Thứ Năm, 29 tháng 8, 2024

Người cựu chiến binh đam mê, bảo tồn, phát triển cây thuốc quý

  Xuất thân từ người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, Thượng úy, cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân (xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, gương mẫu đi đầu trong các phong trào của địa phương. Theo sự vận động của huyện Bắc Sơn, anh tích cực hưởng ứng phong trào chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu. Nhờ vậy, kinh tế gia đình của anh Quân không những được cải thiện, mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương và bảo tồn, phát triển được các loài cây dược liệu quý.

Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân sinh năm 1986, tại tỉnh Bắc Giang. Anh học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Sau khi tốt nghiệp, anh được phân công làm tại Kho 818, thuộc Cục Kỹ thuật Quân khu 1. Năm 2012, anh bị ung thư tuyến giáp giai đoạn đầu, việc bén duyên với cây thuốc cũng bắt đầu từ đó. Năm 2014, anh về công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bắc Sơn. Tháng 4/2021, mặc dù tình trạng bệnh có chuyển biến tích cực, nhưng do sức khỏe không đảm bảo, anh được nghỉ theo chế độ bệnh binh. Từ đây, anh dành thời gian cho việc học y học cổ truyền kết hợp với hiện đại, tìm hiểu, sử dụng thuốc Nam để hỗ trợ điều trị cho mình. Từ đó, anh đam mê tìm hiểu về các loại cây thuốc Nam quý và nghiên cứu áp dụng vào thực tế đời sống.

Vùng đất huyện Bắc Sơn có nhiều nắng gió, là môi trường thổ nhưỡng lý tưởng rất phù hợp cho việc canh tác nông nghiệp và trồng trọt, đặc biệt là cây thuốc Nam quý hiếm. Khu vườn gần 1.000m2 của gia đình đã được cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân nghiên cứu, sưu tầm, đưa vào trồng hơn 100 loài dược liệu quý hiếm, trong đó, có các cây dược liệu đem lại giá trị cao như cây một hoa, bảy lá, cây hồi đầu thảo, cây hoàng tinh hoa trắng, cây an xoa... Mỗi loại cây thuốc đều có cách ươm trồng khác nhau. Có cây ươm từ hạt, có cây ươm giống từ thân, lại có cây ươm từ cành, nên phương pháp chăm sóc và hướng điều trị sâu bệnh cũng đều khác nhau. Để giúp các loài cây thuốc quý thích nghi và phát triển ổn định, hàng tháng, gia đình anh đều phun thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm sinh học bằng cách tự làm cách ngâm, ủ ớt và tỏi pha loãng rồi ươm lên cây. Vì vậy, toàn bộ diện tích ươm các loài cây thuốc quý không bị sâu bệnh và nấm gây hại.

Đối với những cây thuốc có thân yếu, khó thích nghi mỗi khi thời tiết thay đổi, được anh dùng màn che lưới đen, để tạo nhiệt độ phù hợp cho cây, tránh trời nắng gắt, hay mưa to. Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân cho biết: Tôi sẽ cố gắng nhân giống những cây thuốc quý có tại vườn. Đó là những cây mà đang mang lại giá trị cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên địa bàn. Từ năm 2019 đến nay, tôi vẫn tiếp tục nhân giống và tư vấn cách trồng, chăm sóc tại các vườn thuốc khác của hội viên Hội Đông y, hội viên Hội Cựu chiến binh và những người có nhu cầu, mong muốn cùng phát triển cây dược liệu.

Để bảo tồn và quảng bá, phát huy những loài dược liệu quý, cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân còn tự sản xuất các video giới thiệu các cách trồng, chăm sóc cũng như các bài thuốc với từng loại cây trồng trong vườn, trên nền tảng mạng xã hội. Từ năm 2020 đến nay, anh đã lập trang web có địa chỉ https: w.w.w.thaoduoc.net; kênh Youtube THAODUOCNETchannel. Các kênh này hiện có hàng nghìn lượt người theo dõi và chia sẻ thông tin.

Đồng thời, anh cũng chia sẻ kinh nghiệm về các bài trồng, chế biến thuốc Nam từ chính những cây dược liệu đã trồng với người dân trong xã và các địa phương lân cận. Ông Nông Văn Mạnh, ở xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn bày tỏ: “Vườn thuốc của tôi hiện có trên 200 cây dược liệu quý. Tôi với anh Nguyễn Hoàng Quân thường xuyên trao đổi với nhau về cây thuốc, bài thuốc có giá trị tại cơ sở thuốc của anh Quân. Công việc của anh Quân không chỉ giúp bảo tồn cây thuốc quý, mà còn mang lại lợi ích sức khỏe và hy vọng cho cộng đồng người dân tại địa phương”.

Theo ông Trần Văn Viên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Vũ: “Đây là mô hình điểm của xã Hưng Vũ. Chúng tôi đã đưa anh em đến đây để tham quan và học hỏi kinh nghiệm những cây dược liệu quý hiếm cần phải bảo tồn và phát triển”.

Gia đình cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân đã đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại như: máy cắt, máy sao, lò nấu cao để chế biến, bảo quản nguồn dược liệu sẵn có của địa phương, trở thành những bài thuốc Nam để phục vụ điều trị bệnh cho bà con. Mỗi năm, việc trồng, chăm sóc, chế biến dược liệu đã đem lại nguồn thu nhập cho gia đình từ 350 đến 500 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân còn thường xuyên giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho 4 đến 6 lao động tại địa phương.

Ông Phạm Văn Thuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bắc Sơn đánh giá: “Từ kết quả thu được từ vườn dược liệu của đồng chí Nguyễn Hoàng Quân, tuy chỉ là kết quả bước đầu, nhưng đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Đặc biệt, không chỉ Hội Đông y của huyện mà Hội Đông y của tỉnh Lạng Sơn cũng đã tìm đến để học tập, trao đổi kinh nghiệm trong việc bảo tồn và phát triển cây thuốc quý tại địa phương”.

Mô hình trồng và phát triển cây dược liệu của cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần bảo tồn nguồn gen quý, đem lại nguồn nguyên liệu phục vụ và chế biến, sản xuất các loại thuốc đông y phục vụ việc chăm sóc sức khỏe người dân. Trong 2 năm vừa qua, Hội Đông y Việt Nam đã tặng Bằng khen cho cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Quân vì có thành tích trong xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Hội Đông y Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét