Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đang được lấy ý kiến và nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội.
Trong đó, đáng chú ý, Bộ Công an đề xuất hạ thấp mức phạt tiền so với Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) đối với hành vi vi phạm về nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililit máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở, để phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.
Cụ thể, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (hiện phạt từ 6 - 8 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng).
Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở (hiện phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng; tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng).
Đồng tình với đề xuất trên, nhiều đại biểu Quốc hội và người dân cho rằng quy định trên mang tính nhân văn, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, phong tục tập quán và điều kiện kinh tế của đại đa số người dân lao động. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, vùng núi, nơi có một bộ phận người dân ít hiểu biết, cộng thêm văn hóa làng xóm, phong tục tập quán hay tụ tập, liên hoan dễ vi phạm nồng độ cồn nhưng ở mức thấp, trong khi khu vực này lại hiếm có các phương tiện công cộng, xe dịch vụ, khiến nhiều trường hợp uống rượu nhưng vẫn phải đi xe máy.
Theo chuyên gia y tế, việc sử dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe và nồng độ cồn càng cao sẽ càng có nguy cơ gây tai nạn giao thông. Thực tế, nhóm người vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp (nồng độ cồn trong máu dưới 0,05 miligam/1 lít khí thở), thì nguy cơ gây tai nạn rất thấp. Do đó, mức xử phạt ở nhóm này giảm là hợp lý.
Song nhiều ý kiến cho rằng, khi ý thức chấp hành giao thông của một số người dân còn chưa cao, đường sá chưa hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, việc có nồng độ cồn trong máu cũng làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông. Thế nên, với mong muốn bảo vệ sức khỏe tối đa người dân, việc cấm tuyệt đối rượu bia khi tham gia giao thông là phù hợp.
Giải trình vấn đề này, cơ quan soạn thảo khẳng định, đề xuất giảm mức phạt tiền với mức vi phạm nồng độ cồn thấp nhất là hợp lý, phù hợp với thực tiễn hiện nay. Mặt khác, đề xuất giảm nhẹ mức xử phạt không gây mâu thuẫn với quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn trước đó. Bởi mục đích cuối cùng của việc xử phạt là nâng cao ý thức, thói quen tuân thủ pháp luật, hướng đến sự an toàn khi tham gia giao thông của người dân, cũng như đảm bảo tài sản, tính mạng của họ.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu việc thay đổi hình thức phạt không có nghĩa nương nhẹ cho người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế đến mức thấp nhất khi người dân luôn có ý thức tuân thủ chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Bởi cơ quan quản lý có rất nhiều hình thức phạt bổ trợ, kết hợp nhằm đảm bảo quy định nồng độ cồn bằng 0 khi tham gia giao thông được thực thi một cách nghiêm túc. Đề xuất mới thay đổi mức phạt tiền, bổ sung hình thức trừ điểm trên giấy phép lái xe cũng là biện pháp xử phạt thích đáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét