Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. 

Chiều 29/8, tại Hà Nội, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn làm việc với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khảo sát kết quả 20 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” (Chỉ thị 42-CT/TW).

Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Kim Đồng. Bên cạnh đó, trong hệ thống tổ chức của Đoàn, còn quản lý Nhà Xuất bản trẻ thuộc Thành đoàn TP Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong 20 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW nghiêm túc, hiệu quả. Chỉ đạo các nhà xuất bản tổ chức nghiên cứu, quán triệt, học tập Chỉ thị gắn với nhiệm vụ chuyên môn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị; xác lập các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết trong chương trình, kế hoạch công tác năm. Chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường tuyên truyền về Chỉ thị; đồng thời xây dựng các ấn phẩm truyền thông lan toả trong các cấp bộ đoàn.

 Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát biểu.

Ban Bí thư Trung ương Đoàn tạo mọi điều kiện để hỗ trợ cho các nhà xuất bản có điều kiện tốt nhất trong hoạt động. Hỗ trợ, tạo điều kiện về cơ sở vật chất, trụ sở làm việc; ban hành văn bản chỉ đạo về tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh thiếu nhi đọc sách, báo của Đoàn, Đội. Các ban khối phong trào, cơ quan báo chí của Trung ương Đoàn thường xuyên phối hợp với 2 nhà xuất bản biên soạn sách chuyên đề phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia, đề án mà Trung ương Đoàn được giao thực hiện một số nhiệm vụ.

Trong những năm qua, nội dung các xuất bản phẩm tại các đơn vị xuất bản thuộc Trung ương Đoàn luôn giữ đúng định hướng chính trị, bảo đảm tính khoa học, đại chúng, đáp ứng nhu cầu bạn đọc. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, kỹ năng sống…; phục vụ kịp thời, có hiệu quả những sự kiện trọng đại của đất nước, của Đoàn, Hội, Đội phù hợp với thị hiếu bạn đọc, thu hút đông đảo thanh thiếu nhi quan tâm. Song song với việc đẩy mạnh công tác biên soạn sách trong nước, các Nhà Xuất bản đã đầu tư mua bản quyền nhiều bộ sách có giá trị từ các nhà xuất bản lớn của nước ngoài, mở rộng đối tượng bạn đọc cho lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo và các bậc phụ huynh, đáp ứng được nhu cầu giáo dục sớm và toàn diện về các mặt kỹ năng sống, nâng cao tri thức và thẩm mĩ, đồng thời giúp các em được thụ hưởng những sản phẩm trí tuệ cao… Nhà Xuất bản Kim Đồng đã ra mắt độc giả thương hiệu sách Wings Books, tạo dấu ấn với độc giả với các xuất bản phẩm về hướng nghiệp, kĩ năng sống, nhận diện bản thân.... Nhiều xuất bản phẩm thường xuyên được tái nối bản và đạt nhiều giải thưởng về sách của các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong 20 năm (từ năm 2004 đến nay), số lượng sách của Nhà xuất bản Kim Đồng đạt gần 327 triệu bản in, doanh số luôn thuộc top 3 các Nhà xuất bản trong cả nước.

Tại buổi làm việc, đa số các thành viên đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao hoạt động của các nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn trong thời gian qua. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các nhà xuất bản này, các đại biểu cho rằng các nhà xuất bản cần chủ động hơn nữa trong công tác liên doanh, liên kết, nhất là liên kết quốc tế; đổi mới, nâng cấp, hiện đại hoá cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ tốt nhất cho công tác xuất bản và phát hành sách, đặc biệt cần thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của các nhà xuất bản…

 Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương) phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, khẳng định: Các ý kiến phát biểu rất sâu sắc, xác đáng. Những gợi ý sâu sắc của các thành viên trong Đoàn khảo sát là cơ hội rất tốt để Ban Bí thư Trung ương Đoàn thực hiện tốt hơn nữa chức năng cơ quan chủ quản xuất bản; cũng như các nhà xuất bản của Đoàn thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh, tôn chỉ, mục đích của mình, tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian qua, khắc phục những tồn tại, hạn chế; xác lập tầm nhìn chiến lược, hệ thống giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các nhà xuất bản của Trung ương Đoàn nói riêng, hệ thống xuất bản của Đoàn nói chung trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phan Xuân Thủy,  Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả đạt được của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong tổ chức, thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW. Đồng chí khẳng định: Trong 20 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã thể hiện rõ vai trò cơ quan chủ quản trong lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động xuất bản nói chung, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW nói riêng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW nghiêm túc, hiệu quả; thường xuyên chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài chính của các nhà xuất bản trực thuộc theo quy định của pháp luật; chú trọng công tác nhân sự; quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ các nhà xuất bản tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ...

Bên cạnh những kết quả đạt được, đồng chí Phan Xuân Thủy cũng chỉ rõ những hạn chế như: Năng lực, hiệu quả hoạt động của hai nhà xuất bản trực thuộc Trung ương Đoàn còn có sự chênh lệch. Tại Nhà xuất bản Kim Đồng, việc mở rộng mạng lưới phát hành sách chưa được như kì vọng; công tác chuyển đổi số còn chậm; công tác dịch thuật để tổ chức giới thiệu các ấn phẩm bằng tiếng Anh chưa thật sự có dấu ấn rõ nét, đặc biệt là với sách văn học, nghệ thuật. Nhà xuất bản Thanh niên còn thiếu sự chủ động trong tham gia thị trường xuất bản, sách phục vụ thanh thiếu niên, thế hệ trẻ còn thiếu đa dạng về đề tài; hình thức, nội dung sách chậm đổi mới; chưa mạnh dạn đầu tư cho xuất bản điện tử, hiệu quả kinh doanh chưa cao...

Để phát huy những ưu điểm, kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, đồng chí Phan Xuân Thủy yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động xuất bản trong tình hình mới; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản; tạo sự chuyển biến rõ nét, tích cực, sâu sắc và toàn diện của hoạt động xuất bản, in và phát hành của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trung ương Đoàn cần lãnh đạo, chỉ đạo nhà xuất bản tiếp tục phát triển, giữ vững thương hiệu nhà xuất bản hàng đầu dành cho đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng, điểm sáng của ngành xuất bản; tiếp tục sáng tạo, đổi mới, cho ra mắt thêm nhiều xuất bản phẩm có giá trị tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, văn hóa, đạo đức và khoa học, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp; nâng cao nhận thức, bồi đắp tinh thần khởi nghiệp, khát vọng cống hiến, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng tầng lớp thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Quang cảnh buổi làm việc. 

Đồng chí Phan Xuân Thủy cũng đề nghị Trung ương Đoàn lãnh đạo, chỉ đạo các nhà xuất bản tiếp tục quan tâm triển khai các nghị quyết, chỉ thị, nghiên cứu có chế độ, chính sách đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực; phát huy thế mạnh nhà xuất bản để tiếp tục tham gia sâu vào xuất bản điện tử; đầu tư công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp xu hướng phát triển của thời đại; quan tâm hợp tác quốc tế, đầu tư mua bản quyền các bộ sách có giá trị kiến thức từ các nhà xuất bản trên thế giới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, đặc biệt là các bạn đọc trẻ tuổi - đối tượng cần được ưu tiên tiếp xúc, thụ hưởng nguồn tri thức toàn cầu, bảo đảm cho hoạt động của các nhà xuất bản không ngừng phát triển, kỳ vọng theo kịp khu vực và quốc tế.

Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức và phát triển mạng lưới phát hành xuất bản phẩm đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và miền núi; đáp ứng nhu cầu đọc của mọi đối tượng thanh thiếu niên, nhi đồng trên mọi miền Tổ quốc. Tiếp tục phát huy thế mạnh của nhà xuất bản trong việc xây dựng, triển khai các tủ sách, cuộc thi viết sách, chương trình quảng bá sách, hoạt động thiện nguyện trao tặng sách; quan tâm, đầu tư phát triển văn hóa đọc, đáp ứng nhu cầu đọc sách, tiếp cận, mở mang kiến thức của các đối tượng độc giả.

Quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, người làm xuất bản vững vàng về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.