Trong mỗi gia đình, sự hòa thuận, đoàn kết, ổn định luôn là điều kiện tiên quyết để mỗi cá nhân làm ăn và sinh sống, từ đó xây dựng một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và phát triển. Suy rộng ra, đất nước nào cũng vậy, muốn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, điều kiện tiên quyết là xã hội phải ổn định. Ổn định về lương thực, kinh tế, văn hóa, sức khỏe cộng đồng ở tầm vĩ mô. Trong đó, sự ổn định về chính trị là tiền đề, là “then chốt của then chốt”. Ở Việt Nam, sau gần 40 năm đổi mới, đất nước ta luôn ổn định về chính trị, đó chính là nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Kể từ khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (năm 1987) đến nay, tình hình đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày một gia tăng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khu vực FDI đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Riêng năm 2023, do bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI. Việt Nam đạt 36,61 tỷ USD (tính đến ngày 20/12/2023). Quý I/2024, có hơn 6,17 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt hơn 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Sở dĩ Việt Nam thu hút các nhà đầu tư, ngoài vị trí địa lý thuận lợi thì tình hình kinh tế - chính trị - xã hội ổn định chính là yếu tố hàng đầu tạo ra lợi thế, sức hấp dẫn với các nhà đầu tư. Trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam hiểu rất rõ giá trị của hòa bình, độc lập, thống nhất, giá trị của ổn định chính trị để phát triển đất nước, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đối với Việt Nam, ổn định chính trị là điều kiện sống còn để bảo vệ độc lập dân tộc, ứng phó với các thách thức bên trong và bên ngoài. Những năm gần đây, tình hình thế giới có nhiều biến động thì Việt Nam có sức hút lớn nhờ luôn giữ được ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, có chính sách ngoại giao đúng đắn, đó chính là một thành tựu quan trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bôi nhọ, tiến hành các hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây bất ổn chính trị, bất ổn xã hội, mưu toan thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. Gần đây, đã có những lo ngại về việc “đánh chuột làm vỡ bình” trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm” của Đảng và nhân dân ta. Các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự tranh giành quyền lực, đấu đá trong nội bộ Đảng”, chúng tung tin, đồn đoán, gây hoang mang trong dư luận nhân dân. Rồi chúng kết luận theo thuyết âm mưu: “Nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng bị kỷ luật do tham nhũng, tiêu cực, bị vướng vào lao lý, chứng tỏ có lỗi hệ thống của Đảng”. Từ đó, chúng kêu gọi: “Chỉ có đa đảng, thay đổi chế độ tại Việt Nam mới giải quyết được tận gốc vấn đề”.
Đáng tiếc là có những cán bộ, đảng viên và người dân đã tin theo những luận điệu sai trái ấy. Có người bày tỏ tâm trạng bi quan, lo lắng cho sự tồn vong của chế độ ta. Cũng có những người vì tò mò, hiếu kỳ, muốn cập nhật các thông tin “nóng sốt” mà không thể tìm thấy các loại thông tin ấy trên báo chí chính thống nên đã lên mạng xã hội để "hóng" và đã vô tình mắc bẫy các thế lực thù địch.
Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên trước hết cần hết sức tỉnh táo, thấy rõ những thành tựu nổi bật của nước ta trên chính trường quốc tế và trong nước. Hai là, cần nhận thức được ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực; từ đó kiên trì, kiên quyết và tin tưởng vào thắng lợi của cuộc đấu tranh này. Ba là, cần phải gương mẫu, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng trong mỗi cán bộ, đảng viên. Cần loại trừ mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực; tránh mọi biểu hiện “cua cậy càng, cá cậy vây”, hành động không vì lợi ích chung của Đảng, đất nước và người dân, kiên quyết đấu tranh những hành động vì lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân. Bốn là, không phát tán thông tin trên các trang mạng xã hội, nhất là của thế lực thù địch, phản động; các thông tin chưa được kiểm chứng.
Ổn định chính trị không phải tự nhiên mà có, đó là do sự lãnh đạo của Đảng; sự đoàn kết, đồng lòng của toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt" như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Do vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức và bảo vệ sự ổn định chính trị của đất nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét