Để hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta phải không ngừng chú trọng công tác xây dựng, củng cố nội bộ Đảng. Hiện nay, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đang trở nên nghiêm trọng, gây mất lòng tin của nhân dân, ảnh hưởng đến sự sống còn của Đảng, tồn vong của chế độ.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng là một bộ phận quan trọng của công tác xây dựng Đảng, là nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, là nhân tố quan trọng cấu thành toàn bộ công tác xây dựng Đảng, đan xen, hoà quyện vào các lĩnh vực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối của Đảng. Công tác kiểm tra, giám sát là một phương thức hữu hiệu để xây dựng và hình thành nhân cách người cán bộ, đảng viên, hạn chế những sai lầm khuyết điểm. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra”.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI của Đảng, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chú trọng hơn nữa vào các vấn đề sau:
Thứ nhất, công tác kiểm tra, giám sát góp phần thúc đẩy, hoàn thành nhiệm vụ của người đảng viên.
Nhiệm vụ đảng viên được quy định trong Điều lệ Đảng. Đây là nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó. Trong hệ thống chính trị, đảng viên thường là cán bộ công tác ở những lĩnh vực khác nhau có liên quan mật thiết đến nhân dân. Nhiệm vụ số một của người cán bộ, đảng viên là phải tuyệt đối trung thành với Đảng, phải hoàn thành nhiệm vụ được giao, không ngại khó, ngại khổ. Công tác kiểm tra không được gây khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên mà phải góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ của họ. Tức là mỗi công việc, mỗi hành động của đảng viên đều cần được kiểm tra, giám sát nhằm mang lại hiệu quả thiết thực.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần chỉ ra những ưu điểm, khuyết điểm của đảng viên trong từng nhiệm vụ, những vấn đề cần chấn chỉnh kịp thời trong từng thời gian cụ thể. Đối với ưu điểm, những nhân tố mới thì động viên, phát huy, tạo điều kiện để phát triển; đối với khuyết điểm, thì được nhắc nhở, cảnh báo kịp thời; đối với vi phạm, sẽ được chỉ rõ về tính chất, nguyên nhân để xem xét, xử lý một cách khách quan, cụ thể, đạt lý, thấu tình. Vì, nhờ kiểm tra, giám sát mà đánh giá đúng được việc làm của đảng viên, động viên cán bộ, đảng viên hăng hái thực hiện nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có kiểm tra mới huy động được tinh thần tích cực và lực lượng to tát của nhân dân, mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”.
Kiểm tra đảng viên thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, phải “có trọng tâm, trọng điểm” và “giám sát phải mở rộng” mới ngăn ngừa, khắc phục được khuyết điểm từ lúc mới manh nha; ngăn ngừa, hạn chế tình trạng thiếu trách nhiệm, dựa dẫm vào tập thể, thành tích thì muốn nhận, khuyết điểm thì đổ lỗi cho người khác.
Thứ hai, công tác kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên.
Gương mẫu và tự giác là tư cách, là sự phát triển về ý thức chính trị của người đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát cần góp phần cảnh báo, nhắc nhở đảng viên tránh xa những tiêu cực, tệ nạn xã hội, làm những việc tốt để nêu gương trước nhân dân. Đó là sự gương mẫu trong đạo đức, lối sống, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, chuyển mạnh từ nói nhiều làm ít sang nói ít làm nhiều và đặc biệt là kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân trong mình và trước một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý thường xuyên tiếp xúc với quyền lực, tiền bạc, tài sản của công, kể cả cán bộ cao cấp trong Đảng.
Trình độ nhận thức, trình độ học vấn của nhân dân lao động ngày càng được nâng cao, họ ngày càng ý thức hơn về quyền làm chủ, nên sự gương mẫu của người cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, sẽ có sức lan toả rất lớn, làm cho tính “thiện” trong Đảng phát triển. Những sự hô hào chung chung, “trống dong cờ mở”, “đầu voi đuôi chuột” sẽ không mang lại hiệu quả, trở thành chuyện đàm tiếu, không phù hợp. Vì vậy, cán bộ, đảng viên phải là tấm gương sáng cho nhân dân noi theo.
