Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử đặc biệt, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn, định hướng chiến lược cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng, toàn dân. 55 năm qua (1969-2024), thực hiện Di chúc của Người đã để lại rất nhiều bài học quý báu. Nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã có những bước phát triển vững chắc cả về lý luận và thực tiễn.
Điểm lại những đại hội Đảng gần đây, như Đại hội XI, XII, XIII thấy rằng, trong báo cáo chính trị trình đại hội, nội dung về công tác xây dựng Đảng được Trung ương rất quan tâm; trong đó chú trọng tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế. Đặc biệt tại Đại hội XIII, ngoài mục xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong Báo cáo Chính trị còn có thêm Báo cáo chuyên đề về công tác xây dựng Đảng và thi hành điều lệ Đảng. Qua đây cho thấy Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hết sức coi trọng việc tổng kết, đánh giá phần việc then chốt này trong cả nhiệm kỳ.
Làm rõ hơn những bước phát triển mới về mặt lý luận trong công tác xây dựng Đảng thời gian qua, PGS, TS Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Chủ đề Đại hội XIII của Đảng và cũng là tiêu đề của Báo cáo Chính trị có 5 thành tố, trong đó thành tố đầu tiên là “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Đây là vấn đề vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, có quan hệ biện chứng với nhau. Bởi rằng, Đảng trong sạch, vững mạnh là điều kiện, tiền đề xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phạm vi, đối tượng không chỉ đối với tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên mà còn bao gồm các cơ quan Nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức trong toàn hệ thống chính trị.
Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương nhằm tăng cường công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Nổi bật là Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã quyết nghị ban hành Kết luận số 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. So với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 21-KL/TW có nhiều điểm mới quan trọng.
Một trong những nội dung quan trọng của Kết luận số 21-KL/TW là “kịp thời miễn nhiệm, cho từ chức, thay thế những cán bộ có năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm. Để cụ thể hóa chủ trương trên, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Tiếp đó, để quy định rõ hơn, Bộ Chính trị tiếp tục có Thông báo Kết luận số 20-TB/TW ngày 8-9-2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.
PGS, TS Nguyễn Viết Thông khẳng định: Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, hệ thống nghị quyết, kết luận, quy định trong công tác xây dựng Đảng được ban hành rất đồng bộ. Nhất là việc miễn nhiệm, từ chức nhiều cán bộ do năng lực hạn chế, uy tín thấp, mắc sai phạm đã khẳng định, Đảng ta rất quyết tâm chỉnh đốn lại đội ngũ. Cán bộ “có lên, có xuống, có vào, có ra” trở thành việc bình thường và là xu thế chung không thể khác.
Sau Kết luận số 21-KL/TW, đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Trung ương tiếp tục ban hành nghị quyết quan trọng nhằm tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới (Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 16-6-2022). Ngoài ra, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều quy định, như: Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; Quy định số 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và gần đây nhất là Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới...
Đối với đảng viên, Nghị quyết 21 và các quy định của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến yêu cầu mỗi đảng viên phải không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, tiên phong, gương mẫu, thực hiện nghiêm các nguyên tắc của Đảng và lời thề khi vào Đảng... PGS, TS Nguyễn Viết Thông cho rằng, đây là sự phát triển mới về mặt nhận thức và cũng xuất phát từ chính thực tiễn. Như chúng ta biết, lâu nay có tình trạng một số cán bộ lúc về hưu thì phát ngôn không chuẩn mực, thậm chí không đúng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng. Có những người cả cuộc đời đi theo cách mạng, nhưng cuối đời thì "sám hối", “quay xe”, trở cờ... Đã là người đảng viên thì suốt cuộc đời phải phấn đấu, hy sinh với những lời thề trước lúc vào Đảng, nếu không mực thước giữ gìn và thực hiện đúng với lời thề thì cũng không xứng đáng được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nhiều nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý đánh giá, những năm gần đây, công tác xây dựng Đảng ngày càng có sự phát triển, hoàn thiện, đồng bộ, hoàn chỉnh, chặt chẽ về mặt lý luận, bám thực tiễn và đạt nhiều kết quả vững chắc.
Để “xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” thì “Đảng ta phải thật sự trong sạch”, đó là lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng. Đó cũng là yêu cầu, nhiệm vụ và là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng ta trong suốt 94 năm qua. Tư tưởng Hồ Chí Minh và Di chúc của Người trở thành kim chỉ nam, là ngọn đèn soi rọi và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân luôn kiên định, trung thành với sự nghiệp cách mạng và lý tưởng của Người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét