhân dân ủng hộ theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để ý Đảng luôn hợp lòng dân.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an sinh, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Đa dạng hóa các hình thức vận động quần chúng, tổ chức thực hiện sâu rộng, hiệu quả phong trào thi đua “dân vận khéo”; nhân rộng những mô hình dân vận điển hình, hiệu quả nhằm lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong toàn xã hội. Giải quyết kịp thời, đúng pháp luật ngay tại cơ sở kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, nhất là những vấn đề bức xúc xã hội nổi cộm, các vụ việc phức tạp kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tăng cường đối thoại, giải quyết thực chất, dứt điểm các vụ việc phức tạp; đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”.

Thứ hai, phát huy tiềm năng, sức mạnh của nhân tố con người, khơi dậy khát vọng, tinh thần và ý chí phát triển, lòng yêu nước, niềm tự hào, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận toàn dân tộc. Chú trọng phát huy giá trị văn hóa, tính tích cực chính trị, năng lực lao động, cống hiến, đổi mới sáng tạo của con người Việt Nam; nâng cao ý chí tự lực, tự cường trong mỗi người dân trước vận mệnh và tương lai của đất nước. Coi trọng việc phát huy động lực, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên cho các lĩnh vực then chốt; tập trung nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; xây dựng chính sách mới có tính đột phá hơn để thu hút, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ người tài....

Thứ ba, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trên tất cả lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế - xã hội đến chính trị, văn hóa,...; xây dựng hình thức thích hợp để nhân dân tham gia ý kiến; tổ chức chu đáo, thiết thực việc lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, bảo đảm để nhân dân được thẳng thắn bày tỏ ý kiến đóng góp; khuyến khích trao đổi, tranh luận với tinh thần xây dựng về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Giải quyết tốt nhiệm vụ kiểm soát trong thực hiện cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”... Đồng thời, cần khắc phục mọi biểu hiện “vi phạm dân chủ”, “coi nhẹ dân chủ” hoặc “dân chủ hình thức”; phát huy dân chủ, đề cao pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong toàn xã hội; tăng cường giám sát, tổng kết thực hiện nghị quyết, chỉ thị.

Thứ tư, giải quyết hài hòa, thống nhất về lợi ích cơ bản, chủ yếu giữa các giai cấp, tầng lớp, giữa các vùng, miền, giữa các dân tộc, tôn giáo nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong toàn xã hội. Lợi ích đó phải được thể hiện qua mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chú trọng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Theo đó, trong mọi quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước phải lấy lợi ích của nhân dân làm cơ sở, cần đem “tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân” và phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Thứ năm, đấu tranh chống các âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị dùng mọi thủ đoạn thâm độc hòng thực hiện âm mưu “chia để trị”; chúng tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài tinh vi, thâm độc hòng phá hoại đất nước ta từ bên trong. Đặc biệt, các thế lực thù địch, phản động thường xuyên kích động nhân dân, thổi phồng, khuếch đại các vấn đề “nhạy cảm” trong xã hội; lợi dụng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, những yếu kém trong quản lý của các cấp chính quyền ở một số nơi; thực hiện những chiêu trò đánh lạc hướng dư luận,... hòng khiến người dân từ nghi ngờ, dẫn đến mất lòng tin vào Đảng, chế độ, làm suy giảm tinh thần cách mạng của nhân dân. Do đó, cần đặc biệt chú trọng, nâng cao tinh thần cảnh giác, trách nhiệm công dân, sự đồng thuận xã hội, ý thức, trách nhiệm cộng đồng, tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; chống mọi biểu hiện tư tưởng hẹp hòi, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân,... để không ngừng củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.

ST.

GIỮ VỮNG QUAN ĐIỂM KHÁCH QUAN, TOÀN DIỆN, LỊCH SỬ, CỤ THỂ VÀ PHÁT TRIỂN TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY!

         Mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 90 năm qua đều bắt nguồn từ việc Đảng ta luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng!
Đó là sự kiên định và sáng tạo trên cơ sở tính khoa học, tính cách mạng, tính nhân văn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và thời đại. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước ta luôn vận dụng nhuần nhuyễn, sáng tạo quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong thực tiễn, góp phần xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước như ngày nay.

Một công cụ sắc bén để phân tích các vấn đề xã hội
Quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển là một công cụ sắc bén để phân tích các vấn đề xã hội và tìm ra những giải pháp thích hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó cũng là công cụ nhận thức quan trọng để Đảng ta kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.

Quan điểm khách quan yêu cầu trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải phản ánh trung thực sự vật, hiện tượng với tất cả bản chất, những mối quan hệ vốn có của nó; nắm vững và tôn trọng những quy luật khách quan của hiện thực; đồng thời, không rơi vào chủ quan duy ý chí; không được lấy ý chí chủ quan, ý muốn chủ quan, nguyện vọng, tình cảm cá nhân để áp đặt cho thực tế.

Quan điểm toàn diện đòi hỏi phải xem xét toàn diện các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng và mối liên hệ giữa các yếu tố, bộ phận cấu thành và những mắt khâu trung gian, gián tiếp của chúng; cả hiện tại, quá khứ và xu hướng phát triển trong tương lai; phải đồng bộ, không cục bộ, phiến diện. Song trong mối liên hệ cụ thể, từng giai đoạn phải nắm đúng trọng tâm, then chốt, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, tránh dàn trải, không viển vông, ảo tưởng. Trong quá trình xem xét toàn bộ mối liên hệ, bản chất, quy luật của các sự vật, hiện tượng, phải dự báo được khả năng vận động, phát triển; chống mọi biểu hiện trì trệ, bảo thủ.

Quan điểm lịch sử, cụ thể chỉ rõ trong nhận thức và hoạt động thực tiễn phải xem xét đúng các quá trình, các giai đoạn phát triển của các sự vật, hiện tượng; nhận thức được những thuộc tính, những mối liên hệ tất yếu, bản chất vốn có của sự vật, hiện tượng trong các hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. Chỉ ra được mối liên hệ, quy luật khách quan; vị trí, vai trò của từng mối liên hệ quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Đồng thời, cần phải đấu tranh chống mọi biểu hiện xa rời thực tiễn với những điều kiện, hoàn cảnh riêng.

Quan điểm phát triển đòi hỏi phải nắm được khuynh hướng phát triển của sự vật, hiện tượng; phải khái quát và làm sáng rõ được xu hướng vận động, phát triển chủ đạo trong cả tự nhiên, xã hội và mỗi con người. Sự phát triển là quá trình biện chứng, có tính chất quanh co, phức tạp, thậm chí có những bước tụt lùi tạm thời, nhưng tất yếu cái mới sẽ ra đời. Do đó, cần phải có niềm tin vào sự tất thắng của cái mới, đấu tranh, loại bỏ mọi lực cản ảnh hưởng sự phát triển của tự nhiên, xã hội và mỗi con người.

Giữ vững quan điểm trong lãnh đạo, quản lý
Giữ vững quan điểm khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, nhất là trong gần 40 năm đổi mới đất nước, Đảng ta luôn kiên định: Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Đảng đề ra chiến lược phát triển tổng thể là: Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Đảng ta luôn vận dụng sáng tạo bài học tôn trọng thực tiễn khách quan, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển để đưa ra những quyết sách sáng suốt, đúng đắn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển trong giai đoạn mới; quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; thể hiện tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước với những bước đi, lộ trình cụ thể đến năm 2025, 2030 và 2045, để phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).

Đặc biệt, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, với phương châm “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”, Đảng, Nhà nước đã quán triệt sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo, nắm vững và xử lý tốt 4 kiên định, 12 định hướng, 10 mối quan hệ, 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm; phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; hình thành đồng bộ thể chế phát triển nhanh và bền vững đất nước dựa trên các trụ cột: Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam và nền dân chủ XHCN Việt Nam.

Cùng với lãnh đạo phát triển tổng thể các mặt, các lĩnh vực trong tính chỉnh thể, Đảng ta còn đánh giá vị trí, vai trò của từng lĩnh vực, yếu tố làm cơ sở để xác định, xây dựng từng bước đi, lộ trình và giải pháp phù hợp với điều kiện đất nước và xu thế phát triển của thời đại. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững đất nước, hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thúc đẩy chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chú trọng phát triển những ngành, lĩnh vực là thế mạnh của đất nước và của từng vùng, ngành, địa phương.

Thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia; chú trọng đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tập trung cho vùng “lõi nghèo”, đặc biệt khó khăn, tránh dàn trải, lãng phí.

Phát triển con người toàn diện, con người là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của phát triển. Phát huy dân chủ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; thực hiện quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để phát triển trẻ em toàn diện, thực hiện tốt công tác người cao tuổi, thanh niên, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng khó khăn.

Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa-xã hội, phát triển văn hóa-xã hội ngang tầm với phát triển kinh tế. Phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh và động lực đột phá cho phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Thực hiện hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục-đào tạo và nâng cao hơn nữa vai trò của khoa học-công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với nền kinh tế tri thức, kinh tế số, đô thị thông minh.

Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Củng cố, tăng cường thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống. Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng ngày càng cao; xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, coi trọng lực lượng dân quân tự vệ biển và dân quân tự vệ ở các địa phương trọng điểm.

Tích cực phòng ngừa, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm; giữ vững thế chủ động chiến lược, bảo đảm an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước. Chủ động đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, âm mưu “phi chính trị hóa” LLVT; phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh thông tin, truyền thông, an ninh mạng và an ninh xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh; chủ động phối hợp với các quốc gia bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc; xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống, có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến.

Vận dụng đúng đắn, linh hoạt quan điểm đối tác, đối tượng; triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi trong quan hệ quốc tế. Kiên trì thực hiện chính sách cân bằng trong quan hệ với các nước lớn; coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng; đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác quan trọng khác, tạo lợi ích thực chất giữa Việt Nam và các nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các nguồn lực để phục vụ phát triển đất nước, củng cố và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam./.
Yêu nước ST.

VIỆT NAM CHĂM LO CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG BẰNG CHÍNH THỰC LỰC!

     Thời gian qua, trên không gian mạng xuất hiện quan điểm xuyên tạc, chống phá cho rằng: Việt Nam không có thực lực khi thực hiện chi trả lương mới cho người lao động; nguồn tiền chủ yếu đi vay của nước ngoài, bởi nền kinh tế đang suy thoái nghiêm trọng...
Cả về lý luận và thực tiễn đều minh chứng việc cải cách tiền lương, lộ trình tăng lương mà Việt Nam đang triển khai là chủ trương hết sức đúng đắn và nhân văn của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời, được triển khai theo đúng lộ trình và dựa trên thực lực của chính mình...

Chủ động tăng lương theo lộ trình
Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã xác định lộ trình triển khai cải cách tiền lương cụ thể từ năm 2021 đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; nhấn mạnh yêu cầu cải cách chính sách tiền lương, xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia một cách khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước...   

Sau thời gian chuẩn bị và bị trì hoãn cải cách tiền lương do dịch Covid-19, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã quyết nghị, thực hiện đầy đủ hai nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết 27.

Mức điều chỉnh tăng này đã được các cơ quan quản lý tính toán kỹ lưỡng trong bối cảnh chưa có đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay (chưa thực hiện các bảng lương và phụ cấp mới), tạo được sự thống nhất đồng thuận, hiệu ứng tâm lý tích cực và tác động kinh tế lan tỏa rất lớn trong xã hội do bảo đảm công bằng, hợp lý, hài hòa, có sự chia sẻ giữa người đang hưởng lương hưu và người đang đóng bảo hiểm xã hội, giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, giữa các thế hệ tham gia và thụ hưởng chính sách; đồng thời bảo đảm khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội trong dài hạn; tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần ổn định xã hội.  

Bám sát sức khỏe nền kinh tế, hỗ trợ tổng cầu, tạo động lực phát triển
Nhìn chung, các mức tăng lương ở Việt Nam thời gian qua thấp hơn mức tăng năng suất lao động, quy mô và thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế, cũng như thấp hơn nhu cầu chi tiêu bảo đảm đời sống ngày càng tăng nhanh của người lao động.

Năng suất lao động của người Việt trong giai đoạn 2010-2020 tăng trưởng 64% theo giá hiện hành, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.

Từ năm 2007 đến giữa 2023, quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) và thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng khoảng 7,7 lần; trong khi tiền lương cơ sở chỉ tăng khoảng 4 lần, từ mức 540.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-1-2008 lên 2,34 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2024.

Trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, Việt Nam đã trì hoãn một đợt tăng lương theo lộ trình và cũng mới triển khai gói hỗ trợ tài chính với quy mô khiêm tốn ước khoảng 0,5% GDP so với gói kích thích tài chính khổng lồ tới khoảng 20% GDP như của Mỹ và một số nước khác cùng thời gian này. Bởi vậy, đợt tăng lương tháng 7-2024 là sự tiếp nối lộ trình tăng lương theo kế hoạch nêu trên và sự tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tăng cả tổng cung và tổng cầu của chính sách phục hồi kinh tế hậu Covid-19.

Trên thực tế, việc tăng lương lần này không chỉ góp phần cải thiện mức sống của người hưởng lương, bảo đảm nguyên tắc tiền lương phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động nhận lương và gia đình họ theo nguyên lý kinh tế thị trường; mà còn cho phép tăng tổng cầu có khả năng thanh toán của xã hội; từ đó, góp phần kích thích sản xuất và củng cố động lực tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tổng cầu xã hội còn thấp và thị trường thế giới chưa có sự đột phá mạnh mẽ gắn với chu kỳ kinh tế đang chậm lại của nền kinh tế thế giới....

Mặt khác, cơ sở vật chất-tài chính cho tăng lương đã được chuẩn bị khá chu đáo. Theo đó, Chính phủ đã tích lũy cân đối được 913.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước làm nguồn chi trả đáp ứng tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024-2026 tăng thêm là hơn 900 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, nền tảng tăng lương của Việt Nam ngày càng được củng cố. Suốt thời gian từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 đến nay, nền kinh tế vĩ mô luôn ổn định; lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm tốt. Việt Nam đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực, cải thiện vị thế quốc tế nhờ duy trì động lực tăng trưởng cân bằng cả trong và ngoài nước; sức mạnh nội lực và vị thế kinh tế quốc tế được thế giới ghi nhận và dự báo tiếp tục sự hồi phục và tăng trưởng tích cực...

Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc về sự đồng đều và chất lượng tăng trưởng, với GDP tăng 6,42%, vượt kịch bản đề ra và là mức cao của khu vực và thế giới. Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng 4-2024 cũng chỉ ra, Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 đến 2029 và sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, đặt đất nước vào hàng ngũ các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Theo ông Paulo Medas, Trưởng đoàn Tham vấn và giám sát kinh tế vĩ mô Việt Nam của IMF, Việt Nam tiếp tục hội nhập và nền kinh tế đã thực sự phục hồi nhanh chóng trong nửa đầu năm 2024, sau giai đoạn khó khăn cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, một phần nhờ vào xuất khẩu mạnh và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như hiệu quả từ những hành động của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, như việc cắt giảm lãi suất, gia tăng đầu tư công, tăng lương...

Còn theo báo cáo công bố tháng 4-2024 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam được giữ nguyên dự báo mà WB đã công bố đầu năm là sẽ tăng trưởng 5,5% GDP trong năm 2024 và tiếp tục nằm trong nhóm đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nằm trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao với tiềm năng tăng trưởng khoảng 8%.

Đặc biệt, những năm gần đây, cùng với duy trì tốc độ và động lực tăng trưởng ổn định, cân đối ngân sách nhà nước và dự trữ ngoại hối có nhiều cải thiện, liên tục vượt dự toán kế hoạch thu ngân sách nhà nước hằng năm và duy trì mức dự trữ ngoại hối cao; kiểm soát tốt nợ công và thâm hụt ngân sách nhà nước dưới mức Quốc hội cho phép. Bởi vậy, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới liên tục duy trì mức tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba2 (Moody’s ) hoặc BB+ (Fitch Ratings) với triển vọng chung là “Ổn định”. Trong đó, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings (Mỹ) xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với Việt Nam trong dài hạn ở mức BB+ và trong ngắn hạn ở mức B. Triển vọng về xếp hạng tín nhiệm trong dài hạn là “Ổn định”.  

Những kết quả và triển vọng tăng trưởng kinh tế tích cực như nêu trên là minh chứng thuyết phục khẳng định và tiếp tục tạo nền tảng vững chắc cải thiện nguồn thu ngân sách nhà nước và thu nhập xã hội bảo đảm cho cuộc cải cách tiền lương thời gian tới ở Việt Nam thực sự dựa vào nguồn lực của chính mình và góp phần làm tăng nguồn nội lực đó...

Tiếp tục các giải pháp tăng lương bền vững
Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, chắc chắn, bài bản, khoa học để thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Năm 2024, Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: Hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập. Mới đây, ngày 30-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2024/NĐ-CP quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, trong đó đã hướng dẫn cụ thể nguồn kinh phí thực hiện việc tăng lương cơ sở...

Về trung và dài hạn, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ đề ra cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, tập trung vào việc xây dựng các bảng lương và chế độ phụ cấp mới, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về các chế độ, chính sách gắn với mức lương cơ sở, vị trí việc làm trong hệ thống chính trị và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tính khả thi, công bằng, hợp lý, tổng thể, phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội và nguồn lực của đất nước.

Theo Bộ Nội vụ, tính đến nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và lãnh đạo các bộ, ngành đã ban hành 39 thông tư hướng dẫn và 100% bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành phê duyệt Đề án vị trí việc làm. Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng danh mục vị trí việc làm xã hội; bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm; tiếp tục rà soát tổng thể tất cả bảng lương và nghiên cứu, tính toán hài hòa vấn đề phụ cấp, khen thưởng và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.... Trên cơ sở đó tính toán nguồn lực và có giải pháp thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tiền lương xã hội.

Tóm lại, việc tăng lương cho người lao động đang được triển khai theo chủ trương và lộ trình trung và dài hạn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; đồng thời, bám sát sự phát triển chung của nền kinh tế, phù hợp với các nguồn lực tài chính hiện có của đất nước. Việc tăng lương hay cải cách tiền lương là một sự quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận được sự đồng thuận của nhân dân, đáp ứng được mong mỏi của người lao động, thể hiện tính nhất quán, tính ưu việt, nhân văn của chế độ ta...
Môi trường ST.

TÌM HIỂU GIÚP BẠN: THƯỢNG TƯỚNG VÕ MINH LƯƠNG THAM GIA HỘI ĐỒNG TƯ VẤN ĐẶC XÁ NĂM 2024!

     Chủ tịch nước Tô Lâm vừa ký Quyết định số 759/2024/QĐ-CTN Về việc thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024. Theo nội dung quyết định, Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là Ủy viên hội đồng!
Quyết định số 759 nêu rõ: Căn cứ Điều 88 và Điều 91 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Căn cứ Điều 10 của Luật Đặc xá năm 2018; xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 24/TTr-CP ngày 26-7-2024, Chủ tịch nước quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024 gồm 10 thành viên.

Trong đó, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch hội đồng; Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm, Thứ trưởng Bộ Công an là Ủy viên Thường trực hội đồng.

Cùng với Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2024 còn có 7 ủy viên khác, đại diện cho các cơ quan, bộ, ngành Trung ương có liên quan đến công tác đặc xá.

Điều 2 của Quyết định số 759 quy định rõ trách nhiệm của Hội đồng tư vấn đặc xá gồm: Tổ chức triển khai thực hiện quyết định về đặc xá; thẩm tra, duyệt hồ sơ đề nghị đặc xá, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, danh sách người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá do Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá trình; tổng hợp, lập danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định; thực hiện nhiệm vụ khác về đặc xá được Chủ tịch nước giao.

Nội dung quyết định cũng quy định rõ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá chịu trách nhiệm trước Chủ tịch nước về hoạt động của hội đồng. Quyết định số 759/2024/QĐ-CTN có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành./.
Yêu nước ST.

Kỷ niệm 60 năm Chiến thắng trận đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam và quân dân Miền Bắc


Chiến thắng ngày 2 và 5/8/1964 là chiến công tiêu biểu đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam và cũng là Chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc trong cuộc chiến chống c.hiến tr.anh phá hoại của đế quốc Mỹ. Chiến thắng trận đầu mãi mãi là biểu tượng của ý chí kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam; là sự khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng g.iặc Mỹ xâm lược của Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng và toàn quân, toàn dân ta nói chung.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, ngày 2 và 5/8/1964, Hải quân nhân dân Việt Nam sau 9 năm xây dựng, lần đầu tiên ra quân chiến đấu đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng Phòng không, công an vũ trang, quân dân các địa phương ven biển chiến đấu anh dũng, đánh đuổi tàu khu trục Maddoxa của đế quốc Mỹ ra khỏi vùng biển của ta, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên vùng biển, vùng trời miền Bắc; mở đầu trang sử chiến đấu, chiến thắng hào hùng của Hải quân nhân dân Việt Nam, góp phần cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước./.

60 năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Hải quân cùng quân dân miền Bắc dũng cảm trong chiến đấu vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi chúng ta./.

Sưu tầm

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

Chuyện ít biết về người anh Đại Nghĩa

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là người đã gieo mầm thuật phóng cho ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Dù anh đã đi xa, song chúng tôi sẽ chẳng thể nào quên được những buổi giảng bài trong rừng sâu, hay những vũ khí như súng Bazooka, SKZ… đã ra đời dưới sự chỉ đạo của anh…

Năm 1947, tôi 16 tuổi, là một trong 8 học sinh của trường Khải Định (nay là Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế) từ biệt gia đình, lên chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp và về Nha Nghiên cứu kỹ thuật chi nhánh Liên khu 4, ở Yên Sơn (Đô Lương, Nghệ An). Tại đây, chúng tôi được học về vũ khí, thuốc nổ và tiếp thu nhiều kiến thức từ người anh lớn Trần Đại Nghĩa.

Hôm ấy, anh Thúy Liễu, phụ trách Nha Nghiên cứu kỹ thuật chi nhánh Liên khu 4 hướng dẫn chúng tôi cách pha chế thuốc nổ fulminate thông qua cuốn  sách Chimie et Explosife (Hóa chất và chất nổ) của Berthollet và Howard trong gian nhà tranh nằm bên bờ sông Lam. Bỗng có tiếng lao xao ngoài cửa, bước vào là một người đàn ông cao ráo trong bộ quần áo màu nâu, đôi mắt sáng sau cặp kính cận rất dày. Anh Liễu đứng vụt dậy: "Các em ơi, anh Trần Đại Nghĩa đây rồi!". Khoảnh khắc lần đầu gặp anh cách đây đã gần 80 năm mà tưởng chừng như mới vừa hôm qua.

Trước đó, chúng tôi biết tin ở Hội nghị Fontainbleau (Pháp), kỹ sư Phạm Quang Lễ (sau này được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa) đã theo Bác trở về nước phục vụ kháng chiến, dù đang làm việc tại Pháp với mức lương cao. Đó là người anh chúng tôi vẫn luôn khâm phục, không ngờ hôm ấy được gặp gỡ, quây quần bên anh.

Khi ấy, mặt trận Hà Nội đang thiếu súng Bazooka để phá xe tăng địch, không cho quân Pháp chọc thủng phòng tuyến. Noi gương anh, chúng tôi lao vào công việc không ngừng nghỉ. Anh Nghĩa đã cấp tốc mở các lớp đào tạo về xạ thuật, hóa chất, cơ khí, vẽ kỹ thuật hay tinh chế thuốc nổ cheddite, fulminate, mìn hẹn giờ, súng không giật SKZ 60, SKZ 81, SKZ 120… Anh còn dạy chúng tôi cách nén ép thuốc phóng đạn tên lửa OF. Cũng từ đấy, chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm với vị Cục trưởng Cục Quân giới, kiêm Giám đốc Nha Nghiên cứu kỹ thuật. Buổi sáng, anh dạy chúng tôi học bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Pháp; buổi chiều sau giờ làm việc, anh em chúng tôi lại cùng chạy ùa xuống sông... Đến tận bây giờ, tiếng cười đùa trên khúc sông những năm tháng ấy như vẫn còn văng vẳng trong tâm trí tôi.


Trong những ngày đầu mùa mưa, khi những giọt nước mưa đầu tiên chạm vào đất, các loài ếch, nhái… bò ra từ nơi ẩn náu để tận hưởng không khí mát lành và nguồn nước mới. Đêm xuống, chúng tôi đốt đuốc, chuẩn bị đi bắt ếch, anh Nghĩa thấy vậy cũng muốn đi theo. Vị kỹ sư cùng chúng tôi lội bùn, cùng im nghe từng tiếng ộp oạp, cùng rình vồ bắt ếch, nhưng vì bị cận thị nặng nên anh Nghĩa chưa từng vồ được chú ếch nào. Về tới cơ quan, người anh lấm bùn từ đầu đến chân nhưng vẫn luôn cười nói rất vui vẻ, gọi đấy là những buổi "xả stress". Do những giờ chế tạo thuốc nổ cực kỳ căng thẳng, chúng tôi phải ngồi trong căn phòng nhỏ, phía trước là một hố sâu đã đào sẵn để đề phòng, nếu thấy ánh lửa phụt lên là hất cả khay fulminate vào đấy để tránh thương vong. Khi sấy thuốc nổ cực mạnh fulminate, chỉ cho phép dùng một cái lông ngỗng để nhẹ nhàng đảo thuốc cho khô, phải tuyệt đối tập trung tinh thần mấy tiếng đồng hồ. Vì thế, những đêm đi bắt ếch thật sự là một liều thuốc giải tỏa mọi căng thẳng, là một kỷ niệm đẹp trong ký ức của tôi về chiến khu.

Thực đơn ở chiến khu quanh năm chỉ là rau tàu bay hoặc ngọn su su luộc, thi thoảng có ít lạc giã nhỏ nấu với dưa cải muối. Tôi chỉ cho anh Nghĩa cách đào tìm măng tre, măng vầu và cách muối măng vừa chua, vừa giòn để cải thiện. Ớt trong rừng nhiều nên mỗi ống tre vừa thơm mùi măng lên men, vừa đẹp mắt với những lớp măng vàng óng điểm xuyết những quả ớt xanh, đỏ nén chặt. Anh Nghĩa cúi sát vào bụi tre, tỉ mẩn ngắm nghía nhưng hiếm khi tìm được những mầm măng vừa nhú lên bên dưới lớp lá tre. Mỗi lần tìm được một búp măng bé tẹo, anh đều phấn chấn chạy vào xưởng để khoe với chúng tôi. Mồ hôi ướt đẫm cả quần áo nhưng anh vẫn nở nụ cười rạng rỡ trong tiếng hoan hô của các em.


Dù đã cố gắng cải thiện nhưng bữa ăn thời ấy luôn là: sáng ăn sắn luộc, chiều là bánh sắn luộc. Cứ lặp đi lặp lại như vậy nên có vài người đã bỏ bữa vì quá ngán. Tôi lại được một cậu học viên trong lớp đào tạo pháo binh khóa 1 hướng dẫn cách nướng sắn thơm ngon hơn và vỏ nóng giòn như bánh mì. Anh Nghĩa sau khi ăn thử đã giục tôi: "Em bày cho anh với".."Đơn giản thôi nhé. Sau khi chọn một củ sắn mới đào, kích cỡ đừng quá to và gọt vỏ thật sạch. Lấy một tờ giấy thấm khô rồi quấn hai lớp giấy quanh củ sắn. Sẵn bếp luôn có nhiều tro nóng, hãy vùi ngay củ sắn vào. Khi thấy sắn có mùi thơm thì lấy ra. Khi bóc lớp giấy đã cháy ra, vỏ ngoài của củ sắn đã vàng giòn, vừa thơm vừa bùi". Mặc dù rất thích nhưng anh Nghĩa không làm được ngon như tôi, phần vì anh không biết chọn đúng loại sắn và không thạo cách vùi vào tro nóng đến độ nào là vừa. Vì vậy, thỉnh thoảng trước giờ đi ép thuốc đen, anh cười cười rồi giơ ngón trỏ: "Một bánh mì sắn nhé". Hôm nào kiếm được chút mỡ lợn đem phi hành thơm rồi phết lên thì anh sẽ ăn hết veo trong giây lát.

Anh Nghĩa làm việc trong căn buồng nhỏ, chỉ có một chiếc bàn, một cái giường tre và rất nhiều thùng đựng thuốc nổ, song mùi thuốc lá anh hút ám cả vào những vách tre đan long đôi. Lắm lúc tôi nghĩ dại: "Chỉ một tàn thuốc lá rơi xuống thôi là tất cả đi đời". Vậy mà 9 năm ở trong rừng sâu, tất cả đều an toàn. Khi tôi nhắc lại, anh cười cười: "Chắc là thuốc nổ nó sợ mình?!".

Anh Nghĩa có thể là một người uyên bác về chất nổ, về vũ khí; là người luôn đau đáu phải làm sao để có thể gieo mầm thuật phóng cho ngành Quân giới, nhưng lại lúng túng mỗi khi phải giặt vài bộ quần áo bằng vải thô màu nâu đất của mình. Sau những giờ tiếp xúc với thuốc đen, a-xít hay trèo đèo, lội suối để về các khu quân giới, quần áo mọi người đều lấm bùn và ướt đẫm mồ hôi. Mà anh thì không biết cách giặt quần áo ở suối. Có lần nước suối dâng cao sau mùa lũ, anh đang loay hoay đặt chân xuống thì chiếc áo để trên tảng đá bị dòng nước cuốn đi. Chúng tôi cố chạy theo mà chẳng thể nào vớt lên được, đành đứng nhìn chiếc áo nâu trôi theo dòng nước đục. Tiếc ngẩn người vì ai cũng chỉ có từ hai đến ba bộ để thay đổi. Khi đi giặt quần áo ở giếng, anh Nghĩa cũng thả gầu xuống nhưng không biết cách giật dây để nước tràn vào gầu. Nghe được tiếng đập mạnh vào thành giếng, nhưng khi kéo lên, nước không được 1/4 gầu. Anh tập mãi mà không được. Người đàn ông dáng cao cao, lắc lắc mái tóc: "Khó quá"! Thế nhưng anh dứt khoát không cho chú cần vụ giặt quần áo giúp anh. Kiểu giặt quần áo của anh Nghĩa là nhúng sơ sơ quần áo vào nước, rũ rũ vài cái rồi treo lên cây phơi, có khi cũng chẳng cần nhúng nước, anh chỉ dùng một que tre đập đập cho bụi văng ra, phơi nắng một buổi sáng rồi gấp quần áo lại thay gối ngủ qua đêm. Hôm nào có dịp đến chỗ anh ở, chúng tôi tranh thủ giấu anh, lấy hai bộ quần áo còn lại của anh, giặt sạch sẽ, phơi nắng thơm tho, gấp lại cẩn thận rồi cất vào tủ. Chuyện ngại giặt quần áo chỉ chấm dứt khi anh lấy vợ...

Sau này, khi đã nghỉ hưu, vợ chồng anh Nghĩa chuyển vào sống tại Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi có nhiều dịp gặp gỡ, hàn huyên, nhất là các buổi cựu cán bộ, nhân viên Nha Nghiên cứu kỹ thuật phía Nam gặp mặt vào dịp Tết nguyên đán. Ngồi nghe chúng tôi ôn lại những kỷ niệm cũ, anh Nghĩa nở nụ cười hiền hậu với đôi mắt năm tháng đã xếp lên rất nhiều nếp nhăn. Một con người tuổi đã cao, đôi mắt trìu mến nhìn đàn em sau đôi kính cận. Anh Nghĩa hỏi tôi: "Sao em không làm một bữa măng nấu ếch đãi anh em? Anh ăn vài lần mà nhớ mãi. Rất thèm nhưng vẫn không dám đòi hỏi vì sợ các em không bắt được ếch mà vấp phải rắn độc". Và khi đã được ăn đủ loại bánh mì với nhiều mùi vị khác nhau, anh vẫn nhắc "không quên được hương vị bánh mì sắn em làm".

Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là người đã gieo mầm thuật phóng cho ngành Quân giới - Công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Từ năm 1954, hòa bình lập lại ở miền Bắc, anh là hiệu trưởng đầu tiên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện sĩ  Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô và Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa dân chủ Đức cùng nhiều chức vụ khác, được phong danh hiệu Anh hùng Lao động nhưng anh vẫn luôn sống cuộc đời thanh bạch, giản dị và nồng cháy một trái tim yêu nước. Và dù anh đã đi xa, song chúng tôi sẽ chẳng thể nào quên được những buổi giảng bài sang sảng trong rừng sâu, hay những vũ khí như súng Bazooka, SKZ… đã ra đời dưới sự chỉ đạo của anh – người được mệnh danh là "ông Phật làm súng".

XUÂN PHƯỢNG

Đạo diễn, nhà văn, nguyên chiến sĩ Quân giới

Vận dụng quan điểm cán bộ phải “cả gan làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng phẩm chất “dám làm” của người cán bộ, đảng viên hiện nay

“Dám làm” là phẩm chất đặc biệt, được Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Ngược lại với “dám làm” là sợ trách nhiệm, nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng mà không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần nghiên cứu, vận dụng quan điểm cán bộ phải “cả gan làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xây dựng và rèn luyện phẩm chất “dám làm” của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm xưởng cơ khí Khu gang thép Thái Nguyên (năm 1964)_Nguồn: hochiminh.vn

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phẩm chất “cả gan làm việc” ở người cán bộ

“Cả gan làm việc” là quan điểm độc đáo, đặc sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về dũng khí, bản lĩnh, phương pháp, tác phong làm việc của người cán bộ, là yêu cầu đặc biệt, ở tầm cao về phẩm chất, nhân cách của người cán bộ trong mối quan hệ với công việc. Phẩm chất này giúp người cán bộ có đủ dũng khí, dám vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách, chiến thắng suy nghĩ và hành động cá nhân chủ nghĩa, “có gan” đứng ra đảm nhận, phụ trách công việc, dám dấn thân vì lợi ích chung của tập thể, cơ quan, đơn vị, địa phương và nhân dân… Tựu trung, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ “cả gan làm việc” được thể hiện ở một số nội dung sau:

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu thể hiện ở sự sáng suốt trong lựa chọn, sử dụng và bố trí, tin dùng cán bộ, dám giao việc cho cán bộ cấp dưới. Theo Người, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền “phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt”. Khi thấy rõ phẩm chất, năng lực của cán bộ, thì phải tin tưởng và giao việc cho họ, bởi vì: “Nếu không tin cán bộ, sợ họ làm không được, rồi việc gì mình cũng nhúng vào. Kết quả thành chứng bao biện, công việc vẫn không xong. Cán bộ thì vơ vẩn cả ngày, buồn rầu, nản chí”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải biết trọng dụng nhân tài, nếu không sẽ làm “thui chột” nhân tài; bên cạnh đó, sử dụng cán bộ phải thật sự thận trọng: “Cất nhắc cán bộ không nên làm như giã gạo”. Nghĩa là, trước khi cất nhắc cán bộ không xem xét kỹ về khả năng và trình độ, khi cất nhắc rồi không giúp đỡ họ một cách thích đáng, để khi họ sai lầm thì đẩy họ xuống, chờ lúc họ làm khá lại cất nhắc lên. Người nói, một cán bộ bị “nhấc lên”, “thả xuống” ba lần như thế thì “hỏng cả đời”.

Biểu hiện "cả gan làm việc" của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu còn là ở chỗ phải tin tưởng vào cán bộ cấp dưới, tạo điều kiện, cơ hội để khuyến khích họ phát huy năng lực và tinh thần trách nhiệm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Lãnh đạo khéo, tài nhỏ có thể hóa ra tài to. Lãnh đạo không khéo, tài to cũng hóa ra tài nhỏ. Khi giao công tác cho cán bộ cần phải chỉ đạo rõ ràng, sắp đặt đầy đủ. Vạch rõ những điểm chính, và những khó khăn có thể xảy ra. Những vấn đề đã quyết định rồi, thả cho họ làm, khuyên gắng họ cứ cả gan mà làm”(4). Đặc biệt, phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu còn được thể hiện ở tinh thần “dám” bứt phá, đổi mới sáng tạo, bản lĩnh, quyết đoán; mạnh dạn “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, “dám” vứt bỏ những gì của ngày hôm qua đã không hợp thời nữa, thay đổi cách thức công tác. Cán bộ lãnh đạo phải coi trọng và có hình thức khen thưởng kịp thời đối với những cán bộ cấp dưới dám nói, dám đề ra sáng kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc; đồng thời, nghiêm khắc phê bình cán bộ có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, sợ trách nhiệm... Khen phải đúng, khen để tạo động lực cho cán bộ phát huy năng lực, tinh thần làm việc, dám nói, dám làm; đồng thời, không được khen quá mức, dễ gây ra sự chủ quan. Người cán bộ lãnh đạo phải “thường thường kiểm tra để giúp họ rút kinh nghiệm, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm”.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người chỉ huy.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phẩm chất “cả gan làm việc” của người chỉ huy là sự quyết đoán, sắc sảo, nhạy bén, mưu trí, táo bạo, dũng cảm, có dũng khí, gan góc, gặp việc gì cũng phải có “gan” làm, có “gan” chịu trách nhiệm; có tinh thần dám đánh và biết cách đánh thắng quân thù; mưu lược, biết địch, biết ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch; biết tạo ra và phát huy sức mạnh tổng hợp để chiến đấu, chiến thắng quân thù. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Cực khổ khó khăn, có gan chịu đựng. Có gan chống lại những sự vinh hoa, phú quý, không chính đáng. Nếu cần, thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát”. Muốn “cả gan làm việc” thì người chỉ huy phải có đầy đủ các phẩm chất Trí - Tín - Dũng - Nhân - Liêm - Trung. Trí là phải có đầu óc sáng suốt để nhìn mọi việc rõ ràng, để suy xét cho đúng. Tín là phải làm cho người ta tin mình. Ví dụ đã hứa thưởng thì phải thưởng. Tín cũng còn có nghĩa là tự tin vào sức mình, nhưng không phải là tự mãn, tự cao. Dũng là không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh. Nhân là phải thương yêu cấp dưới, phải đồng cam cộng khổ với họ. Đối với địch đã đầu hàng, ta phải khoan dung. Liêm là chớ tham của, chớ tham sắc, chớ tham danh vọng, tham sống. Trung là trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với nhân dân, với cách mạng, với Đảng.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ làm công tác tổ chức - cán bộ.

Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo “đập đi, hò đứng”, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng”. Người yêu cầu, người làm công tác tổ chức - cán bộ phải làm tốt khâu phát hiện và lựa chọn, đào tạo cán bộ; không được thiên tư, thiên vị, không phân biệt người trong hay người ngoài Đảng, mà phải lựa chọn được người thật sự có đức, có tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Phong trào giải phóng sôi nổi, nảy nở ra rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gụi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước”. Trong sử dụng cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị phải có lập trường, bản lĩnh để cán bộ cấp dưới mạnh dạn đưa ra ý kiến, có gan phụ trách, có gan làm việc, đổi mới sáng tạo; người làm công tác cán bộ phải có gan cất nhắc cán bộ và chịu trách nhiệm về đề xuất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, người làm công tác tổ chức - cán bộ cần phải liêm chính, trong sáng, công tâm trong đánh giá ưu điểm của người cán bộ; đồng thời, sẵn sàng giúp đỡ cán bộ khắc phục hạn chế, yếu kém của họ. Người nhắc nhở: “Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người sửa chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”. Người phê phán cách dùng người không hợp lý làm cho cán bộ không thể hoàn thành được nhiệm vụ.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ kiểm tra.

Phẩm chất “cả gan làm việc” của người cán bộ kiểm tra được thể hiện ở việc dũng cảm tự phê bình và phê bình, mạnh dạn, có dũng khí, vì lợi ích chung của tập thể để nói lên hạn chế của tổ chức, cơ quan, cá nhân mà không e ngại, sợ va chạm. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ kiểm tra phải “cả gan nói”, tức là mạnh dạn chỉ ra khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương và của cả cấp trên, trên cơ sở khoa học, với tinh thần xây dựng, nhằm mục đích khắc phục, sửa chữa khuyết điểm để làm việc cho tốt hơn. Người cán bộ kiểm tra cần “cả gan” phê bình cấp trên, nhưng phải trên nguyên tắc chân thành, đúng mực. Người cán bộ kiểm tra phải có thái độ dứt khoát trong việc xem xét và “cả gan” xử phạt những cán bộ mắc sai lầm, khuyết điểm với nguyên tắc không có trường hợp ngoại lệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”.

Xây dựng phẩm chất “dám làm” của đội ngũ cán bộ hiện nay

Phẩm chất “dám làm” của người cán bộ - sự kế thừa, phát triển quan điểm “cả gan làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Về mặt ngữ nghĩa, “dám làm” không phải là cụm từ mới và xa lạ với cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc đến phẩm chất “dám làm” của các lực lượng khác nhau trong xã hội. Với đội ngũ cán bộ, Người cho rằng, “vì không hiểu biết nên không dám làm”; đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu cán bộ. Với quần chúng nhân dân, Người cho rằng: “Quần chúng dám làm, dám nói, do đó mà thật sự mở rộng dân chủ”. Đối với lực lượng vũ trang nhân dân, Người chỉ rõ nhiệm vụ của người làm tướng là phải: Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung; theo đó, phẩm chất “dám làm” được coi như là “Dũng”, có nghĩa là “không được nhút nhát, phải can đảm, dám làm những việc đáng làm, dám đánh những trận đáng đánh”. Người nhắc nhở, yêu cầu: “Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến”. Như vậy, “dám làm” cũng còn có nghĩa là tự biết mình, biết người, biết bản chất và đòi hỏi của công việc, hiểu biết lòng dân để có thể vượt qua ranh giới của bản thân, vượt qua trạng thái tâm lý cá nhân. Đó là biểu hiện của dũng khí, lòng quả cảm, tinh thần tiên phong, xung kích của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Để đạt được phẩm chất “dám làm” thì cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ để dám đối diện, sẵn sàng làm việc khó, dám đương đầu với khó khăn, thử thách.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “cả gan làm việc” được Đảng, Nhà nước ta quán triệt, kế thừa và phát triển vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng và được hội tụ trong phẩm chất “dám làm” của người cán bộ trong tình hình mới. Ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nêu rõ, sự khôi phục hệ thống của Đảng là kết quả từ công tác có sáng kiến của các đảng bộ và các chiến sĩ hạ cấp. Đến Đại hội IV, Đảng yêu cầu, cán bộ nhà nước phải có trình độ chuyên môn và nghiệp vụ giỏi, có sáng kiến, có năng lực tổ chức thực tiễn; đồng thời, phải nhiệt tình, tận tụy, hy sinh, có tinh thần trách nhiệm, có ý thức kỷ luật, liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Tại Đại hội VI của Đảng, để đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước, Đảng đặt ra nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực phù hợp, luôn luôn đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, thông suốt và chấp hành nghiêm đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, ham học hỏi, năng động, sáng tạo, có kiến thức quản lý kinh tế, xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Hội nghị Trung ương khóa VIII thống nhất thông qua Nghị quyết số 03-NQ/HNTW, ngày 18-6-1997, “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh”. Sau hơn 20 năm triển khai thực hiện, đội ngũ cán bộ ở nước ta đã từng bước trưởng thành và phát triển. Ngày 19-5-2018, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Quan điểm của Đảng là: Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Gần đây nhất, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung”. Thực chất đây vừa là yêu cầu, vừa là hệ giá trị trong phẩm chất, nhân cách của người cán bộ, có quan hệ chặt chẽ với nhau, thể hiện ở cả suy nghĩ và việc làm, trách nhiệm và nghĩa vụ trước Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra thi công dự án Nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh_Nguồn: chinhphu.vn

“Cả gan làm việc” khác với làm liều, làm bừa, làm ẩu và thói vô trách nhiệm.

Trong bối cảnh mới hiện nay, chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên được thể hiện qua các mối quan hệ cơ bản, đó là: Với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; đối với công việc; đối với bản thân, gia đình; đối với đồng chí, đồng nghiệp; đối với các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị. Trong đó, “dám làm” là một phẩm chất đặc biệt, là dũng khí của người cán bộ, thể hiện năng lực, bản lĩnh, trình độ, trí tuệ, lòng kiên trì gan góc khi đối diện với công việc, nhất là công việc khó và trong khi làm nhiệm vụ được giao.

Phẩm chất “dám làm”, “cả gan làm việc” của người cán bộ là mạnh dạn, quyết định, quyết đoán thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao trên cơ sở đã nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; hiểu sâu sắc về thực tiễn công việc, môi trường làm việc, phân tích và nắm chắc thuận lợi, khó khăn trong triển khai công việc tại cơ quan, đơn vị, địa phương; hiểu thông suốt về truyền thống, văn hóa, tập tục, hương ước địa phương; luôn đặt lợi ích của tập thể nơi mình công tác lên trên hết, trước hết; chấp nhận dấn thân, không vì lợi ích của cá nhân, người thân, gia đình mình; mạnh dạn bỏ cách nghĩ, cách làm đã cũ, không còn phù hợp. “Dám làm” còn là dám đương đầu trực diện với khó khăn, thử thách; có lúc phải chấp nhận rủi ro trong công việc, để chấn chỉnh tổ chức, cá nhân về tinh thần, thái độ, trách nhiệm; không ngừng đổi mới phương thức quản lý, cách làm, giảm thiểu phiền hà, chặn đứng tham nhũng, lãng phí, tăng cường dân chủ, minh bạch trong công việc; tin vào suy nghĩ, việc làm của mình, tin vào sự chính nghĩa, sức mạnh đoàn kết của mọi người.

“Dám làm”, “cả gan làm việc” còn thể hiện ở thái độ, ý thức, trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác của người cán bộ, “dám” đứng mũi chịu sào, không tranh công, đổ lỗi, dám nhận trách nhiệm về mình và chịu trách nhiệm đến cùng với công việc. Khi đã “dám làm”, thì tận tụy, chủ động, đổi mới sáng tạo, khoa học, trung thực, dân chủ, kỷ cương, phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng, không ngừng học hỏi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, dám đổi mới sáng tạo, đột phá vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, vì lợi ích của nhân dân. Người cán bộ “dám làm”, “cả gan làm việc” luôn xung phong đi đầu, mạnh dạn, táo bạo, quyết đoán, vượt lên mọi rào cản để làm đúng, duy trì đúng, thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, đúng thực chất công việc, vì lợi ích chung.

Ở chiều ngược lại, những cán bộ kém về phẩm chất đạo đức, năng lực công tác, kém rèn luyện, không chịu tu dưỡng đã nhân danh tiêu chí “dám làm” và “cả gan làm việc” để có những suy nghĩ và việc làm tiêu cực. Ở họ, suy nghĩ và việc làm đều mang nặng “lợi ích nhóm”, lợi ích cá nhân, chỉ lo vun vén cho người thân, gia đình, cánh hẩu; vì thế mà, có bản chất liều lĩnh, hay “làm liều”, “coi trời bằng vung”, coi thường pháp luật, tự cho mình, “nhóm lợi ích” của mình là một “vùng cấm”, mà không ai và tổ chức nào có quyền động chạm đến. Những đối tượng này luôn làm việc vô nguyên tắc, vô tổ chức kỷ luật, làm theo ý muốn cá nhân, mang nặng chủ nghĩa cá nhân, cứ có lợi ích cho bản thân, gia đình, người thân, phe cánh là làm.

Giải pháp tiếp tục xây dựng phẩm chất “dám làm” ở đội ngũ cán bộ hiện nay

Xây dựng phẩm chất “dám làm”, “cả gan làm việc” ở đội ngũ cán bộ trong bối cảnh hiện nay không phải là việc làm “một sớm, một chiều”, càng không thể đào tạo, tiến hành một cách cấp tốc mà có được. Bởi vì, đó là quá trình đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, khắc phục từng bước yếu kém và khuyết điểm, tư tưởng giáo điều, bảo thủ hoặc cực đoan, duy ý chí, chủ nghĩa kinh nghiệm để đi đến cái đúng, cái chân lý. Việc làm này cần vượt qua nhiều rào cản, từ phía chủ quan và khách quan; tuy nhiên, chủ quan vẫn là nhân tố chính. Thực tế cho thấy, ở những điều kiện, hoàn cảnh có tính chất bước ngoặt, quyết định sự thành công hay thất bại của công việc, thì vai trò, sự quyết đoán của người cán bộ, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, là rất quan trọng.

Hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đang đặt ra yêu cầu rất cao và luôn đòi hỏi đội ngũ cán bộ không ngừng nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ năng lực, tinh thần đổi mới sáng tạo, quyết đoán, để giải quyết, tháo gỡ những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn công việc ở cơ quan, đơn vị, địa phương. Có rất nhiều khó khăn, rào cản tạo cho người cán bộ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, không “dám làm” những việc mình nghĩ, chưa dám bứt phá, tiên phong đi đầu, phá bỏ cái cũ, cái lạc hậu, cái đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Một trong những rào cản đó là còn thiếu chính sách, pháp luật cụ thể khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, dám đột phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, còn có rào cản thuộc về nhân tố chủ quan từ chính mỗi cán bộ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ ngại học, ngại rèn luyện, ngại va chạm, chậm đổi mới, không dám sáng tạo, luôn duy trì cách nghĩ cũ, cách làm cũ, tôn sùng kinh nghiệm, ẩn mình vào tập thể, dựa vào tập thể, ỷ lại tập thể. Một số cán bộ có tư tưởng “bình quân chủ nghĩa”; thậm chí, có những công việc cơ quan, đơn vị, địa phương giao cho thì không biết làm như thế nào, không biết triển khai từ đâu, không biết tham khảo xin ý kiến như thế nào..., nên không dám nhận, viện mọi lý do để né tránh, đùn đẩy, thoái thác nhiệm vụ.

Để xóa bỏ những rào cản trên và tiếp tục đẩy mạnh xây dựng phẩm chất “dám làm” ở đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay, trước hết tự bản thân mỗi cán bộ cần luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, không dao động trước khó khăn, kiên định với mục tiêu lý tưởng, con đường cách mạng của Đảng và dân tộc; có tinh thần cầu tiến bộ, ham học hỏi, không bảo thủ, gia trưởng, luôn lắng nghe ý kiến phê bình, tham mưu, góp ý của quần chúng nhân dân. Tinh thần, thái độ, tác phong làm việc của cán bộ cần thường trực sự đổi mới sáng tạo, quyết đoán, bứt phá; luôn nuôi dưỡng trong mình dũng khí vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Mỗi cán bộ phải có ý thức tích cực tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, đặt lợi ích của tập thể, của nhân dân lên trên hết, trước hết; nâng cao trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói và làm phải thống nhất; đặc biệt, phải vượt qua được trạng thái tâm lý “sợ làm sai”, “sợ bị xử lý trách nhiệm”, “sợ bị gánh hậu quả”, nhất là cán bộ giữ trọng trách ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Cần nghiên cứu, mạnh dạn và đột phá trong việc tạo ra hành lang pháp lý, có chế độ, chính sách đặc biệt để tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho cán bộ “dám làm”, “cả gan làm việc”, đổi mới sáng tạo trong làm việc. Trong điều kiện cho phép, với chức trách, quyền hạn, cần thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ có cách nghĩ, cách làm đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nhân lực, vật lực, huy động những điều kiện cần thiết để cán bộ có điều kiện thuận lợi làm việc, đem lại hiệu quả cao, lợi ích cho tập thể, nhân dân.

Cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cần thống nhất và tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong cơ quan, đơn vị, địa phương về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung(16); từ đó, khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức phục vụ Đảng, Nhà nước, nhân dân của đội ngũ cán bộ trong bối cảnh mới. Trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cấp ủy các cấp cần gắn chặt nội dung này với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời, kiên quyết chống lại tư tưởng, quan điểm xuyên tạc, hành động sai trái đi ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc khuyến khích, động viên cán bộ “dám làm”.

Phẩm chất “dám làm” là sự kế thừa và phát triển sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về người cán bộ phải “cả gan làm việc” trong điều kiện hiện nay. Đó là một trong những phẩm chất không thể thiếu trong chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Mỗi cán bộ, đảng viên năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hy sinh vì lợi ích chung, khi được tập hợp, đoàn kết lại trong một tập thể thống nhất chắc chắn sẽ tạo ra sức mạnh, biến thách thức thành cơ hội để đạt tới những mục tiêu tốt đẹp; thể hiện bản chất và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã kiên định lựa chọn./.

ST.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên

Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta phải không ngừng chú trọng công tác xây dựng, củng cố nội bộ Đảng. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang trở nên nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, tồn vong của chế độ.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhân tố quan trọng cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng, đan xen, hoà quyện vào các lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát là một phương thức hữu hiệu để xây dựng và hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên, hạn chế những sai lầm khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.

Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chú trọng hơn nữa vào các vấn đề sau:

Thứ nhất, công tác kiểm tra,  giám sát góp phần thúc đẩy, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên.

Nhiệm vụ đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng. Đây là nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong hệ thống chính trị, đảng viên thường là cán bộ công tác ở những lĩnh vực khác nhau có liên quan mật thiết đến nhân dân. Nhiệm vụ số một của người cán bộ, đảng viên là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, không ngại khó, ngại khổ. Công tác kiểm tra không được gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên mà phải góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Tức là mỗi công việc, mỗi hành động của đảng viên đều cần được kiểm tra, giám sát nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên trong từng nhiệm vụ, những vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời trong từng thời gian cụ thể. Đối với ưu điểm, những nhân tố mới thì động viên, phát huy, tạo điều kiện để phát triển; đối với khuyết điểm, thì được nhắc nhở, cảnh báo kịp thời; đối với vi phạm, sẽ được chỉ rõ về tính chất, nguyên nhân để xem xét, xử lý một cách khách quan, cụ thể, đạt lý, thấu tình. Vì, nhờ kiểm tra, giám sát mà đánh giá đúng được việc làm của đảng viên, động viên cán bộ, đảng viên hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.

Kiểm tra đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải “có trọng tâm, trọng điểm” và “giám sát phải mở rộng” mới ngăn ngừa, khắc phục được khuyết điểm từ lúc mới manh nha; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm, dựa dẫm vào tập thể, thành tích thì muốn nhận, khuyết điểm thì đổ lỗi cho người khác.

Thứ haicông tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên.

Gương mẫu và tự giác là tư cách, là sự phát triển về ý thức chính trị của người đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát cần góp phần cảnh báo, nhắc nhở đảng viên tránh xa những tiêu cực, tệ nạn xã hội, làm những việc tốt để nêu gương trước nhân dân. Đó là sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, chuyển mạnh từ nói nhiều làm ít sang nói ít làm nhiều và đặc biệt là kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong mình và trước một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuyên tiếp xúc với quyền lực, tiền bạc, tài sản của công, kể cả cán bộ cao cấp trong Đảng.

Trình độ nhận thức, trình độ học vấn của nhân dân lao động ngày càng được nâng cao, họ ngày càng ý thức hơn về quyền làm chủ, nên sự gương mẫu của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, sẽ có sức lan toả rất lớn, làm cho tính “thiện” trong Đảng phát triển. Những sự hô hào chung chung, “trống dong cờ mở”, “đầu voi đuôi chuột” sẽ không mang lại hiệu quả, trở thành chuyện đàm tiếu, không phù hợp. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo.

Để phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát cùng với công tác tư tưởng phải góp phần nâng cao bản chất cộng sản trong mỗi người đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát phải có lý, có tình, dựa trên tình đồng chí sâu sắc. Kiểm tra không phải để truy tìm khuyết điểm, để trừng phạt, để kỷ luật mà quan trọng hơn, kiểm tra để giúp cho đảng viên khắc phục khuyết điểm, phấn đấu ngày càng tiến bộ, từ đó sẽ nâng cao ý thức tự giác của họ. Thực tế cho thấy, ở nhiều vụ việc, do chúng ta chưa làm tốt công tác này dẫn đến đảng viên luôn tìm cách hoặc che giấu khuyết điểm hoặc vi phạm dù đã rõ, song không nhận khuyết điểm hoặc tổ chức biết đến đâu thì nhận đến đó, vì sợ bị kỷ luật. Công tác kiểm tra hướng tới rèn tính tự giác để đảng viên chủ động báo cáo trung thực với Đảng khi được kiểm tra, tự giác báo cáo những kết quả và những vi phạm và cao hơn nữa là tự giác nhận hình thức xử lý.

Tính tự giác phải được đề cao qua công tác kiểm tra, và phải được thể hiện cùng với tính dân chủ trong Đảng. Do đó, mọi thái độ gia trưởng, độc đoán, áp chế, trù dập, định kiến trong công tác kiểm tra sẽ bóp nghẹt tính tự giác của cán bộ, đảng viên, càng làm cho họ cố tình che đậy khuyết điểm một cách tinh vi hơn.

Do đó, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng cũng như trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng là “chìa khóa vạn năng” để nâng cao ý thức gương mẫu, tự giác, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên. Đó cũng là mục tiêu quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát hiện nay.

Thứ bakiểm tra, giám sát góp phần nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng.

Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng Cộng sản, là “thang thuốc hay nhất” và là “vũ khí sắc bén nhất” để sửa chữa khuyết điểm, sai lầm trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.

Thực hiện tự phê bình và phê bình, qua kiểm tra, giám sát, sự việc được công khai, minh bạch. Mọi vấn đề không thể che giấu hoặc xử lý nội bộ, mà được đặt lên bàn nghị sự của tổ chức đảng có thẩm quyền để cùng nhau phân tích. Mỗi sai phạm đều được tập thể cân nhắc làm rõ một cách công khai, dân chủ, minh bạch, qua đó sẽ làm cho mọi người cùng thấy và cùng nhau nhìn nhận, tự khắc phục. Tự phê bình và phê bình cũng là nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát. Nhờ phương châm công minh, chính xác, kịp thời mà tránh việc lợi dụng phê bình để tâng bốc nhau hoặc xoi mói, chỉ trích nhau gây mất đoàn kết nội bộ, mất đi tình đồng chí trong Đảng.

Đối lập với tự phê bình là sự bảo thủ, khép kín, là thái độ gia trưởng, quan liêu, độc đoán. Gần đây, chúng ta công khai những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên cho nhân dân biết đã tạo dư luận đồng thuận trong xã hội và cũng là thể hiện thái độ kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Đảng không bao che, giấu giếm những việc làm “hư hỏng” trong nội bộ.

Thứ tưkiểm tra, giám sát góp phần hoàn thiện nhân cách cán bộ, đảng viên.

Nhân cách của người đảng viên là tư cách, phẩm chất của người đảng viên được bộc lộ qua quan hệ giữa đảng viên với Đảng và quan hệ giữa đảng viên với nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát là công cụ quan trọng giúp cho đảng viên tự nhìn nhận và hoàn thiện bản thân mình.

Thông qua việc chỉ ra mặt hạn chế để khắc phục, mặt tốt để phát huy, xét trên khía cạnh văn hóa, mục tiêu của kiểm tra, giám sát chính là hướng tới cái đẹp, cái thiện. Việc chỉ ra khuyết điểm của người đảng viên cũng là bảo vệ chính họ, bảo vệ Đảng, để họ không sa vào khuyết điểm lớn hơn, vì khuyết điểm của người đảng viên không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn có hại đến uy danh của Đảng, đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tính trung thực, giúp cho việc rèn luyện dũng khí của đảng viên. Khi được kiểm tra, họ không nói dối tổ chức đảng, không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, thiếu trung thực, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể và người khác; không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật; không dũng cảm nhìn nhận trách nhiệm của mình, với thái độ cầu thị và quyết tâm sửa chữa. Qua việc được kiểm tra, giám sát, họ rèn luyện lối sống gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm hơn đến quyền lợi của nhân dân; khi quyền lợi của nhân dân bị vi phạm, họ kiên quyết bảo vệ. Họ lắng nghe, tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; không sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Họ rèn luyện phong cách ứng xử, giao tiếp lịch sự với đồng nghiệp và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp. Trong thực thi công vụ, họ nghiêm túc, thẳng thắn, liêm chính; mềm dẻo nhưng phải kiên quyết, thuyết phục.

Thứ nămcông tác kiểm tra, giám sát góp phần rèn luyện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, ngăn ngừa và cảnh báo sai phạm.

“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” là bốn đức tính của người cách mạng, mà biểu hiện cụ thể hiện nay là hăng say lao động, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và không vô cảm với nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát chú trọng kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kiểm tra việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Qua kiểm tra, giám sát, gương người tốt, việc tốt được phát hiện và biểu dương.

Đối với những trường hợp vi phạm về tham ô, tham nhũng..., phải kiên quyết xử lý kịp thời, chỉ đạo các cơ quan tư pháp sớm đưa ra xét xử để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, để củng cố lòng tin của nhân dân. Đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần chuyển ngay cho cơ quan điều tra theo quy định. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng phải có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, vinh danh những người đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham ô, tham nhũng.

Trong giám sát, phải ngăn ngừa khuyết điểm từ lúc mới manh nha, không để khuyết điểm từ nhỏ trở thành lớn; khuyết điểm, vi phạm từ một người thành của nhiều người, dẫn đến phải kỷ luật, vừa mất cán bộ, vừa ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Phải chú trọng phương châm “giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ” để phòng ngừa vi phạm, chấn chỉnh, nhắc nhở đảng viên kịp thời từ trong sinh hoạt hằng ngày về tác phong, đạo đức, lối sống tới phương pháp, lề lối công tác để họ có thể sửa được ngay. Thực chất giám sát cũng là thực hiện một phần của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một quá trình gian nan, vất vả. Nó tác động đến mỗi người, từng tổ chức, nhất là liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Nên phải làm thận trọng, đồng bộ, kiên trì, đúng phương châm, công minh, chính xác và kịp thời. Chỉ có như vậy, mới góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, đáp ứng sự chờ đợi của nhân dân, trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ./.

ST.