Để phát huy tính gương mẫu, tự giác của cán bộ, đảng viên, công tác kiểm tra, giám sát cùng với công tác tư tưởng phải góp phần nâng cao bản chất cộng sản trong mỗi người đảng viên. Hoạt động kiểm tra, giám sát phải có lý, có tình, dựa trên tình đồng chí sâu sắc. Kiểm tra không phải để truy tìm khuyết điểm, để trừng phạt, để kỷ luật mà quan trọng hơn, kiểm tra để giúp cho đảng viên khắc phục khuyết điểm, phấn đấu ngày càng tiến bộ, từ đó sẽ nâng cao ý thức tự giác của họ. Thực tế cho thấy, ở nhiều vụ việc, do chúng ta chưa làm tốt công tác này dẫn đến đảng viên luôn tìm cách hoặc che giấu khuyết điểm hoặc vi phạm dù đã rõ, song không nhận khuyết điểm hoặc tổ chức biết đến đâu thì nhận đến đó, vì sợ bị kỷ luật. Công tác kiểm tra hướng tới rèn tính tự giác để đảng viên chủ động báo cáo trung thực với Đảng khi được kiểm tra, tự giác báo cáo những kết quả và những vi phạm và cao hơn nữa là tự giác nhận hình thức xử lý.
Tính tự giác phải được đề cao qua công tác kiểm tra, và phải được thể hiện cùng với tính dân chủ trong Đảng. Do đó, mọi thái độ gia trưởng, độc đoán, áp chế, trù dập, định kiến trong công tác kiểm tra sẽ bóp nghẹt tính tự giác của cán bộ, đảng viên, càng làm cho họ cố tình che đậy khuyết điểm một cách tinh vi hơn.
Do đó, thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng cũng như trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng là “chìa khóa vạn năng” để nâng cao ý thức gương mẫu, tự giác, trách nhiệm trong cán bộ, đảng viên. Đó cũng là mục tiêu quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát hiện nay.
Thứ ba, kiểm tra, giám sát góp phần nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình trong Đảng.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng Cộng sản, là “thang thuốc hay nhất” và là “vũ khí sắc bén nhất” để sửa chữa khuyết điểm, sai lầm trong Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “...tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng”.
Thực hiện tự phê bình và phê bình, qua kiểm tra, giám sát, sự việc được công khai, minh bạch. Mọi vấn đề không thể che giấu hoặc xử lý nội bộ, mà được đặt lên bàn nghị sự của tổ chức đảng có thẩm quyền để cùng nhau phân tích. Mỗi sai phạm đều được tập thể cân nhắc làm rõ một cách công khai, dân chủ, minh bạch, qua đó sẽ làm cho mọi người cùng thấy và cùng nhau nhìn nhận, tự khắc phục. Tự phê bình và phê bình cũng là nguyên tắc trong công tác kiểm tra, giám sát. Nhờ phương châm công minh, chính xác, kịp thời mà tránh việc lợi dụng phê bình để tâng bốc nhau hoặc xoi mói, chỉ trích nhau gây mất đoàn kết nội bộ, mất đi tình đồng chí trong Đảng.
Đối lập với tự phê bình là sự bảo thủ, khép kín, là thái độ gia trưởng, quan liêu, độc đoán. Gần đây, chúng ta công khai những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, đảng viên cho nhân dân biết đã tạo dư luận đồng thuận trong xã hội và cũng là thể hiện thái độ kiên quyết sửa chữa sai lầm, khuyết điểm của Đảng. Đảng không bao che, giấu giếm những việc làm “hư hỏng” trong nội bộ.
Thứ tư, kiểm tra, giám sát góp phần hoàn thiện nhân cách cán bộ, đảng viên.
Nhân cách của người đảng viên là tư cách, phẩm chất của người đảng viên được bộc lộ qua quan hệ giữa đảng viên với Đảng và quan hệ giữa đảng viên với nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát là công cụ quan trọng giúp cho đảng viên tự nhìn nhận và hoàn thiện bản thân mình.
Thông qua việc chỉ ra mặt hạn chế để khắc phục, mặt tốt để phát huy, xét trên khía cạnh văn hóa, mục tiêu của kiểm tra, giám sát chính là hướng tới cái đẹp, cái thiện. Việc chỉ ra khuyết điểm của người đảng viên cũng là bảo vệ chính họ, bảo vệ Đảng, để họ không sa vào khuyết điểm lớn hơn, vì khuyết điểm của người đảng viên không chỉ ảnh hưởng đến bản thân, mà còn có hại đến uy danh của Đảng, đến lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tính trung thực, giúp cho việc rèn luyện dũng khí của đảng viên. Khi được kiểm tra, họ không nói dối tổ chức đảng, không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ, thiếu trung thực, đổ lỗi cho khách quan, cho tập thể và người khác; không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật; không dũng cảm nhìn nhận trách nhiệm của mình, với thái độ cầu thị và quyết tâm sửa chữa. Qua việc được kiểm tra, giám sát, họ rèn luyện lối sống gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, quan tâm hơn đến quyền lợi của nhân dân; khi quyền lợi của nhân dân bị vi phạm, họ kiên quyết bảo vệ. Họ lắng nghe, tôn trọng khi tiếp xúc với nhân dân, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình; không sách nhiễu, trì hoãn, gây khó khăn, phiền hà cho nhân dân. Họ rèn luyện phong cách ứng xử, giao tiếp lịch sự với đồng nghiệp và lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp. Trong thực thi công vụ, họ nghiêm túc, thẳng thắn, liêm chính; mềm dẻo nhưng phải kiên quyết, thuyết phục.
Thứ năm, công tác kiểm tra, giám sát góp phần rèn luyện đạo đức “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, ngăn ngừa và cảnh báo sai phạm.
“Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” là bốn đức tính của người cách mạng, mà biểu hiện cụ thể hiện nay là hăng say lao động, không quan liêu, tham nhũng, lãng phí và không vô cảm với nhân dân. Công tác kiểm tra, giám sát chú trọng kiểm tra việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và kiểm tra việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Qua kiểm tra, giám sát, gương người tốt, việc tốt được phát hiện và biểu dương.
Đối với những trường hợp vi phạm về tham ô, tham nhũng..., phải kiên quyết xử lý kịp thời, chỉ đạo các cơ quan tư pháp sớm đưa ra xét xử để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, để củng cố lòng tin của nhân dân. Đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần chuyển ngay cho cơ quan điều tra theo quy định. Đồng thời, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cũng phải có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ, vinh danh những người đấu tranh chống tiêu cực, tố cáo tham ô, tham nhũng.
Trong giám sát, phải ngăn ngừa khuyết điểm từ lúc mới manh nha, không để khuyết điểm từ nhỏ trở thành lớn; khuyết điểm, vi phạm từ một người thành của nhiều người, dẫn đến phải kỷ luật, vừa mất cán bộ, vừa ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Phải chú trọng phương châm “giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ” để phòng ngừa vi phạm, chấn chỉnh, nhắc nhở đảng viên kịp thời từ trong sinh hoạt hằng ngày về tác phong, đạo đức, lối sống tới phương pháp, lề lối công tác để họ có thể sửa được ngay. Thực chất giám sát cũng là thực hiện một phần của nguyên tắc tự phê bình và phê bình.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng góp phần ngăn ngừa và đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là một quá trình gian nan, vất vả. Nó tác động đến mỗi người, từng tổ chức, nhất là liên quan đến sinh mệnh chính trị của cán bộ, đảng viên. Nên phải làm thận trọng, đồng bộ, kiên trì, đúng phương châm, công minh, chính xác và kịp thời. Chỉ có như vậy, mới góp phần giải quyết hiệu quả vấn đề quan trọng nhất đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, đáp ứng sự chờ đợi của nhân dân, trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ngang tầm nhiệm vụ./.
ST.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét